Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 414-YT-TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG Y TẾ DÂN LẬP XÃ

Kính gửi:

Ủy ban Hành chính liên khu, và thành phố
Ủy ban Hành chính các tỉnh trực thuộc
Các ông Giám đốc Khu, Sở, Y tế
Các ông Trưởng Ty Y tế các tỉnh trực thuộc

Xét tác dụng của cán bộ y tế xã và nữ hộ sinh xã từ bấy lâu nay trong việc bảo đảm sức khỏe của nhân dân phục vụ sản xuất.

Xét hoàn cảnh hoạt động của cán bộ y tế xã và nữ hộ sinh xã đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng khắc phục nhân dân không kể ngày đêm và xét hoàn cảnh sinh hoạt của anh chị em.

Sau khi được Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thỏa thuận và Thủ tướng Chính phủ chuẩn y trong cuộc họp ngày 8 tháng 4 năm 1958.

Bộ ra thông tư về việc xây dựng y tế dân lập xã như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA XÂY DỰNG Y TẾ DÂN LẬP XÃ

Đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của nhân dân cần được khôi phục bảo vệ và phát triển.

Nền Y tế của ta là nền y tế nhân dân, phải vì nhân dân mà phục vụ và phải dựa vào nhân dân. Muốn củng cố và phát tiển công tác y tế nông thôn, cần đặt vấn đề xây dựng y tế dân lập, tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở y tế và đảm bảo một phần đời sống cho cán bộ Y tế và hộ sinh xã trong khi hoạt động.

II. - THÀNH PHẦN VÀ NHIỆM VỤ BẢN BẢO TRỢ Y TẾ DÂN LẬP XÃ

A. - Thành phần ban Bảo trợ y tế dân lập xã.

Để tiến hành xây dựng y tế dân lập xã, phải tổ chức ban Bảo trợ y tế dân lập xã. Ban này gồm từ ba đến năm người trong nhân dân mà phải là những người có tinh thần phục vụ, có tín nhiệm với nhân dân, được Ủy ban Hành chính và các đoàn thể ở xã công nhận.

Những ủy viên trong ban này không thoát ly sản xuất, công việc làm cũng ít hơn cán bộ xã nên không hưởng thù lao và cũng không gọi là cán bộ xã; những người nào có thành tích trong công tác sẽ được xét và đề nghị khen thưởng.

Cán bộ y tế và hộ sinh xã đã được chính thức công nhận cũng tham gia hoạt động trong ban này song chỉ là ban viên. Còn trưởng ban là thủ quỹ do ban Bảo trợ y tế dân lập cử ra nhưng phải là nhân dân.

B. - Nhiệm vụ của ban Bảo trợ y tế dân lập xã là:

- Giúp đỡ và tạo điều kiện cho cán bộ y tế và hộ sinh dân lập xã hoạt động.

- Vận động nhân dân tham gia các công tác xã hội trong xã.

Ban này có tính chất là tổ chức quần chúng nhân dân, chứ không thuộc hệ thống tổ chức của chính quyền, nhưng ban đó phải chịu sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính xã.

C. - Những công tác cụ thể của ban Bảo trợ y tế dân lập xã:

1. Xây dựng trạm xá xã, nhà hộ sinh xã.

Có thể dựa vào dân một phần về vật liệu của nhân dân sẵn có như tre, nứa, lá, v.v… và nhân lực để làm. Phần nào không thể dựa vào nhân dân thì ngân sách xã sẽ chịu một phần. Nhưng nên chú ý trong tình hình hiện nay, ngân sách xã phải tập trung phát triển sản xuất nên còn eo hẹp.

2. Xây dựng tủ thuốc và túi thuốc xóm.

Vận động nhân dân tự góp tiền để xây dựng, nơi nào có điều kiện có thể dùng tiền quỹ của các đoàn thể để làm vốn. Cán bộ y tế xã có nhiệm vụ điều tra nhu cầu thuốc men của nhân dân cho sát và làm thế nào cung cấp thuốc men cho nhân dân với một giá vừa phải, luôn luôn bảo vệ cho được vốn đã góp và sử dụng nó cơ lợi cho dân.

Khi bán sẽ được tính thêm tiền phí tổn và giá thuốc theo tỷ lệ 2 đến 5% giá thuốc để chi phí vào phí tổn đi mua và gây dựng thêm quỹ lập y tế xã.

3. Xây dựng quỹ y tế dân lập xã.

a) – Quỹ dân lập y tế xã nhằm mục đích xây dựng và thiết bị cơ sở y tế ở xã, đồng thời trả thù lao cho cán bộ y tế và hộ sinh xã.

b) - Xây dựng quỹ dân lập y tế xã dựa trên mấy nguyên tắc sau đây:

- Phục vụ săn sóc cho cá nhân hay nhóm nào (tập đoàn, hợp tác xã, tổ đổi công…) thì dựa vào cá nhân hay nhóm đó mà xây dựng quỹ y tế dân lập xã.

- Mấy hình thức xây dựng quỹ y tế dân lập xã:

Tập trung các khoản tiền của nhân dân trả thù lao cho cán bộ y tế và nữ hộ sinh xã trong khi săn sóc bệnh nhân và đỡ đẻ.

Mỗi lần cán bộ y tế xã chăm sóc cho bệnh nhân (đi đến nhà bệnh nhân để thăm bệnh cho uống thuốc viên, thuốc nước, hoặc tiêm thuốc) được tính thù lao từ 100 đến 300 đồng (không kể tiền thuốc men).

Mỗi lần hộ sinh đỡ đẻ được tính thù lao từ 1.000đ đến 1.500đ (không kể tiền bông băng thuốc men).

Mức thù lao trên đây mới chỉ là mức khống chế để các Ty Y tế và Ủy ban Hành chính các tỉnh nghiên cứu quy định mức cho cụ thể và thích hợp với từng địa phương.

Tiền lời bán thuốc cũng tập trung lại để xây dựng quỹ.

c) - Ngoài những khoản tiền trên còn có một số nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp thì được thu để xây dựng quỹ nhưng cần tránh bổ bán bắt buộc đối với những người chưa được hưởng thụ về y tế.

4. Hàng tháng phải báo cáo tình hình hoạt động cho Ủy ban Hành chính xã.

5. Thủ quỹ của ban Bảo trợ y tế xã làm nhiệm vụ thu giữ và chi tiêu các khoản nói ở tiết a điểm 3 khoản C mục II.

Thủ quỹ phải có sổ sách rõ ràng, hàng tháng phải báo cáo công khai và có sự xét duyệt của Ủy ban Hành chính xã về thu chi đồng thời cùng với ban Bảo trợ y tế xã nghiên cứu cách xây dựng quỹ để giúp đỡ cán bộ y tế và hộ sinh xã hoạt động được liên tục.

Khi đã có quỹ y tế dân lập xã và có thủ quỹ thì thù lao của cán bộ y tế xã và hộ sinh xã sẽ do quỹ ấy đài thọ, những cán bộ y tế và hộ sinh xã không được trực tiếp nhận một khoản thù lao nào của bệnh nhân và sản phụ.

II. - SỐ LƯỢNG CÁN BỘ HƯỞNG THÙ LAO VÀ MỨC THÙ LAO

1. Mỗi xã chỉ nên trả thù lao từ một đến ba người (một hoặc hai cán bộ y tế và một hộ sinh xã).

2. Mức thù lao hàng tháng cho cán bộ y tế xã và nữ hộ sinh xã tương đương bằng mức thù lao chung của cán bộ xã, nhưng nếu thấy cán bộ y tế xã hoặc nữ hộ xã sinh có tinh thần phục vụ tốt và phải làm việc nhiều, không có thì giờ rảnh để sản xuất thì Ủy ban Hành chính xã xét và có thể đề nghị Ủy ban Hành chính tỉnh cho nâng mức thù lao (tùy theo khả năng của quỹ) cho cán bộ y tế và hộ sinh xã.

IV. - ĐIỀU KIỆN NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁN BỘ Y TẾ VÀ HỘ SINH DÂN LẬP XÃ

1. Được công nhận cán bộ y tế, hộ sinh dân lập xã là những anh chị em đã học qua các lớp chuyên môn và được Ty Y tế chứng nhận có đủ khả năng và sức khỏe đồng thời được chính quyền xã chứng nhận về hạnh kiểm tốt, có Điều kiện hoạt động và phải được Ủy ban Hành chính tỉnh phê chuẩn.

Những cán bộ y tế và hộ sinh xã, sau một thời gian phục vụ, nếu tinh thần công tác và đạo đức sút kém thì có thể thay thế bằng cán bộ khác do nhân dân và Ủy ban Hành chính xã đề nghị được sự đồng ý của Ty Y tế và Ủy ban Hành chính tỉnh chuẩn y.

2. Cán bộ y tế, hộ sinh dân lập xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Hành chính xã và sự kiểm tra của các cấp chính quyền và cơ quan y tế cấp trên.

3. Cán bộ y tế xã có nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh phòng bệnh và chữa một số bệnh thông thường cho nhân dân trong xã (theo sự hướng dẫn của Ty Y tế).

4. Nữ hộ sinh xã làm nhiệm vụ thăm thai, đỡ đẻ thường, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh cho phụ nữ, sản phụ và hài nhi trong xã; ngoài ra giúp cán bộ y tế về công tác vệ sinh phòng bệnh chung cho xã (theo sự hướng dẫn của Ty Y tế).

5. Cán bộ y tế và hộ sinh dân lập xã được hưởng thù lao do quỹ dân lập đài thọ và được hưởng mọi quyền lợi như các cán bộ khác ở xã nói chung.

V. - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 5 của Thông tư số 12-BYT/TT ngày 27/3/1958 về quyền lợi cán bộ y tế và hộ sinh xã trái với tinh thần thông tư này đều bãi bỏ.

Yêu cầu Ủy ban Hành chính các liên khu và Ủy ban Hành chính các tỉnh trực thuộc trung ương đôn đốc cho các Ty Y tế và các phòng Y tế các huyện thi hành đúng thông tư này của Bộ.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ Hoàng Tích Trí

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 414-YT-TT năm 1958 về việc xây dựng y tế dân lập xã do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 414-YT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Hoàng Tích Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản