Hệ thống pháp luật

BAN BIÊN GIỚI CỦA CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 726-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1956 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÁCH LÀM VIỆC GIỮA UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC VÀ CÁC VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG PHỦ

Trong khi đợi có một bản điều lệ chung  quy định quyền hạn nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương, nay tạm thời quy định cách làm việc giữa Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và các Văn phòng Thủ tướng phủ như sau:

I.- LÀM KẾ HOẠCH

Theo điều 1 nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 11 năm 1955: “Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng với các Bộ và các Cơ quan địa phương làm kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn để phát triển kinh tế và văn hoá và trình những kế hoạch này lên Hội đồng Chính phủ  phê chuẩn”.

a) Uỷ ban Kế hoạch là cơ quan chuyên trách làm kế hoạch và trực tiếp với Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tiến hành công việc. Uỷ ban kế hoạch làm việc thẳng với các Bộ và các địa phương xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng quý cho toàn quốc hoặc từng ngành, từng địa phương, rồi đưa lên Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

b) Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Uỷ ban kế hoạch có thể phối hợp  với các Văn phòng Chủ nhiệm Thủ tướng Phủ để trao đổi tài liệu, ý kiến.

II.- PHỔ BIẾN KẾ HOẠCH

Công việc phổ biến kế hoạch gồm có hai loại:

1.- Việc phổ biến kế hoạch trong cán bộ các ngành, các cấp và cho những người thực hiện kế hoạch.Uỷ ban kế hoạch Nhà nước  sẽ căn cứ vào chỉ thị chung của Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc chỉ đạo việc phổ biến kế hoạch Nhà nước cho kịp thời  và thấu đáo trong toàn thể cán bộ và những người sản xuất.

2.- Việc tuyên truyền giải thích trong nhân dân do cơ quan tuyên truyền của Chính phủ chịu trách nhiệm, cơ quan tuyên tuyền sẽ căn cứ vào yêu cầu, ý kiến và tài liệu của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để tiến hành việc này.

III.- CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

A.- VIỆC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:

 đòi hỏi Chính phủ nắm tình hình, và ra những chính sách, chủ trương, nghị quyết, mệnh lệnh cần thiết để bảo đảm thực hiện kế hoạch. Giúp đỡ Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc này, chủ yếu là do các Chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng Phủ phụ trách.

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ của mình sẽ đề xuất vấn đề,  tham gia ý kiến với Thủ tướng Phủ hoặc do ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch, hoặc do sự yêu cầu của Thủ tướng Phủ. Như về các vấn đề liên quan đến mức và thời gian của kế hoạch( làm thay đổi các chỉ số của kế hoạch) các vấn đề chính sách, nguyên tắc lớn có liên quan đến việc chấp hành những nhiệm vụ  lớn của kế hoạch thì Uỷ ban Kế hoạch sẽ tham gia ý kiến với Thủ tướng Phủ.

Về các vấn đề quyết định những biện pháp cụ thể để thi hành kế hoạch, giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều Bộ, triệu tập các Bộ họp để phối hiệp, điều hoà công tác... thì không nhất thiết Uỷ ban Kế hoạch phải tham gia ý kiến. Nhưng trong lề lối làm việc, có  thể có chế độ thông báo tình hình giữa Thủ tướng Phủ và Uỷ ban Kế hoạch để hai bên điều biết được công tác chung.

Theo nguyên tắc và cách làm việc trên đây, mọi vấn đề thuộc về thực hiện kế hoạch, các Bộ và  các địa phương đều thỉnh thị Thủ tướng Phủ, rồi Thủ tướng Phủ tuỳ vấn đề mà hỏi ý kiến Uỷ ban Kế hoạch. Riêng những vấn đề mà Bộ hoặc địa phương xét có quan hệ đến Uỷ ban Kế hoạch thì gửi bản sao công văn đã gửi lên Thủ tướng Phủ cho Uỷ ban Kế hoạch.

B- VẤN ĐỀ KIỂM TRA THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:

Phân biệt tính chất, mục đích, nội dung kiểm tra của Thủ tướng Phủ và của Uỷ ban Kế hoạch:

1.- Sự kiểm tra của Uỷ ban kế hoạch là sự kiểm tra của cơ quan chủ yếu phụ trách đặt kế hoạch, chứ không phụ trách chỉ đạo thực hiện. Do đó mà:

a) Nó không tiến hành thường xuyên, nó tiến hành theo từng hạng nhất định (hàng tháng, ba tháng, sáu tháng....)khi xét cần nó có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, nhưng đó là sự kiểm tra bất thường không phải là sự kiểm tra thường xuyên hằng ngày.

b) Mục đích của nó là kiểm tra sự thực hiện các chỉ số, các thời hạn các tiêu chuẩn ghi trong kế hoạch hoặc không ghi trong kế hoạch nhưng đã dùng làm cơ sở để đặt kế hoạch. Khi phân tích nguyên nhân vì sao đạt được hoặc không đạt được kế hoạch, nó có thể đề cập đến mọi vấn đề khác thuộc về chính sách, tổ chức, cán bộ v.v... và đưa ra những đề nghị để giải quyết, nhưng mục đích chủ yếu của nó không phải là kiểm tra các vấn đề này.

c) Trong việc kiểm tra, trừ khi có uỷ nhiệm đặc biệt thì Uỷ ban kế hoạch không giải quyết , không ra chỉ thị mà chỉ có thể đưa nhận xét và kiến nghị cho cấp  trực tiếp lãnh đạo cho các Bộ, cho Thủ tướng hoặc cho Hội đồng Chính phủ.

2.- Sự kiểm tra của Thủ tướng ( qua các Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng  phủ hoặc Ban Thanh tra trung ương) là sự kiểm tra của cơ quan chỉ đạo thực hiện kế hoạch (cũng như chỉ đạo mọi công tác khác). Do đó mà:

a) Nó phải tiến hành thường xuyên, vì kiểm tra là một khâu rất trọng yếu trong toàn bộ các công tác trong cơ quan lãnh đạo. Yêu cầu của nó là phải biết kịp tình hình  thực hiện kế hoạch.

b) Mục đích của nó là kiểm tra thực hiện kế hoạch và mọi vấn đề có liên quan đến sự thực hiện kế hoạch chính sách, chủ trương, biện pháp, con số, thời hạn, tiêu chuẩn, tổ chức, cán bộ v.v...

Đó là nói về nguyên tắc. Trên thực tế, để tránh cho địa phương bị nhiều lần kiểm tra để lợi thì giờ và cán bộ, thì đối với những việc mà Uỷ ban Kế hoạch đã kiểm tra rồi, Thủ tướng phủ sẽ không làm trúng nữa.

c)  Sau khi kiểm tra, Thủ tướng (qua các Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Phủ hoặc Ban Thanh tra trung ương) có thể ra những chỉ thị cần thiết cho các ngành sở quan.

C.- VIỆC BÁO CÁO CỦA CÁC BỘ VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG:

Báo cáo thường gồm ba phần sau đây :

1.- Tình hình chính trị chung như: tình hình nhân dân, tình hình địch, v.v....

2.- Báo cáo sự thực hiện nhiệm vụ công tác, tức là báo cáo nội dung hoạt động của mình, bằng những bản thống kê (mẫu các bản này, số lượng các bản này cũng như thời hạn làm các bản này sẽ do Cục Thống kê trung ương làm dự thảo trình Hội đồng Chính phủ duyệt).

3.- Kiềm thảo sự lãnh đạo .

Hai phần đầu phải gửi cho Thủ tướng phủ cũng như Uỷ ban Kế hoạch và Cục Thống kê trung ương. Phần thứ ba về nguyên tắc chỉ cần gửi cho Thủ tướng phủ. Nhưng xét vì Uỷ ban Kế hoạch cũng cần biết tình hình lãnh đạo, nên có thể gửi cho Uỷ ban Kế hoạch luôn.

Do đó, về nguyên tắc, báo cáo cho Thủ tướng phủ và cho Uỷ ban Kế hoạch khác nhau, nhưng trong thực tế nên thống nhất, chỉ làm một lần, gửi hai nơi. Ngoài ra, Thủ tướng phủ khi cần thì đòi các nơi làm báo cáo đặc biệt về bất kỳ vấn đề gì.Uỷ ban Kế hoạch khi cần có thể yêu cầu các nơi báo cáo về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện kế hoạch.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 726-TTg năm 1956 về cách làm việc giữa ban Kế hoạch Nhà nước và các văn phòng Chủ tịch nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 726-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/04/1956
  • Nơi ban hành: Ban Biên giới của Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản