Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/1999/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 36/1999/TT-BGDĐT NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TUẦN LÀM VIỆC 40 GIỜ ĐỐI VỚI NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17-9-1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điểm cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan quản lí giáo dục các cấp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo) và các cơ quan nghiên cứu về giáo dục;

2. Cán bộ, nhà giáo và người lao động trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

II. NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN

1. Nguyên tắc:

1.1. Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ cho cán bộ, công chức, nhà giáo và người lao động từ ngày 02 tháng 10 năm 1999. Nhưng do đặc điểm lao động sư phạm và các điều kiện thực tế khác, việc thực hiện chế độ làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ thứ bảy và chủ nhật hàng tuần chưa thể tiến hành đồng loạt, cần phải làm từng bước, có phương án riêng cho từng cấp học, bậc học, có tính tới điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng trường cao đẳng và đại học...

1.2. Căn cứ vào các quy định của Thông tư này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lựa lựa chọn phương án thực hiện cho phù hợp với tình hình từng địa phương; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ( trực thuộc Bộ, ngành Trung ương) lựa chọn phương án báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ chủ quản;

1.3. Các cơ sở giáo dục không được tuỳ tiện cắt xén nội dung chương trình, cắt xén số giờ thực giảng, thực hành;

1.4. Chế độ lao động, định mức giờ dạy cho giảng viên, giáo viên của các cấp học, bậc học trước mắt vẫn thực hiện theo các văn bản, quy định hiện hành.

2. Các điều kiện thực hiện:

Khi thực hiện chế độ làm việc 40 giờ trong 5 ngày các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

2.1. Hoàn thành khối lượng công việc được giao, đảm bảo số lượng, chất lượng và hiệu quả;

2.2. Giữ nghiêm kỉ luật lao động;

2.3. Không tăng chi phí hành chính; không tăng biên chế, không tăng quĩ lương; trừ một số trường hợp đặc biệt quĩ tiền lương có thể tăng nhưng tổng chi phí nói chung không tăng;

2.4. Mức tiền lương ngày để trả lương làm thêm giờ, làm đêm, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội thay lương v.v... vẫn thực hiện theo quy định hiện hành;

2.5. Bảo đảm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân;

2.6. Đối với các bộ phận làm việc liên tục 24 / 24 giờ , phải sắp xếp , tổ chức chế độ ca, kíp hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có để đảm bảo các điều kiện nêu trên.

III. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TUẦN LÀM VIỆC 40 GIỜ

1. Đối với cán bộ, công chức và người lao động công tác ở cơ quan quản lí giáo dục các cấp và cơ quan nghiên cứu về giáo dục:

Từ ngày 02 tháng 10 năm 1999 các cơ quan quản lí giáo dục các cấp, cơ quan nghiên cứu về giáo dục thực hiện chế độ tuần làm việc 5 ngày (mỗi ngày 8 giờ), nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động của đơn vị mình. Trong trường hợp do yêu cầu công việc phải làm việc vào ngày thứ bảy thì cơ sở sắp xếp luân phiên người đến làm việc vừa để đảm bảo công việc và để mỗi cán bộ, công chức và người lao động mỗi tuần vẫn có 2 ngày nghỉ. Cán bộ, công chức và người lao động cần phải nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, giữ nghiêm kỷ luật lao động, tận dụng hết thời gian làm việc để hoàn thành khối lượng công việc với hiệu suất và chất lượng cao hơn.

2. Đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động công tác ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

2.1. Giáo dục mầm non:

Từ ngày 02 tháng 10 năm 1999 trở đi các cơ sở giáo dục mầm non chuyển thời gian biểu ngày thứ bảy sang thứ năm và tổ chức dạy học 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Sinh hoạt chuyên môn một tháng 2 lần cho giáo viên được tổ chức vào 2 buổi chiều ngày thứ năm. Các trường cử giáo viên hoặc nhân viên phụ trách nuôi dưỡng luân phiên quản lý trẻ trong các buổi giáo viên sinh hoạt chuyên môn.

Khi phụ huynh có nhu cầu gửi con vào ngày thứ bảy, các cơ sở giáo dục mầm non sẽ đáp ứng yêu cầu theo thoả thuận đóng góp giữa phụ huynh và nhà trường tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.

2.2. Giáo dục tiểu học:

Từ ngày 02 tháng 10 năm 1999 trở đi các trường tiểu học tổ chức dạy và học hàng tuần từ thứ hai đến thứ sáu, nghỉ thứ bảy và chủ nhật.

Địa phương nào do điều kiện cơ sở trường lớp khó khăn chưa bố trí nghỉ hai ngày liền đồng loạt được cho tất cả các trường thì có thể bố trí nghỉ vào ngày chủ nhật và một ngày khác trong tuần tuỳ theo điều kiện của từng trường.

Các văn bản đã ban hành về kế hoạch dạy và học ở tiểu học vẫn giữ nguyên hiệu lực. Để đảm bảo dạy đủ 9 môn một cách có chất lượng, giáo viên tiểu học phải chuẩn bị đủ bài và phải lên lớp đủ 5 tiết/ngày, 5 buổi/tuần. Mỗi tuần bố trí một buổi sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ (tương đương với 4 giờ hành chính). Buổi sinh hoạt này được bố trí vào ngoài giờ lên lớp hàng ngày hoặc vào ngày nghỉ của tuần.

Các trường, lớp tổ chức dạy và học trên 5 buổi/tuần cần có biện pháp tăng cường giáo viên, về cả số lượng và loại hình theo hình thức hợp đồng. Kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy hợp đồng và giáo viên dạy quá 5 buổi/tuần do phụ huynh đóng góp theo quy định. Những giáo viên được bố trí dạy buổi thứ hai thì ngoài buổi dạy thứ nhất theo kế hoạch 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần) cũng không được dạy quá 10 tiết/tuần.

Để đảm bảo mỗi buổi học không kéo dài quá 240 phút, tiết chào cờ đầu tuần và tiết sinh hoạt cuối tuần thực hiện không quá 20 phút; rút ngắn giờ ra chơi giữa buổi học của các ngày có tiết chào cờ và sinh hoạt. Hoạt động ngoài giờ theo các chủ điểm quy định trong năm học được bố trí vào một buổi thứ hai trong ngày đối với các trường tổ chức dạy học dưới 10 buổi/tuần, hoặc bố trí vào một buổi của ngày nghỉ cho mỗi chủ điểm.

2.3. Giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông:

a. Năm học 1999-2000:

Trên cơ sở giữ nguyên nội dung chương trình, kế hoạch dạy học, sách giáo khoa để bảo đảm tính ổn định và hiện trạng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thực hiện giải pháp tăng thêm tuần thực học và bố trí thời gian kết thúc năm học một cách hợp lý cho từng cấp học. Phương án tổ chức thực hiện cụ thể như sau:

Học kỳ I:

Từ nay cho đến hết học kỳ I các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn tổ chức dạy và học 6 ngày trong tuần, mỗi ngày bố trí 5 tiết, nghỉ ngày chủ nhật. Các trường sẽ phân công công tác và bố trí thời khoá biểu hợp lý để có thể đảm bảo cán bộ, nhà giáo và người lao động vẫn được nghỉ 2 ngày trong tuần.

Thời gian kết thúc học kỳ I vào ngày 08-01-2000 đối với trung học cơ sở và ngày 15-01-2000 đối với trung học phổ thông.

Học kỳ II:

Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện dạy và học 5 ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày bố trí 5 tiết, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật. Địa phương nào do điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học, thiếu giáo viên không bố trí nghỉ 2 ngày liền đồng loạt được, có thể bố trí nghỉ vào ngày chủ nhật và một ngày khác trong tuần.

Quy định ngày phải hoàn thành chương trình giảng dạy của các lớp học và cấp học cụ thể như sau:

* Đối với các lớp ở trung học cơ sở : ngày 16-05-2000

* Đối với lớp 11 : ngày 19-05-2000

* Đối với lớp 10, 12 : ngày 13-05-2000

Riêng với các lớp 12 thí điểm trung học chuyên ban, để đảm bảo hoàn thành chương trình vào ngày 13-05-2000, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường thí điểm trung học chuyên ban bố trí việc dạy và học 6 buổi/tuần một cách linh hoạt và hợp lý. Trên cơ sở phòng học và điều kiện quản lý thực tế của địa phương, cố gắng đảm bảo cho cán bộ, nhà giáo và người lao động vẫn được nghỉ 2 ngày trong tuần.

Ngày kết thúc năm học và thi tốt nghiệp: Giữ nguyên như cũ theo biên chế năm học.

b. Từ sau năm học 1999-2000:

Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ tổ chức dạy và học 5 ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày bố trí 5 tiết, nghỉ thứ bảy và chủ nhật hàng tuần và thực hiện trong cả năm học. Căn cứ vào lịch từng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định cụ thể biên chế năm học, các ngày kết thúc chương trình, ngày thi.

2.4. Giáo dục trung học chuyên nghiệp:

a. Các trường trung học chuyên nghiệp có đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ, giáo viên, phòng học, giảng đường, phương tiện, tài liệu, ... thì tổ chức dạy và học 5 ngày trong tuần từ ngày 02 tháng 10 năm 1999.

b. Các trường còn lại, do điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất đội ngũ... thì tổ chức dạy và học 5,5 ngày hoặc 6 ngày trong tuần và thực hiện chế độ làm việc luân phiên cho cán bộ, nhà giáo và người lao động phục vụ giảng dạy, công tác hành chính có liên quan trực tiếp đến đào tạo để duy trì việc dạy và học liên tục trong 5,5 ngày hoặc 6 ngày/tuần nhưng thời gian lao động của họ không vượt quá 40 giờ/tuần (cán bộ, nhà giáo và người lao động vẫn được nghỉ 2 ngày trong tuần nhưng không nhất thiết nghỉ ngày thứ bảy).

2.5. Giáo dục đại học và cao đẳng:

Do đặc điểm của quá trình đào tạo đại học, cao đẳng, kế hoạch giảng dạy đối với từng trường, từng khoa, bộ môn, từng giảng viên đã được bố trí từ trước khi vào năm học mới, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo (số phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành...) lại đang quá tải; mặt khác đặc điểm lao động của giảng viên đại học là lao động khoán theo định mức giờ chuẩn, nên việc chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ/tuần có thể thực hiện được ngay, nhưng việc chuyển sang làm việc 5 ngày/tuần và nghỉ 2 ngày liên tục vào thứ bảy và chủ nhật thì cần phải có quá trình chuẩn bị và nói chung, phải thực hiện một giai đoạn quá độ. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế của trường về qui mô đào tạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và qui trình đào tạo, Hiệu trưởng lựa chọn phương án tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần, 5,5 ngày/tuần hoặc tiếp tục thực hiện chế độ làm việc 6 ngày/tuần như hiện nay.

Đối với các trường thực hiện phương án tổ chức dạy và học 5,5 ngày/tuần hoặc 6 ngày/tuần thì thực hiện chế độ làm việc luân phiên cho cán bộ, nhà giáo và người lao động phục vụ giảng dạy ở các phòng thí nghiệm, xưởng trường, trạm, trại và một bộ phận cán bộ quản lý, cán bộ hành chính có liên quan trực tiếp đến đào tạo và nghiên cứu khoa học (cán bộ, nhà giáo và người lao động vẫn được nghỉ 2 ngày trong tuần nhưng không nhất thiết phải nghỉ ngày thứ bảy) để đảm bảo duy trì việc dạy và học liên tục .

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cùng với Thông tư hướng dẫn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các công văn hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với từng bậc học, cấp học;

2. Theo tinh thần của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo xây dựng chương trình khung, rà soát lại nội dung chương trình, giáo trình; điều chỉnh kế hoạch dạy học; cải tiến phương pháp dạy học và công tác quản lý, đặc biệt là công tác quản lý sinh viên trong những ngày không lên lớp (đối với giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp); sẽ nghiên cứu, rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy (đối với giáo dục phổ thông) để chậm nhất là sau 3 năm (đối với giáo dục đại học) và sau 2 năm (đối với giáo dục trung học chuyên nghiệp) và sau năm học này (đối với giáo dục phổ thông) tiến tới tất cả các trường đều có thể tổ chức dạy và học 5 ngày trong tuần một cách bình thường, thuận lợi, có chất lượng và hiệu quả.

3. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan quản lí giáo dục

các cấp và các cơ sở giáo dục thuộc cấp mình quản lí tổ chức thực hiện tốt chế độ tuần làm việc 40 giờ theo quy định của Thông tư này;

4. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cần tăng cường cơ sở vật chất, bố trí lại phòng học, phòng thực hành, thực tập, sản xuất một cách hợp lý, đồng thời kiến nghị với các cấp chủ quản tăng cường đầu tư nhằm khắc phục tình trạng còn khó khăn như hiện nay.

5. Ngay từ năm học này, các Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp, phòng học để đáp ứng cho việc tổ chức dạy và học 5 ngày trong tuần của năm học tới, báo cáo Uỷ ban nhân dân các cấp xét duyệt và có biện pháp giải quyết.

6. Thủ trưởng các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi mục đích ý nghĩa về chế độ tuần làm việc 40 giờ trong tuần; bố trí sắp xếp tổ chức, bồi dưỡng năng lực cán bộ và đổi mới phương thức làm việc để tăng cường hiệu quả công tác, đảm bảo cho mỗi cán bộ, công chức, nhà giáo và người lao động thực hiện nghiêm chỉnh kỉ luật lao động, làm việc có năng suất trong số giờ quy định, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao

7. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 10 năm 1999.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết.

Nguyễn Tấn Phát

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 36/1999/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với ngành giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 36/1999/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/09/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Tấn Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 02/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản