Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 38/2001/TT-BTC NGÀY 05 THÁNG 6 NĂM 2001 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 44-TC/TCDN NGÀY 08/7/1997 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN XỬ LÝ CÁC KHOẢN CHÊNH LỆCH TỶ GIÁ TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp phù hợp với các quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 44-TC/TCDN ngày 08/7/1997 về xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá như sau:

I. Sửa đổi tên gọi của Thông tư 44-TC/TCDN ngày 08/7/1997 như sau:

"Thông tư hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp"

II. Mục I Thông tư 44-TC/TCDN ngày 08/7/1997 sửa đổi, bổ sung như sau:

"I. Các nguyên tắc chung

1. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với:

a. Các doanh nghiệp Nhà nước;

b. Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp số 13/1999/QH10 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12/6/1999;

c. Các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là bên nước ngoài hợp doanh) trên cơ sở hợp đồng theo Luật Đầu tư nước ngoài và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện hạch toán bằng đồng Việt Nam và khoản xử lý chênh lệch tỷ giá bắt buộc áp dụng để xác định chi phí và thu nhập chịu thuế.

Đối với các doanh nghiệp liên doanh được thành lập trên cơ sở các Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, nếu Hiệp định có các quy định về xử lý chênh lệch tỷ giá khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

2. Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1. Ngoại tệ là loại tiền khác với đồng Việt Nam.

2.2. Nghiệp vụ ngoại tệ là chỉ các nghiệp vụ thu chi bằng ngoại tệ, trong kết toán vãng lai và để tính giá.

2.3. Tỷ giá hối đoái là tỷ giá trao đổi giữa hai loại tiền (sau đây gọi tắt là tỷ giá).

2.4. Chênh lệch tỷ giá hối đoái (sau đây gọi tắt là chênh lệch tỷ giá) là chênh lệch giữa tỷ giá ghi sổ kế toán với tỷ giá quy đổi tại thời điểm điều chỉnh của cùng một loại ngoại tệ.

3. Các đối tượng quy định tại điểm 1 có các nghiệp vụ ngoại tệ thực hiện hạch toán các khoản chênh lệch tỷ giá theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.

Tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư số 77/1998/TT-BTC ngày 06/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam sử dụng trong hạch toán kế toán ở doanh nghiệp.

4. Những ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá quy đổi ra đồng Việt Nam thì thống nhất quy đổi thông qua đồng đô la Mỹ".

III. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khoản chênh lệch tỷ giá chưa xử lý của khoản vay có gốc ngoại tệ phát sinh trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành thì xử lý như sau:

Khoản chênh lệch tỷ giá cao hơn do đánh giá lại số dư cuối kỳ của các khoản nợ có gốc ngoại tệ phát sinh từ năm tài chính 1999 trở về trước được phân bổ đều vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho các năm trả nợ còn lại theo khế ước vay, kể từ năm tài chính 2000 trở đi; thời gian phân bổ không quá 5 năm. Doanh nghiệp phải đăng ký với Cục thuế địa phương việc phân bổ khoản chênh lệch tỷ giá nêu trên.

Trường hợp tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiến triển tốt, doanh nghiệp có thể đề nghị với Cục thuế địa phương để rút ngắn thời gian phân bổ.

IV. Thông tư này thay thế Thông tư số 101/2000/TT-BTC ngày 17/10/2000 của Bộ Tài chính và có hiệu lực cho việc quyết toán tài chính và quyết toán thuế từ năm tài chính 2000 trở đi (kể cả đối với các doanh nghiệp kết thúc năm tài chính vào năm 2000). Các quy định khác tại Thông tư số 44-TC/TCDN ngày 08/7/1997 của Bộ Tài chính không trái với các quy định tại Thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành.

V. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 38/2001/TT-BTC sửa đổi Thông tư 44-TC/TCDN hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài Chính ban hành

  • Số hiệu: 38/2001/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/06/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản