Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-TC/HCSN

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 40-TC/HCSN NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM THEO NGHỊ ĐỊNH 72/CP NGÀY 31/10/1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ VIỆC LÀM

Thi hành Nghị định 72/CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm; sau khi thống nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG:

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập theo quy định tại Điều 11 và Điều 15 của Nghị định 72/CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ và Thông tư số 08/LĐTBXH - TT ngày 10/03/1997 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

II/ NỘI DUNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH:

1/ Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội, do Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp thành lập. Trung tâm dịch vụ việc làm là một tổ chức có tư cách Pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng để giao dịch.

Trung tâm dịch vụ việc làm quản lý tài chính, tài sản theo cơ chế đơn vị có thu. Các trung tâm dịch vụ việc làm hạch toán kế toán theo Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính và thực hiện việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán NSNN theo quy định tại thông tư số 09/TC/NSNN ngày 18/03/1997 của Bộ Tài chính.

2/ Nguồn tài chính của trung tâm:

2.1 Nguồn hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước:

- Hỗ trợ từ Ngân sách địa phương, từ Bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị (kể cả nhà xưởng, trụ sở làm việc, vật kiến trúc).

- Hỗ trợ từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo kế hoạch phân bổ hàng năm của Liên Bộ Lao động TBXH - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư.

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí chi bộ máy theo chỉ tiêu biên chế được duyệt.

2.2/ Nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2.3/ Các nguồn thu từ kết quả hoạt động của Trung tâm, bao gồm:

a, Thu học phí, phí dịch vụ:

- Thu học phí: các trung tâm dịch vụ việc làm được thu học phí theo thoả thuận ghi trong hợp đồng với người học hoặc với đơn vị cử người đến học theo quy định tại điều 12 Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về học nghề.

- Thu phí dịch vụ: Phí dịch vụ việc làm bao gồm: các khoản thu về tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động, thông tin về thị trường Lao động.

Riêng phí dịch vụ tuyển dụng lao động vào làm việc cho các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam, khu chế xuất, khu công nghiệp, các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt nam được thực hiện như sau:

Phí dịch vụ trả cho việc tuyển lao động hoặc giới thiệu chỉ được thu một lần do người sử dụng lao động trả theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không vượt quá:

+ 5% mức lương 1 tháng đầu ghi trong hợp đồng lao động đối với mỗi trường hợp tuyển được qua giới thiệu.

+ 8% mức lương 1 tháng đầu ghi trong hợp đồng lao động đối với mỗi trường hợp tuyển được theo uỷ thác.

(mức lương tháng đầu không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho từng vùng).

Mức học phí của các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Trung ương và địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo khung giá học phí quy định của Bộ Tài chính; phí dịch vụ việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b, Thu từ hợp đồng đặt hàng của Nhà nước, của các đơn vị và cá nhân.

c, Thu từ kết quả thực hành, thực tập tay nghề, tổ chức sản xuất, dịch vụ.

2.4/ Các nguồn thu hợp pháp khác:

Các khoản thu trên Trung tâm dịch vụ việc làm được giữ lại để chi phí cho các hoạt động theo dự toán được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

3/ Nội dung chi của Trung tâm:

- Chi phí hoạt động bộ máy của Trung tâm theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Chi mua nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực, sửa chữa tài sản cố định, phục vụ công tác dạy nghề, sản xuất và dịch vụ việc làm, khấu hao tài sản cố định phục vụ cho việc sản xuất và dịch vụ việc làm.

- Chi cho công tác xây dựng, duy trì và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm.

- Chi thực hiện nghĩa vụ với NSNN (nộp thuế và các khoản thu khác theo quy định hiện hành của Nhà nước).

- Các khoản chi khác (nếu có).

Các khoản chi được thực hiện theo đúng chế độ, định mức tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và dự toán chi được cấp có thẩm quyền duyệt.

4/ Phân phối chênh lệch giữa thu và chi:

Toàn bộ số thu của các hoạt động dạy nghề, dịch vụ việc làm sản xuất dịch vụ của trung tâm dịch vụ việc làm sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ, các loại thuế phải nộp theo Luật định, phần thu nhập còn lại được phân phối như sau:

- Trích 35% để bổ sung kinh phí cho hoạt động của đơn vị theo hình thức ghi thu ghi chi qua Ngân sách Nhà nước theo từng cấp tương ứng.

- 65% để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, tỷ lệ trích vào mỗi quỹ do Thủ trưởng và Chủ tịch công đoàn xem xét quyết định. Mức trích cho 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi được khống chế tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản, số còn lại được bổ sung thêm kinh phí hoạt động cho đơn vị.

5/ Trách nhiệm quản lý tài chính:

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý tài chính các trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở. Hàng năm Sở Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn các trung tâm dịch vụ việc làm xây dựng kế hoạch, duyệt và giao kế hoạch thu, chi cho trung tâm theo quy định hiện hành của Nhà nước; phối hợp với Sở Tài chính vật giá thẩm tra xét duyệt quyết toán của các Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc.

- Các Bộ, cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý tài chính các trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ, cơ quan TW các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp thành lập, hướng dẫn lập kế hoạch, duyệt và giao kế hoạch thu, chi phân phối sử dụng nguồn thu theo quy định của Nhà nước, chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và xã hội để xét duyệt quyết toán hàng năm của các trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc.

- Các trung tâm của các Bộ, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp thành lập và uỷ quyền cho cấp dưới trực tiếp quản lý thì việc quản lý tài chính theo chế độ phân cấp hiện hành.

- Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và xã hội theo dõi tình hình sử dụng và thẩm tra quyết toán nguồn vốn cấp từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm.

III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1/ Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ

2/ Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Tào Hữu Phùng

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 40-TC/HCSN-1997 về việc quản lý tài chính đối với các trung tâm dịch vụ việc làm theo Nghị định 72/CP-1995 hướng dẫn Bộ luật Lao động về việc làm do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 40-TC/HCSN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/06/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Tào Hữu Phùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản