BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40-TC/CĐKT | Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 1991 |
SỐ 40-TC/CĐKT NGÀY 12-7-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN CÁC NGHIỆP VỤ THU, CHI BẰNG NGOẠI TỆ
Từ khi nhà nước công bố xoá bỏ tỷ giá kết toán nội bộ việc chuyển đổi ngoại tệ ra tiền Việt nam để ghi sổ kế toán và lập báo cáo kế toán ở các đơn vị có thu, chi ngoại tệ được thực hiện mỗi nơi một khác thiếu nhất quán, nhiều trường hợp không phản ánh trung thực và sai nguyên tắc kế toán. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp kế toán các nghiệp vụ thu, chi bằng ngoại tệ ở các đơn vị kinh tế như sau:
1. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện việc ghi sổ kế toán và lập báo cáo kế toán theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là đồng Ngân hàng Việt Nam.
Các nghiệp vụ thu, chi bằng ngoại tệ phát sinh phải được ghi sổ bằng nguyên tệ và chuyển đổi ra tiền Việt Nam theo nguyên tắc quy định tại Thông tư này.
2. Nguyên tắc chuyển đổi ra tiền Việt Nam để ghi sổ kế toán như sau:
- Giá trị tài sản cố định, nguyên vật liệu, công cụ lao động nhỏ, hàng hoá mua bằng ngoại tệ được ghi sổ kế toán bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá mua ngoại tệ của Ngân hàng công bố (giá Ngân hàng mua vào dưới đây gọi tắt là tỷ giá Ngân hàng), tại thời điểm ghi tăng tài sản đó. Trong quá trình sử dụng sau này việc đánh giá lại tài sản đã mua sắm bằng ngoại tệ, được thực hiện như tài sản mua sắm bằng tiền Việt Nam.
- Các khoản chi phí và doanh thu trực tiếp bằng ngoại tệ (vốn bằng tiền) được ghi sổ kế toán bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá Ngân hàng tại thời điểm phát sinh chi phí và doanh thu.
- Để đơn giản công việc kế toán vốn bằng tiền, bằng ngoại tệ (tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, tiền đang chuyển) và các khoản công nợ bằng ngoại tệ (công nợ trong thanh toán, các khoản vay) phát sinh hàng ngày được ghi sổ bằng nguyên tệ và bằng tièn Việt Nam theo tỷ giá hạch toán. Tỷ giá hạch toán là tỷ giá Ngân hàng tại thời điểm đầu mỗi tháng (hoặc đầu mỗi quí nếu biến động ít). Cuối tháng (hoặc cuối quí) tiến hành điều chỉnh tỷ giá hạch toán theo tỷ giá Ngân hàng tại thời điểm đó và lấy tỷ giá này làm tỷ giá hạch toán của tháng (hoặc quí) tiếp theo. Đối với những đơn vị ít phát sinh các nghiệp vụ thu chi bằng ngoại tệ thì ghi sổ theo tỷ giá Ngân hàng khi phát sinh.
3. Số chênh lệch giữa tỷ giá hạch toán áp dụng trong tháng (hoặc trong quí) với tỷ giá Ngân hàng trong từng lần phát sinh ngoại tệ và số chênh lệch do điều chỉnh tỷ giá vào đầu tháng (hoặc đầu quí) được phản ánh trên tài khoản 65 "Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá" (651 - Chênh lệch tỷ giá). Cuối năm, tổng hợp TK 65 xác định số dư và xử lý theo chế độ bảo toàn vốn của nhà nước.
4. Đối với đơn vị thu, chi nhiều loại ngoại tệ khác nhau thì dùng tỷ giá Ngân hàng để xác định tỷ giá hạch toán riêng cho từng loại. Những ngoại tệ nào không có tỷ giá Ngân hàng thì trước khi chuyển đổi ra tiền Việt Nam phải chuyển đổi ra đồng đô la Mỹ theo tỷ giá giữa đồng ngoại tệ đó với đồng đô la Mỹ do Ngân hàng thông báo.
II. PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ CHỦ YẾU
1. Khi mua sắm tài sản, vật tư, hàng hoá... ghi:
Nợ TK 10, 21, 22, 23 - theo tỷ giá Ngân hàng
Có TK 60 -"Thanh toán với người bán" - theo tỷ giá hạch toán.
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651)
(hoặc ghi Nợ TK 65 - 651: Khi tỷ giá hạch toán lớn hơn tỷ giá Ngân hàng)
2. Khi phát sinh các chi phí ghi:
Nợ TK 30, 31, 34... theo tỷ giá Ngân hàng
Có TK 60 - Thanh toán với người bán - theo tỷ giá hạch toán.
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651)
(Hoặc ghi Nợ TK 65 - 651: Khi tỷ giá hạch toán lớn hơn tỷ giá Ngân hàng).
3. Thanh toán cho người bán, ghi:
Nợ TK 60 - Thanh toán với người bán - theo tỷ giá hạch toán.
Có TK 50, 51, 90, 91, 92 - theo tỷ giá hạch toán (đồng thời ghi gốc nguyên tệ).
4. Trả nợ vay, ghi:
Nợ TK 90, 91, 92 - theo tỷ giá hạch toán
Có TK 50, 51 - theo tỷ giá hạch toán (đồng thời ghi gốc nguyên tệ).
5. Khi phát sinh doanh thu, ghi:
Nợ TK 61 - Thanh toán với người mua - theo tỷ giá hạch toán (đồng thời ghi gốc nguyên tệ).
Có TK 40 - Tiêu thụ và kết quả - theo tỷ giá Ngân hàng.
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651)
(hoặc ghi nợ TK 65 (651): khi tỷ giá hạch toán thấp hơn tỷ giá Ngân hàng).
6. Khi thu được ngoại tệ ghi:
Nợ TK 50, 51 - theo tỷ giá hạch toán.
Có TK 61 - Thanh toán với người mua - theo tỷ giá hạch toán (đồng thời ghi gốc nguyên tệ).
Trong trường hợp đơn vị có các khoản nợ phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ nhưng khi thực thanh toán lại thu hoặc trả bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá thoả thuận thanh toán thì kế toán ghi giảm nợ bằng ngoại tệ theo tỷ giá hạch toán, ghi số tiền Việt Nam thực thu hoặc thực trả theo tỷ giá thoả thuận thanh toán, số chênh lệch giữa tỷ giá hạch toán với tỷ giá thoả thuận thanh toán phản ánh trên TK 65 "Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá:(651).
7. Khi mua ngoại tệ, ghi:
Nợ TK 50, 51, (503, 512) - theo tỷ giá hạch toán (đồng thời ghi gốc nguyên tệ)
Có TK 50, 51, (501, 511) - theo tỷ giá mua thực tế.
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651)
(Hoặc ghi nợ TK 65 (651): khi tỷ giá hạch toán thấp hơn tỷ giá mua thực tế).
8. Khi bán ngoại tệ, ghi:
Nợ TK 50, 51, (501, 511) - theo tỷ giá bán thực tế
Có TK 50, 51, (503, 512) - theo tỷ giá hạch toán (đồng thời ghi gốc nguyên tệ).
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651).
( Hoặc ghi Nợ TK 65 (651): khi tỷ giá hạch toán lớn hơn tỷ giá bán thực tế).
9. Cuối tháng (hoặc cuối quí) khi điều chỉnh tỷ giá hạch toán, kế toán phải xác định số dư vốn bằng tiền và các khoản công nợ bằng ngoại tệ để xử lý.
- Nếu tỷ giá Ngân hàng cao hơn tỷ giá hạch toán đang ghi sổ, căn cứ số chênh lệnh, ghi:
Nợ TK 50, 51, 52 và nợ TK 60, 61, 62... (nếu có số dư nợ)
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651)
Và:
Nợ TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651)
Có TK 60, 61...90. 91, 92 (nếu có số dư Có)
- Nếu tỷ giá Ngân hàng thấp hơn tỷ giá hạch toán đang ghi sổ, căn cứ chênh lệch, ghi:
Nợ TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (615)
Có TK 50, 51, 52 và Có TK 60, 61, 62...(nếu có số dư Nợ)
Và:
Nợ TK 60, 61... 90, 91, 92 (nếu có số dư Có)
Có TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (651).
10. Cuối năm, số chênh lệch tỷ giá phát sinh (số dư tiểu khoản 651 - chênh lệch tỷ giá) nếu lớn thì giải quyết riêng, nếu nhỏ thì được kết hợp với số chênh lệch chỉ số giá phát sinh (số dư tiểu khoản 652 - chỉ số giá) để xác định tổng số chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (số dư TK 65) phải xử lý.
Việc xử lý chênh lệch tỷ giá trong cả 2 trường hợp trên được tiến hành như sau:
- Nếu các tiểu khoản 651, 652 hoặc tài khoản 65 có số dư Có, nghĩa là giá trị vốn hiện có lớn hơn giá trị nguồn vốn, do đó phải căn cứ giá trị các nguồn vốn phải bảo toàn theo quy định của Nhà nước để nếu giá trị các nguồn vốn hiện có chưa đủ so với số phải bảo toàn thì đơn vị dùng nguồn chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá để bảo toàn. Số chênh lệch còn lại sau khi đã bảo toàn đủ vốn được coi như khoản thu nhập trong niên độ kế toán của đơn vị.
Khi dùng nguồn chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá để bảo toàn vốn, ghi:
Nợ TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá.
Có TK 80, 81.
Khi chuyển số chênh lệch còn lại vào thu nhập, ghi:
Nợ TK 65 - Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá.
Có TK 70 -"thu nhập".
- Nếu các tiểu khoản 651, 652 hoặc tài khoản 65 có số dư Nợ, nghĩa là giá trị vốn hiện có của đơn vị nhỏ hơn giá trị nguồn vốn, do đó đơn vị phải tính toán, bù đắp cho đủ theo chế độ bảo toàn vốn quy định. Khoản chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá (dư Nợ TK 65) được kết chuyển vào tài khoản 70 coi như khoản lỗ trong niên độ kế toán.
Kế toán ghi:
Nợ TK 70 "Thu nhập"
Có TK 65 "Chênh lệch tỷ giá và chỉ số giá".
Trên đây là một số điểm hướng dẫn kế toán các nghiệp vụ thu chi bằng ngoại tệ, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện thống nhất kể từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, các ngành và các địa phương kịp thời phản ánh cho Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn thêm.
Hồ Tế (Đã ký) |
Thông tư 40-TC/CĐKT năm 1991 hướng dẫn kế toán các nghiệp vụ thu, chi bằng ngoại tệ do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 40-TC/CĐKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/07/1991
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hồ Tế
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/07/1991
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực