Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG AN | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 42-VP | Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 1965 |
Ngày 26 tháng 5 năm 1965 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 83-CP về việc giữ gìn trật tự, trị an khi có báo động phòng không. Căn cứ vào Nghị định này, Bộ Công an quy định một số điểm cụ thể và hướng dẫn thi hành như sau:
1. Hội đồng Chính phủ giao cho Ủy ban hành chính các cấp quy định hiệu lệnh báo động phòng không và hiệu lệnh báo yên là nhằm tận dụng những phương tiện sẵn có như còi, trống, kẻng, v.v… để ra hiệu lệnh phòng không, mà không phải mua sắm phương tiện đồng loại gây tốn kém không cần thiết.
Nhịp điệu âm thanh báo động, báo yên phải rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất, làm cho mọi người không thể lẫn lộn giữa báo động và báo yên, giữa hiệu lệnh phòng không và các hiệu lệnh khác như chữa cháy, hộ đê v.v… Vì vậy nay quy định thống nhất nhịp điệu âm thanh báo động phòng không và báo yên như sau:
Báo động: Còi điện rú lên nhiều hồi ngắn liên tục hoặc trống, kẻng, đánh nhiều hồi, mỗi hồi hai tiếng liền nhau.
Báo yên: Kéo còi điện hoặc đánh trống, kẻng một hồi dài.
Ngoài ra, ở nơi đông người, cần dùng thêm loa truyền thanh để phát tin báo động và báo yên; trên đường dài, trên đường vào thành phố; thị xã, gần các bến phà, cầu cần có biển báo hiệu báo động trong suốt thời gian có báo động.
Biển báo hiệu báo động hình tròn, nền màu trắng, giữa kẻ chữ đỏ to và đậm nét: "Báo động"; biển này cần cắm ở lề đường, ở những địa điểm mà xe cộ, người đi đường dễ trông thấy, cách ngoại ô thành phố, thị xã, bến phà; hai bên đầu cầu 1 kilômét và từng chặng trên đường dài. Ban đêm trên các đường giao thông thủy bộ mà máy bay địch hay bắn phá, cần dùng đèn thay thế biển báo hiệu báo động trên đường dài. Nếu tình hình yên tĩnh thì thắp đèn có ánh sáng màu xanh. Nếu có báo động phòng không thì tắt đèn báo hiệu. Đèn báo hiệu này chỉ dùng trên đường dài (không áp dụng trong thành phố, thị xã có đèn điện), cắm ở lề đường, tại những địa điểm mà xe cộ dễ trông thấy, khoảng cách giữa hai đèn không quá 2 kilômét.
Những hiệu lệnh nào không phải là hiệu lệnh báo động phòng không mà giống hiệu lệnh phòng không quy định trong Thông tư này thì cần phải bãi bỏ để tránh tình trạng nhầm lẫn.
2. Việc quy định những đơn vị và bộ phận cá biệt của các cơ quan xí nghiệp được tiếp tục hoạt động khi có báo động phòng không là nhằm để ngăn ngừa những thiệt hại về người và của do việc ngừng hoạt động của những đơn vị và bộ phận ấy gây nên. Chính vì vậy, chỉ những đơn vị và bộ phận nào nếu ngừng hoạt động sẽ gây ra thiệt hại nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của Nhà nước thì mới được tiếp tục hoạt động (ví dụ: đang mổ, đỡ đẻ, cấp cứu nạn nhân, nấu dở mẻ gang, phòng chống lụt khi lụt uy hiếp nghiêm trọng…)
Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp căn cứ vào những hoạt động cụ thể của đơn vị mình mà đề nghị với chủ nhiệm phòng không nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét.
3. Việc giữ gìn trật tự, trị an khi báo động phòng không có quan hệ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước. Ủy ban hành chính các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp phải động viên cán bộ, công nhân, viên chức và toàn thể nhân dân phát huy vai trò làm chủ, tự mình và vận động người khác nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về phòng không, tích cực giúp đỡ cơ quan công an giữ gìn trật tự, trị an, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hành động trái pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, sẵn sàng tham gia cứu thương, tải thương, cấp cứu người bị nạn, chữa cháy, phục vụ chiến đấu, làm những việc khác để đảm bảo trật tự, trị an chung khi cảnh sát nhân dân hoặc cán bộ làm công tác phòng không yêu cầu.
Các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải gương mẫu thi hành Nghị định số 83-CP của Hội đồng Chính phủ, những quy định trong Thông tư này và những quy định cụ thể về công tác phòng không của Ủy ban hành chính và Hội đồng phòng không nhân dân nơi mình ở.
Khi có báo động phòng không, mọi hoạt động trong xã hội chuyển sang chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu và tạm ngừng các hoạt động không cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng thủ (đối với những cơ quan, những người không có trách nhiệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu) nhằm hạn chế đến mức ít nhất sự thiệt hại do máy bay địch gây ra. Chính vì vậy mà điều 5 và 6 của Nghị định đã quy định những người làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (trừ nhưng đơn vị và bộ phận được phép tiếp tục làm việc) đều phải tạm ngừng hoạt động, tất cả các cuộc hội họp, mít tinh, chiếu bóng, biểu diễn văn nghệ, các nơi tập trung đông người (như chợ, nhà ga, bến xe, phòng triển lãm v.v…) đều phải tạm thời giải tán và làm theo kế hoạch phòng không.
Kế hoạch phòng không phải thể hiện đầy đủ nội dung giữ gìn trật tự, trị an dưới đây và phải có quy định trách nhiệm rõ ràng
A. Nội dung công tác giữ gìn trật tự, trị an khi có báo động phòng không
1. Tổ chức cho mọi người phân tán trú ẩn nhanh chóng, trật tự, bình tĩnh, không xô đẩy nhau, không cản trở giao thông, không tập trung vào nơi không có hầm hố trú ẩn, không đi lại trên đường phố;
2. Bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản củanhân dân, tài liệu và tài sản của Nhà nước, thu lượm và bảo quản tốt những tài sản vương vãi, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi hành động trộm cắp, tham ô, phao đồn tin nhảm, lộ bí mật Nhà nước và những hành động phi pháp khác;
3. Triển khai công tác chữa cháy, cứu thương, tải thương, cấp cứu người bị nạn v.v… để kịp thời hạn chế sự thiệt hại về người và của khi máy bay địch bắn phá.
B. Trách nhiệm giữ gìn trật tự, trị an khi có báo động phòng không
Thủ trưởng và những người làm công tác phòng không ở các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản và kinh doanh chịu trách nhiệm đôn đốc mọi người thực hiện phương án phòng không, giữ gìn kỹ luật, trật tự trong đơn vị mình phụ trách.
Những người có trách nhiệm quản lý các nơi công cộng (như chợ, rạp hát, nhà ga, bến xe, bến tàu, sân vận động, các cuộc mít tinh v.v…) chịu trách nhiệm đôn đốc thực hiện phương án phòng không, giữ gìn kỷ luật, trật tự trong phạm vi mình phụ trách.
Nhân viên làm công tác trên xe, tàu, thuyền chịu trách nhiệm giữ gìn kỷ luật, trật tự ở xe, tàu, thuyền của mình.
Lực lượng tự vệ, bảo vệ dân phố có trách nhiệm hiệp lực với cảnh sát nhân dân giữ gìn trật tự, trị an trong phạm vi được phân công.
Công an xã phối hợp với lực lượng dân quân đôn đốc thực hiện phương án phòng không, giữ gìn trật tự, trị an trong phạm vi xã, trên tuyến đường giao thông thuộc địa phận xã, và phối hợp với nhân viên có trách nhiệm phòng không ở cơ quan, xí nghiệp, bến phà thuộc địa phận xã để giữ gìn trật tự, trị an chung trong phạm vi có liên quan.
Lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm giữ gìn trật tự, trị an ở nơi công cộng, ở đường phố và đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ những người có trách nhiệm nói trên hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ.
Để giữ gìn tốt trật tự, trị an khi có báo động phòng không, mỗi cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, kho tàng, cơ sở xuất, kinh doanh, nơi công cộng và mỗi cuộc tập trung đông người đều phải có phương án phòng không chu đáo.
Phương án phải thực tế, cụ thể, có tính toán đến nhiều tình huống, đặc điểm của mỗi khu vực khác nhau (ban ngày, ban đêm, trong giờ làm việc, ngoài giờ làm việc, lúc tập trung đông người) hoặc nhiều tình huống xảy ra cùng một lúc (người bị thương, bị chết, hầm bị sập, nhà bị cháy v.v…).
Phương án phải quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân; phải khéo kết hợp giữa cơ quan sở quan với các lực lượng giữ gìn trật tự, trị an gần đó; phải có thực tập và luôn luôn bổ sung cho hoàn chỉnh.
III. QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VỀ VIỆC ĐI LẠI CỦA XE, TÀU, THUYỀN VÀ NGƯỜI ĐI BỘ
A. Xe, tàu, thuyền phải dừng lại khi có báo động phòng không
Điều 8 của Nghị định quy định: "Khi có báo động phòng không, người chủ hoặc người điều khiển các loại xe, tàu, thuyền phải nhanh chóng dừng xe, nhanh chóng đưa các thuyền và ca nô vào bờ để hành khách rời khỏi xe, tàu, thuyền, ca nô và tìm mọi nơi trú ẩn hoặc kịp thời đưa đến nơi có thể ẩn nấp".
Như vậy là khi có báo động phòng không, người chủ hoặc người đang điều khiển các loại xe, tàu, thuyền phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt và tùy theo tính năng của xe, tàu, thuyền và địa thế nơi đó để dừng lại ngay cho hành khách phân tán trú ẩn; hoặc nhanh chóng đưa xe, tàu, thuyền và hành khách đến nơi gần nhất có điều kiện trú ẩn tốt hơn.
Ban đêm xe, tàu, thuyền đang đi trên đường dài không phải nơi đông người mà gặp báo động phòng không thì được phép tùy theo tình hình cụ thể mà cho xe, tàu, thuyền ẩn nấp hoặc phân tán để đảm bảo an toàn nhưng bắt buộc phải tắt hết các đèn.
Khi có báo động phòng không, xe, tàu, thuyền tuyệt đối không được đi vào thành phố, thị xã. Xe, tàu, thuyền đang đi từ trong nội thành, nội thị đến gần ngoại ô mà gặp báo động phòng không thì được phép ra khỏi thành phố, thị xã.
Không được để xe, tàu, thuyền đỗ tập trung hoặc nối đuôi nhau thành hàng dài ở các cửa ô, ở trong thành phố, thị xã hoặc ở những nơi không có vật gì che khuất trên đường dài.
Không được đỗ xe, tàu, thuyền gần cầu, cống, đập nước, cơ sở quốc phòng, đường giây điện cao thế và các đường giao nhau. Các xe, tàu, thuyền khi đi đến những nơi này mà gặp báo động phòng không thì được phép tiếp tục nhanh chóng vượt qua (nếu đường được đi tự do, không gặp trở ngại) và tìm nơi ẩn nấp; nếu gặp lúc cấm đường hoặc trở ngại không vượt qua được thì phải quay xe lại và tìm nơi ẩn nấp cách xa các nơi này.
Những xe, tàu, thuyền đã bị máy bay địch phát hiện hoặc đuổi bắn thì người điều khiển có thể tùy theo tình hình cụ thể mà đối phó, ẩn tránh để đảm bảo an toàn, hạn chế sự thiệt hại.
B. Xe, tàu, thuyền được phép đi lại khi có báo động phòng không
Căn cứ vào điều 9 của Nghị định, nay quy định cụ thể một số điểm đối với xe, tàu, thuyền được phép đi lại khi có báo động phòng không.
1. Các loại xe, tàu, thuyền được phép đi lại khi có báo động phòng không:
- Xe, tàu, thuyền của Quân đội nhân dân;
- Xe, tàu, thuyền của Công an nhân dân;
- Xe, tàu, thuyền của y tế;
- Xe, tàu, thuyền đi hộ đê;
- Xe sửa chữa đường giao thông, thông tin liên lạc;
- Xe, tàu, thuyền khác được cơ quan công an cho phép đi lại khi có báo động phòng không;
- Phà chở các loại xe nói trên;
- Xe đạp, xe máy chở những người được phép đi lại khi có báo động phòng không.
Ngoài ra, xe của Đoàn ngoại giao đang đi trong thành phố cũng được đi trên đường về cơ quan hoặc đến hầm trú ẩn.
2. Quy định cờ hiệu, tín hiệu cho các loại xe, tàu, thuyền được phép đi lại khi có báo động phòng không và phù hiệu của nhân viên có trách nhiệm về phòng không:
a) Xe, tàu, thuyền được phép đi lại khi báo động phòng không phải có cờ hiệu hoặc tín hiệu sau đây:
- Xe quân sự phải có cờ hình tam giác cân, cạnh đáy buộc vào cột cờ dài 0m25, hai cạnh bên dài 0m45; nền cờ màu đỏ, giữa có quân hiệu và mũi tên màu vàng xuyên qua quân hiệu.
- Xe công an phải có cờ hiệu màu xanh lá cây, khuôn khổ đúng như cờ hiệu xe quân đội, ở giữa có công an hiệu và mũi tên màu vàng xuyên qua công an hiệu;
- Xe chữa cháy có còi hiệu đặc biệt, rú từng hồi;
- Xe cứu thương phải có cờ hiệu hình chữ nhật, chiều dài 0m40, chiều rộng 0m30; nền cờ màu trắng, ở giữa có hình chữ thập màu đỏ;
- Xe hộ đê phải có giấy phép gián ở kính trước mặt và ở sau xe. Giấy phép xe hộ đê hình chữ nhật, chiều dài 0m30, chiều rộng 0m15, nền màu trắng, ở giữa có hàng chữ to, đậm nét "xe hộ đê", màu đỏ;
- Xe sửa chữa đường giao thông, thông tin liên lạc phải có giấy phép dán ở kính trước mặt và ở sau xe. Giấy phép này cùng khuôn khổ như giấy phép xe hộ đê, nền màu trắng, giữa có hàng chữ to, đậm nét "GT", màu đỏ;
- Các loại xe khác phải có cờ hiệu "PKND" cùng khuôn khổ như cờ hiệu của xe quân đội và công an; nền cờ hiệu màu vàng, giữa có hàng chữ to, đậm nét "PKND" và số của cờ, màu đỏ;
Giấy phép của xe hộ đê; xe sửa chữa đường giao thông, thông tin liên lạc và giấy phép và cờ hiệu "PKND" do các Sở, hoặc Ty Công an cấp.
- Xe của Đoàn ngoại giao đi quay trở về cơ quan phải có biển xe Đoàn ngoại giao hình tròn, màu vàng, trong có hàng chữ "NGĐ" hoặc biển đăng ký xe nền màu xanh, chữ số màu trắng, và có một gạch màu đỏ chạy theo chiều dài của biển xe.
b) Nhân viên có trách nhiệm về phòng không trên đường dài phải đeo băng vải đỏ, ở giữa có viết chữ: "PKND" màu vàng (đeo ở cánh tay trái). Phù hiệu của nhân viên có trách nhiệm phòng không ở thành phố, thị xã do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quy định trên nguyên tắc mọi người dễ nhận thấy, có sự phân biệt từng loại nhiệm vụ (như bảo vệ trật tự, y tế, phóng viên nhiếp ảnh…) và cần tránh lãng phí.
C. Việc đi lại của xe, tàu, thuyền và người trên các đường giao thông thủy, bộ mà máy bay địch hay bắn phá và ở vùng thường xuyên bị máy bay địch uy hiếp
Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông vận chuyển, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do máy bay địch gây ra, những xe, tàu, thuyền đi lại trên các đường giao thông thủy, bộ mà máy bay địch hay đến bắn phá, và ở vùng thường xuyên bị máy bay địch uy hiếp ngoài việc chấp hành các quy định chung trong khi có báo động phòng không, phải chấp hành thường xuyên những quy định dưới đây:
- Ngụy trang chu đáo bằng lưới, sơn ngụy trang hoặc bằng lá cây; kính chắn gió phải có giàn che, các bộ phận mạ kền bên ngoài xe phải được che, bọc hoặc sơn ngụy trang; kính phản chiếu không được để chếch lên trời. Ngụy trang xe phải gọn gàng, bảo đảm đúng theo khuôn khổ của xe như luật lệ giao thông đã quy định. Không được sơn, ngụy trang che lấp biển đăng ký xe, hoặc tháo biển đăng ký xe cất đi;
- Phải đi đúng theo các tuyến đường quy định cho từng loại xe. Phải chấp hành những quy định về phòng không và giữ gìn trật tự, trị an của Ban chỉ huy các bến phà. Các xe có động cơ (trừ xe đạp máy) phải đi cách nhau ít nhất 50 mét; nếu xe đi thành đoàn thì phải chia thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp không quá bốn xe, tốp nọ cách tốp kia ít nhất 400 mét. Xe bò phải đi cách nhau ít nhất 30 mét;
- Không được tập trung gần các cầu, cống, nhà máy; cơ sở quốc phòng, công trình lớn… Không được đỗ tập trung xe ở bến ôtô, bến thuyền; chỉ được vào bến khi đến lượt bốc dỡ hàng, hoặc để đón khách và khi xong nhiệm vụ phải rời bến ngay;
- Trường hợp cần phải đỗ xe lại ở dọc đường thì phải đỗ ở địa điểm cất giấu xe trên dọc đường; dưới rặng cây, phân tán cách nhau càng xa càng tốt. Xe, tàu, thuyền chứa chất cháy, chất nổ phải đỗ cách xa các xe, tàu, thuyền khác ít nhất 300 mét. Nếu xe, tàu, thuyền chở hành khách đỗ lại từ 20 phút trở lên thì hành khách phải xuống xe, tàu, thuyền và phân tán;
- Mỗi xe, tàu, thuyền đều phải trang bị dụng cụ chữa cháy như bình chữa cháy hoặc bao tải, cát v.v… Các xe, tàu, thuyền chở hành khách phải có túi thuốc cấp cứu để có thể băng bó tạm thời ngay cho những người bị thương ở dọc đường;
- Mỗi xe, tàu, thuyền hoặc mỗi tốp xe (nếu xe đi thành từng đoàn) phải có một người làm nhiệm vụ cảnh giới máy bay địch theo dõi việc báo động phòng không ở dọc đường.
Người đi bộ trên các đường giao thông mà máy bay địch hay đến bắn phá phải đi sát vào lề đường phía bên phải, không được nằm, ngồi nghỉ trên mặt đường, trên đường tàu hỏa. Nếu đi thành đoàn thì phải chia thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp không quá 20 người, tốp nọ cách tốp kia 50 mét, mỗi tốp phải phân công một người chịu trách nhiệm cảnh giới máy bay địch, ra lệnh phân tán khi có báo động phòng không hoặc khi phát hiện thấy máy bay địch.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình hoạt động của máy bay địch trong từng thời gian, trên từng quãng đường, để công bố cụ thể những vùng, những quãng đường giao thông thủy, bộ bị máy bay địch hay bắn phá hoặc uy hiếp thường xuyên mà xe, tàu, thuyền và người phải chấp hành những quy định về phòng không nhân dân nói trên. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có thể ra quyết định cấm xe cộ đi lại ban ngày (trừ những xe, tàu, thuyền nói ở điểm B mục III), cấm chợ, cấm tập trung hội họp, mít tinh ban ngày ở những vùng này nếu xét thấy cần thiết.
1. Ban đêm, ánh sáng tỏa ra có thể làm mục tiêu cho máy bay địch bắn phá. Vì vậy ban đêm cần phải hạn chế ánh sáng ở mọi nơi trong khi có báo động phòng không, và trên các đường giao thông mà máy bay địch thường hay đến bắn phá, các vùng thường xuyên bị máy bay địch uy hiếp.
a) Trong điều 10 của Nghị định số 83-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định khi có báo động phòng không phải tắt hết đèn, lửa ở các nhà riêng, nhà tập thể, ở những nơi tạm ngừng hoạt động, ở các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh, ở đường phố, công viên và nơi công cộng khác; phải hạn chế ánh sáng ở những bộ phận được phép tiếp tục hoạt động, ở những nơi cần duy trì ánh sáng để bảo vệ trị an, và của các xe cộ được phép đi lại trong lúc báo động phòng không. Để thực hiện tốt điều quy định trên:
- Ở các thành phố, thị xã và các nơi khác có dùng điện, phải có một cầu dao để cắt điện cùng một lúc những đèn phải tắt khi có báo động phòng không, phải phân công người thường xuyên phụ trách đóng mở cầu dao khi có lệnh báo động phòng không và báo yên;
- Ở nơi không dùng điện thắp đèn, các nhà riêng phải tắt hết đèn, lửa mỗi khi cả nhà đi vắng, và khi có lệnh báo động phòng không. Tại các nhà tập thể, cơ quan, xí nghiệp phải phân công người chịu trách nhiệm tắt đèn, lửa; đôn đốc việc tắt đèn, lửa ở từng khu nhà ở cũng như nơi làm việc;
- Ở những nơi được phép duy trì ánh sáng phải có chụp che ánh sáng ở tất cả các đèn, và những nơi cần dùng lửa, điện có phát ra tia sáng trong khi sản xuất phải có biện pháp hạn chế ánh sáng lọt ra ngoài. Không được dùng vật liệu có màu xanh hay đỏ làm chụp đèn hoặc sơn bóng đèn màu xanh hay đỏ để hạn chế ánh sáng, vì các màu này có thể làm ánh sáng trắng biến màu xanh hoặc đỏ, ở trên cao dễ phát hiện;
- Xe, tàu, thuyền đều phải tắt hết đèn. Riêng các xe, tàu, thuyền được phép đi lại trong lúc báo động phòng không phải có chụp đèn hạn chế ánh sáng theo mẫu của Cục Cảnh sát nhân dân quy định và phải cố gắng hạn chế ánh sáng đến mức tối thiểu. Ngoài đèn soi đường, các đèn khác đều phải tắt hết.
b) Trên các đường giao thông mà máy bay địch hay đến bắn phá và ở những vùng thường xuyên bị máy bay địch uy hiếp cần phải hạn chế ánh sáng cả lúc chưa có báo động phòng không.
Phải hạn chế việc dùng đèn, lửa; những ngọn đèn thật cần thiết phải sử dụng ở nơi công cộng cũng như trong cơ quan, xí nghiệp, nhà tập thể, nhà riêng đều phải có chụp che để hạn chế ánh sáng không để tỏa rộng ra ngoài;
Các xe, tàu, thuyền đi lại ban đêm ở những nơi này đều phải hạn chế ánh sáng, chỉ được dùng đèn soi đường hoặc đèn gầm và các đèn này đều phải có chụp che ánh sáng theo mẫu của Cục Cảnh sát nhân dân quy định. Nếu dùng đèn soi đường thì không được dùng đèn pha mà chỉ dùng đèn cốt. Nếu dùng một đèn soi đường thì dùng đèn về phía trái của xe. Không được tắt hết các đèn trong khi xe, tàu, thuyền đang hoạt động.
2. Trách nhiệm trong việc hạn chế ánh sáng
a) Chủ nhiệm phòng không nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình và mức độ hoạt động bắn phá của máy bay địch để quyết định những vùng, những quãng đường phải hạn chế thường xuyên việc sử dụng đèn, lửa, duyệt kế hoạch cụ thể hạn chế ánh sáng ở thành phố, thị xã, thị trấn;
b) Cục Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm quy định mẫu chụp đèn cho xe, tàu, thuyền và các đèn ở nơi công cộng. Các Sở, Ty Công an có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân thực hiện đúng các quy định về hạn chế ánh sáng;
c) Cơ quan phụ trách cung cấp điện có trách nhiệm nghiên cứu biện pháp cắt điện nhanh chóng khi có báo động phòng không;
d) Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, doanh trại bộ đội, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổ chức thực hiện những quy định về việc hạn chế ánh sáng trong phạm vi cơ quan, đơn vị, xí nghiệp của mình;
đ) Cán bộ, công nhân, viên chức ở nhà tập thể, người chủ các nhà riêng có trách nhiệm thi hành việc hạn chế ánh sáng trong nhà mình ở.
Sau khi báo yên thường xuyên để xảy ra mất trật tự, nhất là ở những nơi bị máy bay địch đến bắn phá, nơi tập trung dân cư. Để đảm bảo trở lại hoạt động bình thường nhanh chóng, kịp thời giải quyết những tác hại do máy bay địch gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; bảo vệ an toàn các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, Nghị định số 83-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định trong những điều 11, 12 và 13. Nay hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt những điều nói trên như sau:
1. Tất cả mọi người công dân đều phải đề cao tinh thần tự giác tôn trọng kỷ luật, trật tự xã hội, không nên tranh giành, xô đẩy nhau, không đi lại dưới lòng đường, đổ xe bừa bãi làm cản trở đường giao thông, không tụ tập đông người ngoài đường phố, xung quanh nơi bị máy bay địch oanh tạc, và phải canh gác đề phòng máy bay địch quay lại. Mọi người đều có nhiệm vụ giúp đỡ, cứu người bị nạn, tham gia vào việc tải thương, chữa cháy, đào các hầm bị sập; sửa chữa đê, kè; đường giao thông v.v… nếu nhân viên có trách nhiệm phòng không yêu cầu.
2. Xe cộ đi lại trên đường phố phải hạn chế tốc độ dưới mức đã quy định được chạy trong thành phố và phải nhanh chóng nhường đường cho các xe quân sự, công an, chữa cháy; cứu thương, sửa chữa đường giao thông, thông tin liên lạc, hộ đê đi làm nhiệm vụ. Nhân viên công tác trên xe, tàu, thuyền phải nhanh chóng trở lại xe, tàu, thuyền của mình, điểm lại hành khách, hàng hóa cho đầy đủ rồi mới được cho xe, tàu, thuyền khởi hành. Trường hợp có người bị nạn, thiếu người, thiếu hàng hóa thì phải tìm mọi cách đưa ngay người bị nạn đi cấp cứu; báo cho Công an (nếu có trạm, đồn Công an gần đó) hoặc báo ngay cho Ủy ban xã biết để tìm người mất tích, lập biên bản xác nhận việc thiếu hụt hàng hóa.
3. Ở những khu vực nguy hiểm như: có bom chưa nổ, nghi có chất độc, nhà, cầu sắp đổ v.v… nhân viên phòng không cần phải tổ chức khoanh vùng, ngăn cấm người và xe cộ qua lại, cắm biển báo, canh gác và nhanh chóng báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm cử người đến giải quyết.
4. Những người không có trách nhiệm không được thu lượm, cất giấu những vũ khí, dụng cụ chiến tranh và các loại tang vật khác mà kẻ địch để lại. Nếu phát hiện thấy những vật trên thì phải báo ngay cho nhân viên có trách nhiệm phòng không biết để giải quyết.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức phổ biến rộng rãi Nghị định số 83-CP của Hội đồng Chính phủ và Thông tư này, căn cứ và các văn bản trên để nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý lại những văn bản của địa phương trước đây đã tạm thời quy định về việc giữ gìn trật tự, trị an khi có báo động phòng không và tổ chức việc thực hiện cho chu đáo.
Những quy định nào trái với những quy định trong Nghị định số 83-CP của Hội đồng Chính phủ và trong Thông tư này đều bãi bỏ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
Thông tư 42-VP-1965 hướng dẫn thi hành Nghị định 83-CP năm 1965 về việc giữ gìn trật tự, trị an khi có báo động phòng không do Bộ Công An ban hành
- Số hiệu: 42-VP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/09/1965
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Quốc Thân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra