Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2011/TT-BCA-V22

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Thông tư số 32/2011/TT-BCA ngày 19/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ học tập, bồi dưỡng thường xuyên trong Công an nhân dân (Thông tư số 32/2011/TT-BCA);

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Thông tư số 139/2010/TT-BTC);

Bộ Công an quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên (đào tạo, bồi dưỡng) trong Công an nhân dân như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân, bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn và công nhân, viên chức Công an (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).

2. Phạm vi sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân:

a) Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng, phạm vi, nội dung, chương trình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng thuộc các lớp bồi dưỡng kiến thức thường xuyên theo Thông tư số 32/2011/TT-BCA và phải nằm trong chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm được lãnh đạo Bộ duyệt.

b) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hoặc có cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học ở trong nước. Chỉ được sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân để chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ thuộc phạm vi quản lý của Công an các đơn vị, địa phương.

c) Đối với những đối tượng tuy không thuộc phạm vi quản lý nhưng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền phải được đào tạo, bồi dưỡng thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và được giao kinh phí thực hiện.

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học ở nước ngoài không thực hiện theo quy định tại Thông tư này và được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân:

a) Căn cứ điều kiện thực tế về việc cử cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học theo quy định hiện hành của Bộ Công an và khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng này tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài Công an nhân dân.

b) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi cho các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học theo chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của Bộ Công an, bao gồm: đào tạo trực tiếp tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân hoặc cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài Công an nhân dân; chi các hoạt động quản lý trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ.

c) Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi cho các hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được đảm bảo từ dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương.

Điều 2. Nội dung chi

1. Các nội dung chi do các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân hoặc Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ hoặc được giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, giáo trình thực hiện, gồm có:

a) Các khoản chi phục vụ trực tiếp lớp học thực hiện theo quy định tại tiết a điểm 1.1 khoản 1 Điều 2 Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

Các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ phải có trách nhiệm bố trí chỗ nghỉ cho học viên ở xa tại ký túc xá, nhà khách, nhà công vụ của trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp Công an đơn vị, địa phương tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng tại đơn vị, địa phương mình mà không có hoặc không thể bố trí chỗ nghỉ cho học viên được, thì được phép thuê chỗ nghỉ và thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ của học viên theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 04/2011/TT-BCA ngày 28/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

b) Chi các hoạt động quản lý trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ; chi dịch thuật thực hiện theo quy định tại tiết b, tiết c khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

2. Chi biên soạn chương trình, giáo trình mới hoặc chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, giáo trình:

Khoản chi này do đơn vị được giao chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chi từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị được giao hàng năm.

3. Chi phí đi lại từ đơn vị đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết nguyên đán). Căn cứ địa điểm tổ chức lớp học và khả năng ngân sách, Công an đơn vị, địa phương cử cán bộ, chiến sĩ đi học sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của mình (nếu có) để chi cho cán bộ, chiến sĩ được cử đi học khoản chi phí nêu trên đảm bảo nguyên tắc: không vượt quá mức chi theo quy định hiện hành của Bộ Công an về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

4. Trường hợp Công an đơn vị, địa phương được giao kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, nhưng không có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc không có điều kiện tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng mà phải gửi cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài ngành Công an, thì Công an đơn vị, địa phương thanh toán cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng hoặc theo quyết định chiêu sinh (kèm theo các chứng từ hợp pháp, hợp lệ).

5. Chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của Công an các đơn vị, địa phương:

Căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc phân bổ kinh phí cho nhiệm vụ quản lý về đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị để chi cho các nội dung như: xây dựng, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị; kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng và các chi khác liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ.

Điều 3. Mức chi

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng kinh phí được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, Thủ trưởng các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương được giao tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng quyết định các mức chi cụ thể cho phù hợp, đảm bảo không vượt các mức chi tối đa được quy định dưới đây; đồng thời, phải bảo đảm sắp xếp kinh phí để thực hiện theo đúng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và trong phạm vi dự toán kinh phí được phê duyệt, cụ thể như sau:

1. Chi thù lao giảng viên (một buổi giảng được tính 5 tiết học):

Tùy theo đối tượng, trình độ học viên mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng bố trí mời giảng viên, báo cáo viên từng cấp cho phù hợp. Mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên trong và ngoài Công an nhân dân (đã bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) theo quy định như sau:

a) Giảng viên, báo cáo viên là Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy và các chức danh tương đương: Mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/buổi;

b) Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Phó bí thư tỉnh ủy và các chức danh tương đương; Tổng cục trưởng, giảng viên, báo cáo viên có cấp bậc hàm cấp tướng; Giáo sư, Chuyên gia cao cấp, Tiến sĩ khoa học: Mức tối đa không quá 800.000 đồng/buổi;

c) Giảng viên, báo cáo viên là Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; Phó Tổng cục trưởng; lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương; Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên chính; sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá, thượng tá: Mức tối đa không quá 600.000 đồng/buổi;

d) Giảng viên, báo cáo viên còn lại là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan công tác tại các cơ quan, đơn vị ở trung ương và cấp tỉnh (ngoài 3 đối tượng nêu trên): Mức tối đa không quá 500.000 đồng/buổi.

đ) Giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan công tác tại các đơn vị từ cấp huyện và tương đương trở xuống (đối với lớp bồi dưỡng do Công an cấp huyện trở xuống mở): Mức tối đa không quá 300.000 đồng/buổi;

Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn sâu; lớp đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp giảng dạy mới chưa có sẵn giáo án để giảng dạy, thì ngoài mức thù lao giảng viên theo quy định nêu trên, căn cứ yêu cầu chất lượng từng lớp đào tạo, bồi dưỡng, Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng có thể quyết định trả tiền biên soạn giáo án bài giảng riêng theo hình thức hợp đồng công việc khoán gọn, nhưng phải đảm bảo trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

e) Riêng đối với các giảng viên là giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy trong các học viện, trường trong Công an nhân dân, thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên các học viện, trường Công an nhân dân, không trả thù lao giảng viên theo mức quy định nêu trên khi tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho học viện, trường tổ chức. Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an các đơn vị, địa phương khác tổ chức thì vẫn được hưởng theo chế độ thù lao giảng viên theo quy định nêu trên.

g) Đối với giảng viên nước ngoài: tùy theo mức độ cần thiết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc mời giảng viên nước ngoài. Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định trên cơ sở thỏa thuận tùy theo chất lượng giảng viên và bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị được giao.

2. Phụ cấp tiền ăn cho giảng viên:

Tùy theo địa điểm, thời gian tổ chức lớp học, Công an đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ quyết định chi phụ cấp tiền ăn cho giảng viên nhưng tối đa không vượt quá mức chi phụ cấp lưu trú theo quy định hiện hành của Bộ Công an về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

3. Chi phí thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho giảng viên:

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm bố trí phương tiện, nhà khách của đơn vị phục vụ cho giảng viên, báo cáo viên. Trường hợp không có hoặc không thể bố trí phương tiện, chỗ nghỉ cho giảng viên và phải đi thuê thì được chi mức chi theo quy định hiện hành của Bộ Công an về chế độ công tác phí, chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

4. Chi dịch thuật:

Thực hiện theo mức chi dịch thuật quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước và trong phạm vi dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi:

a) Mức chi ra đề thi, coi thi, chấm thi tại Thông tư số liên tịch số 49/2007/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 18/5/2007 của Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực; Thông tư số 132/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/6/2009 của Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 49/2007/TTLT-BTC-BGDĐT.

b) Trường hợp đối với những lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, chương trình đào tạo, bồi dưỡng không phức tạp, thì cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng có thể quyết định áp dụng mức chi khoán cụ thể như sau:

- Thù lao ra đề thi: 200.000 đồng/đề (bao gồm cả đáp án);

- Thù lao chấm bài thi: 7.000 đồng/bài;

- Thù lao coi thi: 90.000 đồng/buổi.

6. Hỗ trợ một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian tập trung học:

Căn cứ khả năng bố trí kinh phí, điều kiện tổ chức lớp học (về địa điểm tổ chức lớp, thành phần học viên, thời gian học tập, …) các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương được giao tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao trong dự toán hàng năm để xem xét quyết định việc hỗ trợ một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian tập trung học; mức hỗ trợ tối đa không quá 50.000 đồng/ngày/học viên.

7. Chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc:

Căn cứ khả năng nguồn kinh phí, căn cứ số lượng học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc của từng lớp, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an đơn vị, địa phương tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng được quyết định chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi theo mức tối đa không quá 150.000 đồng/học viên, học viên xuất sắc theo mức tối đa không quá 200.000 đồng/học viên.

8. Các khoản chi phí theo thực tế phục vụ trực tiếp lớp học:

a) Chi thuê hội trường, phòng học; thuê thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy (đèn chiếu, máy vi tính, thiết bị khác, …) trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chi mua, in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo); chi in và cấp chứng chỉ trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Chi nước uống phục vụ lớp học: đối với các lớp học có chuyên gia nước ngoài giảng dạy được chi giải khát giữa giờ (cà phê, trà, hoa quả, bánh ngọt, …), mức chi do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định tùy theo khả năng nguồn kinh phí nhưng tối đa không vượt quá tiêu chuẩn tiếp xã giao các buổi làm việc đối với khách hạng C theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 6/1/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước. Đối với các lớp học còn lại áp dụng mức chi nước uống là 10.000 đồng/ngày/học viên.

d) Chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên: căn cứ thực tế yêu cầu công tác đảm bảo y tế và khả năng nguồn kinh phí đảm bảo, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập dự toán và chi tiêu khoản chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên cho phù hợp.

Các khoản chi phí thực tế nêu trên khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định. Đối với các khoản chi thuê phòng học, thuê thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy phải có hợp đồng, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ; trong trường hợp mượn cơ sở vật chất của cơ quan, đơn vị khác tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí điện, nước, vệ sinh, an ninh, phục vụ, thì chứng từ thanh toán là bản hợp đồng và thanh lý hợp đồng công việc giữa hai bên kèm theo phiếu thu của cơ quan, đơn vị cho mượn cơ sở vật chất; bên cho mượn cơ sở vật chất hạch toán khoản thu này để giảm chi kinh phí hoạt động của đơn vị. Đối với các khoản chi in ấn giáo trình, tài liệu nếu thuộc diện phải đấu thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

9. Chi cho việc tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế:

a) Chi trả tiền phương tiện đưa, đón học viên đi khảo sát, thực tế: theo hợp đồng, chứng từ chi thực tế hợp pháp, hợp lệ và trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền nghỉ cho học viên trong những ngày đi thực tế: cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an đơn vị, địa phương tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng quyết định mức hỗ trợ nhưng không vượt quá mức chi công tác phí theo quy định hiện hành của Bộ Công an về chế độ công tác phí, chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân và phải bảo đảm trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

10. Chi biên soạn chương trình, giáo trình mới; chi chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, giáo trình:

Căn cứ quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và các quy định, hướng dẫn hiện hành của Bộ Công an, các đơn vị chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình quyết định mức chi cho phù hợp với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Công an.

11. Chi các hoạt động quản lý trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ:

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an đơn vị, địa phương tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ được phép trích tối đa không quá 10% trên tổng kinh phí của mỗi lớp học và được tính trong phạm vi nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ để chi phí cho các nội dung chi quy định tại tiết b khoản 1 Điều 2 Thông tư này, trường hợp nếu chi phục vụ quản lý lớp học không hết, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức lớp học được chủ động sử dụng cho các nội dung khác có liên quan phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an đơn vị, địa phương tổ chức lớp đào tạo có trách nhiệm quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ về định mức chi quản lý và sử dụng khoản kinh phí quản lý lớp học đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước.

12. Chi các hoạt động phục vụ trực tiếp công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Công an:

a) Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị; chi đi công tác để kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng: thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Công an về chế độ công tác phí, chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

b) Chi văn phòng phẩm, các chi khác liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ hàng năm: căn cứ chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành.

Điều 4. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán

1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân do Ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Công an hàng năm. Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật trong lĩnh vực an ninh.

2. Hàng năm căn cứ kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng Bộ Công an giao, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm lập dự toán kinh phí cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng gửi về Bộ Công an (qua Cục Tài chính, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân). Bộ Công an giao chỉ tiêu kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương. Mức kinh phí này là mức chi tối đa về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của Công an các đơn vị, địa phương.

3. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả; đồng thời thực hiện thanh quyết toán và phản ánh vào mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành thực hiện trong Công an nhân dân.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/9/2011 và thay thế Công văn số 192/BCA-V22 ngày 27/01/2010 của Bộ Công an sao gửi và hướng dẫn thực hiện Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

2. Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ được tổ chức bằng nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ, thì khuyến khích vận dụng thực hiện chế độ chi tiêu quy định tại Thông tư này nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Trường hợp cần có mức chi cao hơn thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng quyết định phù hợp khả năng nguồn kinh phí của đơn vị.

3. Cục Tài chính và Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có điểm nào vướng mắc Công an các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Tài chính, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để nghiên cứu, hướng dẫn thêm./.

Nơi nhận:
- Các VP “để gửi các đ/c lãnh đạo Bộ”;
- Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Công an, Sở Cảnh sát PC&CC các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Các học viện, trường CAND (để thực hiện);
- Các đơn vị dự toán cấp 2, cấp 3;
- Lưu: VT, V22, X11

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 53/2011/TT-BCA-V22 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 53/2011/TT-BCA-V22
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/07/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản