Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 334-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG THÔNG TƯ SỐ 01-LĐ NGÀY 20-01-1958 VỀ TRÍCH LÃI THƯỞNG CHO CÔNG NHÂN TƯ DOANH.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các ông Giám đốc Khu, Sở lao động
- Các ông Trưởng ty, phòng lao động

Việc trích lãi thưởng cho công nhân cuối năm và thêm vào xã hội phí, theo Thông tư số 01-LĐ/TT của Bộ ban hành ngày 20-1-1958, các địa phương đang tiến hành nhưng gặp nhiều mắc mứu về xác định vốn, cách tính lãi,vv… Bộ thấy cần góp một số ý kiến để các ông nghiên cứu giải quyết;

1. Cách tính lãi của xí nghiệp: Theo điều 20 bản điều lệ tạm thời thành lập xí nghiệp tư doanh thì kế toán phải có đủ sổ sách và chứng từ hợp lệ, mỗi năm phải quyết toán một lần; tức là việc quyết toán phải được cơ quan thuế xác nhận cho nên lãi của xí nghiệp căn cứ theo thuế.

Có một số xí nghiệp mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất nhưng sau vì không hợp với yêu cầu của quần chúng nên phải bán đi, nếu có lãi thì cũng thuộc về tiền lãi của xí nghiệp, chứ không phải về thương mại.

Tiền lãi của xí nghiệp căn cứ sổ thuế tức là chỉ thừa nhận sinh sống phí của Ban Quản trị giám sát không thừa nhận cả lương của họ. Vì phải căn cứ vào chính sách thuế cho nên cả những xí nghiệp có cổ đông trực tiếp tham gia sản xuất, năm nay cũng tạm tính sinh sống phí. Vì có các món chi tiêu trên nếu trong Thông tư số 01-LĐ/TT Bộ Lao động quy định sau khi trích tiền quỹ vốn, chia lãi cho vốn, số còn lại trích thưởng cho công nhân từ 30% đến 40% đối với công ty, trích 40% đối với sản xuất cá nhân, tức là số còn lại 60 đến 70%, chủ xí nghiệp sẽ bù vào trả lương cho quản trị và cổ đông trực tiếp tham gia sản xuất. Trường hợp xí nghiệp có nhiều cổ đông trực tiếp tham gia sản xuất cần xét nếu có quan hệ lao tư rõ ràng mà số tiền còn lại 60, 70% không đủ trả thì rút bớt tỉ lệ chia lãi cho vốn một tỉ, nếu không đủ sẽ rút bớt tỉ lệ trích thưởng cho công nhân. Để giải quyết thích đáng các trường hợp xí nghiệp có nhiều cổ đông tham gia lao động đúng với chính sách lao tư đều có lợi, các địa phương cần cử người về báo cáo cụ thể từng nơi để lấy ý kiến của Bộ.

2. Xác định vốn của xí nghiệp:

Muốn chia lãi cho vốn cần nắm vững nguyên tắc là vốn có đăng ký rõ ràng, vốn phải thực tế dùng vào sản xuất kinh doanh.

Vốn mỗi xí nghiệp gồm có hai phần:

a) Tính lãi cho vốn cố định: Những xí nghiệp, chủ có nhà dùng vào sản xuất kinh doanh thì chỉ được tính tiền lãi cho số tiền khấu hao nhà cửa (do thuế thổ trạch ấn định) năm đó, chứ không phải tính lãi cho toàn bộ vốn nhà cửa.

Đối với máy móc lại khác, máy móc phục vụ cho sản xuất kể cả máy dự trữ cần thiết như Ca-nô có một bộ máy để đề phòng máy chính bị hỏng hay cả nhà máy cưa có mấy “mô-tơ” để dự trữ thay thế, vv… thì được tính lãi sau khi đã khấu trừ hao mòn. Còn những máy móc không cần thiết (thừa) cho sản xuất thì không tính lãi. Ví dụ: xưởng Việt Thắng còn gần 40 cái máy chưa sử dụng tới.

b) Tính lãi cho vốn luân chuyển:

Vốn luân chuyển gồm có tiền mặt, nguyên vật liệu để sản xuất. Nhưng khi tính lãi cho vốn thực tế dùng vào sản xuất mà phải có đăng ký hay đã kê khai ở sổ thuế rõ ràng,vốn thừa gửi Ngân hàng lấy lãi, cho nơi khác vay hoặc kinh doanh thương mại thì không tính lãi.

Những xí nghiệp nửa năm bỏ thêm vốn để kinh doanh mà có đăng ký được tính lãi từ ngày bỏ vốn.

Hiện nay có một số xí nghiệp bỏ vốn mua nguyên vật liệu có tính chất đầu cơ tích trữ, cho nên những xí nghiệp có nhiều nguyên vật liệu dự trữ thì cần phải xét kỹ nếu có tính chất đầu cơ thì không tính lãi hay xí nghiệp nhận gia công đặt hàng toàn bộ mà còn để nguyên vật liệu dự trữ trong kho nếu nhiều cũng không tính lãi - nếu chỉ rất ít để phòng trong lúc chưa kịp ký hợp đồng mới để có việc cho công nhân làm sẽ được tính lãi.

3. Đối tượng thi hành:

Căn cứ bản Thông tư số 01-LĐ/TT của Bộ thì chủ yếu áp dụng cho các xí nghiệp đủ và trên tiêu chuẩn bản điều lệ lao tư (7 công nhân có máy động lực, 20 công nhân thủ công) và một đôi xí nghiệp dưới tiêu chuẩn đôi chút mà có quan hệ lao tư rõ ràng tức là từ 5 công nhân ở xí nghiệp có máy động lực và 17 công nhân trở lên ở xí nghiệp thủ công có nhiều lãi thì có tính toán chia lãi và trích tiền lãi thưởng cho công nhân nhưng tùy xí nghiệp mà tỉ lệ chia thưởng cho công nhân có thể dưới 30% đôi chút nhưng phải cử cán bộ về báo cáo và lấy thêm ý kiến của Bộ trước khi thi hành. Còn những xí nghiệp dưới tiêu chuẩn không thuộc loại trên chủ sẽ đài thọ theo tập quán hay theo hợp đồng lao tư đã ký kết hoặc công nhân thương lượng với chủ để chủ thưởng cho công nhân một số tiền trong dịp cuối năm.

Nếu xí nghiệp vừa sản xuất và thương mại cùng một mặt hàng, bên trong sản xuất bên ngoài có cửa hàng bán thứ hàng đã sản xuất ra thì chỉ quyết toán làm một để tính chia lãi nhưng các cửa đại lý thuộc một địa phương khác thì không tính nhập - Nếu buôn bán một thứ hàng khác không quan hệ sản xuất thì quyết toán riêng.

Nhắc lại đối tượng cốt nhấn mạnh rằng việc thực hiện Thông tư cần nắm vững đối tượng thi hành, cần phân biệt loại xí nghiệp lớn nhỏ khác nhau thì mức độ thi hành cũng phải khác nhau không nên làm tràn lan. Đồng thời cần thấy đối với các tập đoàn sản xuất, sản xuất gia đình, vv… mặc dù có thuê mướn đôi công nhân nhất thiết không tính chia lãi.

Các xí nghiệp chủ và công nhân đều Trung quốc thì không thi hành Thông tư số 01-LĐ/TT mà cứ thưởng theo tập quán cũ theo sự giao hẹn hai bên.

4. Những cơ sở thương mại, chiếu bóng, y dược, vv… đều có quan hệ lao tư rõ ràng thì thi hành theo Thông tư số 850-BTN-HCPC của Bộ Thương nghiệp ban hành ngày 22-5-1956 đã quy định.

Đối với các cơ sở thương mại chủ yếu do Công thương hướng dẫn nhưng nếu vì chủ xí nghiệp không chịu thi hành, công nhân có đơn khiếu nại cơ quan lao động cần can thiệp để chủ phải thi hành đúng.

5. Các quyền lợi tập quán: Những thứ phụ cấp thuộc về tính chất quyền lợi cũ và phụ cấp bổ trợ vào lương như nghỉ hè hàng năm, thưởng tiết kiệm, thưởng năng suất, giờ làm thêm cần phải giữ. Các quyền lợi này đáng lẽ công nhân được hưởng trong năm nhưng do sự giao hẹn đôi bên hoặc để dễ thanh toán mà chủ xí nghiệp để lại cuối năm.

Còn các khoản thuộc về ngày tết như rượu, thịt, bánh chưng hay trích 10% lãi chia cho công nhân (xưởng Dân sinh) hoặc có xưởng thưởng cho công nhân 10 ngày lương (xưởng B.H) các món thưởng trên bỏ đi mà thống nhất vào việc trích tiền lãi thưởng cho công nhân theo Thông tư số 01-LĐ/TT.

6. Chia lãi trong nội bộ công nhân cần phải áp dụng linh hoạt trong từng xí nghiệp nhưng đảm bảo chiếu cố thích đáng đến những người đóng góp nhiều cho sản xuất, kỹ thuật và người trực tiếp sản xuất. Nhất là đảm bảo đoàn kết trong nội bộ công nhân, đoàn kết giữa công nhân và nhân viên để đẩy mạnh sản xuất.

Cần chú ý trích phần tiền bỏ thêm vào quỹ xã hội thì phải tương xứng với mức độ cần thiết.

Những người con chủ hay cổ đông trực tiếp sản xuất thì cần xét nguồn sống chính của họ về tiền lãi hay tiền lương, cần xét thái độ lao động để định. Nếu chủ yếu sống về lương, thái độ lao động tốt thì được chia tiền thưởng như mọi công nhân khác, nếu nguồn sống chính do tiền lãi và thái độ lao động phất phơ thì không chia.

Trên đây Bộ góp một số ý kiến tương đối cụ thể nhưng vẫn còn nằm trong nguyên tắc để các ông nghiên cứu tiến hành theo Thông tư số 01-LĐ/TT cho tốt. Trong công tác sẽ còn nhiều mắc mứu, mong các ông nghiên cứu kỹ Thông tư và bản Điều lệ lao tư để giải quyết đúng phương châm chủ và thợ đều có lợi, đảm bảo chủ trương khuyến khích đẩy mạnh sản xuất.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
GIÁM ĐỐC BAN THANH TRA





Nguyễn Thọ Chân