Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 188/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 188/1999 /QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TUẦN LÀM VIỆC 40 GIỜ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay quy định chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bẩy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là đơn vị).

Điều 2. Khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, các đơn vị phải bảo đảm các điều kiện sau :

- Hoàn thành khối lượng công việc được giao, bảo đảm số lượng, chất lượng và hiệu quả;

- Giữ nghiêm kỷ luật lao động;

- Không tăng chi phí hành chính; không tăng biên chế, không tăng quỹ lương; trừ một số trường hợp đặc biệt quỹ tiền lương có thể tăng nhưng tổng chi phí nói chung không tăng;

- Bảo đảm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân;

- Đối với các đơn vị làm việc liên tục 24/24 giờ, phải sắp xếp, tổ chức chế độ ca, kíp hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có để bảo đảm các điều kiện nêu trên;

- Đối với các đơn vị do tính chất công việc không thực hiện nghỉ hàng tuần vào ngày thứ bảy và chủ nhật thì sắp xếp nghỉ vào ngày khác trong tuần.

Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chế độ giảm giờ làm việc trong tuần đối với các doanh nghiệp Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp kinh tế, dịch vụ áp dụng theo các quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 4. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác và các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức Quốc tế tại Việt Nam có sử dụng lao động, thực hiện tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày.

Điều 5. Khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ mức tiền lương ngày để trả lương làm thêm giờ, làm đêm, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội thay lương v.v... vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 10 năm 1999.

Điều 7. Đối với các đơn vị chưa bảo đảm được các điều kiện quy định tại Điều 2 nói trên thì tiếp tục thực hiện tuần làm việc 48 giờ trong 6 ngày.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý có đặc điểm nêu trên xây dựng phương án cụ thể và các giải pháp để thực hiện trong năm 2000.

Điều 8. Các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện Quyết định này; tổng hợp và gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện chung của các Bộ, ngành, địa phương và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có trách nhiệm tham gia giải thích, phổ biến đúng tinh thần Quyết định này và phản ánh quá trình tổ chức thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 188/1999/QĐ-TTg về chế độ tuần làm việc 40 giờ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 188/1999/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/09/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 22/10/1999
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 02/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản