Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 49/2016/TT-BTNMT quy định công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

GIÁM SÁT, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH, SẢN PHẨM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Điều 10. Giám sát công trình, sản phẩm

1. Nội dung giám sát công trình, sản phẩm bao gồm:

a) Giám sát nhân lực, máy móc, thiết bị sử dụng để thi công công trình;

b) Giám sát sự phù hợp của quy trình công nghệ đơn vị thi công áp dụng so với chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc được chủ đầu tư cho phép;

c) Giám sát tiến độ thi công công trình;

d) Giám sát về khối lượng phát sinh trong quá trình thi công công trình (nếu có);

đ) Giám sát quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp đơn vị thi công.

2. Trong quá trình giám sát công trình, người trực tiếp giám sát phải tiến hành ghi Nhật ký giám sát công trình theo Mẫu số 01 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Nội dung, phương pháp, mức kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm

1. Nội dung, mức kiểm tra của đơn vị thi công, chủ đầu tư phục vụ thẩm định, nghiệm thu chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm được quy định chi tiết tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với các nội dung, hạng mục công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai không được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này thì nội dung kiểm tra được thực hiện theo chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mức kiểm tra tối thiểu cấp đơn vị thi công đối với sản phẩm ngoại nghiệp là 20 phần trăm và nội nghiệp là 60 phần trăm; mức kiểm tra tối thiểu cấp chủ đầu tư đối với sản phẩm ngoại nghiệp là 05 phần trăm và nội nghiệp là 15 phần trăm.

2. Phương pháp kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm:

a) Công tác kiểm tra công trình, sản phẩm phải được thực hiện từ tổng thể đến chi tiết và được thực hiện ở cấp đơn vị thi công và cấp chủ đầu tư.

b) Tùy thuộc vào từng hạng mục sản phẩm cụ thể, công tác kiểm tra được thực hiện ở trong phòng hay ở thực địa hoặc cả hai. Thực hiện việc đối soát thông tin trong từng sản phẩm và giữa các sản phẩm để kiểm tra sự đầy đủ, thống nhất thông tin của sản phẩm. Thực hiện lại một số nội dung công việc của đơn vị thi công đã thực hiện trong từng hạng mục của công trình, sản phẩm để so sánh, đối chiếu, đánh giá chất lượng sản phẩm so với các quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, nội dung chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

c) Trong quá trình kiểm tra công trình, sản phẩm được phép sử dụng thiết bị, công nghệ và các nguồn tư liệu, dữ liệu khác để thực hiện đánh giá chất lượng công trình, sản phẩm.

d) Đối với các hạng mục công việc kiểm tra mang tính xác suất, phạm vi lấy mẫu kiểm tra phải được phân bố đều trong toàn bộ phạm vi thi công.

đ) Quan sát trực quan, sử dụng phần mềm và các tài liệu khác để kiểm tra trực tiếp trên các sản phẩm giao nộp.

e) Đối với các chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ có thể thực hiện kiểm tra công trình, sản phẩm cuối cùng bằng phương pháp tổng hợp thì đơn vị giám sát, kiểm tra lập phương án kiểm tra trình chủ đầu tư phê duyệt.

3. Kết thúc quá trình kiểm tra phải tiến hành ghi nhận kết quả kiểm tra.

a) Kết quả kiểm tra được ghi nhận bằng Phiếu ghi ý kiến kiểm tra các hạng mục được lập theo Mẫu số 02 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Phiếu ghi ý kiến kiểm tra, tổng hợp đánh giá chất lượng, khối lượng của từng hạng mục và tiến hành lập Biên bản kiểm tra chất lượng sản phẩm của từng hạng mục theo Mẫu số 03 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công

1. Đơn vị thi công sử dụng đơn vị trực thuộc, cán bộ chuyên môn kỹ thuật của mình tự kiểm tra chất lượng, khối lượng của tất cả các hạng mục công trình, sản phẩm do đơn vị mình thực hiện và lập hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

2. Trước khi tiến hành kiểm tra, Đơn vị thi công phải thông báo về kế hoạch kiểm tra tới chủ đầu tư và đơn vị giám sát, kiểm tra công trình để giám sát quá trình kiểm tra theo quy định.

3. Hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công bao gồm:

a) Báo cáo tổng kết kỹ thuật của đơn vị thi công theo Mẫu số 04 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm của đơn vị thi công theo Mẫu số 05 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo đối với những vấn đề phát sinh, vướng mắc về công nghệ, về định mức kinh tế - kỹ thuật, về khối lượng và những vấn đề khác so với chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và văn bản chấp thuận những phát sinh, giải quyết vướng mắc của cấp có thẩm quyền trong thời gian thi công công trình (nếu có).

đ) Biên bản kiểm tra chất lượng sản phẩm kèm theo Phiếu ghi ý kiến kiểm tra theo Mẫu số 03Mẫu số 02 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công lập thành 03 bộ: 01 bộ gửi chủ đầu tư, 01 bộ gửi đơn vị giám sát, kiểm tra cấp chủ đầu tư và 01 bộ lưu tại đơn vị thi công.

Điều 13. Kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư

1. Sau khi nhận được hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công hợp lệ, trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát, kiểm tra tổ chức thực hiện kiểm tra theo các nội dung sau:

a) Kiểm tra tính đầy đủ, tính pháp lý, tính thống nhất, tính hợp lệ của hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công;

b) Phân tích, đánh giá nội dung báo cáo tổng kết kỹ thuật, báo cáo kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm và các biên bản kiểm tra chất lượng sản phẩm, phiếu ghi ý kiến kiểm tra, số liệu, tài liệu kiểm tra cấp đơn vị thi công;

c) Kiểm tra, đánh giá quy cách sản phẩm so với các quy định kỹ thuật hiện hành;

d) Kiểm tra lại các sản phẩm đã được đơn vị thi công sửa chữa và lập văn bản xác nhận sửa chữa sản phẩm (nếu có);

đ) Xác định khối lượng của các hạng mục công trình sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và các hạng mục, sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng (nếu có);

e) Đánh giá, đề xuất xác định lại mức khó khăn các hạng mục công trình đã thi công phù hợp quy định hiện hành và thực tế sản xuất (nếu có);

g) Lập biên bản kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm theo Mẫu số 06 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Lập báo cáo giám sát, kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm theo Mẫu số 07 Phụ lục 02 ban hành theo Thông tư này;

2. Hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư bao gồm:

a) Quyết định phê duyệt chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền;

b) Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản giao nhiệm vụ cho đơn vị thi công;

c) Báo cáo tổng kết kỹ thuật của đơn vị thi công;

d) Báo cáo kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm của đơn vị thi công;

đ) Các báo cáo có liên quan đến khối lượng phát sinh, vướng mắc trong quá trình thi công và các văn bản xử lý của chủ đầu tư hoặc cơ quan quyết định đầu tư (nếu có);

e) Báo cáo của đơn vị thi công về việc sửa chữa sai sót và văn bản xác nhận sửa chữa sản phẩm cấp chủ đầu tư (nếu có);

g) Biên bản kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư;

h) Báo cáo giám sát, kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư.

i) Biên bản kiểm tra chất lượng sản phẩm kèm theo Phiếu ghi ý kiến kiểm tra cấp chủ đầu tư;

3. Hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư lập thành 03 bộ: 02 bộ lưu giữ tại chủ đầu tư, 01 bộ lưu giữ tại đơn vị giám sát, kiểm tra.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của đơn vị giám sát, kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư

1. Quyền của đơn vị giám sát, kiểm tra

a) Yêu cầu đơn vị thi công thực hiện theo đúng chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

b) Từ chối kiểm tra trong trường hợp đơn vị thi công chưa giao nộp đầy đủ các sản phẩm, hồ sơ kiểm tra chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm cấp đơn vị thi công hoặc các sản phẩm còn tồn tại lỗi mang tính hệ thống;

c) Từ chối xác nhận các sản phẩm không đạt chất lượng hoặc các sản phẩm đã có ý kiến kiểm tra nhưng không được sửa chữa theo yêu cầu;

d) Báo cáo chủ đầu tư về các vi phạm và kiến nghị hình thức xử lý trong trường hợp đơn vị thi công vi phạm các quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 7 của Thông tư này hoặc vi phạm tiến độ thực hiện do yếu tố chủ quan của đơn vị thi công;

đ) Đề xuất, kiến nghị chủ đầu tư chấp nhận hoặc thay đổi mức khó khăn so với chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

2. Trách nhiệm của đơn vị giám sát, kiểm tra

a) Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định tại Khoản 1 Điều 10 và Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này;

b) Tổng hợp các ý kiến trong quá trình giám sát, kiểm tra và thông báo cho đơn vị thi công. Trường hợp không thống nhất được ý kiến giữa đơn vị giám sát, kiểm tra với đơn vị thi công thì phải báo cáo chủ đầu tư để giải quyết;

c) Phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công theo thẩm quyền. Báo cáo chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc, phát sinh vượt quá thẩm quyền và những vấn đề kỹ thuật phát sinh ngoài chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

d) Chịu trách nhiệm về chất lượng, khối lượng sản phẩm đã giám sát, kiểm tra và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành khi cố ý làm sai lệch kết quả giám sát, kiểm tra.

Thông tư 49/2016/TT-BTNMT quy định công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 49/2016/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Phương Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 177 đến số 178
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH