Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 49/2011/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

BAN HÀNH VÀ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG TỶ LỆ HƯ HAO ĐỐI VỚI VỊ THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN VÀ CÂN CHIA

Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc y học cổ truyền chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn áp dụng tỷ lệ hư hao của các vị thuốc y học cổ truyền trong chế biến, bảo quản và cân chia như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có chức năng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Vị thuốc y học cổ truyền là dược liệu được sơ chế, phức chế theo lý luận và phương pháp y học cổ truyền.

2. Chế biến là quá trình làm thay đổi về chất và lượng của dược liệu thô thành vị thuốc đã được chế biến theo nguyên lý của y học cổ truyền, bao gồm 2 giai đoạn chính: sơ chế và phức chế.

3. Sơ chế là các thao tác ngâm, ủ, rửa, phơi, sấy và thái phiến.

4. Thái phiến là quá trình phân chia dược liệu đến kích thước hợp lý.

5. Phức chế là quá trình chế biến phức tạp theo nguyên lý y học cổ truyền, sử dụng lửa, nước, hoặc kết hợp nước và lửa hoặc các phụ liệu khác nhau tùy theo yêu cầu của từng dược liệu nhằm đạt các yêu cầu cụ thể của từng vị thuốc trong điều trị.

6. Tỷ lệ hư hao các vị thuốc y học cổ truyền trong quá trình chế biến là tỷ lệ phần trăm mất đi sau khi thuốc được chế biến so với khối lượng dược liệu ban đầu.

Điều 3. Nguyên tắc xác định tỷ lệ hư hao các vị thuốc y học cổ truyền

1. Danh mục tỷ lệ hư hao các vị thuốc y học cổ truyền được xây dựng căn cứ vào bộ phận dùng của dược liệu để xác định tỷ lệ hư hao dựa trên nguyên tắc những vị thuốc có cùng bản chất sẽ có tỷ lệ hư hao giống nhau hoặc gần giống nhau.

2. Tỷ lệ hư hao của các vị thuốc y học cổ truyền được xác định theo từng công đoạn sơ chế, phức chế đối với từng dạng nguyên liệu đầu vào.

3. Dược liệu đưa vào chế biến phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo Dược điển Việt Nam hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với các vị thuốc không có trong Dược điển Việt Nam.

Điều 4. Danh mục tỷ lệ hư hao đối với vị thuốc y học cổ truyền trong chế biến

Ban hành kèm theo Thông tư này "Danh mục tỷ lệ hư hao của các vị thuốc y học cổ truyền trong chế biến" sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh”.

Điều 5. Hướng dẫn thực hiện tỷ lệ hư hao đối với vị thuốc y học cổ truyền trong chế biến, bảo quản và cân chia

1. Tỷ lệ hư hao của các vị thuốc y học cổ truyền làm căn cứ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tính toán giá viện phí và thanh toán bảo hiểm y tế.

2. Tỷ lệ hư hao của các vị thuốc y học cổ truyền trong quá trình bảo quản và cân chia được xác định theo bộ phận dùng: Bộ phận dùng dạng lá, hoa là 3% ; dạng rễ, thân rễ, quả, hạt, vỏ là 2%; đối với nhóm bộ phận dùng khác còn lại là 3%.

3. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh mua dược liệu chưa sơ chế thì tỷ lệ hư hao được tính bằng tỷ lệ hư hao của từng công đoạn sơ chế, phức chế. Ví dụ: vị thuốc Hoàng kỳ chưa sơ chế thì tỷ lệ hư hao của Hoàng kỳ được tính như sau: nếu dùng luôn Hoàng kỳ sơ chế thì tỷ lệ hư hao được tính theo công đoạn sơ chế là 19%; nếu dùng Hoàng kỳ chích mật thì tỷ lệ hư hao là 20%.

4. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh mua dược liệu đã được sơ chế dùng để chế biến thì tỷ lệ hư hao được tính bằng tỷ lệ hư hao của công đoạn phức chế trừ đi tỷ lệ hư hao của công đoạn sơ chế. Ví dụ: vị thuốc Bạch thược đã được sơ chế (thái phiến) thì chỉ được tính tỷ lệ hư hao trong chế biến bằng tỷ lệ hư hao của công đoạn phức chế (18%) trừ đi tỷ lệ hư hao của công đoạn sơ chế (15%) là 3%; Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh mua dược liệu đã được sơ chế để dùng ngay thì chỉ được tính tỷ lệ hư hao do bảo quản và cân chia.

5. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh mua dược liệu đã chế biến sẵn của các cơ sở chế biến dược liệu, thuốc từ dược liệu theo quy định của Bộ Y tế thì chỉ được tính tỷ lệ hư hao do bảo quản và cân chia.

6. Đối với các vị thuốc y học cổ truyền nêu tại Quyết định số 3759/QĐ-BYT ngày 08 tháng 10 năm 2010 về việc ban hành Phương pháp chế biến bảo đảm chất lượng đối với 85 vị thuốc đông y thì áp dụng tỷ lệ hư hao theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng các vị thuốc y học cổ truyền có trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư này thì xác định tỷ lệ hư hao theo quy định tại Điều 5.

2. Đối với các vị thuốc y học cổ truyền ngoài danh mục kèm theo Thông tư này:

a) Bộ Y tế quy định tỷ lệ hư hao cho các bệnh viện y học cổ truyền tuyến trung ương.

b) Sở Y tế các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quy định tỷ lệ hư hao đối với các vị thuốc y học cổ truyền của cho các đơn vị trực thuộc.

c) Hàng năm các bệnh viện y học cổ truyền báo cáo tỷ lệ hư hao đối với các vị thuốc y học cổ truyền ngoài danh mục về Bộ Y tế (Vụ Y Dược cổ truyền) để xem xét đưa vào danh mục.

3. Trong quá trình mua dược liệu về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hóa đơn mua dược liệu phải thể hiện rõ tình trạng dược liệu ở dạng thô, đã sơ chế hoặc đã chế biến theo phương pháp quy định để làm căn cứ tính toán và áp dụng danh mục tỷ lệ hư hao cho phù hợp với thực tế.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2012.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng thông tin điện tử CP);
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; Bộ Công An;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các BV YHCT và BV đa khoa có khoa YHCT;
- Cục Quân y Bộ Quốc phòng, Cục Y tế Bộ Công an;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng Cục, Văn Phòng Bộ, Thanh tra Bộ thuộc Bộ Y tế;
- - Cổng thông tin điện tử BYT;
- - Lưu: VT, PC, YDCT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 49/2011/TT-BYT hướng dẫn áp dụng tỷ lệ hư hao đối với vị thuốc y học cổ truyền trong chế biến, bảo quản và cân chia do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 49/2011/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 147 đến số 148
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản