Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường làng nghề do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

NỘI DUNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

Điều 4. Phân loại các cơ sở trong làng nghề

1. Các cơ sở trong làng nghề được phân loại theo loại hình sản xuất và tiềm năng gây ô nhiễm môi trường thành ba (03) nhóm: Nhóm A, Nhóm B và Nhóm C tại Phụ lục 01 của Thông tư này.

Nhóm A: là các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường thấp, được phép hoạt động trong khu vực dân cư.

Nhóm B: là các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có một (01) hoặc một số công đoạn sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao, không được phép thành lập mới những công đoạn này trong khu dân cư; nếu đang hoạt động thì phải xử lý theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

Nhóm C: là các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao, không được phép thành lập mới trong khu dân cư; nếu đang hoạt động thì phải xử lý theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

2. Việc rà soát, phân loại các cơ sở trong làng nghề phải được hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2013 và được cập nhật bổ sung hàng năm.

3. Do tính biến động của làng nghề và việc đặt tên loại hình sản xuất trong làng nghề phụ thuộc vào đặc thù của từng địa phương, nên Phụ lục 01 sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xem xét, bổ sung khi cần thiết để phù hợp với thực tiễn.

Điều 5. Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề

Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề bao gồm các nội dung sau đây:

1. Thống kê tổng lượng nước thải, khí thải và chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.

2. Đo đạc, phân tích thành phần và hàm lượng chất ô nhiễm trong khí thải, nước thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại; độ ồn, độ rung, nhiệt độ, hàm lượng bụi tại khu vực sản xuất. Quan trắc chất lượng môi trường xung quanh.

Nội dung đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề được hướng dẫn tại Phụ lục 02 của Thông tư này.

Điều 6. Đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường

1. Dự án mở mới hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong làng nghề phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này và thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 12 và Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2011/NĐ-CP); Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT).

2. Đối với các cơ sở đang hoạt động nếu chưa được phê duyệt, xác nhận Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường thì phải lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xem xét theo quy định hiện hành.

Điều 7. Điều kiện bảo vệ môi trường khi xem xét, công nhận làng nghề

1. Làng nghề được công nhận phải đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường như sau:

a) Các cơ sở thuộc Nhóm B hoặc Nhóm C (nếu có) phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 8 của Thông tư này hoặc đã có kế hoạch cụ thể để di dời ra khỏi khu dân cư trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này; tại thời điểm xem xét công nhận làng nghề, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đã được phê duyệt;

b) Tất cả các cơ sở trong làng nghề đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản; có áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý tại chỗ phù hợp; phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại (nếu có) theo quy định; có cam kết tuân thủ các quy định đóng góp về tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và kinh phí xử lý chất thải nói riêng;

c) Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề. Trong trường hợp làng nghề chưa có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường thì cần phải có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt với lộ trình thực hiện cụ thể;

d) Không xảy ra việc xả nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại hoặc phát sinh tiếng ồn, độ rung không đúng quy định, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan tại các khu vực công cộng trong làng nghề.

2. Khuyến khích làng nghề được công nhận bổ sung các điều kiện sau:

a) Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

b) Có hương ước, quy ước được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường.

3. Đối với làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng được các quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch để khắc phục hoặc xem xét, loại bỏ ra khỏi danh mục làng nghề của địa phương.

Điều 8. Biện pháp xử lý đối với các cơ sở thuộc Nhóm B và Nhóm C đang hoạt động trong khu dân cư đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực

1. Các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở thuộc Nhóm B và các cơ sở thuộc Nhóm C đang hoạt động trong khu dân cư quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này phải đầu tư, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải tại chỗ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng.

2. Các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở thuộc Nhóm B và các cơ sở thuộc Nhóm C không thể đầu tư, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng thì phải di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng quy định tại Điều 36, khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 42/2006/TT-BNN ngày 01 tháng 6 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017, nếu không thể di dời thì phải chấm dứt hoạt động.

Điều 9. Hương ước, quy ước của làng nghề

Hương ước, quy ước của làng nghề được xây dựng và thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTUMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn ấp, cụm dân cư; trong đó có nội dung bảo vệ môi trường được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 03.

Điều 10. Chính sách ưu đãi đối với các cơ sở, các làng nghề được công nhận

1. Được ưu tiên phân bổ ngân sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn tại Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được ưu tiên đào tạo, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và cán bộ quản lý môi trường cấp xã.

3. Được ưu tiên trong quá trình xét duyệt và cho vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng về môi trường như Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường ngành và Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương.

4. Được ưu tiên trong quá trình xem xét, lựa chọn các địa điểm triển khai, tiếp nhận các mô hình xử lý chất thải cũng như hoạt động khác từ các dự án quốc tế, các nhiệm vụ, đề tài, dự án từ ngân sách nhà nước.

Điều 11. Thông tin và báo cáo

1. Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ sở trong làng nghề có trách nhiệm định kỳ báo cáo thông tin về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định tại Chương III của Thông tư này.

2. Thông tin về công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở, làng nghề được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; được thông báo trong các cuộc họp của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp, cuộc họp của cộng đồng dân cư hoặc niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp.

Thông tư 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường làng nghề do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 46/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Cách Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 101 đến số 102
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH