Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 481-PH/KV

Hà Nội,, ngày 16 tháng 12 năm 1959

THÔNG TƯ

BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CHÍNH VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC VỤ THIẾU, MẤT TIỀN

Kính gửi: Các ông Trưởng chi nhánh và Trưởng chi điếm Ngân hàng toàn quốc

Gần đây, ở nhiều chi nhánh việc xử lý các vụ thiếu, mất tiền bạc chưa phản ảnh được đầy đủ tinh thần chính sách và nêu cao tác dụng giáo dục và ngăn chặn hành động tham ô do đó không đề cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ tài sản quốc gia bằng cách chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, nội quy công tác kiểm nhận tiền bạc bảo quản kho quỹ, các việc xử lý quá nhẹ, miễn giảm vô nguyên tắc và các việc xử lý không kịp thời.

Để sửa chữa tình hình trên đây Ngân hàng trung ương nhắc các ông phải kiên quyết thi hành đúng nguyên tắc cơ bản của chế độ xử lý đã đề ra là:

1. Mỗi cán bộ, nhân viên làm thiếu, mất tiền phải đền bù đủ số, các cán bộ phụ trách có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra thiếu, mất như vi phạm các chế độ thu, phát, bảo quản, không chấp hành nội quy và nguyên tắc thể lệ làm việc, v.v…Để kịp thời giáo dục cần có hình thức kỷ luật thích đáng về việc không chấp hành đầy đủ chế độ nội quy, ngoài việc phải bồi hoàn đủ số tiền thiếu mất. Có như thế mới đề cao được tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ nội quy đã đề ra.

2. Tất cả các vụ thiếu, mất tiền không kể lý do thế nào đều phải quy định trách nhiệm ngay để ghi vào sổ sách kế toán, chậm nhất là 24 giờ đồng hồ, sau khi phát hiện sự việc thiếu mất. Người chịu trách nhiệm làm thiếu mất phải bồi hoàn đủ một trăm phần trăm (100%) số tiền đã thiếu, mất và phải bồi hoàn ngay nội trong tháng xảy ra thiếu, mất. Đồng thời Chi nhánh hoặc Chi điếm phải lập tức mở cuộc điều tra theo dõi để xác minh sự việc và tìm ra nguyên nhân và thủ phạm (nếu có).

3. Sau khi điều tra xác minh ra kẻ tham ô lợi dụng, nếu không phải là người chịu trách nhiệm đã phải bồi hoàn khi trước, thì số tiền thiếu, mất sẽ do thủ phạm đó hoàn lại cho người chịu trách nhiệm khi trước, tuy nhiên người để xảy ra việc thiếu, mất này vẫn phải chịu kỷ luật về tinh thần trách nhiệm, hình thức kỷ luật nặng nhẹ là tùy theo khuyết điểm của họ đã mắc.

4. Sau khi đền, ít nhất là một năm, việc tìm nguyên nhân không đem lại kết quả và, xét hoàn cảnh của người làm mất tiền, nếu gặp khó khăn và không có hiện tượng tham ô, thì hội đồng xử lý địa phương mới xét miễn giảm.

Những trường hợp miễn giảm trên 50đ phải được hội đồng xử lý Trung ương duyệt mới được thi hành – Trong lúc chưa duyệt người làm mất tiền vẫn phải tiếp tục đền.

5. Việc quy định trách nhiệm khi phát hiện các vụ thiếu, mất tiền sẽ do hội đồng xử lý về các vụ thiếu, mất ở các cấp Ngân hàng, chi nhánh và chi điếm phụ trách.

Nếu việc quy định trách nhiệm về các vụ thiếu, mất tiền không làm kịp thời, mà không có lý do chính đáng thì Trưởng chi nhánh, Trưởng chi điếm, hay người có quyền hạn thay thế lãnh đạo trong thời gian xảy ra việc thiếu, mất phải chịu trách nhiệm.

Tóm lại, văn bản này nhằm giải thích và bổ sung cho các thông tư đã ban hành trước đây về một số điểm, mà chủ yếu là với tinh thần xử lý theo Thông tư này sẽ chặt chẽ hơn, có như thế mới đảm bảo chấp hành đầy đủ tinh thần chính sách đã nói trên – Trong đó yêu cầu chủ yếu là khi phát hiện ra sự việc thiếu mất phải lập tức quy định người chịu trách nhiệm bồi hoàn cho công quỹ ngay, không thể vì lý do gì mà được chậm trễ - khi xử lý ngoài việc bắt bồi thường còn cần phải phân biệt kỹ các trường hợp: vi phạm các chế độ nội quy, v.v…nhẹ, nặng, lần đầu tiên hoặc tái phạm… để quy định kỷ luật cho thích đáng.

Các văn bản trước đây có điểm nào trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Để chấp hành Thông tư này được chu đáo, có kết quả tốt, điểm quan trọng nhất là phải tăng cường giáo dục, đề cao tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành các chế độ nội quy thật nghiêm chỉnh - Dựa vào Thông tư này, các ông Trưởng, Phó chi nhánh và chi điếm cần trực tiếp hướng dẫn các anh chị em làm công việc, kho, quỹ, thu phát, giải thích đầy đủ tinh thần chính sách để mọi người thấy rõ nhiệm vụ và bảo đảm chấp hành được kết quả tốt.

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM





Lê Viết Lượng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 481-PH/KV năm 1959 bổ sung một số điểm chính về việc xử lý các vụ thiếu, mất tiền do Ngân Hàng Quốc Gia ban hành

  • Số hiệu: 481-PH/KV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/12/1959
  • Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: 31/12/1959
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: 31/12/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản