Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 519-VH-TT | Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1957 |
Kính gửi: | -Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và thành phố; |
Bộ đã ra nghị định số 518-VH-NĐ ngày 24-4-1957 quy định tổ chức và lãnh đạo Chi sở phát hành sách ở các khu, tỉnh và thành phố. Để các cơ quan có trách nhiệm thi hành nghị định được tốt, Bộ quy định và giải thích thêm một số vấn đề sau đây giải thích rõ tinh thần những điều nói trong nghị định:
I- TÍNH CHẤT VÀ NHIỆM VỤ CỦA CHI SỞ PHÁT HÀNH SÁCH.
Chi sở phát hành sách là một cơ quan phục vụ công tác văn hoá, công tác tuyên truyền và giáo dục bằng cách phát hành sách và các loại văn hóa phẩm khác. Đồng thời, cũng là một quốc doanh ở trong hệ thống doanh nghiệp của Sở phát hành sách trung ương, được cấp vốn và kinh doanh theo đường lối, kế hoạch chung của Bộ Văn hóa và của Sở phát hành. Nhiệm vụ của Chi sở phát hành sách là:
1) Tổ chức phục vụ đầy đủ và kịp thời cho nhiệm vụ chính trị, thỏa mãn đầy đủ nhu cầu sách của nhân dân địa phương, nhằm góp phần làm cho trình độ kiến thức của nhân dân ngày càng được nâng cao, sinh hoạt văn hoá ở địa phương ngày càng được phát triển.
2) Quản lý và tích luỹ vốn cho Nhà nước bằng cách chấp hành đúng đường lối, kế hoạch kinh doanh của Bộ Văn hóa và của Sở phát hành sách trung ương thể hiện trên các chế độ điều lệ, nguyên tắc đã quy định.
3) Tổ chức, giáo dục, điều khiển các lực lượng phát hành quốc doanh, tư nhân và xã hội, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch phát hành và kế hoạch kinh doanh hàng tháng, hàng quý và hàng năm đã được thông qua.
Căn cứ vào tính chất và nhiệm vụ nói trên, căn cứ vào nguyên tắc tổ chức chung của chính quyền, Chi sở phát hành sách tổ chức thành một cơ quan riêng ở các khu, tỉnh và thành phố , đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của cơ quan ngành dọc là Sở phát hành sách trung ương và của ngành ngang là Sở hoặc Ty văn hóa.
II- NỘI DUNG, PHẠM VI LÃNH ĐẠO VÀ CHỈ ĐẠO CỦA SỞ PHÁT HÀNH SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ CỦA SỞ, TY VĂN HÓA.
Nội dung công tác lãnh đạo và chỉ đạo Chi sở phát hành sách có thể bao gồm và thể hiện trên các mặt: nghiệp vụ, kinh doanh, tổ chức và cán bộ. Dưới đây Bộ quy định nội dung phạm vi lãnh đạo và chỉ đạo một số loại công tác cụ thể trên các mặt ấy:
1) Về nghiệp vụ:
Gồm những công tác chính như sau:
- Xây dựng và thực hiện các loại chỉ tiêu kế hoạch phát hành và kinh doanh hàng năm, hàng quý, hàng tháng.
- Tổ chức phát hành phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nói chung phục vụ cho nhu cầu sách của nhân dân địa phương ở nông thôn, thành thị, cơ quan, công trường, xí nghiệp, bộ đội, trường học v.v...
- Tổ chức, lãnh đạo, giáo dục các lực lượng phát hành quốc doanh, tư nhân và xã hội (cửa hàng Hiệu sách nhân dân, cán bộ phát hành, phát hành nông thôn, đại lý, cộng tác viên v.v...)
Trên những mặt công tác ấy, nói chung nhằm đẩy mạnh việc phát hành sách ở địa phương, Sở phát hành sách trung ương chỉ lãnh đạo trên đường lối, phương châm, kế hoạch có tính chất chung toàn ngành. Thí dụ, về công tác tổ chức và xây dựng lực lượng phát hành năm1957, Sở phát hành chỉ đề ra phương châm chung là: "Tiếp tục tăng cường quốc doanh, củng cố và phát triển phát hành nông thôn và đại lý, tranh thủ sử dụng các lực lượng xã hội". Dựa vào phương châm ấy, Sở hoặc Ty Văn hóa sẽ chỉ đạo Chi sở bằng cách đề ra ý kiến về chủ trương, phương châm, kế hoạch thích hợp với hoàn cảnh địa phương, hướng dẫn Chi sở xây dựng chủ trương, kế hoạch cụ thể, thông qua và sau đó kiểm tra, đôn đốc việc thi hành.Tóm lại, về mặt nghiệp vụ, miễn sao Sở, Ty Văn hóa áp dụng chỉ đạo không trái với tinh thần đường lối, phương châm, kế hoạch chung là được. Tuy vậy, một số côn tác thuộc về nghiệp vụ nhưng có liên quan đến công tác kinh doanh như mở thêm cửa hàng Hiệu sách nhân dân, phát triển thêm phát hành nông thôn v.v... do đó ảnh hưởng đến kế hoạch tài vụ của Sở phát hành thì nhất thiết phải được Sở phát hành thông qua trước khi thực hiện.
2) Về kinh doanh:
Gồm một số công tác lớn sau đây:
- Quyết định và điều chỉnh vốn kinh doanh của Chi sở phát hành.
- Duyệt ngân sách chỉ tiêu hàng năm, hàng quý, hàng tháng cả về mặt hành chính và nghiệp vụ.
- Xây dựng các chủ trương, chính sách, chế độ về quản lý, kinh doanh như điều lệ đại lý, chế độ đối với cán bộ phát hành, với phát hành nông thôn, với cửa hàng, chủ trương hạ giá sách, hủy bỏ sách rách nát, nguyên tắc quản lý kho, quỹ v.v...
Đối với những công tác này, Sở phát hành chỉ đạo các Chi sở thi hành bằng cách đề ra các chủ trương, chính sách, chế độ cụ thể chung cho toàn ngành hoặc riêng cho từng Chi sở. Về phía Sở, Ty Văn hóa, nói chung đối với công tác kinh doanh, chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra sự thực hiện không có trách nhiệm sửa đổi nhưng có quyền đề nghị xét lại nếu thấy cần thiết.
3) Về tổ chức và cán bộ:
Biên chế và tổ chức nội bộ Chi sở phát hành vì có quan hệ đến kế hoạch kinh doanh nên cần thiết phải do Sở phát hành sách trung ương, dưới sự lãnh đạo của Bộ Văn hoá, quy định. Nhưng cán bộ, công nhân viên trong biên chế thì do Uỷ ban Hành chính địa phương thống nhất quản lý về mọi mặt. Riêng việc đề bạt, thuyên chuyển, Ủy ban Hành chính cần chú ý mấy điểm dưới đây để tranh tình trạng ảnh hưởng đến sự thực hiện kế hoạch kinh doanh của Chi sở:
- Nói chung cán bộ, công nhân viên của Chi sở không được sử dụng vào các công tác thường xuyên khác trong tỉnh, trừ trường hợp phục vụ các nhiệm vụ chính trị có tính chất rất đặc biệt và đột xuất (nhưng Ủy ban Hành chính sử dụng thì phải đồng thời báo cho Sở phát hành biết).
- Việc đề bạt, thuyên chuyển cán bộ, công nhân viên đều do Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố đề nghị (Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm) hoặc quyết định (cán bộ, công nhân viên khác) nhưng nên có sự trao đổi trước với Sở phát hành sách trung ương và Sở hoặc Ty Văn hóa địa phương. Riêng việc đề bạt, thuyên chuyển Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, kế toán chính và cán bộ phát hành thì nhất thiết phải có sự thỏa thuận của Sở phát hành sách trung ương.
Ngoài ra, để giúp Ủy ban Hành chính quản lý cán bộ, Sở phát hành sách trung ương và Sở, Ty Văn hóa có trách nhiệm lãnh đạo và bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ, tư tưởng, chính ttrị cho cán bộ, công nhân viên của Chi sở, phân công như sau:
- Sở phát hành lãnh đạo và bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ bằng sách báo, hội nghị, mở lớp cho tất cả cán bộ phát hành, kế toán, kho, quỹ, cửa hàng. Riêng Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm trong khi Bộ Văn hóa chưa có tổ chức được lớp, thì vẫn do Sở phát hành phụ trách.
- Sở, Ty Văn hóa chịu trách nhiệm lãnh đạo về mặt tư tưởng và bồi dưỡng về mặt chính trị và lý luận.
1) Sở phát hành đối với Sở, Ty Văn hóa và Chi sở phát hành.
- Sở phát hành sách trung ương đối với Sở, Ty văn hóa chỉ có tính chất quan hệ công tác. Để lãnh đạo các Chi sở phát hành, Sở phát hành cần chú ý lề lối làm việc sau đây:
- Những đường lối, phương châm công tác lớn như đường lối, phương châm công tác hàng năm, hàng quý hoặc từng công tác quan trọng nhất định, Sở phát hành phải thông qua Bộ Văn hóa để phổ biến xuống các Sở, Ty trước khi chỉ đạo Chi sở phát hành thực hiện:
- Những chủ trương, kế hoạch cụ thể có tính chất chung, không trái với đường lối, phương châm lớn của Bộ và những công tác về nghiệp vụ có tính chất thường xuyên như hướng dẫn đặt sách, điều chỉnh sách v.v... thì Sở phát hành trực tiếp với các Chi sở nhưng đồng thời báo cho Sở, Ty Văn hóa biết để phối hợp chỉ đạo (những giấy tờ, công văn thường xuyên về nghiệp vụ ít quan trọng thì không cần thiết phải sao gửi)
2) Sở, Ty Văn hóa đối với Chi sở phát hành và Sở Phát hành sách trung ương.
Cần chú ý một số điểm sau đây:
- Đối với Chi sở, cần xây dựng chế độ hội ý, báo cáo, thỉnh thị và kiểm tra công tác để thường xuyên nắm vững được tình hình.
- Các báo cáo, giấy tờ, công văn trong phạm vi công tác phát hành, mỗi khi Sở, Ty văn hóa báo cáo lên Bộ, cần sao gửi cho Sở phát hành một bản để biết.
- Trường hợp có mâu thuẫn về chủ trương kế hoạch công tác giữa Sở phát hành sách trung ương và Sở, Ty Văn hóa thì:
Về nghiệp vụ: Sở, Ty Văn hóa cử chỉ đạo thi hành kế hoạch của địa phương và báo cáo ngay lên Bộ, đồng gửi cho Sở phát hành để biết.
Về kinh doanh: Sở, Ty Văn hóa cũng báo cáo ngay lên Bộ và đồng gửi cho Sở phát hành để biết. Trong khi chờ đợi giải quyết, Sở, Ty Văn hóa vẫn chỉ đạo thi hành theo kế hoạch của Sở phát hành.
3) Chi sở phát hành sách đối với sở phát hành sách trung ương và Sở hoặc Ty Văn hóa.
Căn cứ vào nhiệm vụ nói ở mục I, Chi sở phát hành sách cần chủ động đề ra ý kiến về mọi mặt công tác đối với Sở phát hành và Sở hoặc Ty Văn hóa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tránh tình trạng ỷ lại, sự vụ. Đồng thời giữ vững nguyên tắc báo cáo, thỉnh thị và lề lối làm việc dưới đây:
- Mỗi khi nhận được đường lối, kế hoạch mới của Bộ Văn hóa hợac của Sở phát hành, Chi sở phải báo cáo cho Sở, Ty Văn hóa biết và xin ý kiến về kế hoạch thực hiện cụ thể.
- Những vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương, kế hoạch lớn khác với tinh thần đường lối, chủ trương sẵn có (đường lối xây dựng lưới phát hành, chủ trương cho phát hành nông thôn vay thêm vốn v.v...) thì nhất thiết phải thỉnh thị Sở phát hành sách trung ương hay Sở, Ty Văn hóa tuỳ theo nội dung công việc thuộc phạm vi quyền hạn giải quyết của Sở phát hành hay Sở, Ty Văn hóa nói ở trên.
- Những công việc có tính chất thường xuyên như giao dịch với khách hàng, đặt sách, bố trí lực lượng phục vụ v.v... hoặc những công việc thuộc về đường lối chủ trương lớn những kế hoạch đã được thông qua Sở, Ty Văn hóa thì Chi sở cứ thi hành. Sau đó sẽ báo cáo theo chế độ do hai bên quy định.
- Công văn, giấy tờ quan trọng không có tính chất công tác thường xuyên gửi cho Sở phát hành hay Sở, Ty Văn hóa, Chi sở làm thành 2 bản cùng gửi cho hai cơ quan này.
- Hàng tháng, hàng quý và hàng năm, Chi sở phát hành báo cáo bằng văn bản cho Sở phát hành và Sở hoặc Ty văn hóa. Trường hợp đặc biệt có thể có báo cáo bất thường.
IV- QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BỒI DƯỠNG VÀ LÃNH ĐẠO PHÁT HÀNH NÔNG THÔN VÀ NHÂN VIÊN PHÁT HÀNH XÃ.
1) Phát hành nông thôn:
Phát hành nông thôn là người bán sách lưu động ở một số xã nhất định trong một huyện. Thành phần một số đông thoát ly từ cán bộ xã. Hoạt động của họ vừa có tính chất nghĩa vụ, vừa có tính chất kinh doanh, được Chi sở phát hành cho vay vốn, mua sách của Chi sở và đem bán hưởng theo chế độ hoa hồng. Hiện nay họ là lực lượng cơ bản của phát hành ở nông thôn. Do tính chất như vậy nên, về nguyên tắc không thể coi họ hoàn toàn như cán bộ, mặc dầu một số thoát ly từ cán bộ xã, nhưng cũng không thể coi họ hẳn như tư nhân làm đại lý bán sách. Vì vậy cần lãnh đạo và bồi dưỡng họ về mặt nghiệp vụ, tư tưởng, chính trị một cách chặt chẽ hơn. Cụ thể phân công như sau:
- Chi sở phát hành sách chịu trách nhiệm lãnh đạo và bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ.
- Ủy ban Hành chính huyện, thông qua Uỷ viên văn xã huyện, chịu trách nhiệm về mặt lãnh đạo tư tưởng và chính trị, có sự giúp đỡ của Sở hoặc Ty Văn hóa.
Ngoài quyền lợi vật chất theo chế độ đã quy định riêng, Chi sở phát hành, Sở, Ty Văn hoá và Ủy ban Hành chính huyện có thể cho phát hành nông thôn họp các cuộc hội nghị phát hành hàng tháng, hàng quý, hàng năm ở các Chi sở, các cuộc hội nghị văn hóa mở rộng ở tỉnh và ở huyện hàng tháng.
2) Nhân viên phát hành xã:
Phát hành xã nằm trong Ban văn hóa xã hoặc chuyên trách làm phát hành hoặc kiêm một công tác văn hóa khác. Hiện nay xã nào chưa có thì cần xúc tiến xây dựng. Nhiệm vụ của nhân viên phát hành xã là tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức việc đọc sách ở các thôn xóm, không trực tiếp bán sách hoặc thu tiền của người mua. Họ làm việc theo nghĩa vụ, không được hưởng hoa hồng, nhưng góp phần khá quan trọng trong việc đẩy mạnh phát hành sách ở thôn xóm.
Do đó, ngoài việc lãnh đạo của Ủy ban Hành chính xã, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên phát hành xã rất cần thiết. Sở, Ty văn hóa và Chi sở phát hành chịu trách nhiệm phối hợp với địa phương làm việc này.
Thông tư này tuy đã quy định một số vấn đề cụ thể nhưng chi tiết của vấn đề không thể nói hết được. Vì vậy nếu gặp khó khăn gì, các cơ quan có trách nhiệm thi hành cần phản ánh cho Bộ để nghiên cứu bổ khuyết.
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
- 1Thông tư 1421-TT/LB năm 1959 quy định quản lý vốn Nhà nước và vay vốn Ngân hàng của Sở Phát hành sách trung ương, các Chi sở và Phòng Phát hành sách các tỉnh sau khi phân cấp về các Ủy ban tỉnh, thành phố lãnh đạo do Bộ Tài chính- Bộ Văn Hoá- Ngân hàng Quốc gia ban hành
- 2Sắc lệnh số 122/SL về việc đặt bộ phận nhà in và phát hành trong Nha tuyên truyền và văn nghệ thành một doanh nghiệp quốc gia lấy tên là Nha in quốc gia do Chủ tịch nước ban hành
- 1Nghị định 518-VH-NĐ năm 1957 về việc thành lập Chi sở phát hành sách tại các khu, tỉnh và thành phố thay cho các Hiệu sách nhân dân do Bộ trưởng Bộ Văn hoá ban hành
- 2Thông tư 1421-TT/LB năm 1959 quy định quản lý vốn Nhà nước và vay vốn Ngân hàng của Sở Phát hành sách trung ương, các Chi sở và Phòng Phát hành sách các tỉnh sau khi phân cấp về các Ủy ban tỉnh, thành phố lãnh đạo do Bộ Tài chính- Bộ Văn Hoá- Ngân hàng Quốc gia ban hành
- 3Sắc lệnh số 122/SL về việc đặt bộ phận nhà in và phát hành trong Nha tuyên truyền và văn nghệ thành một doanh nghiệp quốc gia lấy tên là Nha in quốc gia do Chủ tịch nước ban hành
Thông tư 519-VH-TT năm 1957 quy định và giải thích về tổ chức và lãnh đạo Chi sở phát hành sách ở các khu, tỉnh và thành phố do Bộ Văn hóa ban hành
- Số hiệu: 519-VH-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/04/1957
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
- Người ký: Hoàng Minh Giám
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 09/05/1957
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra