Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 55/2014/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

Căn cứ Nghị định 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNN&PTNT-BTNMT ngày 28/10/2011 của liên Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, gồm các nội dung sau:

a) Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải;

b) Xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn;

c) Chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang;

d) Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức dịch vụ môi trường cấp xã là tổ chức làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và các dịch vụ về môi trường được thành lập theo các quy định hiện hành và hoạt động theo quy chế do Ủy ban nhân dân xã quy định.

2. Chất thải hữu cơ: Là chất thải có nguồn gốc từ thực phẩm, phân gia súc, rau, củ, quả... Chất thải vô cơ là các loại chất thải còn lại.

3. Khu sản xuất tập trung là khu chuyên sản xuất hàng hóa và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất, có ranh giới địa lý xác định.

4. Ao, hồ sinh thái là ao, hồ đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái cảnh quan, mang đến các lợi ích cho cuộc sống con người, cũng như cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, cải tạo tiểu khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường.

5. Nước thải sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các trang trại chăn nuôi.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, thi công hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng phải được thực hiện trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được phê duyệt theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT ngày 28/10/2011 của liên Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

2. Nguyên tắc xây dựng và vận hành bảo dưỡng các công trình bảo vệ môi trường trong Chương trình (thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải, cải tạo và chỉnh trang nghĩa trang...): Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương, nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn, ban hành các chính sách và hỗ trợ một phần nguồn vốn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.

3. Thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong Chương trình, vận động và tổ chức người dân, tạo cơ sở pháp lý để huy động sự tham gia đóng góp tích cực và nhiều mặt của mọi thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư trong đầu tư vốn, thi công xây lắp, sản xuất thiết bị phụ tùng, các dịch vụ sửa chữa và quản lý vận hành. Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong Chương trình. Ngoài nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các địa phương huy động các nguồn trợ cấp và tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình quốc gia đã được Chính phủ ban hành, đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và cơ chế chính sách đã quy định.

Chương II

XÂY DỰNG, CẢI TẠO NÂNG CẤP HỆ THỐNG TIÊU THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI

Điều 4. Yêu cầu về hệ thống tiêu thoát nước

1. Các điểm dân cư tập trung của thôn, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt (sau đây gọi là hệ thống thoát nước). Hệ thống thoát nước phải đảm bảo quy định tại QCVN 14:2009/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng nông thôn, cụ thể:

a) Tối thiểu phải thu gom đạt 80% lượng nước cấp để xử lý;

b) Đối với các khu vực trung du, miền núi, khu vực dân cư không tập trung cho phép giảm chỉ tiêu thu gom nước thải sinh hoạt đạt 60% lượng nước cấp để xử lý;

c) Đối với các vùng dân cư sống phân tán, không có hệ thống thoát nước, các hộ gia đình tự chịu trách nhiệm thu gom và xử lý nước thải.

2. Hệ thống thoát nước được xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp đảm bảo tính đồng bộ, kết nối với mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật khác như: đường giao thông nông thôn, các công trình xử lý nước thải tập trung hay phân tán.

Điều 5. Nguyên tắc và yêu cầu xử lý nước thải

1. Nguyên tắc xử lý nước thải:

Việc xử lý nước thải phải phù hợp với điều kiện các vùng nông thôn: công nghệ đơn giản; chi phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp; quản lý vận hành đơn giản, dễ thực hiện; ngoài ra, công nghệ cần đảm bảo khả năng xử lý đa dạng đáp ứng các đặc trưng nước thải khác nhau về lưu lượng và thành phần.

2. Yêu cầu xử lý nước thải:

a) Nước thải sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: thu gom và xử lý đảm bảo giá trị tối đa của các thông số ô nhiễm trong nước thải không vượt quá giới hạn cho phép quy định trong các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường;

b) Nước thải chăn nuôi hộ gia đình: thu gom, xử lý bằng các hình thức hầm biogas, hố ga lắng cặn, ao sinh học...trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường;

c) Nước thải sinh hoạt: thu gom, xử lý bằng các hình thức bể tự hoại, hố ga lắng cặn trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường.

Điều 6. Xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải

1. Hệ thống thoát nước hiện có: cải tạo, nâng cấp đảm bảo yêu cầu thoát nước cho toàn khu vực.

2. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải xây dựng mới: thực hiện theo thiết kế được phê duyệt.

3. Quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải:

a) Trong phạm vi nội bộ của hệ thống thoát nước và xử lý nước thải: chủ sử dụng tự quản lý, thu gom và xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường;

b) Quản lý chung hệ thống thoát nước và xử lý nước thải: các thôn và xã tổ chức quản lý vận hành với mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Chương III

THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN

Điều 7. Yêu cầu phân loại chất thải rắn

1. Đối với các công trình công cộng ở nông thôn (trường học, chợ, cơ quan, trạm y tế, công trình văn hóa - thể thao - tôn giáo và các công trình công cộng khác) bố trí địa điểm, dụng cụ lưu chứa để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ và chất thải rắn nguy hại tại nguồn.

2. Đối với hộ gia đình: thu gom bằng các dụng cụ phù hợp để phân loại rác ngay tại hộ gia đình theo quy định của đơn vị thu gom chất thải rắn; khuyến khích việc chôn lấp hợp vệ sinh các loại rác hữu cơ có thể phân hủy tại khuôn viên các hộ gia đình.

3. Đối với chất thải rắn từ hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ: các cơ sở phải phân loại, xử lý sơ bộ và hợp đồng với tổ chức dịch vụ môi trường vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Điều 8. Yêu cầu về điểm thu gom, tập kết chất thải rắn

1. Đối với điểm thu gom

a) Có thùng chứa nhiều ngăn hoặc có thùng để chứa riêng từng loại rác. Trường hợp bố trí khu đất làm điểm thu gom chất thải rắn, khu đất phải có hàng rào bao quanh, được phân chia để thu gom riêng từng loại rác, hạn chế gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh;

b) Thuận lợi giao thông;

c) Thời gian thu gom rác đến các bãi tập kết rác đáp ứng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.

2. Đối với điểm tập kết

a) Cách ly khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường đến các khu dân cư, đến nguồn nước sinh hoạt;

b) Không nằm trong khu vực có khả năng ngập nước;

c) Thuận lợi về giao thông để vận chuyển rác hàng ngày.

3. Đối với điểm thu gom, tập kết chất thải rắn đã có

a) Sử dụng thùng chứa nhiều ngăn, xe chuyên chở rác để thu gom và tập kết chất thải;

b) Trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định, bố trí điểm thu gom tập kết mới đảm bảo các yêu cầu tại Khoản 2, Điều này.

Điều 9. Yêu cầu về vận chuyển chất thải rắn

1. Xe vận chuyển rác từ nơi tập kết đến nơi xử lý được che, đậy để không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.

2. Các đơn vị thu gom rác khi tiến hành thu gom, vận chuyển cần có phương tiện thu gom phù hợp theo quy định của địa phương.

3. Việc vận chuyển chất thải rắn được thực hiện thường xuyên, thời gian lưu trữ chất thải rắn đáp ứng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng.

Điều 10. Yêu cầu xử lý chất thải rắn

1. Xử lý theo hình thức chôn lấp. Các bãi chôn lấp chất thải rắn ở xã nông thôn mới không có hệ thống thu gom rác thải chung của huyện, thành phố, ngoài các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này còn phải đáp ứng yêu cầu sau:

a) Đảm bảo quy mô sức chứa ít nhất 10 năm;

b) Nằm trong quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có hàng rào cách ly với khu dân cư xung quanh;

d) Không có hiện tượng nước chảy tràn ra khỏi khu xử lý;

đ) Nước thải ra xung quanh đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 25:2009/BTNMT về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn.

2. Đối với xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt: khí thải từ lò đốt đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2010/BTNMT về khí thải lò đốt công nghiệp. Sản phẩm sau khi đốt phải có biện pháp xử lý phù hợp đảm bảo yêu cầu môi trường.

3. Việc xử lý chất thải rắn phải đảm bảo quy trình kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Khu xử lý chất thải rắn áp dụng cả 2 hình thức chôn lấp và đốt thì phải được phân thành 2 khu riêng biệt.

Điều 11. Thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại

1. Hộ gia đình thu gom chất thải nguy hại để vào nơi quy định.

2. Việc vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định quản lý chất thải nguy hại.

Điều 12. Quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn

1. Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm quản lý, xây dựng, các điểm thu gom, vận chuyển hoặc xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các xã sử dụng các hình thức như thành lập các tổ, đội, hộ kinh doanh dịch vụ, hợp tác xã, doanh nghiệp môi trường để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xác định kinh phí thu gom và xử lý chất thải rắn để tự tổ chức thu gom chất thải rắn tại các địa bàn thôn, xã mình hoặc liên thôn, liên xã.

3. Quy chế hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn do Ủy ban nhân dân xã phê duyệt và giám sát thực hiện.

4. Các hộ gia đình tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom phải thực hiện xử lý chất thải theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải ra đường, ao hồ, sông suối, kênh rạch.

Chương IV

QUẢN LÝ, CHỈNH TRANG VÀ CẢI TẠO NGHĨA TRANG

Điều 13. Yêu cầu về chỉnh trang và cải tạo nghĩa trang

1. Việc chỉnh trang, cải tạo các nghĩa trang phải nằm trong quy hoạch được phê duyệt.

2. Xây dựng mộ và các công trình khác trong nghĩa trang phải được sự chấp thuận của Ban quản lý nghĩa trang và đảm bảo thực hiện theo quy hoạch nghĩa trang hoặc quy chế quản lý nghĩa trang đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nghĩa trang do làng, thôn trực tiếp quản lý phải thực hiện theo quy ước của làng, thôn.

3. Kiến trúc, cảnh quan môi trường nghĩa trang

a) Hình thức kiến trúc mộ, bia mộ phải phù hợp với văn hóa và điều kiện của địa phương;

b) Bố trí mặt bằng thuận tiện cho quy trình tổ chức lễ tang, đảm bảo thông thoáng, tự nhiên, không bị úng ngập và rò rỉ nước của nghĩa trang ra khu vực xung quanh;

c) Trồng cây xanh, hàng rào, bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng được bố trí thuận tiện với điều kiện của từng khu vực và địa phương.

4. Thu gom và xử lý chất thải của nghĩa trang

a) Nghĩa trang phải có hệ thống cấp thoát nước đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước mặt, nước thải phải đảm bảo tiêu thoát nước, tránh ngập úng;

b) Rác thải ở nghĩa trang được thu gom và chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường;

c) Chất thải liên quan đến người chết do mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thi hài đã bị thối rữa được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế lây nhiễm.

5. Tùy theo đặc điểm văn hóa, truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc, có các hình thức mai táng khác phù hợp và phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, môi trường được cơ quan có thẩm quyền của địa phương xem xét, quyết định.

Điều 14. Quản lý nghĩa trang

1. Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm tổ chức quản lý nghĩa trang đối với nghĩa trang của xã (bao gồm cả làng, xóm); các nghĩa trang khác theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chôn cất tập trung trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; khuyến khích, tuyên truyền, vận động người dân hỏa táng hợp vệ sinh ở những địa phương có điều kiện.

3. Nghĩa trang phải được quản lý theo quy chế quản lý được cộng đồng có ý kiến trước khi trình chính quyền địa phương ban hành. Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo nghĩa trang phải căn cứ vào quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được duyệt đảm bảo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

4. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang thực hiện nghiêm quy chế quản lý nghĩa trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Ban quản lý nghĩa trang cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo quy định.

Chương V

CẢI TẠO, XÂY DỰNG AO, HỒ SINH THÁI, PHÁT TRIỂN CÂY XANH

Điều 15. Yêu cầu đối với hệ thống ao, hồ sinh thái, cây xanh

1. Hệ thống ao, hồ sinh thái trong khu dân cư đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch được phê duyệt;

b) Tạo mặt bằng thoáng, điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan đẹp;

c) Có khả năng phát triển chăn nuôi, thủy sản, tạo nguồn lợi kinh tế;

d) Chất lượng nước trong ao, hồ nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 38:2011/BTNMT về yêu cầu chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh.

2. Hệ thống cây xanh trong các xã nông thôn mới đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch được phê duyệt;

b) Không gian xanh trong nông thôn mới được gắn kết với nhau bằng dải cây xanh liên tục trên các đường liên xã, liên thôn và nội đồng.

Việc trồng cây không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không làm hư hại đến các công trình của nhân dân và các công trình công cộng (không trồng cây dễ đổ, gãy); không gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường (không tiết ra chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người); không trồng các loài cây thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại theo quy định;

c) Diện tích cây xanh phải đảm bảo bằng hoặc lớn hơn 2m2/người, ưu tiên trồng cây xanh ở các địa điểm công cộng như: trụ sở xã, nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa thể thao, các chợ, cửa hàng dịch vụ.

Điều 16. Cải tạo, xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống ao, hồ sinh thái, hệ thống cây xanh

1. Đối với hệ thống ao, hồ sinh thái

a) Cải tạo, xây dựng hệ thống ao, hồ tại địa bàn xã thực hiện theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa vào sử dụng cho mục đích công cộng;

b) Việc nạo vét, tu bổ ao, hồ được thực hiện thường xuyên, nhằm tạo không gian, cảnh quan sinh thái và điều hòa môi trường tại địa phương;

c) Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm quản lý hệ thống ao, hồ trên địa bàn xã;

d) Việc sử dụng ao, hồ phải tuân theo quy chế và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã;

2. Đối với hệ thống cây xanh

a) Cải tạo, xây dựng hệ thống cây xanh, được thực hiện theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích cây xanh trên địa bàn xã, phân công cán bộ kiểm tra, giám sát, theo dõi thực hiện kế hoạch trồng và chăm sóc cây hàng năm;

c) Việc trồng, khai thác các sản phẩm cây xanh hàng năm được thực hiện theo quy chế được xã ban hành trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp huyện;

d) Không chặt phá, khai thác, sử dụng cây xanh trái với quy định.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Phân công trách nhiệm

1. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện các cơ chế chính sách và hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

b) Hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tổ chức, tuyên truyền, hướng dẫn các cấp chính quyền, cơ sở triển khai thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương;

b) Kiểm tra, chỉ đạo, theo dõi, giám sát, báo cáo đánh giá tổng hợp các hoạt động bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù ở địa phương mình để khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2015.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Website Chính phủ, Website Bộ NN & PTNT;
- Công báo Chính phủ;
- Lưu: VT, KHCN.(80 bản)

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 55/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn triển khai hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 55/2014/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 181 đến số 182
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản