Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ LÂM THỜI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 52-NV/CC | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1945 |
THÔNG TƯ
Bộ trưởng bộ Nội vụ gửi cho các ông Bộ trưởng các bộ và các ông Chủ tịch U. B. N. D. Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ.
Để thi hành Sắc lệnh số 54 ngày 03 tháng 11 năm 1945, về việc các công chức đến hạn về hưu, bản bộ yêu cầu các bộ và các Ủy ban Nhân dân lưu ý mấy điểm sau này:
1) Sắc lệnh kể trên thi hành cho tất cả các công chức người Việt Nam, cả những người vẫn giữ quốc tịch Pháp thuộc, tất cả các ngạch lập ra trong hồi Pháp thuộc, bất cứ là ngạch Âu (cadres européens) hay là ngạch Đông dương (cadres indochinois), đương làm việc tại các công sở, ở trong ngạch hay ngoại ngạch, hay là đương nghỉ, hoặc giả hạn thường kỳ, hoặc giả hạn không lương, hoặc nghỉ về việc riêng, hoặc nghỉ dưỡng bệnh, hoặc nghỉ giài hạn để chữa những ác tật;
2) Những công chức nào tính đến ngày 01 tháng 10 năm 1945, hoặc đã làm việc được 30 năm trở lên, hoặc đã từ 55 tuổi trở lên, và những công chức nào đủ một trong hai điều kiện ấy trong khoảng từ ngày 02 tháng 10 năm 1945 đến ngày nhận được bản thông tư này, đều phải cho về hưu ngay và coi như thôi việc kể từ ngày hôm sau;
3) Từ sau ngày nhận được bản thông tư này trở đi, những công chức nào đủ điều kiện về hưu (hoặc làm việc được 30 năm, hoặc 55 tuổi) vào ngày nào thì sẽ thôi việc từ ngày hôm sau.
Mỗi sở phải lập cho sở mình, riêng từng ngạch một, bảng danh sách những công chức về hưu, theo Sắc lệnh kể trên, trong khoảng từ ngày 01 tháng 10 năm 1945 đến 30 tháng 06 năm 1946 (biên rõ ngày sinh, số năm tại chức; ngày nào đủ một trong hai điều kiện để về hưu; ngày đã thôi việc hay sẽ phải thôi việc) rồi gửi về sở Hưu bổng, kèm theo bản dự thảo nghị định cho những người ấy về hưu và các giấy tờ cần thiết để lập “hồ sơ hưu bổng” của họ.
Một bản sao danh sách ấy phải gửi về bộ Nội vụ, một bản nữa, tùy theo từng ngạch, phải gửi về bộ phụ trách điều khiển ngạch ấy.
Từ năm 1946 trở đi, các sở phải lập và gửi như cách thức nói trên, những bảng danh sách, dự thảo, nghị định và hồ sơ của những công chức phải về hưu, mỗi năm hai kỳ;
a) Trước ngày 01 tháng 11 năm trước, cho những công chức phải về hưu trong khoảng 6 tháng đầu năm sau;
b) Trước ngày 01 tháng 05 cho những công chức phải về hưu trong khoảng 6 tháng về cuối năm;
4) Những nhân viên người Việt Nam trong các công sở, không thuộc ngạch nào, hoặc làm việc theo hợp đồng có hạn, hay không có hạn, hoặc làm công nhật, cũng phải thôi việc theo những điều kiện đã định cho những công chức ở các ngạch có tổ chức, hoặc ngay sau khi nhận được bản thông tư này, hoặc kể từ ngày mà các người ấy đã làm việc được 30 năm hay là đã đến 55 tuổi.
Những công chức đã có nghị định cho về hưu rồi, mà hoặc còn lưu lại giúp việc, hoặc gọi ra làm việc trong thời kỳ chiến tranh, đều phải thôi việc ngay, kể từ ngày nhận được Sắc lệnh kể trên;
5) Xin nhắc thêm rằng công việc hành chính cần phải theo phương pháp mới cho thích hợp, cốt giản dị và mau chóng, để có thể bớt việc và giảm số nhân viên ở các công sở.
Các sở sẽ phân chia lại nhiệm vụ các nhân viên tại chức tùy theo sự nhu cầu để khỏi phải tuyển người mới thay những người về hưu.
THỪA LỆNH BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 52-NV/cc năm 1945 về các công chức đến hạn về hưu do Chính Phủ ban hành.
- Số hiệu: 52-NV/cc
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 03/11/1945
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Hoàng Minh Giám
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra