Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 40-LN | Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1963 |
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ SĂN BẮT CHIM THÚ RỪNG
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA ĐIỀU LỆ SĂN BẮT
Tài nguyên chim thú rừng, cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác của đất nước ta, thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Nhà nước có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Mọi người dân đều có nghĩa vụ tham gia vào việc bảo vệ phát triển chim thú rừng để phục vụ lợi ích chung của toàn dân.
Chim thú rừng nước ta có nhiều giá trị về các mặt kinh tế và khoa học, trong nước và trên thế giới, ngoài ra còn giá trị về mặt văn hóa. Nhưng tài nguyên quý giá này chưa được bảo vệ chu đáo. Số lượng chim thú ở nước ta giảm sút nhiều trong vòng một nửa thế kỷ này, có những loài hiếm, quý, đến nay hầu như đã bị tiêu diệt do việc săn bắt bừa bãi gây nên:
Tình hình chim thú rừng bị giết hại nghiêm trọng đề ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác bảo vệ. Chính phủ vừa ra Nghị định số 39-CP, ngày 05-04-1963 ban hành điều lệ tạm thời về săn bắt chim thú rừng.
Mục đích của điều lệ là bảo vệ và phát triển những loài có ích, hiếm và quý, đồng thời khai thác hợp lý tài nguyên về chim thú rừng. Các quy định trong điều lệ nhằm mấy yêu cầu sau đây:
1. Bảo vệ các loài chim thú rừng có ích, quý và hiếm, bảo vệ chim thú rừng trong mùa sinh đẻ, và trong những trường hợp chúng không phá hoại sản xuất, hoặc trực tiếp đe dọa tính mạng người.
2. Ngăn cấm dùng các phương pháp và phương tiện săn bắt nguy hiểm cho người và gia súc, giết hại hàng loạt chim thú rừng.
3. Dần dần quản lý việc săn bắt chim thú rừng với mục đích thể thao, giải trí, nghiên cứu khoa học hoặc kinh doanh.
Thông tư này giải thích quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều lệ để đạt mục đích yêu cầu nói trên.
Tinh thần của điều lệ là nêu lên những biện pháp cần thiết để bảo vệ và dần dần phục hồi, phát triển tài nguyên chim thú rừng. Vì là bước đầu, những biện pháp này chưa thật là chặt chẽ, nhưng nếu được áp dụng nghiêm chỉnh,cũng sẽ có tác dụng nghiêm chỉnh, cũng sẽ có tác dụng tốt. Mỗi cán bộ nhất là cán bộ lâm nghiệm, và mỗi người dân, nhất là các nhà đi săn và đồng bào miền núi, phải nhận thức đầy đủ và tự giác thực hiện. Riêng đối với đồng bào miền núi, điều lệ có chiếu cố thích đáng đến phong tục tập quán, vì việc săn bắt chim thú đối với đồng bào còn là một hoạt động thường xuyên, có mục đích cải thiện đời sống, bảo vệ tính mạng người và gia súc, bảo vệ sản xuất.
Điều lệ quy định những biện pháp bảo vệ sau đây:
1. Phân biệt các loài chim thú cấm săn bắt, các loài hạn chế săn bắt và các loài được săn bắt.
a) Điều 1 của điều lệ quy định danh sách 19 loài chim thú cần được bảo vệ triệt để, nghĩa là cấm bắn, bẫy chết làm bị thương, bẫy bắt sống, cấm cả việc thu nhặt trứng (trứng công, gà lôi, gà sao, chim trĩ) đào hang (hang têtê), phá tổ (tổ chim và ổ nằm của thú). Trong số những loài này có những loài có giá trị kinh tế lớn như voi, bò rừng, hươu sao, hươu sa, có những loài quý như công, trĩ, gà lôi, gà sao, bò tót, vẹc, kỳ lạ như sóc bay, cầy bay, có ích như tê tê, có những loài đã trở nên hiếm như trâu rừng, cheo cheo, chồn mực, vượn, culi, có những loài hầu như bị tiêu diệt như tê giác, heo vòi.
Có thể ở một số địa phương một số trong những loài nói trên không quý, hiếm, nhưng nhìn chung trong cả nước thì lại là hiếm, quý.
b) Những loài thú dữ: hổ, báo, beo, gấm, gấu…. cũng là những loài có giá trị và tương đối ít ở nước ta, cần được bảo vệ, nhưng vì là thú dữ, nên điều 2 quy định có thể bắn chết nếu chúng trực tiếp uy hiếp tính mạng người, nghĩa là nếu không bắn thì chúng có thể vồ người làm chết hay bị thương. Ở một số nơi, có nhiều thú dữ, nếu chúng thường hay rình bắt người qua lại trong rừng, hoặc thường hay lẫn vào thôn, xóm quấy nhiễu nhân dân thì nhân dân có thể tổ chức bắt sống, hoặc bẫy chết, bắn chết. Cần quán triệt tinh thần của quy định là kết hợp đúng đắn yêu cầu bảo vệ tính mạng người, không được vịn vào lý do bảo vệ người để lợi dụng bắn bẫy, bắt thú kiếm lời, lấy xương nấu cao, lấy mật làm thuốc.
c) Ngoài những loài chim thú cấm hẳn việc săn bắt kể trong điều 1 và những loài hạn chế săn bắt kể trong điều 2, còn lại là những loài được phép săn bắt.
2. Phân biệt các trường hợp săn bắt:
Ngoài trường hợp bắn, bẫy, bắt để bảo vệ tính mạng người (điều 2), có trường hợp săn bắt để bảo vệ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (điều 3), trường hợp săn bắt với mục đích cải thiện đời sống, giải trí, thể thao (điều 4), và trường hợp săn bắt để phục vụ yêu cầu khoa học, văn hóa, chăn nuôi, xuất khẩu hoặc những yêu cầu đặc biệt khác (điều 5).
a) Có những loài chim thú rừng có thể gây thiệt hại cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Điều 3 của điều lệ đề ra biện pháp ngăn chặn chim thú đến phá hoại sản xuất: trước hết cần tìm mọi cách xua đuổi, chỉ sau khi xua đuổi không có kết quả mới được bẫy bắt sống (những loài có thể nuôi được như nai, hoẵng v.v…), hoặc bẫy chết, bắn chết nhưng cũng chỉ trong phạm vi đất đai trồng trọt, chăn nuôi, và liền chung quanh phạm vi đó. Quy định chặt chẽ như vậy là để ngăn ngừa việc săn bắt bừa bãi, không thực sự cần thiết cho việc bảo vệ sản xuất.
Điều 3 nhấn mạnh việc xử lý đúng mức đối với voi đến phá hoại ruộng nương, nhà cửa vườn tược của nhân dân vì voi là một loài rất quý, hiếm có thể thuần hóa để sử dụng trong khai thác gỗ, vận chuyển trên những tuyến đường hiểm trở, một loài cần phải được bảo vệ tích cực (điều 1). Biện pháp chủ yếu là tìm mọi cách xua đuổi. Nếu xua đuổi tích cực nhiều lần mà voi vẫn đến phá hoại thì mới bắn chết.
Trường hợp có cả một đàn voi kéo đến phá hoại mà cần bắn chết, thì chỉ được bắn một con và phải chọn con già, con đực, không được bắn voi cái, voi con. Sau khi bắn chết phải báo cáo ngay với Ủy ban hành chính huyện. Ủy ban hành chính huyện sẽ kiểm tra lại xem việc bắn có thật là cần thiết hay không và báo cáo qua Ủy viên hành chính tỉnh, về Tổng cục Lâm nghiệp.
b) Trường hợp săn bắt với mục đích cải thiện đời sống, giải trí, thể thao, chỉ được săn bắt những loài không kể tên trong các điều 1 và 2 và trong mùa săn doTổng cục Lâm nghiệp quy định hàng năm, (trường hợp cần bắn, bẫy, bắt thú dữ uy hiếp tính mạng người, hoặc cần săn bắt để bảo vệ sản xuất, thì không phải theo mùa quy định). Mùa săn nằm trong thời gian mà đa số các loài chim thú không sinh đẻ và nuôi con nhỏ.
c) Theo điều 5 của điều lệ, để phục vụ yêu cầu khoa học, văn hóa, chăn nuôi, xuất khẩu, hoặc những yêu cầu đặc biệt khác, Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức hoặc cho phép tổ chức săn bắt một số loài chim thú rừng, có thể là cả những loài ghi trong điều 1 và điều 2, trong hoặc ngoài mùa săn, trong cả những khu vực cấm săn, với những phương tiện cần thiết.
Đây là một quy định có tính chất đặc biệt, cần áp dụng hạn chế trong một phạm vi nhất định.
d) Xử lý chim thú sau khi săn bắt:
Sau khi bắn chết voi để bảo vệ sản xuất, một mặt phải báo cáo với Ủy ban hành chính huyện, mặt khác phải lột da nguyên vẹn và lấy bộ xương đầy đủ, giữ gìn cặp ngà nếu có, và báo cho cơ quan Lâm nghiệp đến thu mua.
Sau khi bắn chết thú dữ để bảo vệ tính mạng người, bắn chết thú đến phá hoại sản xuất, cũng như sau khi săn bắn được thú trong các trường hợp khác cũng cần lột da nguyên vẹn và bảo quản tốt, để bán cho cơ quan thu mua, không nên ăn cả da, hoặc bỏ phí. Nếu bẫy bắt sống được chim thú quý, hiếm, nên nuôi, chăm sóc tốt, hoặc bán cho cơ quan thu mua, không giết thịt phí phạm.
3. Quy định cấp giấy phép săn bắt:
Thủ tục về giấy phép săn bắt được quy định trong các điều 9, 10, 11 và 12 của điều lệ, là nhằm bảo vệ chim thú rừng khỏi bị giết hại quá mức, bảo đảm trật tự an ninh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho việc điều tra theo dõi tình hình săn bắt và tình hình tài nguyên chim thú rừng.
Trong điều 9, có nêu trường hợp săn bắt bằng những phương tiện thô sơ thì không phải xin giấy phép săn bắt. Phương tiện thô sơ, là phương diện dùng chỉ bắt được chim thú nhỏ, với số lượng rất ít. Nếu dùng chó săn đuổi thú lớn như nai, hoẵng, lợn rồi dùng giáo mác đâm, hay cung nỏ bắn, thì phải xin cấp giấy phép săn bắt.
Săn bắt bằng súng đạn, tuy hiện nay cơ quan Công an chưa quản lý, nhưng ai muốn săn bằng súng hơi cũng phải xin cấp giấy phép săn.
Người được cấp giấy phép săn bắt loại A, để săn bắt các loài thú nhỏ và các loài chim, có thể đi săn bắt trong phạm vi nhiều tỉnh. Còn giấy phép săn bắt loại B chỉ cho phép săn bắt 4 loài thú nhất định (nai, hoẵng, sơn dương, lợn rừng), với tổng số tối đa là sáu con, và trong phạm vi một tỉnh. Mỗi tỉnh sẽ ấn định tổng số bốn loài thú nói trên cho săn bắt hàng năm.Nhưng trong mùa săn bắt 1963 – 1964, vì chưa ấn định được số lượng đó, cho nên giấy phép săn bắt loại B còn cho phép săn bắt trong phạm vi hai tỉnh. Người được cấp giấy phép loại A chỉ được săn bắt các loài chim thú thuộc giấy phép loại A. Người được cấp giấy phép loại B chỉ được săn bắt các loài thú thuộc giấy phép loại B. Mỗi người có thể xin cấp cả hai loại giấy phép.
Khi xin cấp giấy phép loại A phải trả ngay khoản tiền 5 đồng, cùng phí tổn về giấy tờ. Khi xin cấp giấy phép loại B, ngoài phí tổn về giấy tờ, phải trả ngay một khoản tiền tính theo số lượng con thú muốn săn bắt: từ 5 đồng nếu muốn săn bắt một con thú cho tới 30 đồng, nếu muốn săn bắt số lượng tối đa là sáu con thú (trong số bốn loài đã quy định).
Sau khi được cấp giấy phép, nếu vì lý do gì không săn bắt được con chim, con thú nào, cũng không có quyền đòi hoàn lại số tiền đã nộp.
Khi giấy phép săn bắt hết hạn, người có giấy phép phải gửi trả lại cơ quan đã cấp, sau khi đã ghi đầy đủ về các loài chim thú đã săn bắt được, theo lời chỉ dẫn trong giấy phép.
Riêng đối với miền núi, điều 10 của điều lệ quy định là nhân dân miền núi săn bắt chim thú với mục đích cải thiện đời sống, giải trí, thể thao, không phải xin cấp giấy phép săn bắt. Việc miễn giấy phép chỉ áp dụng ở những nơi nào, và đối với những người nào mà tập quán săn bắt chim thú rừng còn là một yêu cầu sinh hoạt cần thiết hàng ngày. Còn những người là đồng bào dân tộc miền núi, nhưng đã đi làm việc ở cơ quan, công, nông, lâm trường v.v… nếu muốn đi săn bắt, cũng phải xin cấp giấy phép săn bắt. Các địa phương cần nghiên cứu áp dụng một cách thận trọng và linh hoạt việc miễn giấy phép đối với nhân dân miền núi, để giải quyết tốt yêu cầu bảo vệ chim thú rừng kết hợp với yêu cầu chiếu cố đến tập quán của địa phương, làm cho đồng bào nhận thức được chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ.
Tuy được miễn giấy phép săn bắt, nhưng đồng bào miền núi khi săn bắt cũng phải theo những điều kiện ghi trong điều 4 của điều lệ, cụ thể là:
- Không được săn bắt các loài chim thú kể trong điều 1 và điều 2 của điều lệ.
- Chỉ được săn bắt trong mùa săn do Tổng cục Lâm nghiệp quy định hàng năm.
- Chỉ được săn bắt ngoài những khu cấm săn bắt (kể trong điều 7 và điều 8 của điều lệ).
4. Quy định khu cấm săn bắt, khu săn bắt:
Điều 7 của điều lệ cấm săn bắt ở những nơi tập trung đông người như nội thành, nội thị… là nhằm đảm bảo an ninh, đồng thời bảo vệ một số loài chim bắt sâu có tác dụng lớn chống sâu bệnh cho cây cối.
Để tạo điều kiện cho các loài chim thú rừng sinh sống yên ổn, phát triển mau chóng, điều 7 còn cấm săn bắt ở những khu bảo vệ thiên nhiên (bảo vệ thực vật và động vật), những khu dự trữ chim thú rừng và những khu chăn nuôi đã được Chính phủ quy định.
Điều 8 của điều lệ đề ra biện pháp phân chia đất săn bắt của khu, tỉnh ra nhiều khoảnh có ranh giới tự nhiên rõ ràng, và lần lượt cấm săn bắt ở từng khoảnh, trong thời gian cần thiết (3 – 4 năm) cho chim thú rừng ở khoảnh cấm đó có điều kiện thuận lợi để sinh sản và phát triển. Ví dụ: diện tích đất săn bắt của một tỉnh được phân ra thành 4 khoảnh: A, B, C, D, lần đầu, theo đề nghị của Ty lâm nghiệp, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định cấm săn bắt trong khoảnh A, trong thời gian ba năm còn các khoảnh B, C, D, thì mở cho săn bắt, hết thời hạn ba năm cấm săn bắt trong khoảnh A, đến lượt cấm săn bắt trong khoảnh B, cùng trong ba năm, trong khi đó các khoảnh A, B, D, mở cho săn bắt, và cứ như thế, luân chuyển cấm săn bắt cho tới khoảnh D.
5. Quy định các phương pháp và phương tiện săn bắt cấm dùng.
Việc sử dụng bừa bãi các phương pháp và phương tiện săn bắt là nguyên nhân chủ yếu giết hại chim thú, là nguyên nhân phá hoại rừng và đất rừng, đồng thời là nguyên nhân gây tai nạn chết hoặc bị thương đối với người và gia súc. Vì vậy mà điều 6 của điều lệ quy định cấm dùng 9 phương pháp và phương tiện săn bắt nguy hiểm hay gây thiệt hại lớn. Trước hết là phương pháp đốt đồng cỏ, lau lách, bụi rậm, rừng cây, nói chung là đốt các loài thực vật trên một diện tích đất đai để dồn thú lại một chỗ mà săn bắt, hoặc thiêu chết thú, chim non và trứng chim, gà rừng, gà gô v.v… hoặc để có chất mặn ở than tro thực vật, hoặc để cỏ non mọc lên, làm mồi nhử thú đến mà săn bắt.
Cách đội đèn săn ban đêm cũng cấm dùng vì:
- Dùng đèn soi rất khó phân biệt con thú thuộc loài nào, con đực hay con cái, non hay già, nhất là đối với người đi săn còn ít kinh nghiệm, do đó mà giết hại bừa bãi cả những con cần được bảo vệ.
- Người soi đèn săn đêm ít kinh nghiệm có thể bắn nhầm phải người và gia súc, trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ bắn nhầm như vậy.
Cũng cần tránh cả việc săn ban đêm tối trời hoặc có trăng, hay lúc tờ mờ sáng, lúc sâm sẩm tối, vì trông không rõ, rất dễ bắn nhầm phải người, hoặc gia súc.
Người đi săn không được dùng súng trận hoặc súng trận cải biến còn nòng xoáy, và đạn bọc đồng đầu nhọn, vì các loại súng và đạn đó bắn rất mạnh, đường đạn đi rất xa, xuyên qua thân thể con thú rồi còn có thể gây tai nạn cho người và gia súc. Chỉ riêng có công an, bộ đội, dân quân du kích đã quen sử dụng súng trận là được phép dùng loại vũ khí này bắn thú để bảo vệ người, hoặc bảo vệ sản xuất. Những người hiện nay đang có đăng ký sử dụng súng trận cái biến để săn bắn, nếu là nòng láng và dùng đạn ria bằng chì, thì có thể xin cấp giấy phép săn.
Tên tẩm thuốc độc, chất độc để đánh bả là những phương tiện cấm dùng vì hầu hết các con thú bị trúng độc không chết ngay tại chỗ, mà còn chạy được xa mới chết, rất khó tìm, phải bỏ phí trong rừng. Mặt khác, nếu thuốc độc trúng nhầm phải người hay gia súc, thì khó mà cứu chữa được.
Điều 13 của điều lệ quy định việc xử lý các vụ vi phạm điều lệ, điều 14 quy định việc khen thưởng những cá nhân hoặc tập thể có thành tích chấp hành điều lệ.
Điều lệ về săn bắt chim thú mới được ban hành, cần có thời gian tuyên truyền, giải thích trong cán bộ và nhân dân để mọi người hiểu rõ điều lệ, tự giác chấp hành. Trong các trường hợp xử lý, cần cân nhắc thận trọng, đặc biệt là ở những vùng miền núi, cần chú trọng giải thích, giáo dục, đối với những người vì chưa hiểu rõ điều lệ mà mắc sai lầm, xử lý thích đáng đối với những người cố tình vì phạm điều lệ hoặc tái phạm nhiều lần. Việc xử lý phải linh hoạt, có lý có tình, tùy theo đối tượng phạm pháp và mức độ, phạm vi của mỗi vụ vi phạm.
Việc khen thưởng phải làm kịp thời, tùy theo mức độ thành tích, mà có thể đề nghị Ủy ban hành chính huyện, tỉnh, hoặc khu tuyên dương, cấp giấy khen, hoặc bằng khen.
Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành, nhất là ở miền rừng núi, chỉ đạo các cơ quan lâm nghiệp địa phương nghiên cứu kỹ điều lệ và thông tư này để nắm vững tinh thần và nội dung, trên cơ sở đó tiến hành ngay việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức học tập trong cán bộ, quân đội và nhân dân. Ủy ban hhh khu, tỉnh, thành ra thông cáo về việc thi hành điều lệ săn bắt, và dùng báo chí, phát thanh để tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân, chỉ thị cho các Ủy ban hành chính huyện, xã, cơ quan công an nghiên cứu ngay tổ chức kiểm tra việc thi hành điều lệ.
Căn cứ vào phong tục tập quán của mỗi dân tộc ở mỗi nơi trong địa phương, Ủy ban hành chính các tỉnh miền núi, sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục Lâm nghiệp, sẽ ấn định thời gian bắt đầu thi hành và kế hoạch thi hành từng bước điều lệ này ở địa phương đối với đồng bào miền núi (điều 15). Cần xúc tiến ngay việc này, để quá chậm thì không có lợi cho việc bảo vệ và các loài chim thú quý, hiếm.
Cơ quan Lâm nghiệp ở tỉnh cần lập ngay kế hoạch kế hoạch học tập và tuyên truyền phổ biến điều lệ cùng thông tư trong cán bộ và nhân dân, ghi vào chương trình công tác 6 tháng cuối năm 1963 và cả năm 1964, và báo cáo kế hoạch về Tổng cục, chậm nhất là cuối tháng 8-1963. Mặt khác cần phân công cán bộ phụ trách vấn đề chim thú rừng, chuẩn bị cấp giấy phép săn bắt cho mùa săn 1963 – 1964, nghiên cứu biện pháp hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành điều lệ. Cũng cần tiếp tục điều tra tình hình chim thú, để bước đầu đánh giá được trữ lượng của bốn loài thú lớn (nai, hoẵng, sơn dương, lợn rừng), tuy chưa được chính xác lắm, nhưng đủ để ấn định số lượng mỗi loài cho săn bắt hàng năm.
Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, cơ quan Lâm nghiệp ở tỉnh cũng cần nghiên cứu ngay việc phát hiện và quy định những khu bảo vệ thiên nhiên, kết hợp việc bảo vệ chim thú với việc bảo vệ rừng, và danh lam thắng cảnh, xác định ranh giới và đóng bảng niêm yết ở chung quanh và trong khu vực cấm săn, phân chia đất săn, của tỉnh ra làm nhiều khoảnh.
Cơ quan Lâm nghiệp tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo một địa phương (Huyệnhay xã) thi hành điều lệ, rút kinh nghiệm và báo cáo về Tổng cục Lâm nghiệp.
Cán bộ lâm nghiệp cần phải nắm vững ý nghĩa và nội dung điều lệ, và gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh.
Cho đến nay, chúng ta mới có một văn bản quy định toàn diện và có hệ thống việc săn bắt chim thú rừng, trong quá trình áp dụng, không tránh khỏi có khó khăn và lúng túng. Đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ điều lệ và thông tư để vận dụng theo đúng tinh thần, nội dung của văn bản, và kịp thời phản ảnh những khó khăn mắc mứu để Tổng cục Lâm nghiệp có ý kiến và biện pháp giải quyết.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Thông tư 40-LN năm 1963 hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về săn bắt chim thú rừng do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
- Số hiệu: 40-LN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 20/07/1963
- Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
- Người ký: Nguyễn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 29
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra