Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 47/2015/TT-BGTVT quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.

2. Thông tư này không áp dụng đối với phương tiện làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ca làm việc là thời gian thuyền viên thực hiện nhiệm vụ theo chức danh được phân công trên phương tiện thủy nội địa nhưng không vượt quá 08 giờ làm việc trong 01 ngày.

2. Chuyến hành trình là thời gian phương tiện hoạt động bắt đầu từ cảng, bến xuất phát đầu tiên đến cảng, bến đích cuối cùng.

Điều 4. Trách nhiệm chung của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

1. Chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật của nước khác khi phương tiện của Việt Nam đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của nước đó.

2. Chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh trong khi làm việc, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp, thực hiện đầy đủ thủ tục giao nhận ca, ghi chép nhật ký đầy đủ, rõ ràng.

3. Chỉ rời phương tiện khi được phép của người chỉ huy cao nhất trên phương tiện hoặc chủ phương tiện.

Điều 5. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Lập sổ danh bạ thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, lập sổ nhật ký phương tiện đối với phương tiện đi ven biển mang cấp VR-SB theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp cần thiết, chủ phương tiện lập thêm sổ nhật ký khác như nhật ký trực ca, nhật ký dầu, nhật ký vận hành máy lạnh, nhật ký điện, nhật ký vô tuyến điện, nhật ký thời kế, nhật ký điều động nhằm đảm bảo yêu cầu công việc.

2. Bố trí đủ số lượng và đúng tiêu chuẩn chức danh thuyền viên làm việc trên phương tiện, phù hợp với số ca làm việc trong ngày.

3. Ngoài những chức danh thuyền viên đã được quy định trong định biên an toàn tối thiểu tại Điều 19 của Thông tư này, trong trường hợp cần thiết, chủ phương tiện được bố trí thêm thuyền viên hoặc các chức danh khác như: y tá, điện báo viên, thợ lặn, thợ cuốc, thợ hút, thợ kích kéo, nhân viên phục vụ nhằm đảm bảo yêu cầu công việc.

4. Quy định phạm vi trách nhiệm của các chức danh khác làm việc trên phương tiện chưa có trong định biên an toàn tối thiểu quy định tại Thông tư này.

5. Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động cho thuyền viên và các chức danh khác làm việc trên phương tiện.

Điều 6. Nhật ký phương tiện

1. Nhật ký hành trình

a) Ghi chép toàn bộ quá trình quản lý và khai thác hoạt động của phương tiện;

b) Cập nhật, phản ánh liên tục những số liệu, dữ liệu, hành trình trong quá trình khai thác cũng như việc bảo dưỡng phương tiện;

c) Trước khi sử dụng, phải được Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng dấu giáp lai giữa các trang;

d) Luôn được đặt tại buồng điều khiển để ghi chép hàng ngày;

đ) Thuyền trưởng có trách nhiệm theo dõi việc ghi chép và quản lý nhật ký trong thời gian sử dụng. Nhật ký phải được lưu trữ ít nhất 02 năm sau khi sử dụng xong, sau đó phải được giao nộp cho chủ phương tiện lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

e) Chỉ có thuyền trưởng, thuyền phó được ghi chép nhật ký hành trình;

g) Khi thay ca phải thể hiện bàn giao giữa hai ca trong sổ nhật ký.

2. Nhật ký máy

a) Ghi chép toàn bộ quá trình quản lý và khai thác các trang thiết bị động lực của phương tiện;

b) Phản ánh liên tục tất cả những số liệu, dữ liệu trong quá trình khai thác cũng như việc bảo dưỡng máy phương tiện;

c) Trước khi sử dụng phải được Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng dấu giáp lai giữa các trang;

d) Luôn được đặt tại buồng máy để ghi chép hàng ngày;

đ) Máy trưởng có trách nhiệm theo dõi việc ghi chép và quản lý nhật ký trong thời gian sử dụng. Nhật ký phải được lưu trữ ít nhất 02 năm sau khi sử dụng xong, sau đó phải được giao nộp cho chủ phương tiện lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

e) Chỉ có máy trưởng, máy phó được ghi chép nhật ký máy;

g) Khi thay ca, phải thể hiện việc bàn giao giữa hai ca trong sổ nhật ký.

Thông tư 47/2015/TT-BGTVT quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 47/2015/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/09/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1023 đến số 1024
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra