Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT |
Số: 5-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1974 |
HƯỚNG DẪN VIỆC ĐỀ PHÒNG TAI NẠN CUỐN TÓC LAO ĐỘNG NỮ
Trong mấy năm qua năm nào cũng có tai nạn cuốn tóc lao động nữ. Loại tai nạn này đã xảy ra ở những máy mà các bộ phận chuyển động quay không được bao che hoặc bao che không bảo đảm không kể máy đó có công suất lớn hay nhỏ, quay nhanh hay chậm.
Tai nạn cuốn tóc đã xảy ra đối với người trực tiếp đứng máy và cả đối với chị em cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, nhân viên phục vụ làm việc gần nơi có máy móc hoạt động và đã có trường hợp xảy ra đối với người đến tham quan nữa.
Tai nạn cuốn tốc xảy ra nhiều ở các khâu vận hành, sửa chữa, kiểm tra máy…
Tình hình tai nạn nói trên xảy ra chủ yếu do: khi thiết kế chế tạo, lắp đặt mới hoặc khi tu sửa không chú ý tới việc bao che các bộ phận chuyển động của các máy móc thiết bị (trục, đầu trục, pu-li, bánh đà, dây cua roa, xích, bánh xe răng và các bộ phận chuyển động quay khác); hoặc bao che quá sơ sài. Mặt khác do chị em đứng máy, làm việc gần nơi máy móc hoạt động không giữ tóc gọn gàng, không đội mũ bao tóc hoặc đội loại mũ không bao kín tóc.
Vì vậy để ngăn chặn tai nạn cuốn tóc tái diễn; căn cứ theo nghị định số 181-CP ngày 18-12-1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động, Bộ Lao động hướng dẫn các biện pháp sau đây.
I. BAO CHE CÁC BỘ PHẬN CHUYỂN ĐỘNG
1. Các bộ phận chuyển động của các máy móc thiết bị (trục, đầu trục, bánh xe răng, bánh đà, pu li, xích, dây cua roa, và các bộ phận chuyển động quay khác) đều phải được che chắn chu đáo. Che chắn các bộ phận chuyển động không những chỉ để ngăn chặn tai nạn lao động nói chung mà phải có tác dụng ngăn chặn được tai nạn cuốn tóc của chị em phụ nữ.
2. Các cơ quan, nhà máy làm nhiệm vụ thiết kế, chế tạo và lắp đặt máy mới phải có trách nhiệm thiết kế, chế tạo và lắp đầy đủ bao che các bộ phận chuyển động.
3. Máy móc thiết bị chưa có đủ bao che các bộ phận chuyển động thì không được phép xuất xưởng. Khi mua máy, người mua có quyền đòi người bán cung cấp đầy đủ bao che các bộ phận chuyển động.
4. Trong một cụm máy gồm nhiều máy (hệ máy động lực và máy công tác hay cả hệ thống làm việc dây chuyền) do nhiều nhà máy chế tạo có những bộ phận chuyển động nối liền hai máy chưa bao che hoặc bao che chưa thích hợp thì đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt cụm máy đó phải làm đầy đủ bao che cho các bộ phận còn thiếu.
5. Lắp đặt xong, khi bàn giao (một máy hoặc cả cụm máy) nếu thiếu bao che các bộ phận chuyển động thì đơn vị sử dụng có quyền không nhận và có trách nhiệm đòi đơn vị lắp đặt máy lắp cho đủ các bao che an toàn.
6. Ở những máy móc thiết bị hiện đang sử dụng nếu có các bộ phận chuyển động chưa bao che hoặc bao che chưa bảo đảm chống được tai nạn cuốn tóc thì giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm làm ngay bao che cho đầy đủ.
7. Khi bao che bị hỏng hoặc mất mát giám đốc xí nghiệp phải kịp thời sửa chữa thay thế và chỉ được để công nhân trở lại đứng máy hoặc làm việc cạnh máy khi đã có bao che các bộ phận chuyển động bảo đảm ngăn chặn được tai nạn nói chung và tai nạn cuốn tóc nói riêng.
8. Đối với các bộ phận chuyển động mà kỹ thuật hiện nay chưa giải quyết được tốt việc che kín (ví dụ: như vít me máy tiện, mũi khoan) thì giám đốc xí nghiệp phải tổ chức thực hiện các biện pháp ghi ở phần II (bao gọn tóc) một cách triệt để và thường xuyên.
9. Công nhân có quyền yêu cầu giám đốc xí nghiệp làm đầy đủ bao che các bộ phận chuyển động (trừ các bộ phận chuyển động đã ghi ở điểm 8) ở máy hoặc cụm máy mình làm việc cho bảo đảm an toàn. Nếu những yêu cầu đó không được thực hiện thì công nhân báo cáo với công đoàn xí nghiệp để công đoàn can thiệp. Nếu vẫn không được giải quyết thì công nhân có quyền từ chối không làm việc ở máy hoặc cụm máy nói trên. Trong khi chờ đợi sửa chữa xí nghiệp phải bố trí công nhân làm việc khác thích hợp.
Việc từ chối không làm việc ở máy hoặc cụm máy không an toàn nói trên, nếu gây thiệt hại cho sản xuất, ảnh hưởng đến kế hoạch, thì truy nguyên ai có lỗi người đó phải chịu trách nhiệm vật chất theo nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 của Hội đồng Chính phủ.
1. Lao động nữ vào nhà máy phải kẹp, giữ tóc gọn gàng. Các chị em đứng máy hoặc làm việc gần máy móc hoạt động nhất thiết phải đội mũ bao tóc; mũ phải đảm bảo kín tóc.
2. Giám đốc xí nghiệp phải trang bị mũ bao tóc đúng quy cách cho nữ công nhân đứng máy và những người làm việc gần nơi máy móc hoạt động theo chế độ đã quy định dù chỉ làm việc tại khu vực đó trong một thời gian ngắn.
3. Không cho phép lao động nữ không đội mũ bao tóc hoặc đội loại mũ không bao kín tóc đứng máy hoặc làm việc gần nơi máy móc hoạt động.
Mọi người đều có quyền và có nhiệm vụ yêu cầu thủ trưởng đơn vị đình chỉ công tác những chị em đứng máy hoặc làm việc gần nơi máy móc hoạt động mà không đội mũ bao tóc (hoặc đội loại mũ không bao kín tóc).
4. Chị em xã viên hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, nông nghiệp đứng máy hoặc phải làm việc gần nơi máy móc hoạt động cũng phải đội mũ bao kín tóc.
5. Công nhân, viên chức, xã viên đã được trang bị mũ bao tóc đầy đủ và hợp cách mà không đội hoặc đội loại mũ không bao kín mà phải phải nghỉ việc thì thời gian nghỉ việc đó không được trả công.
Nếu chưa được cấp phát hoặc cấp phát loại mũ sai quy cách thì cán bộ chỉ huy không được bố trí lao động nữ làm việc nơi có máy hoạt động mà phải bố trí việc khác thích hợp.
1. Khi xây dựng các quy trình an toàn cho các máy, nội dung phải bao gồm cả các biện pháp ngăn chặn, đề phòng tai nạn cuốn tóc lao động nữ.
2. Các bản quy trình đó phải đưa vào nội dung chương trình huấn luyện định kỳ theo như chế độ huấn luyện kỹ thuật an toàn hiện hành đã quy định.
3. Khi tai nạn cuốn tóc xảy ra phải tổ chức cấp cứu kịp thời, bảo quản tốt mảng da đầu dù là đã bị bong ra và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
4. Tai nạn cuốn tóc lột da đầu là loại tai nạn nghiêm trọng. Vậy mỗi khi xảy ra phải thực hiện đúng thủ tục điều tra khai báo đối với loại tai nạn nghiêm trọng theo như quy định hiện hành.
Các hợp tác xã nông nghiệp phải thực hiện việc điều tra khai báo tai nạn lao động theo quy định ở điểm 6, mục A, phần I của thông tư số 04-LĐ/TT ngày 22-5-1967 của Liên Bộ Lao động – Nông nghiệp (chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải kịp thời báo cáo cho sở, ty lao động biết)
5. Để tích cực góp phần hạn chế tai nạn cuốn tóc lao động nữ, ngoài những biện pháp trên, giám đốc xí nghiệp cần phối hợp với tổ chức công đoàn, thanh niên và phụ nữ trong xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã cần thông qua các đại hội xã viên mà vận động chị em để tóc ngắn và giữ tóc gọn gàng.
Thông tư này áp dụng trong các xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, các phòng thí nghiệm, các trường đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật và cả trong hợp tác xã nông nghiệp có sử dụng máy móc. Thủ trưởng các đơn vị đó có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các biện pháp trong thông tư này nhằm ngăn chặn, đề phòng tai nạn và tai nạn cuốn tóc xảy ra.
Thông tư này quy định những biện pháp đề phòng tai nạn cuốn tóc lao động nữ có tính cách bắt buộc, coi như là những quy trình quy phạm kỹ thuật an toàn trong sản xuất. Các đơn vị và cá nhân nào không thực hiện đầy đủ các biện pháp trong thông tư này mà để xảy ra tai nạn thì tùy mức độ nặng nhẹ đơn vị và cá nhân đó phải chịu kỷ luật và có thể bị truy tố trước pháp luật.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Nghị định 181-CP năm 1964 ban hành điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 24-NĐ năm 1959 về những văn kiện về công tác bảo hộ lao động do Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành.
- 3Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
Thông tư 5-LĐ/TT-1974 hướng dẫn việc đề phòng tai nạn cuốn tóc lao động nữ do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 5-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/06/1974
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Bùi Quỳ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 29/06/1974
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra