Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 21-BYT/CT | Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 1969 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO VỆ SỨC KHỎE TRẺ EM Ở CÁC NHÀ TRẺ, TRẠI TRẺ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Mấy năm qua trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em nói chung, trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ nói riêng, ngành ta đã có nhiều cố gắng. Nhiều anh chị em cán bộ y tế ở xã, hợp tác xã, đường phố, ở các công, nông, lâm trường, xí nghiệp đã đi sát nhà trẻ, trại trẻ để theo dõi sức khỏe, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh cho trẻ em đồng thời huấn luyện, bổ túc chuyên môn nghiệp vụ cho các cô nuôi trẻ, góp phần xây dựng nhiều nhà trẻ tốt.
Song, ở nhiều nơi, cán bộ y tế còn coi nhẹ hoặc chưa chú ý chăm lo bảo vệ sức khỏe trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ, chưa thường xuyên đến nhà trẻ, trại trẻ để hướng dẫn nội dung chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh cho trẻ em.
Thông tư số 47-TTg/VG ngày 15-04-1968 của Phủ Thủ tướng quy định tạm thời về chế độ tổ chức nhà trẻ ở nông thôn, đã phân công cho ngành ta như sau: “Ngành y tế có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe trẻ em, hướng dẫn nhà trẻ thực hiện vệ sinh phòng dịch, định kỳ kiểm tra sức khỏe các cháu và cô nuôi trẻ, chăm sóc các cháu ốm đau. Ngành y tế và ngành giáo dục có trách nhiệm bồi dưỡng đào tạo các cô nuôi trẻ về mặt nghiệp vụ nuôi dạy trẻ”.
Để thực hiện sự phân công theo tinh thần thông tư của Phủ Thủ tướng, nay Bộ xác định lại nhiệm vụ và hướng dẫn công tác cụ thể cho các cơ sở y tế trong toàn ngành như sau:
Nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em nhất là trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ nằm trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung mà ngành ta có trách nhiệm phụ trách, đặc biệt đối với trẻ em là thế hệ tương lai của dân tộc, là những người sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Nhà trẻ, trại trẻ là những cơ sở phòng bệnh, là những trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ em theo phương pháp vệ sinh khoa học nhằm bồi dưỡng vun trồng một thế hệ tương lai khỏe mạnh, thông minh, có nhiều tài năng và đức tính tốt; ngành ta phải dành mọi sự cố gắng vào việc chăm sóc các cháu ở các nhà trẻ, trại trẻ, chủ động phòng bệnh cho các cháu không ốm đau để khỏi ảnh hưởng đến ngày giờ sản xuất của gia đình. Đó không những là nhiệm vụ, chức năng mà còn là sự thể hiện quan điểm phục vụ sản xuất của ngành ta.
Bởi vậy các cơ sở y tế trong toàn ngành, trước hết là các khoa nhi bệnh viện tỉnh, huyện, các trạm bảo vệ bà mẹ trẻ em và trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh, huyện, các trạm y tế xã và đường phố, các tổ y tế hợp tác xã, các phòng y tế công, nông, lâm trường, xí nghiệp…phải có kế hoạch phục vụ tốt trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ. Các trường trung học, sơ học y tế, các trạm bảo vệ bà mẹ trẻ em và khoa nhi các bệnh viện tỉnh, huyện phải có kế hoạch đào tạo bổ túc chuyên môn, nghiệp vụ cho các cô nuôi trẻ.
Sau đây Bộ quy định nhiệm vụ cụ thể của y tế cơ sở xã, hợp tác xã, công, nông, lâm trường, xí nghiệp đối với trẻ em các nhà trẻ, trại trẻ như sau: Các trạm y tế xã và khu phố, các tổ y tế hợp tác xã, các phòng y tế công, nông, lâm trường, xí nghiệp trong chương trình, kế hoạch công tác của mình, phải có kế hoạch phục vụ trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ và phân công cán bộ thực hiện kế hoạch ấy. Kế hoạch phục vụ trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ bao gồm các việc:
1. Phòng bệnh và theo dõi sức khỏe trẻ em.
- Hướng dẫn đôn đốc cô nuôi trẻ thực hiện những điều vệ sinh thường thức đối với trẻ em như vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong vui chơi, vệ sinh ỉa đái, vệ sinh phòng bệnh theo mùa, v.v…và cách thức cho ăn, thay quần áo, tã lót, tắm rửa, v.v…
- Tổ chức tiêm chủng các vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em theo quy định và hướng dẫn của các cơ sở y tế cấp trên. Hướng dẫn đôn đốc cô nuôi trẻ thường xuyên cho trẻ em rỏ mũi và uống subtilis để phòng bệnh đường hô hấp và đường ruột, rỏ mắt để phòng bệnh mắt hột.
- Hàng tuần cán bộ y tế đến thăm sức khỏe cho trẻ em ở nhà trẻ, trại trẻ. Hướng dẫn cô nuôi trẻ theo dõi sức khỏe trẻ em hàng ngày, phát hiện trẻ ốm để báo cho cán bộ y tế thăm khám, chữa bệnh kịp thời và cách ly trẻ nghi mắc các bệnh lây, bệnh truyền nhiễm. Hàng tháng cán bộ y tế phối hợp với cô nuôi trẻ tổ chức việc cân, đo cho trẻ em và ghi vào bảng theo dõi sức khỏe; hàng quý y sĩ của trạm y tế xã, công, nông, lâm trường; xí nghiệp kiểm tra sức khỏe toàn diện trẻ em một lần và ghi kết quả cùng nhận xét vào sổ sức khỏe của các cháu.
- Có kế hoạch và biện pháp tích cực bao vây và dập tắt dịch khi xảy ra ở nhà trẻ, trại trẻ.
2. Hướng dẫn nhà trẻ về nội dung chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
- Hướng dẫn, đôn đốc nhà trẻ xây dựng cơ sở vật chất (nhà cửa, trang bị…) cũng như các công trình cần thiết phục vụ trẻ em như hố xí, giếng nước, nhà bếp, nhà tắm, hầm hào, cống rãnh…; hướng dẫn cô nuôi trẻ bảo quản và sử dụng tốt các công trình ấy.
- Hướng dẫn cô nuôi trẻ trong việc tổ chức, chế biến món ăn bảo đảm vệ sinh, dễ tiêu hóa; có chất bổ thích hợp với từng lứa tuổi trẻ em trong hoàn cảnh cụ thể về kinh tế và khả năng lương thực, thực phẩm của địa phương và của nhà trẻ.
- Hướng dẫn cô nuôi trẻ trong việc tắm nắng phòng bệnh còi xương cho trẻ, trong việc tổ chức vui chơi cho trẻ.
- Y sĩ của trạm y tế, công, nông, lâm nghiệp, xí nghiệp định kỳ kiểm tra vệ sinh và việc thực hiện nội quy nhà trẻ, trại trẻ; góp ý kiến, hướng dẫn biện pháp, kế hoạch khắc phục thiếu sót, tồn tại cho các cô nuôi trẻ và cán bộ y tế được phân công theo dõi nhà trẻ, trại trẻ.
3. Chữa bệnh cho trẻ em.
- Khi có trẻ em ở nhà trẻ ốm đau, cần được phát hiện và chữa bệnh kịp thời. Trường hợp quá khả năng cần gửi kịp thời các cháu lên tuyến trên.
- Hướng dẫn cô nuôi trẻ sử dụng thành thạo tủ thuốc của nhà trẻ, trại trẻ trong việc chữa một số bệnh thông thường cho các cháu.
4. Huấn luyện cô nuôi trẻ.
- Các trạm y tế xã, phòng y tế công, nông, lâm trường, xí nghiệp có trách nhiệm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chương trình từ 7 ngày đến 1 tháng cho các cô nuôi trẻ. Các trường sơ học y tế huyện bổ túc chương trình 3 tháng cho các cô. Các trường trung học y tế tỉnh và khu vực, Bộ sẽ quy định sau.
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe cho các cô.
- Hàng tuần cán bộ y tế xã, hợp tác xã, công, nông, lâm trường, xí nghiệp tới dự sinh hoạt kiểm điểm công tác của nhà trẻ, trại trẻ. Trong sinh hoạt của trạm y tế xã, phòng y tế công, nông, lâm trường, xí nghiệp hàng tháng để kiểm điểm công tác và bàn kế hoạch công tác tháng sau đều cần kiểm điểm và bàn bạc công tác phục vụ nhà trẻ, trại trẻ, có triệu tập các cô phụ trách nhà trẻ tham gia.
Trên đây là nhiệm vụ và công tác cụ thể phục vụ trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ; Bộ yêu cầu các sở, ty y tế các khu, tỉnh, thành phố, các ty, phòng y tế các Bộ và Tổng cục nghiên cứu và có kế hoạch cụ thể để thực hiện, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thi hành.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Chỉ thị 21-BYT/CT năm 1969 về bảo vệ sức khỏe trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 21-BYT/CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/08/1969
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Văn Tín
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra