Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49-BYT/TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG SỨC KHỎE CHO CÁN BỘ VÀ CÔNG NHÂN VIÊN NGÀNH Y TẾ LÀM CÔNG TÁC RADIUM, ĐIỆN QUANG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO, BỆNH HỦI

Xét thông tư của Bộ Y tế số 10869-BYT/TT ngày 18-12-1956 quy định tạm thời chế độ phụ cấp nguy hiểm:
Xét trong khi chờ đợi có một chế độ thống nhất về bảo hộ lao động, cần bồi dưỡng sức khoẻ cho những cán bộ, công nhân viên trong ngành y tế chuyên làm công tác điều trị bệnh lao, bệnh hủi và dùng điện quang, kim radium để chữa bệnh:
Sau khi được thoả thuận của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính trong cuộc họp ngày 10-10-1957
:

NAY TẠM THỜI QUY ĐỊNH

A.- MỨC PHỤ CẤP:

Những cán bộ, công nhân viên chuyên làm những công tác sau đây được hưởng phụ cấp bồi dưỡng sức khoẻ:

1 - Được bồi dưỡng mỗi tháng 9.000 đ: những người làm công tác về điện quang trong khi máy đang chạy.

2 - Được bồi dưỡng mỗi tháng 9.000 đ: những người dùng kim radium để chữa bệnh.

3 - Được bồi dưỡng mỗi tháng 15.000 đ: những người vừa làm công tác phục vụ bệnh lao, vừa làm công tác điện quang để khám chữa bệnh lao ở các bệnh viện, phân viện và viện điều dưỡng chuyên chữa bệnh lao.

4 - Những cán bộ, công nhân viên phục vụ bệnh lao, bệnh hủi, tùy theo sự tiếp xúc nhiều hay ít mà được bồi dưỡng theo mức khác nhau như sau:

a) Được bồi dưỡng 9.000 đ một tháng những cán bộ, công nhân viên trực tiếp điều trị và phục vụ bệnh nhân bị lao hay hủi ở các bệnh viện lao, phân viện lao, viện điều dưỡng lao, các phòng điều trị bệnh lao và ở các phòng, các trại hủi.

b) Được bồi dưỡng 6.000 đ một tháng những cán bộ, công nhân viên gián tiếp phục vụ bệnh nhân bị lao hay hủi trong các bệnh viện lao, phân viện lao, các phòng điều chữa lao ở một bệnh viện lớn hay ở viện điều dưỡng lao và trong các trại hủi.

c) Được bồi dưỡng 3.000 đ, đối với những trường hợp không tiếp xúc với bệnh nhân lao hay hủi, những người hàng ngày phải làm việc ở những nơi bị nhiễm trùng trong các bệnh viện lao, phân viện lao, các viện điều dưỡng lao và trong các trại hủi.

B. - TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC PHỤ CẤP:

Khoản phụ cấp này không áp dụng cho những trường hợp sau:

a) Ở các nơi không chuyên trách về điều trị lao hay hủi mà khám bệnh đang trong thời kỳ xem xét về lao hay hủi để đưa đi các nơi chuyên trách chữa bệnh lao hay hủi.

b) Những bệnh nhân bị hủi hoặc những cán bộ bị hủi vừa nằm điều trị vừa giúp việc ở các trại hủi.

c) Những người ở các bệnh viện điều trị chung thỉnh thoảng mới phải chôn cất bệnh nhân bị lao, hủi chết.

d) Những người xét nghiệm ở các bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng không chuyên trách điều trị bệnh lao, hay hủi.

C. - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

a) Đối với những người đã được hưởng bồi dưỡng từ trước nhưng phải tạm đình để nghiên cứu lại, nay nếu vẫn nằm trong viện được phụ cấp thì được truy lĩnh theo mức bồi dưỡng mới kể từ ngày bị tạm đình.

b) Đối với những người nay mới được quy định trong viện được phụ cấp thì chỉ được hưởng khoản bồi dưỡng kể từ ngày ban hành thông tư này.

c) Đối với những người đã được bồi dưỡng trước hay sau ngày tạm đình thông tư số 10.869 BYT/TT dù không đúng các tiêu chuẩn mới cũng không phải truy hoàn và cũng không được truy lĩnh thêm.

Những quy định trong thông tư số 10.869 BYT/TT ngày 18-12-1956 nay bãi bỏ.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
BÁC SĨ




Phạm Ngọc Thạch