Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-TTg/VG

Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 1968

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ TỔ CHỨC NHÀ TRẺ Ở NÔNG THÔN

Nhà trẻ là tổ chức nuôi dạy trẻ em từ 1 đến 3 tuổi, khi các em còn chưa vào lớp mẫu giáo, vỡ lòng. Trong chế độ ta, việc nuôi dạy tập thể của nhà trẻ sẽ thay thế dần dần và thay thế một phần quan trọng cho việc nuôi dạy của gia đình, nhằm đảm bảo nuôi dạy trẻ em tốt hơn và giải phóng triệt để sức lao động của phụ nữ. Trong tình hình có chiến tranh, nhà trẻ còn nhằm bảo vệ tốt hơn tính mạng của trẻ em và tạo điều kiện cho cha mẹ các cháu tập trung sức lực vào sản xuất và chiến đấu. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố và phát triển rộng rãi phong trào nhà trẻ là một công tác quan trọng và bức thiết hiện nay.

Để giúp cho phong trào nhà trẻ ở nông thôn phát triển mạnh mẽ và vững chắc, Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời chế độ tổ chức nhà trẻ, chính sách đối với cô nuôi trẻ và sự phân công phụ trách giữa các ngành, các cấp đối với nhà trẻ trong khu vực hợp tác xã nông nghiệp như sau:

1. Chế độ tổ chức nhà trẻ ở nông thôn.

Nhà trẻ ở nông thôn là tổ chức phúc lợi của hợp tác xã nông nghiệp, do hợp tác xã tổ chức và quản lý về mọi mặt.

Tùy theo điều kiện địa dư và điều kiện sản xuất, nhà trẻ có thể tổ chức theo từng đội sản xuất hay liên đội sản xuất. Nhà trẻ có thể tổ chức theo hình thức thường xuyên hay từng vụ. Ở miền núi, tùy theo đặc điểm của từng vùng khác nhau, có thể tổ chức nhà trẻ theo những hình thức thích hợp như nhóm liên gia gửi trẻ, v.v…

Trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại hiện nay, nên tổ chức nhà trẻ theo quy mô nhỏ và phân tán, mỗi nhà không giữ quá 20 cháu, phải có đủ hầm hào phòng không chắc chắn và được ngụy trang chu đáo.

Hợp tác xã có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất của nhà trẻ, lựa chọn và quản lý cô nuôi trẻ, thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà trẻ, cô nuôi trẻ, đôn đốc các xã viên có con gửi ở nhà trẻ làm nhiệm vụ đối với nhà trẻ.

Xã viên có con gửi nhà trẻ có trách nhiệm đóng góp công điểm vào quỹ thù lao cho cô nuôi trẻ và công sức vào việc sửa chữa nhà trẻ, làm hầm hào phòng không.

Nhà nước giúp đỡ các nhà trẻ trong việc đào tạo bồi dưỡng cô nuôi nuôi trẻ, chăm sóc sức khỏe các cháu, phân phối một số dụng cụ, thực phẩm, thuốc men cần thiết.

2. Chính sách đối với cô nuôi trẻ ở nông thôn.

Cô nuôi trẻ là người thay thế bố mẹ nuôi dạy các cháu và là người lao động, có chuyên môn, nghiệp vụ. Cho nên cô nuôi trẻ phải có tư cách đạo đức tốt, có nhiệt tình thương yêu trẻ, phải khỏe mạnh, không có bệnh truyền nhiễm, phải có trình độ văn hóa ít nhất lớp 2 (miền núi có thể châm chước) và dần dần nâng trình độ lên lớp 7, phải có những kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ và phải qua các lớp huấn luyện chuyên môn.

Cô nuôi trẻ được hợp tác xã trả thù lao công điểm mỗi ngày bằng 1 ngày công trung bình. Nếu làm việc thêm giờ thì được tính thêm công điểm. Cô nuôi trẻ lâu năm, có kinh nghiệm, có năng xuất công tác cao được thù lao cao hơn.

Thù lao cho cô nuôi trẻ một phần do cha mẹ đóng góp, một phần do trích quỹ công ích của hợp tác xã.

Cô nuôi trẻ được hưởng mọi quyền lợi trong hợp tác xã như các xã viên khác: phân chia hoa lợi, phân phối hàng hóa, chế đố ốm đau, sinh đẻ, sinh hoạt, học tập…

Ở các nhà trẻ thường xuyên, cô nuôi trẻ được miễn làm lao động xã hội chủ nghĩa, nhưng phải làm nghĩa vụ dân công. Để khỏi ảnh hưởng đến việc nuôi dạy các cháu, hợp tác xã có thể bố trí người đi dân công thay và cô nuôi trẻ phải trả công điểm cho người đi thay.

Cô nuôi trẻ được Nhà nước đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, khi đi dự các lớp huấn luyện, được Nhà nước đài thọ tiền tầu xe và tiền ăn trong thời gian học tập.

3. Phân công phụ trách giữ các ngành, các cấp đối với các nhà trẻ.

Hội liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm chỉ đạo phong trào nhà trẻ, đề ra phương hướng kế hoạch phát triển, tổ chức chỉ đạo việc thực hiện, cùng Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp nghiên cứu chính sách, chế độ đối với nhà trẻ và cô nuôi trẻ, vận động nhân dân đem con cháu đến gửi nhà trẻ, kiểm tra nội dung nuôi dạy trẻ ở các nhà trẻ, giáo dục, quản lý cô nuôi trẻ.

Đoàn thanh niên lao động có trách nhiệm động viên và giới thiệu những đoàn viên có đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ nuôi dạy trẻ.

Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp có trách nhiệm cùng với Hội liên hiệp phụ nữ nghiên cứu ban hành quy chế mẫu về tổ chức quản lý nhà trẻ ở nông thôn, nghiên cứu chế độ, chính sách đối với nhà gửi trẻ và cô nuôi trẻ, và hướng dẫn kiểm tra các hợp tác xã thực hiện các chế độ chính sách đó.

Ngành y tế có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe trẻ em, hướng dẫn nhà trẻ thực hiện vệ sinh phòng bệnh, định kỳ kiểm tra sức khỏe các cháu và cô nuôi trẻ, chăm sóc các cháu ốm đau. Ngành y tế và ngành giáo dục có trách nhiệm bồi dưỡng, đào tạo các cô nuôi trẻ về mặt nghiệp vụ nuôi dạy trẻ.

Ngành thương nghiệp có trách nhiệm phân phối cho các nhà trẻ những dụng cụ, hàng hóa cần thiết và một số thực phẩm, đồ chơi dành riêng cho trẻ em.

Các ngành có liên quan khác như tài chính, công nghiệp nhẹ… trong phạm vi trách nhiệm của mình, cần có kế hoạch giúp đỡ phong trào nhà trẻ ở nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Các cấp ủy và Ủy ban hành chính địa phương, nhất là Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã, cần quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt công tác nhà trẻ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ nhà trẻ giải quyết các khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành có liên quan và các địa phương thi hành tốt thông tư này và làm cho nội dung thông tư này quán triệt đến hợp tác xã.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 47-TTg/VG-1968 quy định tạm thời về chế độ tổ chức nhà trẻ ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 47-TTg/VG
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/04/1968
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản