Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46-TC/ĐT | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1992 |
Căn cứ Quyết định số 62-CT ngày 25-2-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật hệ thống tải điện 500 KV Bắc - Nam; Chỉ thị số 161-CT ngày 11-5-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về đẩy mạnh xây dựng hệ thống tải điện 500 KV Bắc - Nam; Quyết định số 314-CT ngày 24-8-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đền bù thiệt hại về đất và tài sản, hoa mầu cho các đối tượng sử dụng đất có Đường dây tải điện 500 KV đi qua;
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế đền bù thiệt hại về đất và tài sản, hoamàu cho các đối tượng sử dụng đất có Đường dây tải điện Bắc - Nam 500 KV đi qua và các trạm biến áp Đường dây tải điện 500 KV như sau:
I- ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Thiệt hại về đất đai được miễn đền bù theo Quyết định số 314-CT ngày 24-8-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Khi quyết toán công trình, chủ đầu tư và chủ quản đầu tư phải tính khoản đền bù được miễn này vào giá trị công trình để thể hiện đúng giá trị tài sản cố định đưa vào sản xuất, sử dụng.
II- ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN, HOA MÀU
Việc đền bù thiệt hại về hoa màu, tài sản cho chủ sử dụng hợp pháp về đất đai được thực hiện theo chế độ đền bù hiện hành. Tuy nhiên, để giảm bớt lượng tiền chi ra quá lớn, nhất là tiền mặt, việc thanh toán tiền đền bù được thực hiện như sau:
1. Đối với các doanh nghiệp quốc doanh:
a) Những thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp thuộc diện chưa cần dùng, không cần dùng, chờ thanh lý và không có nhu cầu đầu tư lại thì được ghi giảm vốn của doanh nghiệp, tăng vốn cho công trình.
b) Những tài sản thuộc đối tượng tại điểm a trên đây nhưng không thuộc nguồn vốn ngân sách và những thiệt hại về tài sản mà các doanh nghiệp đang dùng và cần thiết phải đầu tư lại thì được đền bù theo kế hoạch và phương án phục hồi tài sản thiệt hại nói trên.
c) Đối với hoa màu, việc đền bù có thể được thực hiện theo phương thức ghi thu - ghi chi (ghi thu các khoản phải nộp ngân sách của doanh nghiệp; ghi chi cấp vốn đầu tư cho công trình).
2. Đối với các cơ quan hành chính - sự nghiệp; các đơn vị quân đội, an ninh; các tổ chức xã hội và các cơ quan khác:
a) Đối với những tài sản không cần phải đầu tư lại thì việc đền bù cũng được thực hiện bằng phương thức, tăng, giảm vốn.
b) Những tài sản cần thiết đầu tư lại thì được đền bù theo chế độ hiện hành bằng thanh toán chuyển khoản.
3. Đối với các hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân và các hộ cá thể:
Những thiệt hại về hoa mầu, tài sản của các hợp tác xã,các doanh nghiệp tư nhân, các hộ cá thể được đền bù theo chế độ hiện hành. Nhưng để hạn chế việc đền bù bằng tiền mặt quá lớn, thực hiện việc thanh toán bằng chuyển khoản đối với các HTX, các doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh doanh cá thể có tài khoản tại Ngân hàng; vận động mua tín phiếu Kho bạc xây dựng Đường dây tải điện 500 KV bằng hình thức tự nguyện; trường hợp thật đặc biệt mới thanh toán bằng tiền mặt.
Đối với tài sản, hoa màu... được đền bù thuộc đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hợp tác xã phải có ý kiến của cơ quan tài chính (hoặc thuế) để làm cơ sở xác nhận chi phí được đền bù.
Thông tư này được áp dụng cho công trình hệ thống tải điện 500KV Bắc - Nam.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị cơ sở báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng để giải quyết.
Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
Thông tư 46-TC/ĐT năm 1992 hướng dẫn Quyết định 314-CT 1992 về việc đền bù thiệt hại về đất đai và tài sản, hoa màu cho các đối tượng sử dụng đất có đường dây tải điện 500KV đi qua do Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 46-TC/ĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/09/1992
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra