Hệ thống pháp luật

UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 398-VGNN/TCCB

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 1977

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 14-CP NGÀY 13-1-1975 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN VẬT GIÁ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG.

Căn cứ vào nghị định số 172-CP ngày 1-11-1973 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ và tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ vào nghị định số 14-CP ngày 13-1-1975 của hg ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Vật giá Nhà nước;
Căn cứ vào nghị định số 24-CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Ủy ban Vật giá Nhà nước ra thông tư hướng dẫn thi hành nghị định số 14-CP ngày 13-1-1975 củaHộiđồng Chính phủquy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau.

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Căn cứ vào điều 19 của nghị định số 14-CP ngày 13-1-1975 của Hội đồng Chính phủ, cơ quan vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thống nhất lấy tên gọi là Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố.

Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, vừa chịu sự lãnh đạo của Ủy ban Vật giá Nhà nước, vừa chịu sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp theo nguyên tắc hai chiều lãnh đạo.

Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp hành triệt để nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo giá cả, thực hiện nghiêm chỉnh phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả, các chế độ, thể lệ quản lý giá do Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành ở trung ương ban hành, trên cơ sở đó quản lý công tác vật giá trong phạm vi trách nhiệm được phân cấp cho địa phương; cụ thể là:

1. Nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tham gia ý kiến với Ủy ban Vật giá Nhà nước về phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả và các chế độ, thể lệ quản lý giá trước khi trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

Nghiên cứu những biện pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp trực thuộc nghiêm chỉnh thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả, các hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước và các chế độ, thể lệ quản lý giá do Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Tổng cục quy định.

Nghiên cứu, xây dựng phương án giá các sản phẩm hàng hóa do địa phương sản xuất nhưng thuộc thẩm quyền của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành trung ương quyết định, để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình lên trung ương.

2. Xây dựng phương án giá các sản phẩm hàng hóa thuộc quyền phân cấp của địa phương để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

3. Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ủy quyền quyết định giá một số sản phẩm hàng hóa được phân cấp cho địa phương theo những nguyên tắc, chính sách giá cả và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước.

4. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp trực thuộc thực hiện đúng chế độ quản lý giá mà Nhà nước đã ban hành.

Kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các ngành, các cấp ở địa phương những biện pháp để đấu tranh ổn định thị trường, ổn định giá cả ở địa phương, làm cho giá cả phát huy được tác dụng đối với sản xuất, lưu thông phân phối, tích lũy và đối với đời sống…

5. Tổ chức kiểm tra các cơ quan, các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ở địa phương (kể cả các đơn vị thuộc các ngành ở trung ương đặt tại địa phương) trong việc chấp hành chính sách giá cả, chế độ, thể lệ quản lý giá, các hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước; kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ thị cho các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ở địa phương (kể cả các đơn vị thuộc các ngành ở trương ương đặt tại địa phương) sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định trái với giá chỉ đạo của Nhà nước; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý những vụ vi phạm giá cả theo luật pháp của Nhà nước.

6. Cùng với Ủy ban kế hoạch, Sở, Ty tài chính và các Sở, Ty quản lý sản xuất, kinh doanh ở địa phương xây dựng và xét duyệt giá thành, mức phí lưu thông, tổng hợp kế hoạch giá thành và tỷ lệ giảm giá thành từng thời kỳ kế hoạch của địa phương;

Tham gia với Sở, Ty tài chính, Ủy ban kế hoạch và các Sở, Ty quản lý sản xuất, kinh doanh trong việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện giá thành kế hoạch;

Tham gia với Chi cục thống kê, Ủy ban kế hoạch, Sở, Ty tài chính và các ngành hữu quan về phân tích hoạt động kinh tế, hoạt động của giá cả đối với sản xuất, lưu thông phân phối, đời sống và việc thực hiện kế hoạch Nhà nước ở địa phương.

7. Được quyền tham gia ý kiến vào các văn bản pháp quy của các ngành, các cấp ở địa phương có liên quan đến giá cả trước khi ban hành;

Được Chi cục thống kê, các Sở, Ty, các huyện, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cung cấp thường xuyên những tài liệu về thông tin kinh tế, về giá thành, giá cả và các tài liệu về liên quan đến giá cả để nghiên cứu tính toán giá thành, giá cả, xây dựng các phương án giá và kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ quản lý giá.

8. Hướng dẫn về nghiệp vụ giá cả đối với các tổ chức vật giá của các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ở địa phương;

Phụ trách việc đào tạo cán bộ dưới bậc trung học và bồi dưỡng về chính sách và nghiệp vụ giá cho cán bộ làm công tác giá của địa phương;

Quản lý về tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động, tiền lương, tài sản của Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố theo chế độ chung của Nhà nước.

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY

1. Cơ quan Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với tập thể thảo luận, do một chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lãnh đạo toàn bộ công tác của Ủy ban. Giúp chủ nhiệm có một số phó chủ nhiệm chuyên trách.

Căn cứ vào điều 25 trong nghị định số 24-CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ, việc bộ nhiệm, cách chức hoặc thay đổi chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố do chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước ký quyết định, sau khi đã bàn bạc nhất trí với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố bao gồm:

- Phòng tổ chức, hành chính, tổng hợp.

- Ban thanh tra giá.

- Phòng giá công nghiệp (máy thiết bị, tư liệu sản xuất, xây dựng cơ bản, cước vận tải).

- Phòng giá nông, lâm, thủy sản.

- Phòng giá hàng công nghiệp tiêu dùng và thủ công nghiệp (bao gồm giá bán buôn và bán lẻ).

Việc thành lập các phòng, ban do chủ nhiệm Ủy ban vật giá đề nghị và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định.

Về biên chế cán bộ, Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố căn cứ vào yêu cầu và nhiệm vụ quản lý giá cả ở địa phương, xây dựng biên chế thích hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt.

2. Tổ chức vật giá ở các Sở, Ty và cấp huyện.

Điều 19 trong nghị định số 14-CP ngày 13-1-1975 đã ghi: “Đối với các Sở, Ty chủ quản ở địa phương, tùy theo tính chất công tác và nhiệm vụ quản lý giá mà Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí tổ chức giá thích hợp… Đối với huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, khu phố của thành phố trực thuộc trung ương, trách nhiệm chủ yếu là kiểm tra giá”.

Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố có trách nhiệm cùng với các ngành, các cấp ở địa phương nghiên cứu xây dựng tổ chức vật giá ở các Sở, Ty quản lý sản xuất, kinh doanh và ở cấp huyện để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định, nhằm bảo đảm tốt việc quản lý công tác giá cả ở địa phương. Đồng thời báo cáo về Ủy ban Vật giá Nhà nước để nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức giá cả thống nhất đối với các ngành, các cấp trong cả nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức và biên chế bộ máy vật giá của tỉnh, thành phố vừa là yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa là yêu cầu lâu dài để giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác giá cả và quản lý giá cả của Nhà nước ở địa phương.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cố gắng điều động số cán bộ cần thiết có trình độ, có đạo đức để tăng cường cho các cơ quan vật giá địa phương nhằm củng cố và kiện toàn các cơ quan vật giá địa phương có đủ năng lực phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ giá cả của địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu trước mắt về cán bộ và yêu cầu ngày càng phát triển của các tổ chức vật giá ở địa phương. Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch cán bộ, có kế hoạch đào tạo cán bộ mới và bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, quan điểm, chính sách giá và nghiệp vụ giá cho cán bộ đang làm công tác giá.

Đối với những cán bộ đã qua đào tạo từ đại học trở lên. Ủy ban vật giá tỉnh, thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban Vật giá Nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý việc phân công sử dụng số cán bộ đó ở địa phương theo đúng quy chế của Nhà nước.

Thông tư này bổ sung các văn bản trước đây quy định về tổ chức, biên chế và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức vật giá ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện thông tư này, đề nghỉ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ủy ban vật giá và các ngành, các cấp ở địa phương phản ánh cho Ủy ban Vật giá Nhà nước những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề tồn tại để cùng bàn bạc giải quyết hoặc để trình lên Hội đồng Chính phủ xem xét, quyết định khi thấy cần thiết.

CHỦ NHIỆM
ỦY BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC




Tô Duy

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 398-VGNN/TCCB-1977 thi hành Nghị định 14-CP-1975 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban vật giá Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 398-VGNN/TCCB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/07/1977
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Vật giá Nhà nước
  • Người ký: Tô Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản