Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2014/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2014

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THÂM NIÊN VÀ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI NGHỀ ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Căn cứ Luật Dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia (sau đây viết tắt là Nghị định số 94/2013/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đã được sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009; Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP);

Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ tại công văn số 234/BNV-TL ngày 21 tháng 01 năm 2014;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác dự trữ quốc gia.

Chương I

CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 1. Đối tượng áp dụng và không áp dụng phụ cấp thâm niên

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công chức làm công tác dự trữ quốc gia trong biên chế tại các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

b) Viên chức làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

2. Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân làm công tác quản lý dự trữ quốc gia hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ).

3. Đối tượng không áp dụng:

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Điều 2. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này có thời gian làm việc tại các đơn vị thuộc cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách trong các thời kỳ theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Điều 3. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên

1. Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng tổng các thời gian (được cộng dồn) như sau:

a) Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách trong các thời kỳ, gồm:

- Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội tại Cục Dự trữ vật tư nhà nước thuộc Bộ Vật tư, Cục Dự trữ lương thực thuộc Bộ Lương thực và Thực phẩm, Cục Quản lý dự trữ vật tư thuộc Bộ Nội thương trước ngày 18 tháng 02 năm 1984;

- Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội tại Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước trong khoảng thời gian kể từ ngày 18 tháng 02 năm 1984 đến trước ngày 08 tháng 9 năm 1988;

- Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội tại Cục Dự trữ quốc gia trong khoảng thời gian kể từ ngày 08 tháng 9 năm 1988 đến trước ngày 20 tháng 8 năm 2009;

- Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2009 trở đi.

b) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề ở các ngành khác, gồm:

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong quân đội, công an, ngành cơ yếu (nếu có); thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm (nếu có) được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ;

- Thời gian làm công tác kiểm tra Đảng được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại Quyết định số 275-QĐ/TW ngày 04 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thời gian làm nhà giáo được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ.

c) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định của các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

2. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên:

a) Thời gian tập sự hoặc thời gian hợp đồng làm việc có thời hạn;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội theo từng thời kỳ;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Điều 4. Mức hưởng phụ cấp thâm niên và cách tính chi trả

1. Mức hưởng:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này có thời gian làm việc quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Cách tính chi trả phụ cấp thâm niên hàng tháng:

a) Công thức tính:

Mức tiền phụ cấp thâm niên

=

Hệ số lương theo bậc trong ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp hiện hưởng cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

x

Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ

x

Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng

Ví dụ 1:

Ông Nguyễn Văn A được tuyển dụng vào làm việc tại Bộ M, khi hết thời gian tập sự được xếp lương ngạch chuyên viên từ tháng 3 năm 1980. Từ tháng 02 năm 1982 ông A được cơ quan có thẩm quyền thuyên chuyển đến làm việc tại Cục Dự trữ vật tư nhà nước thuộc Bộ Vật tư. Từ tháng 10 năm 1986 ông A vào quân đội, cấp bậc Thượng úy. Từ tháng 12 năm 1989 ông A chuyển ngành về công tác tại Cục Dự trữ Quốc gia cho đến nay, hiện giữ chức Phó Vụ trưởng thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước, hưởng lương ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002) bậc 7 hệ số 6,44 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,7.

Tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013, ông A có các thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên dự trữ quốc gia khi có đủ điều kiện như sau:

- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (Cục Dự trữ vật tư nhà nước thuộc Bộ Vật tư và Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước) từ tháng 2 năm 1982 đến tháng 9 năm 1986 là 4 năm 8 tháng;

- Thời gian là sỹ quan thuộc quân đội nhân dân từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 11 năm 1989 là 3 năm 2 tháng;

- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (Cục Dự trữ quốc gia và Tổng cục Dự trữ Nhà nước) từ tháng 12 năm 1989 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 23 năm 11 tháng.

Như vậy, tại thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông A có thời gian trên 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (4 năm 8 tháng 23 năm 11 tháng = 28 năm 7 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 31 năm 9 tháng (4 năm 8 tháng 3 năm 2 tháng 23 năm 11 tháng). Theo đó, ông A được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 31%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 11 năm 2013 của ông A được tính như sau:

(6,44 0,7) x 1.150.000 đồng/tháng x 31% = 2.545.410 đồng/tháng

Ví dụ 2:

Ông Trần Văn B, nhập ngũ từ tháng 5 năm 1972. Từ tháng 7 năm 1977, ông B đang giữ cấp bậc hạ sĩ, được xuất ngũ về địa phương. Ông B được tuyển dụng vào làm việc tại Vụ K thuộc Bộ C, khi hết thời gian tập sự từ tháng 02 năm 1984 được xếp lương ngạch chuyên viên (mã số 01.003). Từ tháng 02 năm 1994 ông B được điều động sang làm việc tại Thanh tra Bộ C và được chuyển sang ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025). Từ tháng 8 năm 2006 ông B được thuyên chuyển đến làm việc tại Dự trữ quốc gia khu vực T trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia; từ tháng 8 năm 2008 ông B được thuyên chuyển đến làm việc tại Bộ H, hưởng lương ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002); từ tháng 8 năm 2010 ông B được thuyên chuyển đến làm việc tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực T trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho đến nay, hiện giữ chức Cục trưởng, hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) bậc 3 hệ số 6,92 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,9.

Tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013, ông B có các thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên dự trữ quốc gia khi có đủ điều kiện và không được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:

- Thời gian làm việc tại Vụ K thuộc Bộ C từ tháng 02 năm 1984 đến tháng 01 năm 1994 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

- Thời gian làm việc được xếp lương ở ngạch Thanh tra viên từ tháng 02 năm 1994 đến tháng 7 năm 2006 là 12 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên;

- Thời gian làm việc tại Dự trữ quốc gia khu vực T trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia từ tháng 8 năm 2006 đến tháng 7 năm 2008 là 2 năm được tính hưởng phụ cấp thâm niên;

- Thời gian làm việc tại Bộ H từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 7 năm 2010 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

- Thời gian làm việc tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực T trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước từ tháng 8 năm 2010 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 3 năm 3 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Như vậy, tại thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông B có thời gian trên 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (từ tháng 8 năm 2006 đến tháng 7 năm 2008: 2 năm; từ tháng 8 năm 2010 đến hết tháng 10 năm 2013: 3 năm 3 tháng; tổng cộng là 5 năm 3 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 17 năm 9 tháng (12 năm 6 tháng 5 năm 3 tháng). Theo đó, ông B được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 17%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 11 năm 2013 của ông B được tính như sau:

(6,92 0,9) x 1.150.000 đồng/tháng x 17% = 1.528.810 đồng/tháng

Ví dụ 3:

Ông C được tuyển dụng vào làm việc tại Thanh tra thuộc Bộ D, khi hết thời gian tập sự từ tháng 7 năm 2002 được xếp lương ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025). Từ tháng 01 năm 2006 ông C vào quân đội, cấp bậc Trung úy. Từ tháng 03 năm 2009 ông C chuyển ngành về công tác tại Văn phòng Cục Dự trữ quốc gia cho đến nay, hiện giữ chức Phó trưởng phòng, Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước hưởng lương ngạch chuyên viên (mã số 01.003) bậc 4 hệ số 3,33 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,4.

Thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên của ông C như sau:

- Thời gian làm việc được xếp lương ở ngạch Thanh tra viên từ tháng 7 năm 2002 đến tháng 12 năm 2005 là 3 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên;

- Thời gian là sỹ quan thuộc quân đội nhân dân từ tháng 01 năm 2006 đến tháng 02 năm 2009 là 3 năm 2 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên;

- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách từ tháng 3 năm 2009 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 4 năm 8 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Nếu tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông C có tổng thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách là 4 năm 8 tháng; do đó, ông C chưa đủ điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.

Nếu tính đến ngày 01 tháng 3 năm 2014, ông C có thời gian đủ 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách, đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 11 năm 8 tháng (3 năm 6 tháng 3 năm 2 tháng 5 năm). Theo đó, ông C được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 11%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 3 năm 2014 của ông C được tính như sau:

(3,33 0,4) x 1.150.000 đồng/tháng x 11% = 471.845 đồng/tháng

Ví dụ 4:

Ông D được tuyển dụng chính thức vào làm thủ kho bảo quản muối tại Chi cục Dự trữ B kể từ tháng 6 năm 1993 được xếp lương ngạch thủ kho bảo quản. Từ tháng 12 năm 1997 ông D được thuyên chuyển về công tác tại Trạm muối H thuộc Tổng công ty Muối, Bộ Thương mại (sau này chuyển sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Từ tháng 4 năm 2013 ông D được tiếp nhận về làm thủ kho muối tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực B cho đến nay, hưởng lương ngạch thủ kho bảo quản (mã số 19.223) bậc 12 hệ số 4,06.

Tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2013, ông D có các thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội được tính hưởng phụ cấp thâm niên dự trữ quốc gia khi có đủ điều kiện và không được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:

- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách từ tháng 6 năm 1993 đến tháng 11 năm 1997 là 4 năm 6 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

- Thời gian làm việc tại Trạm muối H thuộc Tổng công ty Muối, Bộ Thương Mại (sau này chuyển sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 3 năm 2013 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

- Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách từ tháng 4 năm 2013 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2013 là 7 tháng được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Như vậy, tại thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2013 (thời điểm hiệu lực của chế độ phụ cấp thâm niên), ông D có thời gian trên 5 năm (60 tháng) làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (từ tháng 6 năm 1993 đến tháng 11 năm 1997: 4 năm 6 tháng; từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 10 năm 2013: 7 tháng; tổng cộng là 5 năm 1 tháng), đủ điều kiện để tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2 Thông tư này và có tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 5 năm 1 tháng (4 năm 6 tháng 7 tháng). Theo đó, ông D được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 5%. Mức tiền phụ cấp thâm niên tháng 11 năm 2013 của ông D được tính như sau:

4,06 x 1.150.000 đồng/tháng x 5% = 233.450 đồng/tháng

b) Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công chức, viên chức thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó chi trả cùng kỳ lương hàng tháng.

Chương II

CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI NGHỀ ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 5. Đối tượng áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề

1. Công chức (kể cả tập sự) đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP trực tiếp làm nhiệm vụ tại các Chi cục Dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

2. Người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề dự trữ quốc gia trong các trường hợp sau:

a) Nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ việc hoặc thuyên chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác, không trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia;

b) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

c) Thời gian đi học tập trung trong nước từ ba tháng liên tục trở lên;

d) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ một tháng liên tục trở lên;

đ) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

e) Thời gian bị đình chỉ công tác;

g) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Mức phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính chi trả

1. Mức phụ cấp ưu đãi nghề:

a) Mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% áp dụng đối với công chức trực tiếp làm nhiệm vụ dự trữ quốc gia tại các Chi cục Dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã được xếp lương theo các ngạch công chức chuyên ngành dự trữ quốc gia;

b) Mức phụ cấp ưu đãi bằng 15% áp dụng đối với đối tượng còn lại quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này (trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản này) trực tiếp làm nhiệm vụ tại Chi cục dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước; người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

c) Các mức phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại khoản này được tính theo mức lương ngạch, bậc, cấp hàm hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

2. Cách tính chi trả phụ cấp ưu đãi nghề hàng tháng:

a) Công thức tính:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi nghề dự trữ quốc gia

=

Hệ số lương theo ngạch, bậc, cấp hàm hiện hưởng cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

x

Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ

x

Mức % phụ cấp ưu đãi nghề được hưởng

Ví dụ 5:

Ông H là thủ kho bảo quản của Chi cục Dự trữ Nhà nước M thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực N hiện đang hưởng lương ngạch thủ kho bảo quản, bậc 12, hệ số lương 4,06 và phụ cấp thâm niên vượt khung 5%. Mức tiền phụ cấp ưu đãi nghề tháng 11 năm 2013 của ông H tính trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng là:

[4,06 (4,06 x 5%)] x 1.150.000 đồng/tháng x 25% = 1.225.610 đồng/tháng

Ví dụ 6:

Ông K là Trưởng phòng Kỹ thuật bảo quản thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đ hiện đang hưởng lương ngạch chuyên viên chính, bậc 2, hệ số lương 4,74 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,5. Mức tiền phụ cấp ưu đãi nghề tháng 11 năm 2013 của ông K tính trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng là:

(4,74 0,5) x 1.150.000 đồng/tháng x 15% = 903.900 đồng/tháng

b) Người được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan đơn vị đó chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề

1. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2014.

2. Chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2013.

3. Quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Thông tư này thay thế quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2008/TTLT-BTC-BNV ngày 23 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 77/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề dự trữ quốc gia.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trên cơ sở thống nhất với Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 33/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 33/2014/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/03/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Hữu Chí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 449 đến số 450
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản