Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 475-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 1978

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC NGÀNH PHÁT THANH VÀ TRUYỀN THANH Ở CẤP TỈNH VÀ HUYỆN

Ngày 18 tháng 6 năm 1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164-CP về việc thành lập Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Ngày 08 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 180-CP về việc chuyển nhiệm vụ và tổ chức bộ máy truyền thanh của Tổng cục Thông tin sang Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam quản lý.

Đến nay, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập đài phát thanh. Mạng lưới phát thanh và truyền thanh đã hình thành xuống tận cơ sở và đang phát huy tác dụng tốt.

Để thống nhất về mặt tổ chức và tăng cường hiệu lực hoạt động của bộ máy; xét đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư quy định về tổ chức ngành phát thanh và truyền thanh ở tỉnh, thành phố và huyện như sau.

A. VỀ ĐÀI PHÁT THANH TỈNH, THÀNH PHỐ

Đài phát thanh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan sự nghiệp và quản lý sự nghiệp phát thanh và truyền thanh của địa phương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; thành phố, chịu sự chỉ đạo về nội dung tuyên truyền của tỉnh ủy, thành ủy và chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ của Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam, có nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Thực hiện chức năng tờ báo nói địa phương;

2. Chịu trách nhiệm quản lý ngành phát thanh và truyền thanh của địa phương.

Đài phát thanh tỉnh, thành phố có vị trí tương đương với ty, sở của tỉnh và thành phố.

Đài phát thanh tỉnh do một giám đốc phụ trách; có từ hai đến ba phó giám đốc giúp việc (trong đó có một phó giám đốc phụ trách kỹ thuật).

Việc bổ nhiệm giám đốc, các phó giám đốc do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định với sự thỏa thuận của Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Đài phát thanh tỉnh gồm có:

- Phòng biên tập,

- Phòng văn nghệ,

- Phòng kỹ thuật,

- Phòng quản lý nghiệp vụ truyền thanh,

- Phòng kế hoạch và tài vụ,

- Phòng tổ chức và hành chính.

Ngoài ra, đài phát thanh tỉnh còn có một số đơn vị trực thuộc, như trường truyền thanh, xí nghiệp truyền thanh, cửa hàng sửa chữa máy thu thanh, máy thu hình, v.v…

Biên chế đài phát thanh tỉnh, thành phố do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch phát triển hàng năm và kế hoạch lao động, tiền lương được Nhà nước duyệt và phân bổ, và theo sự hướng dẫn của Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Các đài phát thanh tỉnh, thành có phát thanh bằng tiếng dân tộc, thì tuỳ khối lượng công việc biên dịch, đọc mà tăng thêm biên chế cho phù hợp.

Riêng đối với xí nghiệp truyền thanh, cửa hàng sửa chữa máy thu thanh và máy thu hình là đơn vị sản xuất kinh doanh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào khối lượng công tác mà quyết định biên chế.

Việc quản lý cán bộ của đài phát thanh tỉnh, thành phố thực hiện theo điều 25, Nghị định số 24-CP ngày 02/02/1976 của Hội đồng Chính phủ.

B. ĐÀI PHÁT THANH HUYỆN

Đài phát thanh huyện là cơ quan sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, nằm trong hệ thống chuyên môn cả nước của ngành phát thanh và truyền hình, có nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a. Làm chức năng một cơ quan tuyên truyền, một công cụ chỉ đạo sản xuất của Ủy ban nhân dân huyện:

- Tổ chức việc tiếp âm đài tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh tỉnh trong phạm vi toàn huyện;

- Trực tiếp quản lý đài truyền thanh thị trấn, huyện lỵ.

b. Quản lý sự nghiệp của ngành trong phạm vi huyện:

- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp; quản lý các cơ sở vật chất kỹ thuật; hướng dẫn và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân của ngành hoạt động trong mạng lưới truyền thanh của huyện;

- Phối hợp chặt chẽ với các ban chuyên môn và các đoàn thể của huyện trong công tác tuyên truyền.

Đài truyền thanh huyện phải quán triệt và chấp hành quy định cho các ban chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện, nói trong chương II, Quyết định số 139-CP ngày 14/6/1978 của Hội đồng Chính phủ.

Đài truyền thanh huyện có một trưởng đài truyền thanh huyện phụ trách và một phó trưởng đài truyền thanh huyện giúp việc, do Ủy ban nhân dân huyện quyết định với sự thỏa thuận của giám đốc đài phát thanh tỉnh, thành.

Biên chế đài phát thanh huyện do Ủy ban nhân dân huyện quyết định căn cứ vào nhiệm vụ và kế hoạch được giao và sự hướng dẫn của ngành phát thanh và truyền hình.

Ở những huyện có yêu cầu, Ủy ban nhân dân huyện có thể thảo luận với đài phát thanh tỉnh, thành phố để thành lập những đơn vị chuyên trách thi công lắp đặt và sửa chữa, v.v…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành Thông tư này.

TL. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG




Vũ Tuân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 475-TTg-1978 quy định về tổ chức ngành phát thanh và truyền thanh ở cấp tỉnh và huyện do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 475-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/09/1978
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Tuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 13/10/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản