BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 430 | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1956 |
VỀ VIỆC THI HÀNH CHÍNH SÁCH MIỄN GIẢM THUẾ NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG ĐÃ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | Ủy ban Hành chính các khu 3, 4, Tả Ngạn, Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng |
Thủ tướng chính phủ vừa ra Nghị định số 1156-TTg ngày 03-12-1956 sửa đổi điều 24 điều lệ thuế nông nghiệp vùng đã cải cách ruộng đất về thể lệ miễn giảm.
I- MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG VIỆC SỬA ĐỔI
1) Thể lệ miễn giảm trước đây còn có chỗ chưa thật công bằng hợp lý:
Một là: số thuế được miễn giảm chưa thật khớp với số thiệt hại của từng nông hộ.
Hai là: trường hợp ruộng đất bị mất trắng chưa được chiếu cố thích đáng, nhất là đối với những nông hộ mà tỷ lệ thiệt hại chưa tới khởi điểm 20% để được miễn giảm.
Cụ thể theo thể lệ trước, thiệt hại từ 20% đến 25% giảm 20% số thuế, từ 25% đến dưới 30% giảm 25% số thuế v.v..., như vậy đối với số đông nông hộ tỷ lệ miễn giảm thấp hơp tỷ lệ thiệt hại, khiến cho nông dân thắc mắc chưa thật an tâm sản xuất.
Để chiếu cố đúng khả năng đóng góp của nhân dân đồng thời đơn giản phần nào cách tính toán, Nghị định số 1156-TTg đã quy định lại: thiệt hại từ 20% đến dưới 50% hoa lợi chịu thuế thì tỷ lệ số thuế được giảm bằng tỷ lệ thiệt hại. Như vậy là tỷ lệ thiệt hại bao nhiêu thì tỷ lệ thuế được miễn giảm bấy nhiêu. Thí dụ nông hộ thiệt hại 20% thì được giảm 20% số thuế, nộng hộ thiệt hại 25% thì được giảm 25% số thuế v.v....
2) Đối với những nông hộ có ruộng đất mất trắng nhưng số thiệt hại chưa đến khởi điểm miễn giảm, trước đây chưa có chính sách chiếu cố thích đáng. Những nông hộ có một số ruộng đất hoàn toàn không thu hoạch nhưng tỷ lệ thiệt hại chưa tới 20% điều không được miễn giảm. Nay theo quy định mới, những nông hộ có ruộng đất mất trắng, tuy tổng số thiệt hại (kể cả mất lẻ tẻ nếu có) chưa tới 20% thì cũng được miễn hẳn số thuế tính vào số hoa lợi bị mất trắng. Cách tính là lấy thuế suất của nông hộ nhân với sản lượng thường niên phần ruộng đất bị mất trắng để tìm số thuế được miễn. Để thi hành chủ trương trên cho đúng cần chú ý:
- Ruộng mất trắng là ruộng đất vì thiên tai không cày cấy được hoặc có cày cấy nhưng không thu hoạch hay chỉ thu hoạch vớt vát khoảng dưới 10% sản lượng thường niên.
- Đối với ruộng hai vụ mà một trong hai vụ chính bị mất trắng thì cũng được miễn hẳn số thuế tính vào sản lượng vụ bị mất trắng. Thí dụ: ruộng hai vụ sản lượng 10 tạ bị mất trắng vụ chiêm sản lượng 4 tạ thì được miễn thuế trên sản lương 4 tạ.
- Khi xét ruộng đất mất trắng thì lấy thửa làm đơn vị: trường hợp một thửa chỉ mất trắng một phần hoặc một nửa thì không coi là mất trắng.
II- MIỄN GIẢM ĐỐI VỚI NHỮNG RUỘNG ĐẤT TRỒNG BÔNG
Bông là loại cây công nghệ hiện rất cần được khuyến khích nhiều để đảm bảo cho nhu cầu kế hoạch. Đối với bông cách khuyến khích tới nay là: mặc dù ruộng đất trồng bông thu hoạch nhiều nhưng thuế chỉ tính như ruộng trồng lúa hoặc đất trồng ngô, khoai, sắn. Cách tính như thế có lợi cho ngươi trồng bông về mặt số thuế phải nộp nhưng không có lợi trong trường hợp mùa màng bị thiệt hại, cần được miễn giảm. Thường thường bông không được miễn giảm vì số thu hoạch thực tế, tuy đã giảm sút vì thiên tai nhưng vẫn còn cao hơn hay bằng sản lượng thường niên tính thuế.
Để khuyến khích việc phát triển sản xuất bông và để chiếu cố đúng mức đến hoàn cảnh khó khăn trong việc trồng bông, việc miễn giảm đối với bông quy định như sau:
- Nông hộ trồng bông chỉ thu hoạch được dưới 1/3 sản lượng định trong kế hoạch sản xuất thì diện tích trồng bông được miễn thuế. Cách tính cũng như đối với ruộng đất mất trắng đã quy định trên. Thí dụ: theo kế hoạch sản xuất, năng suất bông là 8kg bông sô một sào; một nông hộ trồng 1 sào chỉ thu hoạch được 2kg500, chưa tới 1/3 sản lượng trong kế hoạch; như vậy là được miễn số thuế tính trên diện tích trồng bông 1 sào ấy. Cách tính là: lấy sản lượng thường niên của sào đất ấy, thí dụ: 40kg, nhân với thuế suất của nông hộ.
- Nếu thu hoạch từ 1/3 sản lượng định trong kế hoạch trở lên thì thi hành miễn giảm theo thể lệ chung.
III- NHẮC LẠI MẤY ĐIỂM ĐÃ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI RUỘNG ĐẤT THU HOẠCH CÓ TÍNH CHẤT BẤP BÊNH
Đối với những loại ruộng bấp bênh thường bị ngập lụt, cấy nhưng không ăn chắc, cấy nhiều năm nhưng chỉ ăn được một, hai năm nếu trong cải cách ruộng đất cũng vẫn ăn chia theo phần sở hữu của mỗi người thì lúc tính thuế bỏ sản lượng ra ngoài, không tính thuế đầu năm. Đến cuối năm nếu được ăn, sẽ tính theo thuế suất của nông hộ.
Những nơi nào có ruộng bấp bênh phải kê rõ ranh giới khoảnh, hạng và diện tích để tỉnh xét duyệt rồi mới được thi hành.
Những ruộng bấp bênh mà không chia cho ai cả, bỏ không, ai làm cũng được may thì được ăn, mất thì thôi, thì người nào làm người ấy thu hoa lợi không tính thuế.
Những ruộng cấy rồi bị úng thủy hỏng cả, nay tuy gần lỡ thời vụ vẫn tranh thủ cấy lại, tốn nhiều công sức và phí tổn, nên dù có thu hoạch cũng coi như mất trắng, được giảm thuế như truờng hợp hoàn toàn không thu hoạch.
Đối vối ruộng đất thường nay phải cấy dặm hoặc cấy lại đã thành tập quán thì không coi như ruộng đất phải cấy lại trong trường hợp bất thường do bão lụt gây nên và không được giảm thuế như nói ở điều trên.
IV- KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH MIỄN GIẢM
Muốn tiến hành miễn giảm cho tốt cần kết hợp hai mặt:
- Cán bộ điều tra nắm vững tình hình, có căn cứ để lãnh đạo chặt chẽ, tránh tràn lan mà cũng tránh gò bó.
- Tổ chức cho nhân dân học tập thấm nhuần chính sách để tự nguyện tự giác kê khai số hoa lợi bị thiệt hại cho đúng.
1) Trước tiên ban thuế xã cần điều tra nắm vững tình hình trong xã. Thôn, xóm nào mùa màng có bị thiệt hại thì cùng cán bộ thôn xóm đi điều tra xem từng thôn xóm có những cánh đồng nào bị thiệt hại; trong từng cánh đồng chia ra mấy mức độ thiệt hại? So với sản lượng chịu thuế, thiệt hại trung bình mỗi sào là bao nhiêu cân.
2) Sau đó tổ chức cho nhân dân học tập chính sách, thể lệ miễn giảm và tỗ chức nhận định chung tình hình thiệt hại.Cán bộ trình bày nhận xét về thiệt hại trung bình trong từng cánh đồng theo tài liệu đã nắm được để nhân dân tham gia ý kiến.
3) Khi nhân dân đã thống nhất nhận định về tình hình thiệt hại thì về các nhóm (hoặc tổ nộng hội, hoặc tổ sản xuất) để kê khai số thiệt hại của từng nông hộ. Trong lúc kê khai các nông hộ sẽ căn cứ vào khoảnh hạng thiệt hại đã được nhân dân thông qua. Thí dụ: nông hộ A có 3 thửa gần 5 sào ở khoảnh nhân dân bình nghị là thiệt hại một sào 30kg thì sẽ kê khai số thiệt hai của 3 thửa đó là 150kg. Cần chú ý thi hành đúng tinh thần điều 25 điều lệ thuế nông nghiệp là nếu tích cực chống thiên tai thì dù thực tế thiệt hại có ít hơn, cũng được tính theo mức thiệt hại chung. Ngược lại nếu lười biếng, không chăm lo thì dù mức thiệt hại có nhiều hơn, cũng vẫn tính theo mức thiệt hại chung.
4) Các nhóm kê khai xong, cán bộ thuế thôn tập hợp danh sách, nhận xét đối chiếu với tài liệu điều tra và biên bản nhận định tình hình xem việc kê khai đúng chưa, rồi báo cáo lên xã. Khi được xã đồng ý thì về tính miễn giảm.
Trong việc tính miễn giảm nên chú ý:
- Đem số thiệt hại của từng nông hộ đối chiếu với sản lượng thường niên chịu thuế, nếu thiệt hại chưa tới 20% sản lượng thường niên thì xem xét xem nông hộ có ruộng mất trắng không, nếu không thì nông hộ không được miễn giảm, nếu có thì được miễn số thuế tính trên sản lượng mất trắng.
Đối với những nông hộ bị thiệt hại từ 20% đến dưới 50% thì có thể đơn giản hóa cách tính số thuế được giảm như sau: lấy thuế suất của nông hộ nhân với hoa lợi bị thiệt hại. Thí dụ một nông hộ thuế suất 15%, hoa lợi thiệt hại là 300kg, số thuế được giảm là
5) Số miễn giảm do Ủy ban Hành chính xã lập, phải được Ủy ban Hành chính huyện duyệt trước khi công bố cho nhân dân. Cần tranh thủ làm kịp thời để khi thu thuế vụ đông có thể trừ ngay số thuế được miễn giảm cho từng nông hộ.
Trên đây Bộ nêu một số điểm chính và vạch kế hoạch trên những nét lớn. Đề nghị các khu, tỉnh nghiên cứu thêm tình hình cụ thể địa phương, một mặt tổ chức phổ biến sâu rộng chính sách miễn giảm trong cán bộ, ngoài nhân dân, một mặt chỉ đạo một xã rút kinh nghiệm về cách làm để hướng dẫn cán bộ thi hành cho đúng chính sách. Kết quả việc thi hành thể lệ miễn giảm này ra sao, xin báo cáo cho Bộ rõ.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Nghị định 1156-TTg năm 1956 sửa đổi Nghị định 715-TTg ban hành bản điều lệ thuế nông nghiệp áp dụng ở những nơi đã cải cách ruộng đất do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 2Điều lệ số 715-TTg về Thuế Nông nghiệp áp dụng ở những nơi đã cải cách ruộng đất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Sắc lệnh số 40/SL về việc ban hành điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp do Chủ tịch nước ban hành
Thông tư 430 năm 1956 thi hành chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp ở vùng đã cải cách ruộng đất do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 430
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/12/1956
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Văn Hiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 44
- Ngày hiệu lực: 29/12/1956
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định