THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 47-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 1962 |
HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT VẬT TƯ KỸ THUẬT TỒN KHO
Kính gửi: | - các bộ, các cơ quan ngang bộ, |
Qua các đợt điều tra vật tư tồn kho về kim khí thiết bị từ năm 1961 đến nay, tình hình vật tư kỹ thuật tồn kho ứ đọng chưa được đem sử dụng vào sản xuất và xây dựng còn nhiều.
Riêng về kim khí, số lượng tồn kho đến ngày 01-01-1962 lên đến 133.694 tấn gồm đủ các loại, các cỡ.
Về thiết bị mới tính ở 7 Bộ có nhiều vật tư thì số thiết bị tồn kho nằm trong diện Nhà nước thống nhất quản lý phân phối lên đến 9.359 cái.
Lực lượng tồn kho trên, hiện nay rải rác ở kho của các Bộ, các xí nghiệp và công trường.
Sau cuộc điều tra tồn kho kim khí ngày 01-04-1961, Chính phủ đã có chủ trương tích cực tận dụng vật tư sẵn có đưa vào sản xuất và thường vụ Hội đồng Chính phủ họp ngày 21-06-1961 đã giao nhiệm vụ điều chỉnh vật tư kỹ thuật thừa, ứ đọng cho Tổng cục Vật tư.
Các Bộ đã cùng Tổng cục Vật tư phối hợp điều hòa nơi thừa cho nơi thiếu và đã giải quyết được nhiều khó khăn trước mắt, nhưng do tư tưởng cục bộ, bản vị của một số ngành và đơn vị, nên việc điều chỉnh chưa tốt, và khi thực hiện còn gặp một số khó khăn về nguyên tắc, thủ tục giá cả.
Với tinh thần quyết tâm thực hiện vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1962 của Trung ương và Chính phủ, để tận dụng hết các loại vật tư kỹ thuật tồn kho sẵn có, bảo đảm có đủ vật tư kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và xây dựng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, các đơn vị cần đề cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để giải quyết nhanh chóng, điều chỉnh kịp thời các loại vật tư kỹ thuật ứ đọng.
Thủ tướng Chính phủ quy định những điều sau đây để các Bộ, các ngành, các địa phương làm cơ sở tiến hành việc thanh lý vật tư tồn kho.
I. VẤN ĐỀ QUẢN LÝ VÀ PHÂN PHỐI
1. Tất cả các loại vật tư kỹ thuật chủ yếu do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối gồm thiết bị, máy móc, kim loại đen, kim loại màu. Hàng nhập ngoài nước cũng như hàng sản xuất trong nước hiện nay còn thừa, ứ đọng ở các Bộ, xí nghiệp, công trường, nông trường v.v… (kể cả hàng thiết bị toàn bộ xây dựng xong còn thừa) sau khi đã trừ cho kế hoạch năm 1962, số còn lại đều thống nhất thuộc quyền Tổng cục Vật tư quản lý, phân phối, điều chỉnh.
- Đối với các loại vật tư kỹ thuật quý, hiếm như kim loại màu (đồng, nhuôm, chì thiếc, kẽm) thép chế tạo, thép dùng cũ, các loại máy phát lực, phát điện, máy bơm, máy công cụ và phương tiện giao thông bốc dỡ, thì Tổng cục Vật tư thống nhất nhận và sau khi phân phối cho các kế hoạch sản xuất, xây dựng, số còn lại đều tập trung về kho Nhà nước.
Hiện nay các loại vật tư quý, hiếm nhập khẩu có khó khăn, nhiều thứ về chậm nhất là các loại kim khí chế tạo, nên một số xí nghiệp bị thiếu, trong khi đó thì ở nhiều nơi còn tồn kho đủ sử dụng cho 6 tháng, 8 tháng hoặc một năm. Do đó Tổng cục Vật tư sẽ tùy theo từng mặt hàng tồn kho của các xí nghiệp và nhu cầu cấp thiết của kế hoạch, điều hòa, phân phối cho các xí nghiệp thiếu, để bảo đảm cho sản xuất và xây dựng hoạt động được bình thường, thực hiện được kế hoạch Nhà nước.
Thí dụ: xí nghiệp A còn tồn kho 1.000đ thép chế tạo V7 Ф 120 đủ bảo đảm cho sản xuất quý 2 và 3. Xí nghiệp B cần loại này nhưng không có vì hàng chưa về. Tổng cục Vật tư có thể điều bớt của xí nghiệp A 300kg cho xí nghiệp B để bảo đảm kế hoạch sản xuất, khi hàng về sẽ phân phối lại cho xí nghiệp A để tiếp tục sản xuất vào quý 3.
2. Các loại vật tư kỹ thuật thừa, ứ đọng (sau khi đã trừ cho kế hoạch) các Bộ, các ngành, các xí nghiệp, công trường, nông trường không được tự động đem sử dụng, cho vay mượn hoặc bán đi. Khi cần sử dụng thì phải báo cáo cho Tổng cục Vật tư duyệt và phân phối.
3. Tổng cục Vật tư sẽ cùng các Bộ chủ quản nghiên cứu và thẩm tra lại số tồn kho, quy cách, phẩm chất để điều hòa phân phối từ nơi thừa đến nơi thiếu, trước hết là điều hòa giữa các xí nghiệp trong Bộ, sau đó sẽ điều hòa giữa các Bộ, các ngành.
- Trường hợp hàng thừa không có nơi nào sử dụng, thì Tổng cục Vật tư nhận và tổ chức bảo quản, để tiệp tục phân phối cho các kế hoạch sau này, và tìm mọi biện pháp tích cực để huy động vật tư thừa, ứ đọng vào sản xuất.
4. Hiện nay Tổng cục Vật tư làm nhiệm vụ cung cấp thì Bộ không cần dự trữ các loại vật tư do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối, mà chỉ cần dự trữ ở Tổng cục Vật tư và ở xí nghiệp. Bộ chỉ cần dự trữ các loại vật tư chuyên dùng và các loại vật tư không do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối.
5. Các loại vật tư kỹ thuật không nằm trong diện Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối còn ứ đọng, thì chủ yếu là do các Bộ tự giải quyết, nhưng cần báo cáo số lượng quy cách phẩm chất cho Tổng cục Vật tư để giúp đỡ biện pháp giải quyết điều hòa giữa các ngành.
II. VẤN ĐỀ THANH TOÁN VÀ GIAO NHẬN
Các loại vật tư tồn kho thừa ứ đọng được điều động từ nơi thừa đến nơi thiếu đều tính theo giá chỉ đạo của Nhà nước. Cơ quan giao hàng không được tính thêm bất cứ một khoản phụ phí nào. Cơ quan nhận hàng thanh toán theo giá chỉ đạo của Nhà nước và chịu trách nhiệm vận chuyển về nơi sử dụng. Nếu hàng để lâu ngày kém phẩm chất thì cần xác định lại giá, Tổng cục Vật tư sẽ cùng với cơ quan giao hàng và cơ quan nhận hàng xác định lại giá. Trường hợp không thống nhất ý kiến trong việc định lại giá hoặc các loại vật tư chưa có giá chỉ đạo thì sẽ do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giải quyết việc quy định giá.
Các loại vật tư kỹ thuật do Tổng cục Vật tư đều hòa phân phối giữa các Bộ, các ngành, đều phải thanh toán ngay cho đơn vị có vật tư.
Trường hợp điều hòa trong nội bộ của Bộ, của ngành thì do Bộ tự giải quyết việc thanh toán.
- Các đơn vị nhận hàng trước đây không có kế hoạch cung cấp, nay được Nhà nước duyệt tăng thêm vật tư thì phải làm thủ tục xin cấp vốn để thanh toán với cơ quan giao hàng.
- Các loại vật tư kỹ thuật thừa ứ đọng giao lại cho Tổng cục Vật tư thì Nhà nước sẽ căn cứ từng loại vật tư, loại nào ứ đọng không dùng trong năm kế hoạch thì ngân sách Nhà nước cấp 100% vốn cần thiết, loại nào điều hòa phân phối trong năm kế hoạch thì Tổng cục Vật tư dùng vốn lưu động để thanh toán, trường hợp thiếu vốn lưu động thì ngân sách Nhà nước cấp 50% số vốn cần thiết và Ngân hàng Nhà nước cho vay 50% số vốn cần thiết bằng vốn ngắn hạn.
Tổng cục Vật tư cần điều hòa phân phối nhanh các loại vật tư thừa ứ đọng. Trường hợp chưa phân phối kịp thì gửi lại kho của đơn vị đó bảo quản như cũ để giao dần và Tổng cục Vật tư sẽ thanh toán phí bảo quản từ khi nhận hàng.
Để tiến hành việc điều hòa phân phối vật tư tồn kho được nhanh chóng và thống nhất quản lý vật tư kỹ thuật được tốt, nhằm bảo đảm cung cấp cho nhu cầu sản xuất và xây dựng, Tổng cục Vật tư sẽ mời các Bộ có nhiều vật tư tồn kho như: Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kiến trúc, Bộ Thủy lợi Điện lực, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương và các Bộ có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để họp bàn các biện pháp và thống nhất kế hoạch thực hiện thông tư này.
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 177-TVT năm 1962 hướng dẫn Thông tư 47-TTg về việc giải quyết vật tư kỹ thuật tồn kho do Tổng cục Vật tư ban hành
- 2Chỉ thị 316-TTg năm 1979 về đẩy mạnh việc giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho ứ đọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1160/VPCP-KTTH năm 2014 giải quyết lượng tồn kho mặt hàng rượu, bia nhập khẩu từ nước ngoài theo chính sách khu phi thuế quan do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông tư 47-TTg năm 1962 hướng dẫn giải quyết vật tư kỹ thuật tồn kho do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 47-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/04/1962
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 08/05/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định