- 1Thông tư 165-TTg-1978 bổ sung và thống nhất chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp để áp dụng trong cả nước từ năm 1977 trở đi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 03-TC/CNXD-1978 hướng dẫn thi hành chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp để áp dụng trong cả nước từ năm 1977 trở đi do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 20-TC/VP-1979 hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính các ngành sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 1980 và một số vấn đề kế toán về sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4-TC/TT | Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1981 |
Theo Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ, để phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về Tài chính của các xí nghiệp quốc doanh dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Nhà nước, từ nay ngoài nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao, Nhà nước khuyến khích xí nghiệp chủ động sản xuất thêm sản phẩm chính, sản phẩm phụ, làm các công việc có tính chất công nghiệp hoặc mở rộng diện kinh doanh nếu xí nghiệp còn năng lực sản xuất và có khả năng tự cung ứng những điều kiện vật chất.
Như vậy, kế hoạch của xí nghiệp gồm ba phần: Phần kế hoạch Nhà nước giao, phần xí nghiệp tự làm và phần sản xuất phụ. Xí nghiệp phải phân biệt thật rõ ràng, tính toán cân đối cả ba phần kế hoạch này và tổng hợp vào kế hoạch thu chi Tài chính của xí nghiệp. Từ nay không còn mặt hàng nào coi là hàng ngoài kế hoạch của xí nghiệp và việc giao nộp sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh phải theo đúng các chế độ, chính sách về phân phối và lưu thông của Nhà nước.
1. Định mức lợi nhuận và giá bảo đảm kinh doanh.
Sản phẩm chính và phụ được kế hoạch Nhà nước giao, hay do xí nghiệp tự làm, mua bán theo giá nào phải hạch toán theo giá đó. Xí nghiệp phải hạch toán riêng sản phẩm mua bán theo giá thỏa thuận, tránh để lẫn lộn với sản phẩm mua bán theo giá chỉ đạo.
a) Đối với mặt hàng sản xuất theo kế hoạch Nhà nước giao, thì căn cứ vào giá thành kế hoạch và lợi nhuận định mức hiện hành để quy định giá bán buôn xí nghiệp. Phần chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp với giá bán buôn xí nghiệp là mức thu quốc doanh.
Thí dụ: Xí nghiệp đường X giá thành hợp lý 1 tấn đường theo kế hoạch Nhà nước giao là 1.161đ. Lợi nhuận định mức 4% là 46 đ. Giá bán buôn xí nghiệp: 1,161đ + 46đ = 1.207đ. Giá bán buôn công nghiệp quy định: 2.065đ. Mức thu quốc doanh phải nộp: 2.065đ-1207đ = 858 đồng.
b) Đối với mặt hàng sản xuất theo kế hoạch tự làm thì giá thành được tính đủ theo giá nguyên vật liệu thực tế đã mua, tính đủ khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn, và các chi phí khác theo quy định thống nhất của Nhà nước. Còn lợi nhuận định mức và mức thu quốc doanh thì theo Quyết định số 25-CP tính như sau:
- "Lợi nhuận định mức (tính theo số tuyệt đối) của sản phẩm tự làm được tính gấp từ 2 đến 4 lần lợi nhuận định mức đối với sản phẩm sản xuất theo kế hoạch Nhà nước giao". Theo thí dụ trên, lợi nhuận định mức cho 1 tấn đường do xí nghiệp tự làm được tính tối thiểu bằng 46đ x 2 lần = 92đ và tối đa bằng 46đ x 4 lần = 184 đồng.
- Giá bán buôn công nghiệp và sản phẩm tự làm về nguyên tắc phải đảm bảo mức thu quốc doanh nộp theo giá chỉ đạo, cụ thể mức thu quốc doanh nộp theo giá chỉ đạo của 1 tấn đường tự làm là 858 đồng.
- Lấy mức ấy trừ khỏi giá bán buôn công nghiệp rồi trừ đi giá thành của sản phẩm tự làm sẽ tìm ra số lợi nhuận thực tế. Nếu số lợi nhuận thực tế bằng mức lợi nhuận khuyến khích trong phạm vi tối thiểu và tối đa quy định (từ 92 đồng đến 184 đồng/1 tấn đường như tính toán trên) thì xí nghiệp được giữ nguyên lợi nhuận đó làm mức lợi nhuận khuyến khích.
- Trường hợp số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm vượt quá giới hạn tối đa quy định (vượt quá 184đ/1 tấn đường) thì toàn bộ số chênh lệch vượt đó phải nộp vào ngân sách Nhà nước và coi như khoản thu quốc doanh nộp thêm.
- Trường hợp số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm chưa đảm bảo mức tối thiểu quy định (dưới 92 đồng /1 tấn đường) thì xí nghiệp được nâng số lợi nhuận thực tế lên bằng mức tối thiểu và giảm bớt mức tương ứng về thu quốc doanh nộp ngân sách Nhà nước.
Trong trường hợp này, xí nghiêp chỉ được phép giảm mức thu quốc doanh phải nộp và nâng số lợi nhuận thực tế lên sau khi có sự kiểm tra và xét duyệt của các Sở, Ty Tài chính địa phương.
Trường hợp sản phẩm theo kế hoạch tự làm không trùng hợp với mặt hàng chính được giao theo kế hoạch Nhà nước tức không có sẵn lợi nhuận định mức của mặt hàng tương tự bán theo giá chỉ đạo để nhân lên gấp đôi hay gấp 4 lần cho sản phẩm tự làm. Trong trường hợp này, mức lợi nhuận khuyến khích của sản phẩm tự làm (tính theo số tuyệt đối) vẫn căn cứ vào lợi nhuận định mức của mặt hàng chính để quy định, nhưng đã loại trừ yếu tố nguyên vật liệu.
Thí dụ: Xí nghiệp nước chấm x có mặt hàng chính trong kế hoạch Nhà nước giao là nước chấm, nhưng có sản phẩm tự làm là dấm. Ta có số liệu sau đây:
Mặt hàng | Tổng giá thành | Trong đó giá nguyên vật liệu | Lợi nhuận định mức |
Nước chấm (1lít) Dấm (1lít) | 1,30đ 1,14đ | 0,85đ 0,97đ | 0,036đ x |
Giá thành đã trừ giá nguyên vật liệu của 1 lít nước chấm: 1,30đ - 0,85đ = 0,45đ.
Giá thành đã trừ giá nguyên vật liệu của 1 lít dấm: 1,14đ - 0,97đ = 0,17đ.
Sau khi loại trừ yếu tố nguyên vật liệu, nếu bảo đảm tỷ lệ lãi bằng nhau thì lợi nhuận định mức của 1 lít dấm bán theo giá chỉ đạo (x) sẽ là:
0,036đ x 0,17đ
0,45đ
Lợi nhuận định mức của 1 lít dấm bán theo giá thỏa thuận sẽ được quy định gấp từ 2 đến 4 lần lợi nhuận định mức bán theo giá chỉ đạo, tức là:
Từ 0,014đ x 2 lần = 0,028đ.
Đến 0,014đ x 4 lần = 0,056đ.
Sau khi tính trừ thu quốc doanh theo mức của mặt hàng chính, nếu sản phẩm tự làm vẫn bảo đảm số lợi nhuận thực tế trong phạm vi tối thiểu tối đa quy định (từ 0,028đ đến 0,056đ/1 lít dấm) thì được giữ nguyên số lợi nhuận đó làm mức lợi nhuận khuyến khích. Nếu số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm vượt quá mức tối đa quy định (0,028đ) thì xí nghiệp nộp thêm số chênh lệch vượt đó. Nếu số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm dưới mức tối thiểu (0,028đ) thì mức lợi nhuận khuyến khích được nâng lên bằng mức tối thiểu và được trừ bớt mức tương ứng về thu quốc doanh sau khi có sự kiểm tra và xét duyệt của các Sở, Ty Tài chính địa phương.
Đối với xí nghiệp sản xuất những mặt hàng trong kế hoạch Nhà nước giao có lỗ kế hoạch được xét duyệt thì được miễn thu quốc doanh, nhưng lợi nhuận định mức theo quy định hiện hành cho xí nghiệp này vẫn dùng làm căn cứ để tính mức lợi nhuận khuyến khích của sản phẩm tự làm. Nếu sản phẩm tự làm bán theo giá thỏa thuận thực hiện được số lợi nhuận thực tế vượt quá 4 lần lợi nhuận định mức quy định hiện hành (tính theo số tuyệt đối) thì vẫn tiến hành thu quốc doanh vào số chênh lệch vượt đó.
Căn cứ vào giá bảo đảm kinh doanh và các quy định trên đây đối với mặt hàng sản xuất theo kế hoạch tự làm, từng xí nghiệp tính ra mức lợi nhuận khuyến khích và mức thu quốc doanh cho từng sản phẩm gửi đến các Sở, Ty Tài chính địa phương để thẩm tra góp ý kiến trước khi gửi đến cơ quan quản lý cấp trên (cùng với cơ quan Tài chính cùng cấp) xét duyệt. Sau khi được xét duyệt, xí nghiệp phải gửi phương án chính thức đến các Sở, Ty Tài chính địa phương để theo dõi và giám sát thu nộp.
Khi giá cả biến động nhiều, làm cho giá thành và giá bán sản phẩm thay đổi cần phải quy định lại định mức lợi nhuận và mức thu quốc doanh thì xí nghiệp phải lập phương án xin xét duyệt lại theo trình tự trên.
c) Đối với mặt hàng sản xuất phụ, cách tính mức lợi nhuận khuyến khích cũng tương tự như cách tính đối với sản phẩm tự làm, còn thu quốc doanh được tính chung bằng 10% doanh số. Nhưng mặt hàng phụ bán theo giá thỏa thuận nếu thực hiện được số lợi nhuận thực tế vượt quá 4 lần lợi nhuận định mức quy định hiện hành (tính theo số tuyệt đối) thì không phải nộp thêm thu quốc doanh như sản phẩm tự làm trong thời hạn hai hoặc ba năm do cơ quan chủ quản cấp trên quyết định. Nếu mặt hàng phụ thực hiện được số lợi nhuận thực tế ít hơn bốn lần lợi nhuận định mức quy định hiện hành thì mức lợi nhuận khuyến khích được nâng lên bằng 4 lần và trừ bớt mức tương ứng về thu quốc doanh sau khi có sự kiểm tra và xét duyệt của các Sở, Ty Tài chính địa phương.
Nếu các sản phẩm tự làm và sản phẩm phụ bán theo giá thỏa thuận cho thương nghiệp quốc doanh chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, không có lãi hoặc lãi ít chỉ xấp xỉ bằng lợi nhuận định mức quy định hiện hành (tính theo số tuyệt đối) thì xí nghiệp được Nhà nước khuyến khích bằng cách xét cho miễn nộp thu quốc doanh, giảm hoặc miễn mức trích nộp lợi nhuận. Trong trường hợp này xí nghiệp phải bảo đảm nộp đủ khấu hao, trả đủ nợ và lãi vay ngân hàng nếu có, và kinh doanh không lỗ.
2. Phân phối lợi nhuận xí nghiệp:
Lợi nhuận xí nghiệp vẫn được phân phối theo quy định hiện hành trong Thông tư số 165-TTg ngày 21-3-1978 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 3-TC/CNXD ngày 28-3-1978 của Bộ Tài chính có sửa đổi, bổ sung theo Quyết định mới số 25-CP ngày 21-1-1981 và theo những quy định của Thông tư này.
Tiêu chuẩn để xét thưởng vẫn căn cứ vào mức độ hoàn thành kế hoạch Nhà nước; Nếu hoàn thành toàn diện kế hoạch Nhà nước thì căn cứ vào toàn bộ các chỉ tiêu pháp lệnh được giao và được hưởng mức cao hơn. Nếu không hoàn thành toàn diện thì căn cứ vào 2 chỉ tiêu chủ yếu là sản phẩm chủ yếu đã tiêu thụ và giao nộp theo kế hoạch Nhà nước, lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách Nhà nước và được thưởng ở mức thấp hơn. Đối với phần kế hoạch tự làm và kế hoạch sản xuất phụ xí nghiệp phải đảm bảo giao nộp sản phẩm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và các mức thu nộp theo đúng Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 thì mới được hưởng.
a) Đối với phần kế hoạch Nhà nước giao:
- Khi xí nghiệp hoàn thành kế hoạch Nhà nước, được trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo lương cấp bậc cả năm (6% và 8% tiền lương cấp bậc cả năm cho mỗi quỹ đối với xí nghiệp các ngành sản xuất, xây dựng, vận tải; 4% và 6% tiền lương cấp bậc cả năm cho mỗi quỹ đối với xí nghiệp các ngành phân phối, lưu thông, phục vụ). Không hoàn thành kế hoạch Nhà nước phải giảm trừ mức trích quỹ theo các tỷ lệ quy định trong Thông tư số 165-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 3-TC/VP của Bộ Tài chính.
Phần của quỹ khen thưởng là 70% trong tổng mức trích cho hai quỹ, phần của quỹ phúc lợi là 30%.
Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất được trích tỷ lệ phần trăm trên nguyên giá tài sản cố định theo mức đã thỏa thuận với từng ngành. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận phải trừ bớt mức trích quỹ theo tỷ lệ tương ứng.
Ngoài 3 quỹ nói trên, nếu xí nghiệp có nhu cầu và có kế hoạch được xét duyệt thì còn được để lại một phần lợi nhuận để bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm hoặc tham gia kế hoạch đầu tư các công trình thuộc đối tượng ngân sách Nhà nước cấp phát.
Nếu không có nhu cầu và kế hoạch được xét duyệt thì sau khi trích đủ cho 3 quỹ, số lợi nhuận còn lại nộp ngân sách Nhà nước.
- Trường hợp xí nghiệp có đăng ký cao hơn kế hoạch Nhà nước giao thì số lợi nhuận đăng ký cao thực hiện được phân phối như sau: 20% nộp ngân sách Nhà nước, 80% trích 3 quỹ xí nghiệp .
- Trường hợp xí nghiệp không đăng ký cao mà thực hiện vượt kế hoạch Nhà nước thì lợi nhuận vượt kế hoạch được phân phối như sau: 40% nộp ngân sách Nhà nước, 60% trích 3 quỹ xí nghiệp.
Số lợi nhuận trích để cho 3 quỹ được phân phối theo tỷ lệ sau đây: 20% cho quỹ phát triển sản xuất, 60% cho quỹ khen thưởng, 20% cho quỹ phúc lợi. Như vậy trong tổng mức trích quỹ cho 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi, vẫn dành khoảng 70% trích vào quỹ khen thưởng. Theo mức khống chế cũ thì quỹ khen thưởng không vượt quá 1 tháng rưỡi lương cấp bậc, nay nâng lên 3 tháng lương cấp bậc (theo quyết định số 25-CP). số vượt quá 3 tháng lương cấp bậc sẽ chuyển sang quỹ phúc lợi.
b) Đối với phần kế hoạch tự làm của xí nghiệp.
Tiêu chuẩn để xét thưởng căn cứ vào hai chỉ tiêu chủ yếu là sản phẩm đã tiêu thụ và giao nộp, lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 và những quy định trong thông tư này.
Xí nghiệp chỉ được giữ lại một phần sản phẩm để đổi lấy vật tư (kể cả vật tư nhập khẩu) để tiếp tục sản xuất, theo tỷ lệ do bộ trưởng ngành chủ quản (đối với xí nghiệp Trung ương) hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp địa phương) cho phép. Phần sản phẩm được giữ lại để đổi lấy vật tư phải được hạch toán đầy đủ theo giá bán buôn công nghiệp tức giá thành sản phẩm, lợi nhuận định mức và mức thu quốc doanh theo quy định. Trường hợp hàng đổi hàng thì căn cứ vào tỷ lệ hiện vật trao đổi cùng với giá cả mua và bán tương ứng để hạch toán và thanh toán. Nếu trong giá thanh toán có mức thu quốc doanh thì xí nghiệp phải nộp đủ số thu quốc doanh cho số hàng đem đi trao đổi.
Nếu xí nghiệp vi phạm các chính sách, chế độ về quản lý vật tư hàng hóa, quản lý Tài chính, tiền tệ và giá cả thì tuỳ theo lỗi nặng nhẹ, cứ mỗi trường hợp vi phạm xí nghiệp phải giảm trừ từ 2% đến 5% mức trích cho mỗi quỹ khen thưởng và phúc lợi về phần kế hoạch tự làm.
Lợi nhuận phần xí nghiệp tự làm được phân phối như sau: Nộp vào ngân sách Nhà nước 20%, phần còn lại được sử dụng cho 3 quỹ xí nghiệp theo tỷ lệ sau đây: 20% cho quỹ phát triển sản xuất, 60% cho quỹ khen thưởng, 20% cho quỹ phúc lợi.
c) Đối với phần sản xuất phụ. Tiêu chuẩn để xét thưởng căn cứ vào hai chỉ tiêu chủ yếu là sản phẩm đã tiêu thụ và giao nộp, lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 và những quy định trong Thông tư này.
Xí nghiệp chỉ được giữ lại không quá 10% sản phẩm phụ để làm hiện vật thưởng cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp. Phần sản phẩm dùng làm hiện vật thưởng phải được hạch toán theo giá bán buôn xí nghiệp tức giá thành sản phẩm và lợi nhuận định mức theo quy định và được miễn thu quốc doanh.
Nếu xí nghiệp vi phạm các chính sách, chế độ về quản lý vật tư hàng hóa, quản lý tài chính, tiền tệ và giá cả thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ, cứ mỗi trường hợp vi phạm xí nghiệp phải giảm trừ từ 2% đến 5% mức trích cho mỗi quỹ khen thưởng và phúc lợi về phần sản xuất phụ.
Lợi nhuận về phần sản xuất phụ được phân phối như sau: Nộp vào ngân sách Nhà nước 15%, phần còn lại được sử dụng cho 3 quỹ xí nghiệp theo tỷ lệ do giám đốc xí nghiệp bàn bạc thỏa thuận với công đoàn để quyết định.
3. Đăng ký kế hoạch hàng quý và tạm trích lợi nhuận xí nghiệp hàng quý
. Xí nghiệp phải có kế hoạch năm hoặc quý được xét duyệt ( phần kế hoạch Nhà nước giao và phần kế hoạch xí nghiệp tự làm), bao gồm cả phần kế hoạch sản xuất phụ đã được tổng hợp thành kế hoạch thu chi tài chính của xí nghiệp. Căn cứ vào kế hoạch năm hoặc quý được phê duyệt và Thông tư số 20-TC/VP ngày 17-12-1979 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch và tổng hợp kế hoạch tài chính bắt đầu từ năm 1980, xí nghiệp lựa chọn các chỉ tiêu thích hợp để đăng ký kế hoạch hàng quý. Bản đăng ký kế hoạch quý (có chia ra từng tháng) phải gửi cho các Sở, Ty Tài chính địa phương trong 10 ngày đầu quý.
Sau khi có quyết toán quý, nếu được các Sở, Ty Tài chính địa phương thẩm tra xác nhận đã thực hiện được mức đăng ký, không vi phạm các chính sách, chế độ về quản lý vật tư hàng hoá, quản lý tài chính, tiền tệ và giá cả thì xí nghiệp được tạm trích trước 75% số lợi nhuận để lại cho 3 quỹ xí nghiệp theo mức kế hoạch đã đăng ký. Nếu vi phạm các chính sách, chế độ thì các Sở, Ty Tài chính địa phương quyết định rút mức tạm trích trước xuống 50%. Trường hợp gặp khó khăn không quyết định được thì xí nghiệp và các Sở, Ty Tài chính địa phương báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên giải quyết. Đến cuối năm, xí nghiệp phải thanh toán dứt khoát các số tiền được tạm trích hàng quý trên cơ sở quyết toán năm được cơ quan chủ quản cấp trên xét duyệt chính thức sau khi tham khảo nhận xét và kiến nghị của cơ quan tài chính Nhà nước đối với xí nghiệp được duyệt.
Xí nghiệp phải tập trung quỹ khen thưởng được trích thuộc 3 phần kế hoạch a + b + c để phân phối theo những tiêu chuẩn chung cho toàn thể công nhân, viên chức xí nghiệp, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo sự đóng góp công sức và hiệu quả thật sự đem lại của từng ngươì.
Giám đốc xí nghiệp ngoài việc sử dụng quỹ khen thưởng để khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích trong việc hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp, và khen thưởng đột xuất trong năm, còn được sử dụng quỹ này để khen thưởng cho các đơn vị có quan hệ hợp đồng kinh tế với xí nghiệp, và đã góp phần cụ thể vào việc hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp.
5. Quỹ dự phòng của liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh.
Đối với xí nghiệp lập được kế hoạch tích cực, về phần kế hoạch Nhà nước giao (loại trừ các yếu tố khách quan như đầu tư xây dựng cơ bản thêm, thay đổi giá cả, .v.v...) nếu số lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước năm nay vượt hơn năm trước thì sau khi có quyết toán năm được xét duyệt chính thức, còn được trích 5% số lợi nhuận nộp vượt hơn năm trước để thành lập quỹ dự phòng của liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh nhằm hỗ trợ về tài chính cho các xí nghiệp trực thuộc theo quy định trong Thông tư số 2-TC/VP ngày 18-1-1980 của Bộ Tài chính về chế độ tài chính liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh.
Khi xét duyệt quyết toán năm 1980, phải tính toán lại số tích luỹ thu nộp cho ngân sách, số lợi nhuận để lại trích quỹ xí nghiệp theo các quy định mới để thanh toán dứt khoát quan hệ thu nộp giữa ngân sách với xí nghiệp. Vì chế độ mới ban hành nên đối với năm 1980, chưa đặt vấn đề phạt vi phạm chế độ chính sách, giảm mức trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi đối với phần tự làm và sản xuất phụ. Việc phân biệt ra ba phần kế hoạch của xí nghiệp do xí nghiệp xác định và cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp xét duyệt và được dùng làm căn cứ để thanh toán số thu nộp với ngân sách năm 1980. Trường hợp nào không phân biệt được sản xuất tự làm và sản xuất phụ thì tạm thời áp dụng chế độ như sản xuất phụ để thanh toán đối với phần làm ngoài kế hoạch Nhà nước thuộc trường hợp ấy trong năm 1980. Nếu việc thanh toán số thu nộp với ngân sách gặp khó khăn, hoặc trở ngại đến quyền chủ động sản xuất kinh doanh, không khuyến khích tăng cường hạch toán kinh tế thì xí nghiệp phải báo cáo kịp thời lên cơ quan quản lý cấp trên cung bàn bạc thoả thuận với cơ quan tài chính cùng cấp để giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Bắt đầu từ kế hoạch năm 1981, nhất thiết phải chấp hành theo đúng quy định của Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 và những quy định của thông tư này. Các xí nghiệp ngay sau khi nhận được thông tư này phải đăng ký với các Sở, Ty Tài chính địa phương các chỉ tiêu kế hoạch hàng quý trên cơ sở kế hoạch quý hoặc năm 1981 đã được xét duyệt để được áp dụng ngay chế độ trích thưởng hàng quý sau khi có quyết toán quý.
Đối với các ngành có đặc điểm sản xuất kinh doanh riêng, yêu cầu các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trao đổi với Bộ Tài chính để quy định vận dụng chế độ chung này cho thích hợp với từng ngành có đặc điểm cần chiếu cố, đồng thời bảo đảm sự tập trung thống nhất cần thiết của Nhà nước về mặt quản lý tài chính.
Võ Trí Cao (Đã Ký) |
- 1Thông tư 165-TTg-1978 bổ sung và thống nhất chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp để áp dụng trong cả nước từ năm 1977 trở đi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 165-TTg năm 1971 thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 25-CP năm 1981 về chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 03-TC/CNXD-1978 hướng dẫn thi hành chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp để áp dụng trong cả nước từ năm 1977 trở đi do Bộ Tài chính ban hành
- 5Thông tư 20-TC/VP-1979 hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính các ngành sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 1980 và một số vấn đề kế toán về sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 4-TC/TT-1981 hướng dẫn thi hành chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp theo Quyết định 25-CP-1981 do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 4-TC/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/03/1981
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Võ Trí Cao
- Ngày công báo: 31/03/1981
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 02/04/1981
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực