Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32-TC/GTBĐ | Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1985 |
Thi hành Công văn số 986-V7 ngày 4-3-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cân đối thu chi ngoại tệ của ngành Hàng không dân dụng, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể về nội dung của việc cân đối thu chi ngoại tệ theo chế độ khoán một số khoản thu và một số khoản chi như sau:
I. CÁC KHOẢN THU NGOẠI TỆ ĐƯỢC KHOÁN
1. Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam được sử dụng số ngoại tệ thu được bao gồm cả tiền Việt Nam gốc ngoại tệ về các nghiệp vụ kinh doanh dưới đây:
a) Kinh doanh vận tải trên máy bay của Hàng không Việt Nam (hành khách, hàng hoá, chuyên cơ, chuyên nghiệp) trong và ngoài nước.
b) Dịch vụ phục vụ máy bay quốc tế đến Việt Nam như phục vụ hạ, cất cánh; đậu đêm; phục vụ kỹ thuật, thương mại; thu về thương quyền vận tải hành khách, hàng hoá.
c) Dịch vụ mặt đất như phát hàng quà biếu, cho thuê ôtô, cho thuê buồng, làm suất ăn cho máy bay quốc tế, sửa chữa máy bay, lệ phí ra vào sân vào sân bay và các dịch vụ khác.
Số ngoại tệ thu được của các nghiệp vụ a, b, c này Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam được hưởng 70% kết hối cho Nhà nước 30%.
d) Làm Tổng đại lý bán vé cho các hãng Hàng không quốc tế.
e) Cung ứng nhiên liệu cho máy bay quốc tế.
g) Xuất khẩu tại chỗ và tái xuất.
- Số ngoại tệ thuần tuý thu được từ các nghiệp vụ d, e, g (sau khi trừ đi các khoản chi ngoại tệ cần thiết như chi tổng đại lý, chi mua nhiên liệu, hàng hoá) Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam được hưởng 70%, kết hối cho Nhà nước 30%.
- Số ngoại tệ thu được do xuất khẩu tại chỗ (hàng mỹ nghệ, sơn mài, hoa quả tươi, v.v...) sau khi trừ đi các loại chi phí bằng ngoại tệ thì Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam được sử dụng toàn bộ, không phải kết hối ngoại tệ cho Nhà nước trong thời gian 3 năm từ 1985 đến 1987 (Căn cứ điểm a Điều 6 của Quyết định số 177-HĐBT ngày 15-6-1985 của Hội đồng Bộ trưởng).
h) Số ngoại tệ thu được về dịch vụ phục vụ máy bay quốc tế bay qua bầu trời Việt Nam, Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam được hưởng 50%, nộp Ngân sách Nhà nước 50%.
2. Doanh thu ngoại tệ theo cơ chế khoán nói ở điểm 1 trên đây bao gồm ngoại tệ thuần tuý và đồng Việt Nam gốc ngoại tệ (trong quan hệ thanh toán với khách hàng nước ngoài); Ngoại tệ dưới dạng "Quyền sử dụng ngoại tệ" và đồng Việt Nam quy đổi ra ngoại tệ (trong quan hệ thanh toán giữa Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam với các đơn vị kinh tế và hành chính trong nước).
Đồng Việt Nam được coi là có gốc ngoại tệ trong các trường hợp sau đây:
- Tiền Việt Nam được trích từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của các Sứ quán và tổ chức quốc tế thường trú ở Việt Nam.
- Tiền Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá kết toán nội bộ dùng để mua "quyền sử dụng ngoại tế (QSDNT)" đối với các cơ quan, xí nghiệp Trung ương và địa phương có tài khoản "QSDNT".
- Tiền Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá kết toán nội bộ dùng để mua số ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp và các xí nghiệp kinh doanh không được Hội đồng Bộ trưởng cho phép mở tài khoản "QSDNT". Nhu cầu chi ngoại tệ của các cơ quan này do Ngân sách Nhà nước bảo đảm dưới hình thức hạn mức kinh phí ngoại tệ được Bộ Tài chính thông báo.
3. Mọi khoản thu ngoại tệ không nằm trong các nội dung được khoán nêu ở điểm 1 trên đây đều thuộc nguồn thu của Ngân sách Nhà nước (thu về nhượng bán tài sản, bồi thường thiệt hại, v.v...).
Các khoản thu ngoại tệ được quy đổi ra hai loại ngoại tệ chủ yếu là Rúp chuyển nhượng (đối với các nước xã hội chủ nghĩa) và đôla Mỹ (đối với các nước tư bản chủ nghĩa).
II. CÁC KHOẢN CHI NGOẠI TỆ ĐƯỢC KHOÁN
1. Trừ ba khoản chi do Ngân sách Nhà nước đài thọ là:
- Mua máy bay mới
- Xây dựng cơ bản sân bay và thiết bị toàn bộ.
- Đào tạo cán bộ.
Các khoản thu ngoại tệ được khoán dùng để bảo đảm các khoản chi ngoại tệ được khoán sau đây:
a) Trang bị 1 đài ra đa để phục vụ cho việc quản lý vùng bay quốc tế. b) Mua thiết bị lẻ và phụ tùng cần thiết phục vụ cho việc chỉ huy, điều hành bay, sửa chữa máy bay, phục vụ kỹ thuật - tham mưu.
c) Mua nhiên liệu cho tuyến bay quốc tế của Hàng không Việt Nam và nhượng bán cho máy bay quốc tế.
d) Chi trả tổng đại lý bán vé.
e) Mua hàng hoá, vật liệu, dụng cụ cần thiết phục vụ kinh doanh vận tải, xuất khẩu tại chỗ, tái xuất và các dịch vụ khác.
g) Thanh toán với nước ngoài về máy bay của ta bay kinh doanh trên tuyến quốc tế và đi sửa chữa lớn.
h) Tham gia các tổ chức hàng không quốc tế (góp cổ phần, nộp lệ phí, niên phí) và cử cán bộ ra công tác nước ngoài.
2. Thay cho việc làm thủ tục với bộ Tài chính xin cấp giấy phép đổi ngoại tệ cho mỗi lần chi ngoại tệ, theo cơ chế khoán này thì khi có nhu cầu chi ngoại tệ thuộc các khoản khoán chi nói ở điểm 1 mục II trên đây, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam làm thủ tục với Ngân hàng Ngoại thương để trích ngoại tệ từ tài khoản của mình thanh toán với khách hàng theo nguyên tắc bảo đảm chi đúng chế độ, không tự ý điều hoà lấy khoản chi này bù cho khoản chi khác không cùng tính chất (như giảm chi mua phụ tùng máy bay để tăng chi mua hàng hoá, nguyên liệu, v.v...).
Hàng quý, 6 tháng, năm khi lập quyết toán thu chi kinh doanh bằng đồng Việt Nam phải đính kèm phụ lục báo cáo quyết toán thu chi ngoại tệ.
Riêng khoản chi cho Đoàn ra, Đoàn vào và chi phí cho tổ lái đi sửa chữa máy bay ở nước ngoài phải theo đúng kế hoạch, chế độ chi thống nhất của Nhà nước và thực hiện báo cáo quyết toán theo từng Đoàn (chuyến) đi công tác nước ngoài (theo Thông tư số 14-TC/NT ngày 22-9-1985 của Bộ Tài chính).
III. KẾ HOẠCH HOÁ THU CHI NGOẠI TỆ CỦA TỔNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
1. Hàng năm khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính thống nhất, Tổng cục đồng thời xây dựng kế hoạch thu chi ngoại tệ trình Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan chức năng. Trong kế hoạch thu chi ngoại tệ cần phân tích rõ:
- Phần thu chi ngoại tệ theo cơ chế khoán.
- Phần ngoại tệ phải nộp và kết hối cho Nhà nước (50% và 30%). Phần chi ngoại tệ do Ngân sách Nhà nước cấp phát.
- Phần thu chi ngoại tệ thuần tuý và phần thu chi ngoại tệ thuộc quyền sử dụng ngoại tệ (phụ lục 1 và phụ lục 2).
Hàng quý, năm Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam làm báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thu chi ngoại tệ gửi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng có liên quan trên có sở số phát sinh thực tế trong quý, năm. Khi lập quyết toán các chỉ tiêu ngoại tệ được phản ánh trên bảng phụ lục của Bảng tổng kết tài sản (phụ lục 3).
2. Mức thu chi ngoại tệ được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt hàng năm là căn cứ pháp lý để xét duyệt mức độ hoàn thành kế hoạch của Tổng cục về mặt ngoại tệ. Đối với phần ngoại tệ thu được vượt kế hoạch (so với kế hoạch đã được Nhà nước duyệt) Tổng cục được hưởng 90%, kết hối cho Nhà nước 10%.
Điều kiện để tổng cục được trích vào tài khoản "QSDNT" theo tỷ lệ 90% kể trên là:
a) Hoàn thành các nghiệp vụ thu ngoại tệ được khoán về số tuyệt đối đã được Nhà nước phê duyệt tính theo số phát sinh.
b) Hoàn thành nghĩa vụ kết hối cho Nhà nước 30% tính theo số thực tế trên tài khoản ở Ngân hàng Ngoại thương.
Cơ chế này không áp dụng đối với khoản thu về phục vụ máy bay quốc tế bay qua bầu trời Việt Nam đã được thực hiện theo cơ chế nộp Ngân sách Nhà nước 50%, Tổng cục hưởng 50%.
3. Trường hợp trên tài khoản "QSDNT" Rúp chuyển nhượng của Tổng cục không còn số dư mà Tổng cục có nhu cầu chi thì Tổng cục được mua Rúp chuyển nhường bằng đôla Mỹ theo hệ số 1 đôla Mỹ = 1 Rúp chuyển nhượng và thực hiện ở Ngân hàng Ngoại thương (không thực hiện hệ số ngược lại 1 RCN = 1 đôla Mỹ).
4. Cuối năm kế hoạch, trên tài khoản "QSDNT" của Tổng cục còn có số dư thì Tổng cục được giữ lại chuyển sang năm sau sử dụng tiếp. Số dư này không phải là lãi kinh doanh ngoại tệ mà là số chênh lệch thu nhiều hơn chi phát sinh thực tế trong năm.
5. Trường hợp Ngân sách Nhà nước không bảo đảm thanh toán kịp thời hàng quý với Tổng cục về số ngoại tệ phải trích từ quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước (đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp được cấp hạn mức chi ngoại tệ) thì Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam lập bảng kê số vé máy bay bán thực tế trong quý và làm việc cụ thể với Bộ Tài chính (Vụ Giao thông bưu điện) và Ngân hàng Ngoại thương để làm thủ tục Nhà nước gán nợ kết hối sang "QSDNT" cho Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam (trừ vào số ngoại tệ Tổng cục phải kết hối cho Nhà nước).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1985. Trong khi thực hiện nếu gặp khó khăn, trở ngại gì, đề nghị Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính (Vụ Giao thông bưu điện) để nghiên cứu giải quyết.
Hồ Tế (Đã ký) |
Thông tư 32-TC/GTBĐ-1985 hướng dẫn thi hành Công văn 986-V7-1985 về việc cân đối thu chi ngoại tệ của ngành Hàng không dân dụng do Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 32-TC/GTBĐ
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/09/1985
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hồ Tế
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 01/01/1985
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra