Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126-VP/PC

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1958

THÔNG TƯ

BỔ SUNG VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC KHOẢN TIỀN THIẾU, MẤT, THAM Ô

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ông Trưởng Ngân hàng các tỉnh
- Ủy ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh

Trước đây Ngân hàng Trung ương đã ban hành Thông tư số 05-PH/TT ngày 14-9-1955 và số 08-PH/TT ngày 22-12-1957 nhằm quy định một số nguyên tắc tổ chức và quyền hạn nhiệm vụ của Hội đồng xử lý các chi nhánh và Hội đồng xử lý Ngân hàng Trung ương để tiến hành xử lý những khoản tiền thiếu, mất, tham ô xảy ra trong quá trình công tác.

Việc xử lý nói chung đã được tiến hành tốt giúp ích nhiều cho việc tăng cường bảo vệ tiền bạc của công quỹ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện xử lý xét thấy còn có những quy định về quyền hạn xử lý và nguyên tắc đền bù, thanh toán không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Do đó, làm cho công việc xử lý gặp phần khó khăn trở ngại.

Hiện nay, để đẩy mạnh công tác xử lý được kịp thời Trung ương bổ sung Thông tư xử lý số 08-PH/TT như sau:

A - Quyền hạn xử lý:

1 - Bắt đầu từ ngày ban hành Thông tư bổ sung này, những vụ thiếu, mất tiền bạc xảy ra dưới 50.000 đ trở xuống mà nguyên nhân là sơ xuất về nghiệp vụ hay vì thiếu trách nhiệm lần đầu, không có hiện tượng tham ô thì do Hội đồng xử lý chi nhánh xử lý và thông qua Trưởng Chi nhánh duyệt rồi thi hành, không phải qua Hội đồng xử lý Trung ương duyệt.

2. - Những vụ thiếu, mất từ 50.000đ trở lên thì sau khi xử lý, phải báo cáo lên Trung ương để Hội đồng xử lý Trung ương xét duyệt lại rồi mới được thi hành.

3. - Những vụ thiếu, mất từ dưới 50.000đ trở xuống xảy ra từ trước ngày ban hành Thông tư bổ sung này, còn lại chưa xử lý hoặc xử lý rồi nhưng Hội đồng xử lý Trung ương chưa kịp duyệt thì Hội đồng xử lý chi nhánh cũng tiến hành xử lý và thi hành theo tinh thần như điểm 1 đã nói trên đây.

4. - Những vụ tham ô từ 10.000đ trở lên sau khi Hội đồng xử lý Chi nhánh xử lý phải báo cáo về Trung ương để Hội đồng xử lý Trung ương xét duyệt lại mới được thi hành.

5. – Trách nhiệm và quyền hạn xử lý những vụ thiếu, mất, tham ô xảy ra trong công tác tiết kiệm và cho vay thu nợ và trong chi tiêu dự toán ngân hàng cũng phân công xử lý như những trường hợp thiếu, mất, trong công tác thu phát.

6. - Những vụ tái phạm, bất luận nhiều hay ít đều phải báo cáo lên Trung ương để Hội đồng xử lý Trung ương duyệt mới được thi hành.

B – Nguyên tắc quy định đền bù tiền bạc.

1. Những vụ thiếu, mất xét do vi phạm nội quy chế độ liên tục mặc dầu đã có giáo dục nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm thì xử lý có thể quy định đền bù tiền bạc từ 50% đến 100% số tiền.

C - Biện pháp xử lý những khoản tiền mất đã từ lâu (mất từ thời kỳ kháng chiến hay thu đổi tiền đối phương).

1 - Những vụ thiếu, mất từ 100.000đ trở lên phải qua Hội đồng xử lý Trung ương duyệt mới được thi hành. Những vụ dưới 100.000đ do Chi nhánh xử lý và thi hành.

2 - Những vụ mất hiện đương sự không ở cơ quan, không còn rõ địa chỉ; hoặc bản thân gia đình nghèo túng; bị xử tù khánh kiệt tài sản thì có thể xét cho chuyển vào lỗ lãi sau khi đã xác minh thật kỹ.

3 - Những vụ đã xử đền rồi và còn khả năng thu hồi được phải tích cực dùng mọi biện pháp để thu hồi dần.

4 - Những vụ xét cần thiết phải được điều tra xác minh thêm thì có thể đề nghị tiến hành điều tra thêm.

D – Quy định trách nhiệm:

1 - Mỗi cán bộ, nhân viên làm thiếu, mất, tiền bạc, ngoài trách nhiệm phải đền bù về tiền bạc, còn phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân để xảy thiếu mất và vi phạm chế độ nguyên tắc thể lệ làm việc. Phải có kỷ luật bằng mọi hình thức tương xứng với khuyết điểm.

2 - Những cán bộ, nhân viên nào vi phạm chế độ nội quy và làm thiếu, mất tiền bạc nhiều lần, mặc dầu đã được giáo dục nhắc nhở nhưng không sửa chữa và còn tái phạm thì phải thi hành kỷ luật nặng cho đến mức bắt buộc phải thải hồi.

3 - Những vụ tham ô quan trọng hoặc những vụ thiếu, mất công quỹ đã được Hội đồng xử lý nhưng đương sự không chấp hành nghị quyết của Hội đồng ấy cũng có thể xét đem ra truy tố trước pháp luật.

4 - Đối với cán bộ phụ trách phòng và cán bộ phụ trách Chi nhánh, vì công tác lãnh đạo có thiếu sót để tiền bạc xảy ra thiếu, mất, tham ô nhiều lần hoặc thiếu mất đến mức trầm trọng; Trung ương đã nhắc nhở góp ý nhưng không kiên quyết lãnh đạo sửa chữa hoặc không đôn đốc chấp hành đúng chế độ nội quy để việc thiếu, mất vẫn tái diễn thì phải chịu trách nhiệm, tùy theo nặng nhẹ cũng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng.

Thông tư này nhằm bổ sung và nhắc lại một số điểm cần thiết như chế độ trách nhiệm, phân cấp xử lý. Ngoài ra những nguyên tắc và thể thức xử lý khác vẫn thi hành như Thông tư số 08-PH/TT ngày 22-12-1957 đã quy định.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC





Tạ Hoàng Cơ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 126-VP/PC năm 1958 về việc xử lý các khoản tiền thiếu, mất, tham ô do Ngân hàng Quốc gia ban hành

  • Số hiệu: 126-VP/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/10/1958
  • Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Tạ Hoàng Cơ
  • Ngày công báo: 12/11/1958
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 12/11/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản