Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2021/TT-BYT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THIẾT KẾ CƠ BẢN TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các điều kiện bảo đảm hoạt động và nhân lực của y tế xã, phường, thị trấn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm tế xã, phường, thị trấn.

Điều 1. Hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn

Ban hành kèm theo Thông tư này Hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là trạm y tế).

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.

Điều 3. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế ban hành kèm theo Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung đó.

Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư có hiệu lực và các dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trạm y tế có thể tham khảo hướng dẫn thiết kế của Thông tư này để điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để xem xét giải quyết./.


Nơi nhận:
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT CP);
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VPB, TTrB;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, TBCT (3bVinh).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

HƯỚNG DẪN

THIẾT KẾ CƠ BẢN TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 32/2021/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. YÊU CẦU THIẾT KẾ

1. Yêu cầu tối thiểu về không gian chức năng của trạm y tế:

TT

Các không gian chức năng

Vùng 3

Vùng 2

Vùng 1

1

Hành chính - giao ban

X

X

X

2

Khám bệnh

X

X

X

3

Sơ cứu, cấp cứu

X

X

X

4

Tiêm

X

X

X

5

Y dược học cổ truyền

X

X

6

Khám phụ khoa

X

X

7

Đẻ (sanh), thủ thuật kế hoạch hóa gia đình

X

8

Xét nghiệm

9

Quầy thuốc, kho thuốc

10

Tiệt trùng

11

Lưu người bệnh, sản phụ

12

Tư vấn, Truyền thông giáo dục sức khỏe

13

Trực

Chú thích:

* X là không gian chức năng (sau đây gọi viết tắt là phòng) tối thiểu phải có.

* Phòng “Đẻ (sanh)” chỉ áp dụng khi có quyết định của Sở Y tế.

* Việc xác định trạm y tế thuộc vùng 1, vùng 2 hoặc vùng 3 căn cứ quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.

* Đối với trạm y tế có yêu cầu phát triển thêm các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật thì phải được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định tùy theo nhu cầu và điều kiện thực tế.

2. Yêu cầu chung:

a) Yêu cầu về khu đất xây dựng và mặt bằng tổng thể:

- Vị trí khu đất xây dựng phải gần trục giao thông qua các khu vực trung tâm liên xã, phường, thị trấn; thuận tiện cho người dân đến trạm y tế; phù hợp với quy hoạch chung;

- Khu đất xây dựng phải thoáng, cao ráo; đảm bảo các điều kiện kết nối hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước);

- Diện tích khu đất xây dựng phải tuân thủ Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở y tế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Phải đảm bảo diện tích để bố trí các hạng mục công trình: Nhà trạm và công trình phụ trợ, sân vườn cây xanh (cây bóng mát, vườn hoa, vườn cây thuốc), sân đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cổng và tường rào;

b) Cấp công trình: Công trình chính phải từ cấp III trở lên, cấp công trình xác định theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;

c) Đối với trạm y tế có nhiều hạng mục công trình thì các công trình phải được liên hệ với nhau bằng nhà cầu nối;

d) Các phòng trong công trình phải được gắn biển tên phòng trước cửa chính , đảm bảo diện tích tối thiểu quy định tại Phụ lục II của Hướng dẫn này theo nguyên tắc có thể tổ hợp nhiều chức năng trong cùng một phòng nhưng phải đáp ứng các yêu cầu của hoạt động chuyên môn;

đ) Phải đáp ứng tiêu chí Xanh-Sạch-Đẹp theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai cơ sở y tế “Xanh-Sạch-Đẹp”.

3. Yêu cầu về thiết kế mặt bằng công trình chính:

a) Bố trí các chức năng trong mặt bằng công trình phải thuận tiện cho các hoạt động chuyên môn, hoạt động của nhân viên y tế, người bệnh và khách đến làm việc. Việc phân luồng giao phải đảm bảo thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh;

b) Phải đảm bảo sự liên kết giữa các phòng để thực hiện các quy trình khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế;

c) Có thể bố trí lồng ghép 2 hoặc nhiều chức năng trong một phòng nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu hoạt động chuyên môn, điều kiện nhân lực;

d) Phải đảm bảo diện tích để đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, yêu cầu lắp đặt trang thiết bị y tế phù hợp với Thông tư số 28/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế xã;

đ) Phải đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối, lắp đặt trang thiết bị y tế, và đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với Quyết định số 28/QĐ-BYT ngày 05 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí Công nghệ thông tin để thực hiện hoạt động y tế từ xa.

4. Yêu cầu thiết kế đối với các phòng, không gian chức năng trong công trình chính:

a) Phòng hành chính - giao ban:

- Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận (ưu tiên bố trí tại tầng 1) để thuận tiện cho việc đón tiếp, liên hệ trực tiếp với không gian đón tiếp (không gian đa năng);

- Phải đảm bảo diện tích để kê bộ bàn ghế họp (tối thiểu 10 ghế), bàn ghế làm việc, bàn máy tính-máy in và các tủ đựng tài liệu;

b) Phòng khám bệnh:

- Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận (ưu tiên bố trí tại tầng 1). Tùy vào nhu cầu thực tế có thể bố trí 1 đến 2 phòng khám (thông nhau);

- Bố trí 01 phòng khám chung bao gồm: Khám tổng quát, khám chuyên khoa (tùy theo điều kiện thực tế), siêu âm;

- Phải đảm bảo diện tích để kê bộ bàn ghế khám bệnh, bộ bàn ghế ghi chép, nhập số liệu (có máy vi tính, máy in), máy siêu âm (nếu có) , giường khám bệnh (có rèm che hoặc vách ngăn di động), tủ đựng dụng cụ, thùng đựng rác thải, lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

- Kết hợp với chức năng khám trước khi tiêm chủng;

- Kết hợp với chức năng khám thai (nếu không có điều kiện bố trí phòng khám thai riêng).

c) Phòng sơ cứu, cấp cứu (Vùng 1 có thể kết hợp với phòng khám, phòng tiêm):

- Bố trí ở tầng 1, vị trí dễ tiếp cận;

- Phải đảm bảo diện tích để kê giường cấp cứu, bàn tiểu phẫu, tủ đựng thuốc và dụng cụ sơ cấp cứu, xe đẩy, các thùng đựng rác, lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí phác đồ chống phản vệ và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

- Cửa ra vào rộng tối thiểu 1,4m, có hệ thống cấp, thoát nước phục vụ rửa dạ dày;

d) Phòng tiêm (bao gồm cả tiêm vắc xin):

- Bố trí cùng tầng và gần với phòng khám, ở khu vực dễ tiếp cận. Có 2 cửa ra vào để bảo đảm quy trình 1 chiều;

- Phải đảm bảo diện tích để kê: bộ bàn ghế tiêm, bàn tiểu phẫu, xe tiêm, xe đẩy cấp phát thuốc và dụng cụ, tủ đựng vắc xin, tủ đựng thuốc và dụng cụ, thùng đựng rác, lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí phác đồ chống sốc phản vệ, lịch tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

- Bố trí gần phòng khám và phòng lưu người bệnh để kết hợp chức năng theo quy trình tiêm vắc xin: khám -tiêm-theo dõi sau tiêm;

- Hoàn thiện sàn, tường bằng vật liệu đảm bảo các điều kiện vệ sinh, kháng khuẩn.

đ) Phòng y dược cổ truyền (có thể kết hợp để phục hồi chức năng):

- Bố trí ở nơi dễ tiếp cận, ưu tiên bố trí tại tầng 1;

- Phải đảm bảo diện tích để tổ chức không gian khám bệnh (kê bộ bàn ghế bắt mạch và chia thuốc theo thang, tủ chia ô đựng thuốc cổ truyền) và không gian điều trị (kê giường châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt có ri đô hoặc vách ngăn di động; đèn hồng ngoại điều trị; tủ đựng dụng cụ; bồn rửa tay và các thùng đựng rác), trường hợp không đủ diện tích có thể bố trí 2 khu vực này ở 2 phòng cạnh nhau. Phải có chỗ để bố trí bộ tranh châm cứu, phác đồ xử lý các tai biến khi thực hiện thủ thuật và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng.

e) Phòng đẻ (sanh), thủ thuật kế hoạch hóa gia đình:

- Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận tại tầng 1;

- Phải đảm bảo diện tích để kê: bàn đẻ và làm thủ thuật, bàn để dụng cụ, tủ đựng thuốc và dụng cụ, bàn chăm sóc trẻ sơ sinh, đèn khám để sàn (đèn gù) , bồn rửa tay và các thùng đựng rác;

- Hoàn thiện nền, tường bằng vật liệu đảm bảo các điều kiện vệ sinh, kháng khuẩn. Nền không thấm nước, chống trơn trượt, dễ vệ sinh cọ rửa, có hệ thống kín dẫn nước thải;

- Phòng phải đảm bảo đủ ánh sáng, kín gió, có máy điều hòa nhiệt;

- Phải có các giải pháp chống côn trùng.

g) Xét nghiệm:

- Bố trí chỗ để lấy mẫu xét nghiệm và tạm lưu mẫu xét nghiệm. Chỗ lấy mẫu phải đảm bảo diện tích để kê bàn lấy mẫu, thùng đựng rác thải và lắp đặt bồn rửa tay;

- Đối với vùng 2 và vùng 3, tùy vào nhu cầu và điều kiện thực tế có thể bố trí phòng xét nghiệm riêng biệt;

- Phòng xét nghiệm (nếu có) phải đảm bảo diện tích để bố trí, lắp đặt trang thiết bị đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định số 103/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

h) Quầy thuốc - Kho thuốc (có thể kết hợp với quầy trực, đón tiếp):

- Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1, tiếp xúc trực tiếp với sảnh đón tiếp;

- Phải đảm bảo các điều kiện môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm) theo đúng quy định, phải cách xa nguồn ô nhiễm;

- Quầy thuốc phải đảm bảo diện tích để kê bàn ghế, thiết bị làm việc và tủ thuốc tây y-phương tiện tránh thai, thùng đựng rác thải;

- Kho thuốc: Phải có máy điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, có nhiệt kế, ẩm kế để theo dõi điều kiện bảo quản thuốc. Phải đảm bảo diện tích để kê tủ đựng thuốc tây y-phương tiện tránh thai và chế phẩm thuốc cổ truyền, tủ lạnh bảo quản thuốc, tủ vắc xin chuyên dụng.

i) Phòng tiệt trùng:

- Phải đảm bảo diện tích để bố trí bàn đặt nồi hấp tiệt trùng, tủ sấy, xe đẩy dụng cụ và thùng đựng rác thải;

- Hoàn thiện sàn, tường bằng vật liệu đảm bảo chống ăn mòn hóa chất, có bồn rửa dụng cụ. Có quy trình chống nhiễm khuẩn và tiệt trùng dụng cụ y tế được phê duyệt treo trên tường.

k) Phòng lưu người bệnh (có thể kết hợp để lưu sản phụ, theo dõi sau tiêm chủng, phục hồi chức năng):

- Phải đảm bảo diện tích để kê ít nhất 02 giường bệnh, 02 tủ đầu giường và thùng đựng rác thải. Phải có chỗ để bố trí các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

- Nên có phòng vệ sinh riêng hoặc được bố trí gần khu vệ sinh chung. Trường hợp không có phòng vệ sinh riêng thì phải bố trí lắp đặt bồn rửa tay ở vị trí phù hợp.

l) Phòng khám phụ khoa (không bắt buộc với vùng 1):

- Phải đảm bảo diện tích để kê bàn khám phụ khoa, bàn để dụng cụ, tủ đựng dụng cụ, đèn khám đặt sàn (đèn gù), thùng đựng rác thải và lắp đặt bồn rửa tay;

- Nền không thấm nước, hoàn thiện tường bằng vật liệu đảm bảo các điều kiện vệ sinh, chống thấm từ sàn tới trần;

- Có rèm che đảm bảo tính riêng tư, kín đáo.

m) Phòng tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe ( có thể kết hợp theo dõi sau tiêm chủng):

- Bố trí nơi dễ tiếp cận, cạnh phòng tiêm chủng;

- Phải đảm bảo diện tích để kê bộ bàn ghế tư vấn và các thiết bị cần;

- Tùy vào điều kiện thực tế có thể có hoặc không có phòng tư vấn riêng biệt. Nếu có phòng tư vấn riêng biệt thì kết hợp chức năng theo dõi sau tiêm chủng. Trường hợp không có phòng riêng biệt thì có thể kết hợp thực hiện tại các phòng chức năng khác.

n) Phòng trực (có thể ghép với quầy thuốc hoặc phòng hành chính):

- Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1;

- Diện tích tối thiểu đủ để kê giường trực và tủ quần áo;

- Có chuông điện, điện thoại bàn.

o) Khu vệ sinh:

- Bố trí trong công trình chính (vệ sinh nhân viên và người bệnh riêng biệt). Phải lưu ý về vị trí bố trí khu vệ sinh để đảm bảo yêu cầu vệ sinh;

- Nếu khu vệ sinh bố trí ngoài nhà thì phải có nhà cầu nối sang công trình chính;

- Thiết bị vệ sinh phải phù hợp với tập quán sinh hoạt của địa phương.

p) Các chức năng khác (nếu có):

- Khám chuyên khoa (không bắt buộc): Phải đảm bảo diện tích để kê thiết bị, tủ đựng dụng cụ, bàn ghi hồ sơ, thùng đựng rác thải và lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

- Phòng trưởng trạm, phòng nhân viên (không bắt buộc);

- Kho, bếp (không bắt buộc).

5. Yêu cầu tổ hợp các chức năng trong công trình:

Phải tổ hợp các chức năng trong một không gian để đảm bảo tính linh hoạt, nâng cao hiệu quả sử dụng, phù hợp với điều kiện nhân lực y tế xã.

a) Tổ hợp không gian đa năng (sảnh đón tiếp):

Tổ chức khu vực sảnh đón tiếp thành không gian đa chức năng bao gồm đón tiếp, đợi; truyền thông; kết hợp thực hiện công tác tiêm chủng; cấp phát thuốc và phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Ưu tiên bố trí ở tầng 1, ngay lối vào chính;

- Không gian đa năng phải liên hệ trực tiếp với phòng Hành chính-Giao ban, phòng khám, quầy làm thủ tục, quầy thuốc tây y;

- Tùy vào các điều kiện vùng, miền để thiết kế không gian một cách linh hoạt (không gian kín hoặc không gian mở có khả năng kết nối với không gian ngoài nhà có mái che di động), đảm bảo các điều kiện khí hậu (thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh mưa hắt, nắng nóng, gió lạnh);

- Diện tích không gian đa năng phải đáp ứng yêu cầu để tổ chức tiêm chủng quy định tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hoạt động tiêm chủng và hoạt động truyền thông đông người;

- Bố trí ghế ngồi chờ, bàn tiếp đón, bàn kê máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe có thước đo chiều cao, các bảng công khai thông tin, góc truyền thông giáo dục sức khỏe, thùng đựng rác sinh hoạt;

- Có chỗ để treo các bảng công khai thông tin: sơ đồ các phòng chức năng; sơ đồ tổ chức nhân lực trạm; bảng giá dịch vụ, kỹ thuật, danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả;

- Kết hợp công tác truyền thông giáo dục sức khỏe: có chỗ treo tivi, bảng thông tin - truyền thông giáo dục sức khỏe, giá đựng tài liệu truyền thông (các tài liệu về truyền thông có thể bố trí tại vị trí khác trong trạm nhưng phải bảo đảm thuận tiện, dễ tiếp cận).

b) Tổ chức các không gian liên hoàn:

Để phát huy hiệu quả sử dụng, phù hợp với quy trình khám chữa bệnh theo quy định, phải bố trí các phòng chức năng trên mặt bằng công trình tạo thành dây chuyền liên hoàn, cụ thể như sau:

- Dây chuyền 1: Không gian sảnh đón tiếp, đợi (đón tiếp, hướng dẫn thủ tục đăng ký tiêm vắc xin) → Phòng khám bệnh (khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm tiêm vắc xin) → Phòng tiêm (tiêm vắc xin, ghi chép) → Phòng lưu người bệnh, tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, sảnh đợi (theo dõi và xử lý tai biến sau tiêm vắc xin).

- Dây chuyền 2: Không gian đón tiếp → Phòng lưu người bệnh (đợi trước đẻ) → Đẻ → Phòng lưu người bệnh (lưu sau đẻ).

6. Yêu cầu đối với các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà:

a) Đối với các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, tùy theo nhu cầu thực tế và các điều kiện đặc thù, địa phương sẽ xem xét, quyết định việc đầu tư xây dựng hạng mục công trình nhà lưu trú cho cán bộ, nhân viên y tế và các hạng mục công trình phụ trợ cần thiết khác.

b) Vườn thuốc nam:

- Bố trí vườn cây thuốc nam theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020;

- Vườn cây thuốc nam (nếu có) phải bố trí cách mép tường ngoài nhà trạm lớn hơn 2m.

c) Kỹ thuật hạ tầng:

- Cấp điện: Phải đảm bảo nguồn cấp điện chiếu sáng và điện cho thiết bị. Phải đảm bảo các điều kiện an toàn điện theo quy định;

- Cấp nước: Phải đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt dựa trên Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT- BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018;

- Thoát nước: Phải có hệ thống thu gom nước mặt để không ảnh hưởng đến môi trường;

- Chất thải: Chất thải trạm y tế gồm chất thải rắn và chất thải lỏng, được chia thành nhóm chất thải nguy hại và chất thải thông thường. Các chất thải thông thường được xử lý theo quy định của địa phương. Phải bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên của trạm y tế, các chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT -BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

II. GIẢI PHÁP THIẾT KẾ

1. Giải pháp thiết kế tổ hợp nhóm chức năng (Modul cơ bản):

a) Thiết kế tổ hợp nhóm chức năng chung (Modul 01- Phụ lục III của Hướng dẫn):

- Kết hợp các chức năng chung, bao gồm: Khu vực quầy đón tiếp, hướng dẫn, thủ tục hành chính, cấp phát thuốc và kho thuốc; phòng hành chính-giao ban và trực; phòng khám bệnh;

- Modul 01 được bố trí tại vị trí trung tâm của công trình, liên hệ trực tiếp với sảnh đa năng. Việc kết hợp các chức năng chung để phù hợp với yêu cầu hoạt động, thuận tiện cho người bệnh, phát huy hiệu quả diện tích sử dụng và phù hợp với điều kiện nhân lực y tế.

b) Thiết kế tổ hợp nhóm chức năng của khối người bệnh thường (Modul 02-Phụ lục III của Hướng dẫn):

- Kết hợp các chức năng của khối người bệnh thường, bao gồm: sơ cứu, cấp cứu; tiêm; lưu người bệnh; y dược cổ truyền;

- Modul 02 liên hệ trực tiếp với sảnh đa năng, bố trí gần phòng khám để đảm bảo đáp ứng dây chuyền tiêm vắc xin;

- Có thể kết hợp Phòng sơ cứu-cấp cứu và Phòng tiêm thành một không gian để phục vụ cho công tác tiêm vắc xin (trường hợp đặc thù có thể bố trí tách thành 02 phòng riêng biệt);

- Phòng y dược cổ truyền tiếp giáp với sảnh, hành lang hoặc sân có mái để tập phục hồi chức năng.

c) Thiết kế tổ hợp nhóm chức năng của khối sản, phụ khoa (Modul 03-Phụ lục III của Hướng dẫn):

Kết hợp các chức năng của khối sản, phụ khoa, bao gồm: khám, thủ thuật phụ khoa; đẻ, kế hoạch hóa gia đình; lưu người bệnh sản, phụ (không bố trí chức năng đẻ, kế hoạch hóa gia đình đối với trạm vùng 2; không bố trí chức năng đẻ, kế hoạch hóa gia đình và khám, thủ thuật phụ khoa đối với trạm vùng 1).

2. Giải pháp tổ hợp mặt bằng công trình từ các Modul cơ bản:

Mặt bằng công trình chính được tổ hợp từ các thiết kế Modul cơ bản một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa hình, địa thế khu đất xây dựng (mặt bằng theo bố cục ngang, dọc, chữ L), phù hợp với quy mô các trạm có yêu cầu phát triển thêm các chức năng không bắt buộc (các phương án tổ hợp - Phụ lục III của Hướng dẫn).

III. THIẾT KẾ CƠ BẢN MINH HỌA

1. Mẫu số 01- Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 3 - Khu vực không có lũ lụt.

2. Mẫu số 02 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 3- Khu vực có lũ lụt.

3. Mẫu số 03 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 3- Khu vực hải đảo.

4. Mẫu số 04 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 2- Khu vực không có lũ lụt.

5. Mẫu số 05 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 2- Khu vực có lũ lụt.

6. Mẫu số 06 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 2- Khu vực hải đảo.

7. Mẫu số 07 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 1- Khu vực không có lũ lụt.

8. Mẫu số 08 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 1- Khu vực có lũ lụt.

9. Mẫu số 09 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 1- Khu vực hải đảo.

10. Mẫu số 10 - Phụ lục IV của Hướng dẫn: Trạm y tế Vùng 1 có diện tích khu đất xây dựng nhỏ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32/2021/TT-BYT hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 32/2021/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản