Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53-NV/TT

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 35-CP NGÀY 9-9-1960 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN MẤT TÍCH.

Do hoàn cảnh chiến trường chia cắt và tình hình chiến đấu phân tán của quân nhân ta trong nhiều năm kháng chiến trước đây, có một số quân nhân mất tin mất tích đến nay đã nhiều lần điều tra tìm kiếm mà chưa xác nhận được nguyên nhân. Để những gia đình quân nhân này được yên tâm trong khi công việc điều tra về từng trường hợp vẫn tiếp tục tiến hành, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 35-CP ngày 9-9-1960 quy định các khoản ưu đãi gia đình quân nhân mất tin, mất tích.

Thông tư này giải thích chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên.

I. GIẢI THÍCH VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP MẤT TIN MẤT TÍCH

a) Quân nhân mất tích mà gia đình được hưởng các khoản ưu đãi nói trong thông tư này là: Những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt nam và các Đội vũ trang có trước ngày thành lập Quân đội như Giải phóng quân, Du kích Ba tơ…, những công nhân quân giới Nam bộ, Liên khu 5 trong thời ký kháng chiến vẫn hưởng các chế độ như Quân đội, bị mất tin mất tích trong khi chiến đấu hay thừa hành công vụ trong thời kỳ kháng chiến, tới nay vẫn không biết rõ còn sống hay chết.

Ngoài ra, những cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị Công an vũ trang tổ chức trong thời kỳ kháng chiến như: Công an trật tự vũ trang, Công an xung phong, Bộ đội cảnh vệ ở Bắc và Trung bộ, Quốc vệ đội ở Nam bộ, bị mất tin mất tích trong khi chiến đấu hay thừa hành công vụ trong thời kỳ kháng chiến, gia đình cũng được hưởng các khoản ưu đãi nói trong thông tư này.

b) Những trường hợp sau đây không coi là quân nhân mất tích và không thuộc phạm vi giải quyết của thông tư này:

- Dân quân, du kích, tự vệ, công an bán vũ trang, cán bộ công nhân viên chức mất tin mất tích;

- Quân nhân đã đầu hàng theo địch rồi mất tin mất tích;

- Quân nhân đào ngũ, giải ngũ, nghỉ dài hạn rồi mất tin mất tích;

- Quân nhân còn tại ngũ bị địch bắt, biết rõ đã đầu hàng làm tay sai cho địch;

- Quân nhân có giấy báo mất tích nhưng nay biết rõ là còn sống;

- Những người mất tin mất tích…, chỉ nghe tin tòng quân mà không có giấy tờ hoặc đồng đội chứng nhận là chính thức tòng quân.

Mỗi trường hợp được xác nhận là quân nhân mất tin mất tích, để thực hiện chính sách ưu đãi đối với gia đình, phải có giấy báo mất tích của đơn vị quân đội, cảnh vệ, công an vũ trang.

Nếu không có giấy báo mất tích như trên, phải được nhân dân và Uỷ ban Hành chính xã, khu phố, nơi sinh quán hoặc trú quán xác nhận là đã gia nhập các lực lượng vũ trang nói trên, từ ngày hoà bình lập lại tới nay không có tin tức gì, không biết còn sống hay chết, và được Tỉnh đội hay Ty Công an địa phương xác minh công nhận là đúng và cấp giấy chứng nhận mất tích.

II. GIẢI THÍCH VỀ GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN MẤT TÍCH VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CỤ THỂ.

1. Gia đình quân nhân mất tích:

Gia đình quân nhân mất tích chỉ kể những thân nhân chủ yếu của quân nhân, nói rõ ở điều 2 điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân:

- Vợ hay chồng (chưa lấy chồng hay vợ khác)

- Các con

- Cha mẹ đẻ

- Em ruột dưới 16 tuổi nếu không có cha mẹ.

Trường hợp không có những thân nhân kể trên thì người nào thực sự có công nuôi người quân nhân từ nhỏ đến lớn như con đẻ hoặc là người mà quân nhân có trách nhiệm phải nuôi con như ông, bà nội không còn con cháu nào khác, được nhân dân và chính quyền địa phương công nhận, cũng được coi là thân nhân chủ yếu và được hưởng các khoản ưu đãi gia đình quân nhân mất tích.

2. Chính sách ưu đãi cụ thể:

Các khoản ưu đãi gia đình quân nhân mất tích nói trong Nghị định số 35-CP ngày 9-9-1960 của Hội đồng Chính phủ và giải thích cụ thể sau đây, chỉ là ưu đãi tạm thời cho đến khi nào có tài liệu xác minh rõ người quân nhân còn sống hay chết như thế nào, lúc ấy sẽ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà giải quyết theo các chính sách thích hợp.

a) Gia đình quân nhân mất tích trong thời kỳ kháng chiến được hưởng các khoản ưu đãi nói trong điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân ban hành ở Nghị định số 980-TTg ngày 27-7-1956 của Phủ Thủ tướng, cụ thể là:

- Được tặng thưởng Bằng Gia đình vẻ vang và nếu đủ tiêu chuẩn thì được tặng thưởng Bảng vàng danh dự.

- Được nhân dân và Chính quyền địa phương giúp đỡ trong việc làm ăn sinh sống, tuỳ theo điều kiện cho phép.

- Được chiếu cố trong việc tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp, trong việc tuyển lựa học sinh vào các trường, v.v…

b) Về ưu đãi trong thế nông nghiệp, điều 3 Nghị định số 35-CP đã nói rõ: Gia đình quân nhân mất tích được tính mỗi quân nhân mất tích là một nhân khẩu thuế cho đến khi người quân nhân mất tích được chính thức xác nhận là đã hy sinh hay còn sống ở đâu, lúc đó sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà áp dụng chính sách thuế nông nghiệp đối với gia đình họ cho thích hợp.

4. Ngoài những khoản ưu đãi kể trên, gia đình quân nhân mất tích trong thời kỳ kháng chiến còn được hưởng một khoản trợ cấp quy định ở điều 4 Nghị định số 35-CP ngày 9-9-1960 giải thích cụ thể ở phần sau.

III. TRỢ CẤP GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN MẤT TÍCH

1. Mục đích ý nghĩa:

Gia đình quân nhân mất tích, do sự vắng mặt lâu ngày của quân nhân là người ruột thịt trong gia đình, ít nhiều có ảnh hưởng đến tình cảm và đời sống, cho nên Chính phủ đề ra khoản trợ cấp này nhằm mục đích:

- Giúp cho gia đình quân nhân mất tích thêm điều kiện làm ăn cải thiện đời sống.

- Thể hiện sự quan tâm săn sóc của Đảng và Chính phủ đối với những gia đình đã có những cống hiến nhất định cho sự nghiệp cách mạng của Dân tộc bảo vệ Tổ quốc.

2.Tiêu chuẩn trợ cấp:

Khoản trợ cấp gia đình quân nhân mất tích quy định ở Nghị định số 35-CP ngày 9-9-1960 của Hội đồng Chính phủ cũng như khoản trợ cấp tiền tuất cho gia đình quân nhân từ trần quy định ở Nghị định Liên bộ Thương binh - Quốc phòng – Tài chính số 149/NĐ ngày 20-10-1956, chỉ cấp từ 3 đến 6 tháng sinh hoạt phí của quân nhân tuỳ theo chức vụ và thời gian tại ngũ của quân nhân, cách tính như sau:

a) Nếu quân nhân có giấy báo mất tích ghi rõ ngày nhập ngũ và ngày mất tích, thời gian tại ngũ tính từ ngày nhập ngũ đến ngày mất tích; thời gian tại ngũ từ 3 năm trở xuống, gia đình được trợ cấp 3 tháng sinh hoạt phí. Trên 3 năm thì cứ thêm nửa năm cấp thêm nửa tháng sinh hoạt phí cho đến mức cao nhất là 6 tháng sinh hoạt phí. Những tháng lẻ chưa đủ nửa năm, nếu dưới 3 tháng không tính, từ 3 tháng trở lên coi như nửa năm và cấp thêm nửa tháng sinh hoạt phí.

b) Vì phần lớn những trường hợp quân nhân mất tích đều không có giấy báo mất tích và không biết rõ mất tích từ thời gian nào cho nên phải có sự châm chước và đơn giản cách tính, căn cứ vào năm nhập ngũ như sau:

Quân nhân mất tích không biết rõ thời gian nào nhưng được nhân dân và chính quyền địa phương xác nhận là đã nhập ngũ;

- Từ 1945 đến 1949 gia đình được trợ cấp 6 tháng sinh hoạt phí;

- Nhập ngũ năm 1950 gia đình được trợ cấp 5 tháng sinh hoạt phí;

- Nhập ngũ năm 1951 gia đình được trợ cấp 4 tháng sinh hoạt phí;

- Nhập ngũ năm 1952 đến tháng 7/1954 gia đình được trợ cấp 3 tháng sinh hoạt phí;

Những trường hợp nhập ngũ năm 1945 hay 1949 nhưng biết rõ ngày mất tích, đều phải trợ cấp theo thời gian tại ngũ nói ở trên, chứ không trợ cấp đồng loạt là 6 tháng sinh hoạt phí như cách tính thứ hai.

c) Quân nhân mất tích thuộc phạm vi giải quyết của thông tư này chỉ là những quân nhân nhập ngũ và mất tích trong thời kỳ kháng chiến, cho nên mức sinh hoạt phí để tính trợ cấp cho gia đình thống nhất là mức sinh hoạt phí của Quân đội năm 1956 cũng như mức sinh hoạt để tính trợ cấp cho gia đình quân nhân từ trần trong kháng chiến.

Tiêu chuẩn trợ cấp cụ thể như sau:

CHỨC VỤ

3 tháng sinh hoạt phí

3 tháng rưỡi

4 tháng

4 tháng rưỡi

5 tháng

5 tháng rưỡi

6 tháng

đ.

đ.

đ.

đ.

đ.

đ.

đ.

Chiến sĩ

76,86

91,26

104,30

117,32

132,62

145,88

159,15

Tiểu đội phó

79,56

94,40

107,90

121,56

137,12

150,82

161,55

Tiểu đội trưởng

82,26

97,56

111,50

125,42

141,62

155,78

169,95

Trung đội phó

86,32

102,28

115,90

131,50

148,36

169,20

178,05

Trung đội trưởng

90,36

107,00

122,30

137,58

155,12

170,62

186,15

Đại đội phó

98,86

116,10

132,70

149,28

168,12

184,92

201,75

Đại đội trưởng

102,22

120,62

138,10

155,36

174,86

192,36

209,85

Tiểu đoàn phó

135,84

160,05

182,92

205,78

230,90

253,98

277,88

Tiểu đoàn trưởng

139,88

164,78

188,32

211,86

237,65

261,40

285,18

Trung đoàn phó

147,84

174,65

196,92

223,72

250,90

275,98

301,08

Trung đoàn trưởng

153,26

180,35

206,12

231,68

259,90

285,80

311,88

Đại đoàn phó

186,54

219,20

250,52

281,82

315,40

346,94

378,48

Đại đoàn trưởng

193,14

226,90

259,32

291,72

326,40

359,04

391,68

3. Điều kiện được trợ cấp

a) Khoản trợ cấp này chỉ trợ cấp một lần cho gia đình quân nhân mất tích do người thân nhân chủ yếu gần nhất đứng khai:

- Nếu quân nhân có vợ con thì người vợ đứng khai;

- Nếu vợ đã lấy chồng khác thì con đứng khai;

- Không có vợ con thì cha mẹ đứng khai;

- Không có cha mẹ thì em ruột hiện nay chưa đủ 16 tuổi khai;

- Không có những người thân nhân trên thì người thực sự có công nuôi quân nhân như con hoặc người mà quân nhân thực sự có trách nhiệm phải nuôi đứng khai.

b) Trường hợp quân nhân mất tích đã có vợ nhưng không có con, đời sống của người vợ ít khó khăn, mà quân nhân mất tích lại có cha mẹ già, thì cần giải thích để cha mẹ quân nhân đứng khai và nhận tiền trợ cấp.

c) Những người không đủ quyền hạn đứng khai như quy định ở trên đều không được xét trợ cấp.

d) Những trường hợp quân nhân mất tích, gia đình đã khai báo xác nhận là chết rồi và đã được trợ cấp tiền tuất một lần theo các quy định ở Nghị định Liên bộ Thương binh - Quốc phòng, Tài chính số 149-NĐ ngày 20-10-1956 và Nghị định số 1.060 –TTg ngày 27-9-1956 của Phủ Thủ tướng, thì không được xét trợ cấp nữa.

e) Khoản trợ cấp nói trong thông tư này là trợ cấp tạm thời, nhưng cũng tương đương với khoản tiền tuất cấp cho gia đình liệt sĩ quân đội thâm niên chưa quá 6 năm và quân nhân từ trần. Vì vậy, những gia đình đã được trợ cấp, sau này có sự xác nhận lại nếu người quân nhân còn sống, gia đình cũng không phải hoàn lại; nếu có tài liệu xác nhận là người quân nhân hy sinh mà khoản trợ cấp này đã cấp bằng hoặc nhiều hơn khoản trợ cấp tiền tuất thì thôi, chưa bằng thì được cấp thêm.

g) Để dễ dàng cho việc xét trợ cấp, các gia đình quân nhân mất tích phải làm các tờ khai theo thể thức hướng dẫn ở phần sau. Những trường hợp sau này phát hiện là giả mạo giấy tờ hoặc khai báo và làm chứng không đúng sự thực để được trợ cấp, người đứng khai và các người làm chứng phải liên đới chịu trách nhiệm và bồi hoàn công quỹ số tiền đã lĩnh.

IV. THỦ TỤC VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

a) Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố, có trách nhiệm phổ biến rộng rãi tinh thần thông tư này cho các Uỷ ban hành chính quận, huyện, xã, khu phố, các cơ quan, đoàn thể, các ngành, các cấp, và nhân dân địa phương, đồng thời hướng dẫn chỉ đạo thực hiện những quy định cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của mỗi ngành, mỗi cấp, như:

- Xác nhận quân nhân mất tích;

- Tặng thưởng bằng Gia đình vẻ vang;

- Ưu đãi nhân khẩu thuế nông nghiệp;

- Xét trợ cấp cho gia đình;

- v.v…

b) Đối với những trường hợp có giấy báo mất tích, cần hướng dẫn cho gia đình làm một tờ khai theo mẫu đính sau, kèm theo bản sao giấy báo mất tích có Uỷ ban hành chính xã, khu phố, hay cơ quan đơn vị chứng nhận sao như bản chính, rồi gửi các tờ khai này lên Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xét giải quyết.

c) Đối với những trường hợp không có giấy báo mất tích, cần hướng dẫn cho gia đình cũng làm tờ khai như trên đính theo một tờ khai danh dự thay giấy báo mất tích (theo mẫu hướng dẫn của Cục Quân lực Bộ Quốc phòng). Những tờ khai này phải gửi lên Tỉnh đội, nếu khai về quân nhân mất tích, gửi lên Ty Công an tỉnh, nếu khai về Công an Vũ trang mất tích. Các cơ quan này sau khi điều tra xác minh từng trường hợp cấp giấy chứng nhận mất tích rồi chuyển sang Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xét giải quyết các khoản ưu đãi cho gia đình.

Những trường hợp không thể điều tra xác minh và không được cấp giấy chứng nhận mất tích, đều không được xét giải quyết.

Việc hướng dẫn thể thức khai danh dự và điều tra xác minh cấp giấy chứng nhận mất tích như nói ở trên do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phụ trách và có văn bản riêng.

d) Trong khi xét trợ cấp, các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh thành phố, trước hết phải xét xem người quân nhân mất tích có đủ điều kiện là quân nhân mất tích để gia đình được hưởng các khoản ưu đãi như giải thích ở trên không, xét người đứng khai có đủ điều kiện được đứng khai và được trợ cấp như quy định ở trên không, tra cứu các tài liệu để xét cấp tiền tuất xem gia đình đã được trợ cấp lần nào chưa, nếu đủ mọi điều kiện được trợ cấp thì lập quyết định trợ cấp và cấp phát thanh toán như thủ tục cấp phát tiền tuất cho gia đình quân nhân từ trần.

e) Kinh phí để trợ cấp cho gia đình quân nhân mất tích do các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, dự trù tuỳ theo yêu cầu và khả năng cấp phát hàng năm, ghi vào ngân sách địa phương thống nhất với kinh phí tiền tuất cấp cho gia đình quân nhân từ trần. Riêng quý 4/1960, các địa phương không dự trù, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch đề nghị điều chỉnh và phân phối kinh phí cho các địa phương tuỳ theo khả năng cấp phát từ nay đến hết năm.

Quyết định trợ cấp cho gia đình quân nhân mất tích phải làm riêng, gửi Bộ Nội vụ một bản trước khi cấp phát 10 ngày để báo cáo, và phải vào sổ tra cứu thống nhất với sổ tra cứu tiền tuất cấp cho gia đình quân nhân từ trần, để có tài liệu theo dõi tránh cấp trùng.

Cho tới nay, hầu hết các gia đình liệt sĩ quân đội, gia đình quân nhân từ trần đều đã được trợ cấp tiền tuất, riêng các gia đình quân nhân mất tích vì phải chờ đợi có chính sách cụ thể tới nay mới được ban hành, nên thường mong mỏi và thắc mắc.

Vì vậy yêu cầu đối với các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh là cần nghiên cứu thi hành thật khẩn trương và đúng đắn tinh thần thông tư này để kịp thời ổn định tư tưởng, giải quyết thắc mắc cho các gia đình quân nhân mất tích; động viên cán bộ, quân đội và nhân dân thêm tin tưởng hăng hái tham gia xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong khi thực hiện còn gì vướng mắc, cần báo cáo về Bộ Nội vụ để có sự chỉ đạo giải quyết.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do- Hạnh phúc

MẪU

TỜ KHAI

GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN MẤT TÍCH

1. Họ tên quân nhân...................................................... , tuổi....................

Nguyên quán...............................................................................................

Trú quán.......................................................................................................

Nhập ngũ ngày................................... thuộc đơn vị......................................

Mất tin hay mất tích từ ngày:......................... trong trường hợp.....................

.....................................................................................................................

Chức vụ khi mất tích:.................................................................................

2. Họ tên người thân nhân gần nhất đứng khai..........................................

.....................................................................................................................

tuổi........................ thành phần.............................................................

Nguyên quán:........................................................................................

Trú quán:...............................................................................................

Quan hệ với quân nhân mất tích như thế nào:.....................................

...............................................................................................................

Ngoài ra quân nhân mất tích còn có những thân nhân chủ yếu khác là:

.................................................................................................................

.................................................................................................................

3. Các khoản ưu đãi đã được giải quyết:

Bảng gia đình vẻ vang ?..........................................................................

- Tiền trợ cấp ?........................................................................................

Đính theo một bản sao giấy báo mất tích hoặc một tờ khai danh dự nếu không có giấy báo mất tích.

NHẬN THỰC LỜI KHAI
Uỷ ban hành chính xã khu phố
hay cơ quan đơn vị: ________

Ngày……tháng……năm 196
Người đứng khai ký

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 53-NV/TT năm 1960 hướng dẫn Nghị định 35-CP về chính sách ưu đãi gia đình quân nhân mất tích do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 53-NV/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/10/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: 09/11/1960
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 03/11/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản