Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 37/2014/TT-BKHCN quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản (sau đây gọi là đề tài) do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (sau đây gọi là Quỹ) tài trợ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

2. Đối tượng áp dụng

a) Tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam; tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học; tổ chức nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu với tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức khoa học và công nghệ).

b) Cá nhân nhà khoa học là công dân Việt Nam; nhà khoa học nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu với tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân nhà khoa học Việt Nam.

c) Các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật bao gồm khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược và khoa học nông nghiệp.

2. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn bao gồm khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

3. Tạp chí quốc tế có uy tín

a) Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, tạp chí quốc tế có uy tín là các tạp chí khoa học được lựa chọn từ danh mục SCI (Science Citation Index) và SCIE (Science Citation Index Expanded) của Viện Thông tin khoa học Quốc tế (Hoa Kỳ), được Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở tư vấn của các Hội đồng khoa học ngành.

b) Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tạp chí quốc tế có uy tín là các tạp chí thuộc các danh mục sau đây:

- Danh mục AHCI (Arts and Humanities Citation Index) hoặc SSCI (Social Science Citation Index) của Viện Thông tin khoa học Quốc tế (Hoa Kỳ);

- Tạp chí khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier;

- Tạp chí khoa học quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở kiến nghị của các Hội đồng khoa học ngành, liên ngành.

4. Tạp chí ISI có uy tín

a) Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, tạp chí ISI có uy tín là các tạp chí khoa học chất lượng hàng đầu của các ngành thuộc lĩnh vực, được lựa chọn từ tạp chí quốc tế có uy tín, được Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở tư vấn của các Hội đồng khoa học ngành.

b) Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tạp chí ISI có uy tín là các tạp chí thuộc các danh mục AHCI (Arts and Humanities Citation Index) hoặc SSCI (Social Science Citation Index) của Viện Thông tin khoa học Quốc tế (Hoa Kỳ).

5. Tạp chí quốc gia có uy tín là các tạp chí khoa học được Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở kiến nghị của các Hội đồng khoa học ngành, liên ngành.

6. Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học xây dựng được hướng nghiên cứu chung, dài hạn; có mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu cho từng giai đoạn cụ thể; nội dung nghiên cứu có tính đột phá và cần nhiều thành viên tham gia thực hiện. Các thành viên chủ chốt của nhóm có kết quả nghiên cứu nổi bật (theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư này).

Điều 3. Mục tiêu tài trợ

1. Tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản trong các tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Nâng cao năng lực nghiên cứu, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh; góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao.

3. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới chuẩn mực quốc tế.

4. Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Điều 4. Các đề tài được Quỹ tài trợ

Quỹ xem xét tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản do tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân nhà khoa học đề xuất, phù hợp với các hướng nghiên cứu cơ bản do Quỹ công bố, bao gồm:

1. Đề tài mang tính thăm dò, khám phá;

2. Đề tài nhằm phát triển các hướng nghiên cứu đã đạt được những kết quả bước đầu, các nghiên cứu chuyên sâu đã được thực hiện tại Việt Nam.

Điều 5. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu

Quỹ tài trợ thực hiện các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu cơ bản dưới các hình thức sau đây:

1. Hợp tác nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài phục vụ các nội dung nghiên cứu của đề tài (không quá 06 tháng);

2. Tiếp chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc, hợp tác nghiên cứu liên quan đến nội dung đề tài.

Thông tư 37/2014/TT-BKHCN quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 37/2014/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 165 đến số 166
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH