Chương 1 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định những yêu cầu kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến công việc về thành lập, cập nhật, tái bản, sử dụng và quản lý bản đồ hành chính các cấp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bản đồ hành chính là bản đồ chuyên đề có yếu tố chuyên môn thể hiện sự phân chia lãnh thổ và quản lý đơn vị hành chính theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
2. Bản đồ hành chính nhà nước bao gồm bản đồ hành chính toàn quốc có tỷ lệ từ 1:3.500.000 trở lên; bản đồ hành chính cấp tỉnh, bản đồ hành chính cấp huyện, bản đồ hành chính các cấp trong các tập bản đồ có tỷ lệ xác định diện tích lãnh thổ nằm vừa trong kích thước của khổ giấy từ A3 trở lên.
3. Bản đồ hành chính khác là bản đồ hành chính toàn quốc có tỷ lệ nhỏ hơn 1:3.500.000; bản đồ hành chính cấp tỉnh, bản đồ hành chính cấp huyện, bản đồ hành chính các cấp trong tập bản đồ có tỷ lệ xác định diện tích lãnh thổ nằm vừa trong khổ giấy nhỏ hơn A3.
4. Bản đồ hành chính dạng số là bản đồ hành chính được số hóa từ các bản đồ hành chính đã có hoặc thành lập từ dữ liệu số.
5. Bản đồ phụ là bản đồ, sơ đồ có tỷ lệ nhỏ hơn hoặc lớn hơn bản đồ thành lập; bản đồ phụ có tỷ lệ nhỏ hơn nhằm mục đích khái quát vị trí của các đơn vị hành chính thành lập bản đồ; bản đồ phụ có tỷ lệ lớn hơn nhằm mục đích trích lược lãnh thổ các đơn vị hành chính thành lập bản đồ và chỉ được thành lập khi nội dung bản đồ thành lập không thể hiện được rõ ràng, đầy đủ.
Điều 4. Các loại bản đồ hành chính các cấp
Bản đồ hành chính các cấp bao gồm:
1. Bản đồ hành chính toàn quốc là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia và quản lý hành chính cấp tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền biển, đảo và quần đảo.
2. Bản đồ hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là bản đồ hành chính cấp tỉnh) là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia và quản lý hành chính cấp huyện, xã thuộc lãnh thổ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Bản đồ hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là bản đồ hành chính cấp huyện) là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia và quản lý hành chính cấp xã thuộc lãnh thổ một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
4. Tập bản đồ hành chính toàn quốc là tập bản đồ có tập hợp các bản đồ hành chính cấp tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam có cùng kích thước.
5. Tập bản đồ hành chính cấp tỉnh là tập bản đồ có tập hợp các bản đồ hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh có cùng kích thước.
6. Tập bản đồ hành chính cấp huyện là tập bản đồ có tập hợp các bản đồ xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị hành chính cấp huyện có cùng kích thước.
Điều 5. Cơ sở toán học bản đồ hành chính các cấp
1. Bản đồ hành chính toàn quốc sử dụng lưới chiếu hình nón đứng đồng góc với các thông số: 2 vĩ tuyến chuẩn là 11o vĩ độ Bắc, 21o vĩ độ Bắc; kinh tuyến trục 108o kinh độ Đông; vĩ tuyến gốc 4 o vĩ độ Bắc.
2. Bản đồ hành chính cấp tỉnh, bản đồ hành chính cấp huyện áp dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000: Ê-líp-xô-ít WGS-84 toàn cầu; bán trục lớn là 6378137,0m; độ dẹt là 1:298,257223563; sử dụng lưới chiếu hình trụ ngang đồng góc với múi chiếu 6o có hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài k0 = 0,9996; kinh tuyến trục của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này; Hệ độ cao quốc gia Việt Nam.
3. Tập bản đồ hành chính có các bản đồ hành chính loại nào thì cơ sở toán học theo quy định tương ứng tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Điều 6. Độ chính xác bản đồ hành chính các cấp
1. Sai số độ dài cạnh khung bản đồ ≤ 0,2 mm; đường chéo bản đồ ≤ 0,3 mm; khoảng cách giữa điểm tọa độ và điểm góc khung bản đồ ≤ 0,2 mm so với giá trị lý thuyết.
2. Sai số giới hạn vị trí mặt bằng
a) Sai số vị trí mặt phẳng của điểm tọa độ nhà nước ≤ 0,3 mm theo tỷ lệ bản đồ;
b) Sai số vị trí mặt phẳng của các đối tượng địa vật trên bản đồ so với các điểm tọa độ nhà nước: Đối với vùng đồng bằng: ≤ 1,0 mm; đối với vùng núi, trung du: ≤ 1,5 mm.
3. Trong trường hợp các ký hiệu trên bản đồ dính liền nhau, khi trình bày được phép xê dịch đối tượng có độ chính xác thấp hơn và đảm bảo giãn cách giữa các đối tượng ≤ 0,3 mm.
4. Sai số độ cao do xê dịch đường bình độ trong quá trình tổng quát hóa ≤ 1/2 khoảng cao đều. Trong trường hợp ở những vùng núi cao khó khăn đi lại có thể nới rộng sai số đến 1 khoảng cao đều.
5. Ghi chú độ cao, độ sâu lấy tròn số đơn vị mét.
Điều 7. Nội dung bản đồ hành chính các cấp
Nội dung bản đồ hành chính các cấp bao gồm:
1. Yếu tố cơ sở toán học: Khung trong bản đồ; lưới kinh tuyến vĩ tuyến; các điểm tọa độ, độ cao quốc gia; ghi chú tỷ lệ, thước tỷ lệ.
2. Yếu tố chuyên môn: Biên giới quốc gia và địa giới hành chính.
3. Yếu tố nền địa lý: Thủy văn; địa hình; dân cư; kinh tế - xã hội; giao thông.
4. Các yếu tố khác: Tên bản đồ; bản chú giải; bảng diện tích dân số; bản đồ phụ; tên cơ quan chủ quản; tên đơn vị thành lập bản đồ; tên và nguồn gốc tài liệu thành lập; tên nhà xuất bản và người chịu trách nhiệm xuất bản; tên đơn vị in sản phẩm; thông tin giấy phép xuất bản; bản quyền tác giả; năm xuất bản.
Điều 8. Các công việc thành lập bản đồ hành chính các cấp
1. Biên tập khoa học.
2. Biên tập kỹ thuật.
3. Xây dựng bản tác giả dạng số.
4. Biên tập hoàn thiện bản tác giả.
5. Kiểm tra nghiệm thu.
6. Đóng gói và giao nộp sản phẩm.
Điều 9. Tài liệu thành lập bản đồ hành chính các cấp
1. Tài liệu chính
a) Bản đồ hành chính của địa phương nào thì được thành lập trên cơ sở bản đồ địa giới hành chính trong bộ hồ sơ địa giới hành chính của địa phương đó do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp;
b) Tài liệu về biên giới quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp;
c) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất; cơ sở dữ liệu, bản đồ địa chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp;
d) Văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu về điều chỉnh địa giới hành chính
đến thời điểm thành lập bản đồ;
đ) Danh mục địa danh quốc tế; danh mục địa danh hành chính; danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn và kinh tế - xã hội cấp tỉnh; danh mục địa danh biển, đảo, quần đảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
2. Tài liệu bổ sung
a) Tài liệu chuyên ngành về địa hình, thủy văn, dân cư, giao thông, kinh tế - xã hội;
b) Các tài liệu thống kê và bản đồ khác của địa phương có nội dung liên quan đến bản đồ cần thành lập.
3. Các tài liệu được lựa chọn đảm bảo mới nhất; có tỷ lệ bằng hoặc lớn hơn gần nhất với tỷ lệ bản đồ cần thành lập.
Điều 10. Thành lập mới và tái bản bản đồ hành chính các cấp
1. Thành lập mới bản đồ hành chính khi đơn vị hành chính trên bản đồ thành lập có quyết định sáp nhập hoặc chia tách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Tái bản bản đồ hành chính có hiện chỉnh
a) Bản đồ hành chính các cấp do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc do tỉnh thực hiện phải được tái bản có hiện chỉnh theo chu kỳ 5 năm;
b) Khi bản đồ hành chính chưa đến thời hạn tái bản theo chu kỳ, nhưng trên thực tế có sự biến động về nội dung từ 25% trở lên thì cần tái bản có hiện chỉnh bản đồ.
3. Tái bản bản đồ hành chính không hiện chỉnh khi thực tế có nhu cầu sử dụng và nội dung bản đồ vẫn đảm bảo tính hiện thời.
Thông tư 47/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- Số hiệu: 47/2014/TT-BTNMT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/08/2014
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 937 đến số 938
- Ngày hiệu lực: 08/10/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Các loại bản đồ hành chính các cấp
- Điều 5. Cơ sở toán học bản đồ hành chính các cấp
- Điều 6. Độ chính xác bản đồ hành chính các cấp
- Điều 7. Nội dung bản đồ hành chính các cấp
- Điều 8. Các công việc thành lập bản đồ hành chính các cấp
- Điều 9. Tài liệu thành lập bản đồ hành chính các cấp
- Điều 10. Thành lập mới và tái bản bản đồ hành chính các cấp
- Điều 11. Biên tập khoa học
- Điều 12. Xác định tỷ lệ bản đồ
- Điều 13. Xác định bố cục bản đồ
- Điều 14. Xây dựng đề cương biên tập khoa học
- Điều 15. Biên tập kỹ thuật
- Điều 16. Thu thập, đánh giá tài liệu
- Điều 17. Xây dựng kế hoạch biên tập chi tiết
- Điều 18. Thiết kế thư viện ký hiệu, phân lớp các yếu tố nội dung
- Điều 19. Xây dựng bản tác giả dạng số
- Điều 20. Chuẩn bị tài liệu
- Điều 21. Xây dựng cơ sở toán học
- Điều 22. Biên tập các yếu tố nội dung
- Điều 23. Điều tra hiện chỉnh thực địa
- Điều 24. Cập nhật kết quả điều tra
- Điều 25. Chuẩn hóa nội dung bản tác giả dạng số
- Điều 26. Chỉ tiêu nội dung bản đồ hành chính toàn quốc nhà nước
- Điều 27. Chỉ tiêu nội dung bản đồ hành chính cấp tỉnh, huyện nhà nước
- Điều 28. Nội dung tập bản đồ hành chính nhà nước
- Điều 29. Nội dung bản đồ hành chính khác