BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38-TC/KBNN | Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1991 |
THÔNG TƯ
SỐ 38-TC/KBNN NGÀY 22-6-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN HẠCH TOÁN KẾ TOÁN THU CHI NGOẠI TỆ QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Tiếp theo Thông tư số 27-TC/KBNN ngày 7-5-1991 quy định việc quản lý ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước như sau:
1. Hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước thực hiện ghi chép phản ảnh đầy đủ, kịp thời, chính xác số thu, chi và số dư trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Ngoại thương và Phòng ngoại hối. Đồng thời hạch toán chi tiết về quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước; quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương, ngoại tệ tạm thu, tạm giữ chờ xử lý; quỹ dự trữ tài chính Nhà nước bằng ngoại tệ; các hoạt động thanh toán về ngoại tệ hoặc có liên quan đến ngoại tệ giữa Kho bạc Nhà nước với Ngân hàng Ngoại thương (hoặc Phòng ngoại hối).
- Thông qua công tác kế toán thực hiện việc kiểm tra kỷ luật thu nộp, chi trả các loại ngoại tệ; phát hiện ngăn ngừa mọi hành vi tham ô, lãng phí, sử dụng ngoại tệ sai chế độ Nhà nước quy định.
2. Hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước sử dụng phương pháp ghi sổ kép. Việc hạch toán hàng ngày trên các tài khoản, sổ kế toán, được thực hiện theo từng nghiệp vụ phát sinh và phản ảnh theo từng loại nguyên tệ; cuối tháng tổng hợp quy đổi ra đồng đôla Mỹ (USD) trên cơ sở tỉ giá thống kê của Ngân hàng Ngoại thương Trung ương công bố và quy ra đồng Việt Nam theo tỉ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Việc hạch toán chi tiết từng nguyên tệ thống nhất sử dụng ký hiệu với Ngân hàng Ngoại thương Trung ương. Phải mở sổ hạch toán phân tích riêng tiền gốc và lãi theo từng loại ngoại tệ.
Việc hạch toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện ở Chi cục Kho bạc Nhà nước và Cục Kho bạc Nhà nước. Cục Kho bạc Nhà nước và Chi cục Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ và tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương (hoặc Phòng ngoại hối) nơi Kho bạc Nhà nước giao dịch về ngoại tệ.
3. Theo định kỳ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm Cục Kho bạc và các Chi cục kho bạc phải lập điện báo, báo cáo thu, chi ngoại tệ theo quy định tại điểm 3 mục II dưới đây:
II- CHỨNG TỪ, SỔ VÀ BÁO CÁO KẾ TOÁN
a) Chứng từ thu ngoại tệ:
Các đơn vị kho bạc căn cứ vào các chứng từ (chứng từ ghi sổ và chứng từ gốc) sau đây để theo dõi, đổi soát và thực hiện ghi thu ngoại tệ và Kho bạc Nhà nước.
- Lệnh thu ngoại tệ (dùng làm cơ sở đối chiếu với Ngân hàng Ngoại thương
- Lệnh mua ngoại tệ ( - )
- Hợp đồng đi vay ngoại tệ ( - )
- Quyết toán đoàn ra ( - )
- Uỷ nhiệm chi chuyển tiền ( - )
- Giấy báo có của ngân hàng ( - )
- Phiếu chuyển khoản
- Lệnh thu thuế và thu tiền phạt bằng ngoại tệ
- Phiếu nộp ngoại tệ.
b) Chứng từ về chi ngoại tệ:
Các đơn vị kho bạc và căn cứ vào chứng từ sau đây để theo dõi, đối soát thực hiện ghi chi ngoại qua Kho bạc Nhà nước.
- Lệnh chi ngoại tệ
- Lệnh bán ngoại tệ
- Giấy đề nghị chi ngoại tệ
- Giấy báo nợ
- Phiếu chuyển khoản
- Giấy đề nghị chuyển khoản đổi ngoại tệ
- Lệnh chuyển đổi ngoại tệ.
Việc lưu giữ các chứng từ trên được sắp xếp theo trình tự thời gian và phân tích theo từng loại nguyên liệu. Sắp xếp thành các tập như sau:
- Theo tiền gửi ngoại tệ
+ Đóng theo tháng
+ Trong tháng đóng theo các loại nguyên tệ
- Theo tiền gửi đồng Việt Nam.
+ Đóng theo tháng
+ Trong tháng xếp chứng từ theo các mục sau:
Thanh toán rúp chuyển nhượng (nếu có);
Thanh toán dollar (USD);
Thanh toán phi mậu dịch;
Thanh toán khác.
Sổ kế toán áp dụng để hạch toán ngoại tệ qua kho bạc, bao gồm các loại sau:
- Sổ theo dõi tiền gửi ngoại tệ Ngân hàng Ngoại thương mẫu số S.40KB
- Sổ theo dõi tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương S.41KB
- Sổ theo dõi quỹ ngoại tệ tập trung S.42.KB
- Sổ theo dõi quỹ dự trữ tài chính bằng ngoại tệ S.43KB
- Sổ theo dõi ngoại tệ tạm thu, tạm giữ S.44KB
(Việc mở sổ và trình tự ghi chép theo phụ lục đính kèm).
3. Điện báo và báo cáo kế toán.
3.1. Điện báo.
Bổ sung thêm vào chỉ tiêu điện báo ngày của Kho bạc Nhà nước chỉ tiêu: 25 "thu ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ phát sinh tại Chi cục nhân với tỉ giá ngoại tệ mua vào do Ngân hàng Ngoại thương công bố tại thời điểm hạch toán.
Cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp các chi tiêu 25 do các Chi cục điện về để báo cáo Bộ Tài chính và có kế hoạch điều chỉnh vốn cho các đơn vị.
3.2. Báo cáo kế toán.
Cuối tháng các đơn vị kho bạc (Chi cục kho bạc, Cục kho bạc) phải tiến hành lập các báo cáo sau:
- Báo cáo thu, chi ngoại tệ.
- Bảng cân đối tài khoản.
- Bảng cân đối kế toán.
- Các báo cáo kế toán lập riêng, trình tự lập và gửi báo cáo như sau:
+ Báo cáo, thu, chi ngoại tệ (phụ lục đính kèm), các chi cục lập 2 bản: 1 bản gửi Cục Kho bạc Nhà nước, 1 bản lưu, gồm phần ngoại tệ thu thuế, thu Nhà nước khác (nếu có); ngoại tệ tạm thu, tạm giữ chờ xử lý; mua bán ngoại tệ qua Ngân hàng Ngoại thương (nếu có); quỹ ngoại tệ của ngân sách địa phương do địa phương quản lý. Đồng thời lập và gửi Sở Tài chính riêng phần ngoại tệ thuộc ngân sách địa phương. Cục Kho bạc Nhà nước tổng hợp toàn hệ thống, lập 3 bản: 1 bản gửi Vụ Ngân hàng Nhà nước, 1 bản gửi Vụ Tài chính đối ngoại, 1 bản lưu.
+ Bảng cân đối tài khoản, bảng cân đối kế toán, Chi cục kho bạc lập 2 bản gửi Cục kho bạc 1 bản, lưu 1 bản. Cục kho bạc lập cân đối tài khoản, cân đối kế toán hoạt động thu chi ngoại tệ tại Cục kho bạc và tổng hợp lên cân đối tài khoản và cân đối kế toán về ngoại tệ chung cho toàn hệ thống.
(Mẫu và các chỉ tiêu tính toán ghi chép có phụ lục đính kèm).
III- TÀI KHOẢN KẾ TOÁN VÀ PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN
Để hạch toán các khoản thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước, hệ thống tài khoản kế toán của Kho bạc Nhà nước được bổ sung các tài khoản, tiểu khoản sau:
1.1. Tài khoản 98: Quỹ ngoại tệ tập trung.
Tài khoản này dùng để hạch toán thu, chi và số dư các loại ngoại tệ tập trung của Nhà nước; thu chi các loại ngoại tệ của Ngân sách địa phương.
Bên nợ: phản ảnh các loại ngoại tệ chi ra.
Bên có: phản ảnh các loại ngoại tệ thu vào.
Số dư có: phản ảnh các loại ngoại tệ còn lại.
Tài khoản này mở 2 tiểu khoản:
- Tiểu khoản 981 quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước: phản ảnh toàn bộ các khoản thu chi và số dư ngoại tệ tập trung của Nhà nước.
Về thu bao gồm các mục sau:
Mục 1: Thu thuế của các đơn vị, tổ chức kinh tế, cá thể trong nước.
Mục 2: Thu do xuất khẩu vật tư hàng hoá của Nhà nước.
Mục 3: Thu do mua ngoại tệ của các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu.
Mục 4: Thu hoa hồng dầu khí.
Mục 5: Thu phí máy bay qua bầu trời Việt Nam.
Mục 6: Thu thuế, lệ phí các đơn vị đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Mục 7: Thu hợp tác lao động và chuyên gia.
Mục 8: Thu điều tiết của đối tượng có thu nhập bằng ngoại tệ theo quy định của Bộ Tài chính.
Mục 9: Thu vốn vay từ nước ngoài.
Mục 10: Thu viện trợ từ nước ngoài.
Mục 11: Thu ngoại tệ do các Chi cục kho bạc nộp.
Mục 12: Thu khác: lãi tiền gửi, vi phạm hợp đồng, hoàn tạm ứng, tiền nộp của các đại sứ quán v.v...
Về chi bao gồm các mục sau:
Mục 1: Chi thanh toán phi mậu dịch.
Mục 2: Chi nhập khẩu và trả cước vận tải vật tư hàng hoá của Nhà nước.
Mục 3: Chi trả nợ nước ngoài.
Mục 4: Chi cho vay.
Mục 5: Chi bán ngoại tệ.
Mục 6: Chi viện trợ.
Mục 7: Chi khác: trả lãi vay, cho tạm ứng, trả thủ tục phí...
Tiểu khoản này được phân tích ra tiền gốc, tiền lãi và theo từng loại nguyên tệ.
+ 981: tiền gốc
+ 981-02: thu lãi tiền gửi, trả lãi tiền vay.
- Tiểu khoản 982: Quỹ ngoại tệ thuộc ngân sách địa phương phản ảnh toàn bộ các khoản thu chi và số dư ngoại tệ của Ngân sách địa phương do địa phương quản lý.
Về các mục thu, chi thuộc quỹ này Bộ Tài chính sẽ có quy định sau: Tiểu khoản này cũng được phân tích ra tiền gốc, tiền lãi và theo từng loại nguyên tệ như tiểu khoản 981 trên.
1.2. Tiểu khoản 508: Tiền mặt bằng ngoại tệ (nếu có)
Tiểu khoản này phản ảnh tình hình thu chi và tồn quỹ tiền mặt ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước.
Bên nợ: Ghi chép số tiền mặt ngoại tệ thu vào.
Bên có: Ghi chép số tiền mặt ngoại tệ chi ra.
Số dư nợ: Số tiền mặt ngoại tệ còn tồn tại ở quỹ.
Tiểu khoản này được phân tích theo từng loại nguyên tệ.
1.3. Tiểu khoản 512: Tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng Ngoại thương (từ đây viết tắt là NHNT).
Tiểu khoản này phản ảnh tình hình tăng, giảm và còn lại của tất cả các loại ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước gửi tại NHNT hoặc tại Chi nhánh NHNT, Phòng ngoại hối ở các tỉnh.
Mọi việc ghi chép trên tiểu khoản 512 đều phải căn cứ vào chứng từ kế toán như giấy báo nợ, báo có, phiếu chuyển khoản của NHNT gửi Kho bạc Nhà nước để làm chứng từ gốc, Kho bạc Nhà nước lập chứng từ kế toán hạch toán:
Bên nợ: phản ảnh các khoản thu ngoại tệ gửi vào NHNT.
Bên có: phản ảnh các khoản ngoại tệ chi ra.
Số dư nợ: phản ảnh các khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước hiện đang gửi tại NHNT.
- Kế toán tiền gửi ngoại tệ được hạch toán phân tích theo từng loại nguyên tệ, ký hiệu các loại nguyên tệ thống nhất theo quy định của NHNT Trung ương.
Trước mắt bao gồm các ký hiệu dưới đây và sẽ được điều chỉnh hoặc bổ sung khi có nghiệp vụ phát sinh.
+ 512-36: Tiền gửi ngoại tệ bằng Dollar Hồng Kông.
+ 512-37: - Dollar Mỹ
+ 512-38: - Franc Pháp
+ 512-39: - Franc Thuỵ Sĩ
+ 512-40: - Marc Cộng hoà LB Đức
+ 512-41: - Yên Nhật
+ 512-45: - Baht Thái Lan
+ 512-48: - Kroma Thuỵ Điển
+ 512-52: - Dollar Uc
+ 512-54: - Dolla rSingapore
+ 512-61: - Franc Bỉ
+ 512-66: - Guilder Hà Lan.
1.4. Tiểu khoản 514: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại NHNT.
Tiểu khoản này phản ảnh tình hình tăng, giảm và còn lại về tiền Việt Nam của Kho bạc Nhà nước tại NHNT để thực hiện mua, bán ngoại tệ và thanh toán các khoản phụ phí có liên quan tới thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước.
Bên nợ: phản ảnh các khoản tiền nhiệm vụ gửi vào.
Bên có: phản ảnh các khoản tiền Việt Nam rút ra hoặc chi trả.
Số dư nợ: các khoản tiền Việt Nam hiện còn ở NHNT.
1.5. Tiểu khoản 660: Thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương.
Tiểu khoản này phản ảnh tình hình thu chi và thanh toán về mua bán ngoại tệ, các khoản phí phục vụ Ngân hàng Ngoại thương, các khoản tiền lãi phải trả cho Ngân hàng Ngoại thương, các khoản tiền lãi Kho bạc Nhà nước được hưởng ở Ngân hàng Ngoại thương.
Bên nợ: phản ảnh các khoản tiền chi ra hoặc đã thanh toán.
Bên có: phản ảnh các khoản tiền thu vào hoặc đã nhận được.
Số dư nợ: số tiền còn lại ở Ngân hàng Ngoại thương, kho bạc chưa chi.
Số dư có: số tiền Ngân hàng Ngoại thương ứng ra thanh toán cho kho bạc.
Tiểu khoản 660 phân tích theo dõi từng mục sau:
660 - 01 Thanh toán đồng rúp chuyển nhượng (nếu có)
660 -02 Thanh toán đồng dollar Mỹ (USD)
660 -03 Thanh toán các loại ngoại tệ khác
660 -04 Thanh toán khác
660 -05 Thanh toán tiền ứng trước của Ngân hàng Ngoại thương.
1.6. Tiểu khoản 662 - Thanh toán bằng ngoại tệ với Ngân hàng Ngoại thương.
Tiểu khoản này phản ảnh các khoản ngoại tệ Ngân hàng Ngoại thương ứng ra để thanh toán cho Bộ Tài chính như các khoản thanh toán rúp phi mậu dịch (nếu có)...
Bên nợ: phản ảnh các khoản ngoại tệ đã trả cho Ngân hàng Ngoại thương.
Bên có: phản ảnh các khoản ngoại tệ chưa trả cho Ngân hàng Ngoại thương.
Số dư có: số ngoại tệ chưa trả cho Ngân hàng Ngoại thương.
Tiểu khoản này phân tích theo dõi:
662 - 01 các ngoại tệ phải trả gốc
662 - 02 các ngoại tệ phải trả lãi.
1.7. Tiểu khản 903 - vay ngoại tệ
Tiểu khoản này phản ảnh các loại ngoại tệ mà Bộ Tài chính vay của Ngân hàng Ngoại thương để thực hiện thanh toán chi trả các khoản thuộc quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước.
Bên nợ: Ghi chép các loại ngoại tệ đã thanh toán trả cho Ngân hàng Ngoại thương.
Bên có: Ghi chép các loại ngoại tệ vay của Ngân hàng Ngoại thương.
Số dư có: số ngoại tệ Bộ Tài chính vay chưa trả cho Ngân hàng Ngoại thương.
1.8. Tiểu khoản 923 - Ngoại tệ tạm thu, tạm giữ
Tiểu khoản này phản ảnh các khoản ngoại tệ tạm thu, tạm giữ của các cơ quan khác chức năng (toà án, Viện Kiểm sát, công an, hải quan...) gửi ở Kho bạc Nhà nước có liên quan đến các vụ việc chưa được xử lý hoặc chưa được thanh toán.
Bên nợ: Ghi chép số ngoại tệ nộp vào ngân sách hoặc thanh toán cho các đối tượng được hưởng.
Bên có: Ghi chép số ngoại tệ tạm thu, tạm giữ của các cơ quan chức năng gửi vào kho bạc.
Số dư có: số ngoại tệ tạm thu, tạm giữ chưa được xử lý hoặc chưa được thanh toán cho đối tượng được hưởng.
Tiểu khoản này theo dõi phân tích theo từng loại nguyên tệ và theo các khoản ngoại tệ chưa xử lý, đã xử lý nhưng chưa thanh toán cho đối tượng được hưởng.
1.9. Tiểu khoản 954 - Quỹ dự trữ tài chính Nhà nước bằng ngoại tệ.
Tiểu khoản này phản ảnh các loại ngoại tệ do Nhà nước quyết định đưa vào dự trữ, hoặc rút ra để chi dùng được quản lý tại Kho bạc Nhà nước.
Bên nợ: Ghi chép các loại ngoại tệ dự trữ xuất ra sử dụng theo lệnh của Nhà nước.
Bên có: Ghi chép lại các loại ngoại tệ nhập vào quỹ dự trữ theo lệnh của Nhà nước.
Số dư có: số ngoại tệ dự trữ còn lại do kho bạc quản lý.
Tiểu khoản này được phân tích theo dõi theo từng loại nguyên tệ.
1.10. Tiểu khản 673 - Ngoại tệ vay chờ xử lý.
Tiểu khoản này phản ảnh các khoản ngoại tệ Nhà nước vay nợ nước ngoài, Ngân hàng Ngoại thương đã trả nợ, Bộ Tài chính chưa thanh toán trả Ngân hàng Ngoại thương hoặc các khoản tệ khác Ngân hàng Ngoại thương ứng ra để thanh toán nợ nước ngoài hộ cho Bộ Tài chính.
Bên nợ: Các khoản ngoại tệ vay chưa thanh toán chờ xử lý
Bên có: Các khoản ngoại tệ vay đã thanh toán
Số dư nợ: Các khoản ngoại tệ vay còn lại chưa thanh toán.
Tiểu khoản này được mở chi tiết theo từng loại ngoại tệ.
2.1. Phương pháp hạch toán kế toán nghiệp vụ nhận bàn giao tiền gửi ngoại tệ và tiền gửi đồng Việt Nam tại Kho bạc Nhà nước.
a) Tại Cục Kho bạc Nhà nước
- Căn cứ vào biên bản bàn giao tài khoản tiền gửi ngoại tệ giữa Vụ Tài chính đối ngoại với Cục Kho bạc Nhà nước đã đối chiếu khớp đúng với số dư các tài khoản có liên quan mở tại Ngân hàng Ngoại thương Trung ương. Bộ phận kế toán ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước phải xác định rõ loại tiền gửi ngoại tệ phân ra các quỹ: quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước; quỹ dự trữ tài chính bằng ngoại tệ, ngoại tệ tạm thu, tạm giữ chờ xử lý và tiền gửi bằng đồng Việt Nam để ghi sổ kế toán:
+ Tiền gửi ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước kế toán hạch toán chi tiết theo từng loại ngoại tệ.
Nợ TK 512
Có TK 981
+ Tiền gửi ngoại tệ thuộc ngoại tệ tạm thu tạm giữ chở xử lý, kế toán hạch toán chi tiết theo từng loại ngoại tệ.
Nợ TK 512
Có TK 923
+ Tiền gửi ngoại tệ thuộc quỹ dự trữ tài chính bằng ngoại tệ, kế toán, hạch toán chi tiết theo từng loại ngoại tệ.
Nợ TK 512
Có TK 954
+ Căn cứ vào biên bản bàn giao tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 514
Có TK 660
+ Đối với các khoản Nhà nước vay nợ nước ngoài mà Ngân hàng Ngoại thương đã trả nợ, Bộ Tài chính chưa thanh toán. Căn cứ vào số liệu bàn giao đối chiếu với số dư nợ TK vay nợ ở Ngân hàng Ngoại thương, kế toán ghi:
Nợ TK 67 (673)
Có TK 90 (903)
+ Đối với số dư nợ các khoản Ngân hàng Ngoại thương đã ứng ngoại tệ để trả nợ hàng nhập khẩu theo Nghị định thư các nước xã hội chủ nghĩa (các đơn vị chủ hàng đã nhập và đã bán ra bằng tiền Việt nộp ngân sách Nhà nước), kế toán căn cứ vào biên bản bàn giao ghi sổ:
Nợ TK 67 (673)
Có TK 662
b) Tại Chi cục Kho bạc Nhà nước
- Căn cứ vào biên bản bàn giao giữa Sở Tài chính (hoặc các cơ quan chức năng được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quản lý ngoại tệ) với Chi cục Kho bạc Nhà nước, bộ phận kế toán ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước phải xác định tiền gửi ngoại tệ, phân tích riêng ra quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương, ngoại tệ tạm thu, tạm giữ và tiền gửi bằng đồng Việt Nam (nếu có) khớp đúng với số dư trên các tài khoản mở tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương (hoặc Phòng ngoại hối) để ghi sổ kế toán:
- Số dư tiền gửi ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương:
Nợ TK 512
Có TK 982
- Số dư ngoại tệ tạm thu tạm giữ chờ xử lý:
Nợ TK 512
Có TK 923
- Số dư tiền gửi bằng đồng Việt Nam (nếu có) còn lại ở Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương (hay Phòng ngoại hối):
Nợ TK 514
Có TK 660.
2.2. Hạch toán kế toán thu chi quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, quỹ ngoại tệ của ngân sách địa phương.
a.1. Ngân hàng Ngoại thương Trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương tỉnh, thành phố, Phòng ngoại hối trực tiếp thu ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương v.v..
- Khi nhận được các chứng từ như uỷ nhiệm chi chuyển tiền (nộp thuế, lệ phí đầu tư), các giấy báo có (xuất khẩu hàng hoá) các phiếu chuyển khoản (các khoản thu ngoại tệ khác) do Ngân hàng Ngoại thương chuyển đến, kế toán Kho bạc Nhà nước căn cứ vào các tính chất từng khoản thu và từng loại nguyên tệ để ghi sổ:
Ví dụ:
- Nếu khoản thu là đôla Mỹ, kế toán ghi sổ (ký hiệu 37)
Nợ TK 512 - 37
Có TK 981 - 01 - 37 (quỹ ngoại tệ TT của Nhà nước)
hay có TK 982 - 01 - 37 (quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương)
- Nếu khoản thu là Franc Pháp, kế toán ghi sổ (ký hiệu 38)
Nợ TK 512 - 38
Có TK 981 - 01 - 38 (quỹ ngoại tệ TT của Nhà nước)
hay có TK 982 - 01 - 38 (quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương)
v.v...
- Định kỳ, hay cuối tháng, nhận được chứng từ thu tiền lãi: nếu là đôla Mỹ, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 512 - 37
Có TK 981 - 02 - 37 (quỹ ngoại tệ TT của Nhà nước)
hay có TK 982 - 02 - 37 (quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương)
a.2. Trường hợp Kho bạc Nhà nước trực tiếp thu tiền mặt ngoại tệ:
- Khi nhận được chứng từ giấy nộp ngoại tệ bằng tiền mặt, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 508
Có TK 981
Nếu xuất tiền mặt ngoại tệ nộp ngân hàng, kế toán ghi:
Nợ TK 512
Có TK 508
+ Trước khi khoá sổ cuối tháng, kế toán căn cứ vào doanh số thu chi và số dư theo từng loại ngoại tệ để tính từ nguyên tệ quy ra USD và tính từ USD ra đồng Việt Nam theo tỉ giá mua vào do Ngân hàng Ngoại thương công bố để tính toán ghi vào các tài khoản kế toán thích hợp và lập báo cáo kế toán (bảng cân đối tài khoản, bảng cân đối kế toán).
+ Trường hợp các đơn vị ở địa phương nộp thuế vào ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ theo quy định ở điểm C mục 4.1 thông tư số 27-TC/KBNN ngày 7-5-1991, hệ thống Kho bạc Nhà nước tổ chức hạch toán như sau:
Tại Chi cục Kho bạc:
- Khi nhận được chứng từ thu ngoại tệ do chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương (hoặc Phòng ngoại hối) gửi tới, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 512 (tiểu khoản thích hợp)
Có TK 981 (tiểu khoản thích hợp)
Đồng thời làm thủ tục yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương trích tài khoản để chuyển số ngoại tệ trên về Cục kho bạc, khi nhận chứng từ do Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thông báo đã chuyển, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 981 (tiểu khoản thích hợp)
Có TK 512 (tiểu khoản thích hợp)
Bộ phận kế toán nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước căn cứ vào số ngoại tệ chuyển đi, tính ra tiền Việt Nam theo tỉ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước công bố có giá trị tới thời điểm hạch toán, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 66 (661) (các khoản phải thu của ngân sách trung ương)
Có TK 74 (thu ngân sách Nhà nước)
Khi điều tiết vào các cấp ngân sách ghi:
Nợ TK 74
Có TK 71
Có TK 72 (nếu khoản thuế có quy định tỉ lệ điều tiết cho Ngân sách địa phương).
Khi nhận được vốn Cục kho bạc chuyển về để thanh toán trả số ngoại tệ đã nộp về Cục Kho bạc Nhà nước nói trên, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 511
Có TK 661 (các khoản đã thu của ngân sách trung ương)
Tại Cục kho bạc:
Khi nhận được giấy báo của Ngân hàng Ngoại thương đã nhận được số ngoại tệ do các Chi cục chuyển về, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 512
Có TK 981
Khi nhận được lệnh chi của ngân sách trung ương để trả thanh toán toàn bộ số ngoại tệ đã nộp về Cục Kho bạc Nhà nước, bộ phận kế toán nghiệp vụ ghi sổ:
Nợ TK 311
Có TK 511
b) Kế toán chi ngoại tệ
Mọi khoản chi ngoại tệ từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước đều phải có lệnh chi ngoại tệ của Bộ Tài chính; từ quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương đều phải có lệnh chi của Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước căn cứ vào lệnh chi trên, lập "giấy đề nghị chi ngoại tệ" gửi Ngân hàng Ngoại thương đề nghị trích tài khoản của mình chuyển cho đối tượng được hưởng. Khi nhận được giấy báo nợ hay phiếu chuyển kho do Ngân hàng Ngoại thương chuyển tới, kế toán căn cứ vào từng loại ngoại tệ và từng mục chi để lập chứng từ ghi sổ kế toán:
- Nếu chi từ quỹ Ngân hàng Ngoại thương của Nhà nước:
Nợ TK 981
Có TK 512
- Nếu chi từ quỹ ngoại tệ Ngân sách địa phương:
Nợ TK 982
Có TK 512
Trường hợp các khoản chi ngoại tệ thay cho việc chi ngân sách trung ương bằng đồng Việt Nam, kế toán ngoại tệ ghi sổ kế toán như hướng dẫn trên. Vụ TCĐN phối hợp với Vụ ngân sách Nhà nước để Vụ ngân sách Nhà nước lập chứng từ (lệnh thu, lệnh chi, lệnh thanh toán) chuyển đến Kho bạc Nhà nước. Bộ phận kế toán nghiệp vụ nhận được lệnh thu, lệnh chi, lệnh thanh toán thì thực hiện hạch toán theo phương pháp ghi thu, ghi chi đã quy định tại công văn số 229 - TC/KB ngày 12-10-1990 của Cục Kho bạc Nhà nước.
c) Hạch toán kế toán mua bán ngoại tệ
Các công ty, xí nghiệp, các đơn vị tập thể, cá thể có ngoại tệ phải làm nghĩa vụ bán ngoại tệ cho Bộ Tài chính theo chế độ quy định; đồng thời nếu có nhu cầu mua ngoại tệ, Bộ Tài chính sẽ xem xét giải quyết. Bộ Tài chính uỷ quyền cho Ngân hàng Ngoại thương thực hiện các thủ tục về mua bán ngoại tệ.
- Hạch toán kế toán mua ngoại tệ
Khi có nhu cầu về mua ngoại tệ, nếu tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam ở Ngân hàng Ngoại thương không còn, Bộ Tài chính (hay Sở Tài chính) phải lập lệnh chi gửi cho kho bạc để chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi kho bạc Ngân hàng Nhà nước sang tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương.
Kế toán nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước khi nhận được lệnh chi, ghi sổ:
Nợ TK 311
Có TK 511
- Kế toán ngoại tệ căn cứ vào "giấy báo có" hay "phiếu chuyển khoản của Ngân hàng Ngoại thương" báo số tiền đã nhập vào tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam, lập chứng từ ghi sổ:
Nợ TK 514
Có TK 660
Khi Ngân hàng Ngoại thương thực hiện xong nghiệp vụ mua ngoại tệ gửi "phiếu chuyển khoản" đến Kho bạc Nhà nước, căn cứ vào phiếu chuyển khoản kế toán lập chứng từ ghi sổ:
+ Đối với số tiền Việt Nam, hạch toán:
Nợ TK 660
Có TK 514
+ Đối với só ngoại tệ mua được, hạch toán:
Nợ TK 512
Có TK 981
Tại Chi cục Kho bạc Nhà nước nếu có mua ngoại tệ cũng thực hiện phương pháp kế toán như trên khi mua ngoại tệ: ghi chi ngân sách tỉnh (TK 321) và ghi thu Quốc hội quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương (TK 982).
- Hạch toán kế toán bán ngoại tệ
Khi nhận được giấy báo nợ hay phiếu chuyển khoản về số ngoại tệ Ngân hàng Ngoại thương đã bán, kế toán lập chứng từ ghi sổ:
Nợ TK 981
Có TK 512
Đồng thời khi nhận được phiếu chuyển khoản báo số tiền Việt Nam thu được về bán số ngoại tệ nói trên, kế toán lập chứng từ ghi sổ:
Nợ TK 514
Có TK 660
+ Nếu số tiền thu được do bán ngoại tệ Bộ Tài chính quyết định ghi thu vào ngân sách trung ương, Cục Kho bạc Nhà nước lập chứng từ yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Trung ương chuyển vào tiền gửi của Cục Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước.
Bộ phận kế toán ngoại tệ ghi sổ:
Nợ TK 660
Có TK 514
Khi nhận được giấy báo có do Ngân hàng Nhà nước gửi, bộ phận kế toán nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước ghi sổ:
Nợ TK 511
Có TK 741 (thu ngân sách Nhà nước) và điều tiết thu ngân sách trung ương 100% (tài khoản 711).
d) Hạch toán kế toán vay, trả ngoại tệ với Ngân hàng Ngoại thương
+ Trường hợp Bộ Tài chính vay Ngân hàng Ngoại thương; khi nhận được chứng từ (giấy báo có, phiếu chuyển khoản) do Ngân hàng Ngoại thương gửi báo số tiền vay đã ghi vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc tại Ngân hàng Ngoại thương; kế toán ghi sổ:
Nợ TK 512
Có TK 903
+ Khi nhận được lệnh chi của Bộ Tài chính trả nợ Ngân hàng Ngoại thương, Kho bạc Nhà nước sẽ làm giấy đề nghị chi ngoại tệ gửi Ngân hàng Ngoại thương đề nghị trích tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc để trả Ngân hàng Ngoại thương, khi nhận được giấy báo nợ hay phiếu chuyển khoản Ngân hàng Ngoại thương chuyển tới, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 903
Có TK 512
+ Trường hợp Bộ Tài chính ra lệnh chi trả nợ tiền vay nước ngoài mà Ngân hàng Ngoại thương đã ứng ngoại tệ trả nợ nước ngoài; từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước như quy định ở điểm 2.1, Kho bạc Nhà nước làm giấy đề nghị chi ngoại tệ yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương trích tài khoản ngoại tệ của kho bạc để trả nợ.
- Khi nhận được giấy báo nợ hay phiếu chuyển khoản do Ngân hàng Ngoại thương chuyển tới, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 981
Có TK 512
- Đồng thời kế toán phải ghi sổ để tất toán các khoản vay nợ, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 903
Có TK 67 (673)
- Các khoản Ngân hàng Ngoại thương ứng để trả nợ, kế toán ghi sổ:
và Nợ TK 662
Có TK 67 (673)
2.2. Kế toán thu, chi ngoại tệ tạm thu, tạm giữ
Trình tự thủ tục kế toán thu chi ngoại tệ tạm thu, tạm giữ phải thực hiện theo chế độ kế toán Kho bạc Nhà nước quy định.
Các cơ quan chức năng (toà án, viện Kiểm sát, công an, hải quan...) có ngoại tệ tạm thu, tạm giữ phải làm thủ tục gửi ngoại tệ này vào Kho bạc Nhà nước qua Ngân hàng Ngoại thương. Khi nhận được phiếu chuyển khoản do Ngân hàng Ngoại thương chuyển tới, căn cứ vào từng loại nguyên tệ tạm thu, tạm giữ, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 512
Có TK 923
Nếu nhận trực tiếp bằng tiền mặt, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 508
Có TK 923
Khi xuất tiền mặt ngoại tệ vào Ngân hàng Ngoại thương; nhận được giấy báo có do Ngân hàng Ngoại thương chuyển tới về tiền mặt ngoại tệ đã nộp, kế toán ghi:
Nợ TK 512
Có TK 508
Khi các cơ quan có chức năng gửi "biên bản xử lý ngoại tệ tạm thu, tạm giữ" trả lại cho đối tượng được hưởng hoặc nộp ngân sách Nhà nước; Kho bạc Nhà nước lập "giấy đề nghị chi ngoại tệ gửi Ngân hàng Ngoại thương đề nghị làm thủ tục chuyển cho đối tượng được hưởng.
- Khi lập phiếu chuyển khoản chi cho đối tượng được hưởng, kế toán ghi:
Nợ TK 923
Có TK 512
Khi nhận phiếu chuyển khoản chuyển sổ ngoại tệ tạm thu, tạm giữ được phép trích thưởng theo chế độ quy định thì các cơ quan đó vẫn phải nộp toàn bộ ngoại tệ vào Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước sẽ chi tiền Việt Nam trả cho các đơn vị theo tỉ giá ngoại tệ mua vào do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm đó theo lệnh chi của cơ quan tài chính.
Khi nhận được báo nợ hay phiếu chuyển khoản do Ngân hàng Ngoại thương gửi tới, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 660 - 04
Có TK 514 - 04
Trường hợp tại các Chi cục kho bạc có phát sinh các nghiệp vụ như quy định ở điểm 2.2 thì cũng ghi sổ kế toán theo phương pháp nêu trên, nhưng khi thu phải ghi vào tiểu khoản 982.
Các Chi cục Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển về Cục Kho bạc Nhà nước số ngoại tệ nói trên, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 981
Có TK 512
2.3- Hạch toán kế toán thu, chi quỹ dự trữ tài chính Nhà nước bằng ngoại tệ:
- Theo lệnh của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính thực hiện dự trữ tài chính Nhà nước bằng ngoại tệ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước mua ngoại tệ dự trữ hoặc chuyển từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước sang quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.
Khi nhận được giấy báo có hay phiếu chuyển khoản do Ngân hàng Ngoại thương gửi tới, thông báo đã mua ngoại tệ dự trữ (bằng nguồn vốn ngân sách trung ương), kế toán ghi sổ:
Nợ TK 512
Có TK 95
Khi nhận được lệnh của cấp có thẩm quyền (Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính) chính quỹ NTTT của Nhà nước sang quỹ dự trữ tài chính (nếu có); kế toán lập phiếu chuyển khoản và ghi sổ:
Nợ TK 981
Có TK 954
- Theo lệnh của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính ra lệnh chi ngoại tệ, Kho bạc Nhà nước căn cứ vào lệnh chi lập giấy đề nghị chi ngoại tệ gửi Ngân hàng Ngoại thương. Khi có được phiếu chuyển khoản do Ngân hàng Ngoại thương chuyển đến, kế toán ghi sổ:
Nợ TK 954
Có TK 512
Khi nhận được lệnh của cơ quan có thẩm quyền chuyển quỹ dự trữ tài chính sang quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước (nếu có); kế toán lập phiếu chuyển khoản có ghi sổ:
Nợ TK 954
Có TK 981
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-1991.
2. Căn cứ vào các quy định nói trên:
- Cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn hệ thống Kho bạc Nhà nước việc mở tài khoản giao dịch với hệ thống Ngân hàng Ngoại thương và quy định các biểu mẫu chứng từ, sổ kế toán, báo cáo kế toán để thực hiện thống nhất nghiệp vụ kế toán thu chi ngoại tệ.
- Các đơn vị có liên quan trong hệ thống tài chính các cấp thực hiện các quy định trong Thông tư này.
Lý Tài Luận (Đã Ký) |
- 1Thông báo số 13520/TC-TCĐN về tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 11/2005 do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 27-TC/KBNN năm 1991 quy định việc quản lý ngoại tệ Nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 121/1999/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 38-TC/KBNN năm 1991 hướng dẫn hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 38-TC/KBNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/06/1991
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lý Tài Luận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/1991
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực