Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2012/TT-BCT

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MẪU CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư Quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió tại Việt Nam (sau đây gọi là Hợp đồng mua bán điện mẫu).

2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Chủ đầu tư dự án điện gió;

b) Các tổ chức phát triển dự án điện gió để kinh doanh mua, bán điện;

c) Đơn vị quản lý và vận hành các công trình điện gió;

d) Bên mua điện;

đ) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền.

2. Bên bán điện là doanh nghiệp sản xuất, vận hành kinh doanh bán điện từ các dự án điện gió.

3. Đơn vị quản lý và vận hành các công trình điện gió tổ chức trực tiếp thực hiện quản lý và vận hành dự án điện gió nối lưới hoặc không nối lưới. Tổ chức này có thể là chủ đầu tư hoặc đơn vị được chủ đầu tư dự án thuê hoặc giao thực hiện quản lý và vận hành dự án điện gió.

4. Diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió là phần diện tích giới hạn trong ranh giới địa lý được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió để lập dự án đầu tư điện gió trong một thời hạn cho phép. Diện tích này chỉ được phép sử dụng cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu như xây dựng cột đo gió, khảo sát địa chất, địa hình (nếu có).

5. Diện tích sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió là tổng diện tích của móng trụ tuabin gió, diện tích hành lang bảo vệ móng trụ tuabin gió, hành lang tuyến các đường dây tải điện, các trạm biến áp và diện tích hành lang bảo vệ trạm biến áp, diện tích xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ và nhà quản lý điều hành. Diện tích sử dụng đất có thời hạn được cơ quan có thẩm quyền giao cho chủ đầu tư dự án trong toàn bộ đời dự án.

6. Diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió là phần diện tích Chủ đầu tư được phép sử dụng tạm thời cho việc thi công dự án điện gió, bao gồm: đường tạm phục vụ thi công, bãi tập kết vật tư thiết bị, khu vực thi công, lán trại tạm công nhân và các địa điểm phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành công trình, phần diện tích sử dụng đất tạm thời không thuộc phần diện tích sử dụng đất có thời hạn sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để sử dụng cho các mục đích khác.

7. Hành lang an toàn công trình điện gió là hành lang an toàn của cột tháp gió, đường dây truyền tải điện; trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ.

8. Hành lang an toàn của tuabin gió là hình tròn, có tâm là chân cột tháp gió, bán kính tối thiểu bằng chiều cao cột tháp gió cộng với bán kính cánh quạt tuabin.

Chương II

PHÁT TRIỂN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ

Điều 3. Danh mục các dự án điện gió

1. Trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, Tổng cục Năng lượng chủ trì lập và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt ban hành Danh mục các dự án điện gió sẽ được phép phát triển trong năm tiếp theo và dự kiến trong năm (05) năm tiếp theo.

2. Dự án điện gió trong Danh mục các dự án điện gió đưa vào vận hành hàng năm và trong chu kỳ quy hoạch phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt trong từng giai đoạn.

3. Danh mục các dự án điện gió được lập và phân loại căn cứ trên tiềm năng phát triển điện gió của địa phương và cả nước, số lượng các dự án đăng ký phải theo nguyên tắc ưu tiên huy động các dự án có hiệu quả kinh tế, tài chính cao, có phương án đấu nối và giải toả công suất vào hệ thống tốt, có mặt bằng sạch, dự án đăng ký trước sẽ được xem xét cho phát triển trước.

4. Danh mục các dự án điện gió bao gồm các thông tin liên quan, gồm: tên dự án, vị trí, diện tích và ranh giới khu vực phát triển dự án điện gió, quy mô công suất của từng dự án điện gió, dự kiến phương án đấu nối các dự án điện gió vào hệ thống điện quốc gia, dự kiến tiến độ và thời điểm vào vận hành dự án.

5. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh được duyệt, Danh mục các dự án điện gió phải được cập nhật vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và phải quy định phương án đấu nối cụ thể các dự án điện gió vào hệ thống điện quốc gia.

Điều 4. Đề xuất dự án điện gió mới vào quy hoạch phát triển điện gió

1. Dự án điện gió được phép đề xuất cho những khu vực, vùng dự án chưa có trong Danh mục các dự án điện gió được duyệt. Quy mô của dự án điện gió đề xuất phải phù hợp với khu vực tiềm năng đã được duyệt của Quy hoạch điện gió quốc gia hoặc Quy hoạch điện gió cấp tỉnh nơi có dự án đề xuất.

2. Nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án điện gió theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh) nơi có dự án. Trên cơ sở đề xuất dự án, UBND cấp tỉnh lập Hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện gió (sau đây gọi là Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch) theo quy định tại khoản 5 Điều này báo cáo Bộ Công Thương.

3. Tổng cục Năng lượng chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục Năng lượng được phép thuê tư vấn thẩm định, tư vấn phản biện phục vụ công tác thẩm định. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Tổng cục Năng lượng báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

4. Căn cứ quy mô dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ xem xét, phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện gió và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện gió và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

5. Hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện gió:

Hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch điện gió bao gồm:

a) Tờ trình của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch dự án điện gió;

b) Thông tin cơ bản về chủ đầu tư: Các tài liệu về tư cách pháp lý, đăng ký kinh doanh, nhân sự chủ chốt, kinh nghiệm thực hiện dự án, năng lực tài chính, kỹ thuật, trong đó cần kê khai danh sách các dự án đã thực hiện (bao gồm các dự án công nghiệp và dự án điện) trong vòng năm năm gần nhất và báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp trong vòng ba năm gần nhất;

c) Thông tin về dự án điện gió đề xuất:

- Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng dự án, các điều kiện thuận lợi và khó khăn, chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia (nếu có);

- Mô tả dự án: vị trí, quy mô và diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình thuộc dự án; các nội dung về quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương;

- Báo cáo kết quả đo gió tại các vị trí thuộc phạm vi dự án trong thời gian tối thiểu 12 tháng liên tục theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Thông tư này;

- Sơ bộ các giải pháp thực hiện, bao gồm: phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất; phương án đấu nối; phương án lắp đặt thiết bị; tiến độ thực hiện và hình thức quản lý dự án; phương án chung về bồi thường tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật nếu có; kế hoạch và phương án chi phí;

- Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng cháy, chữa cháy và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng;

- Tổng mức đầu tư của dự án; khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ; phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính, hiệu quả xã hội của dự án.

d) Ý kiến của Tổng Công ty điện lực vùng hoặc đơn vị truyền tải điện (nếu đấu nối vào hệ thống điện truyền tải) về Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch.

Điều 5. Yêu cầu về đo gió và báo cáo kết quả đo gió

1. Việc đo gió được thực hiện tại các vị trí tiêu biểu đại diện, thuộc phạm vi diện tích dự án trong thời gian tối thiểu là mười hai (12) tháng liên tục. Số lượng cột đo gió phải đảm bảo phù hợp với sự thay đổi địa hình khu vực dự án. Đối với dự án có công suất dự kiến lớn hơn năm mươi (50) MW (diện tích đất sử dụng cho nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió lớn hơn một nghìn (1000) ha, nhà đầu tư phải lắp đặt và vận hành ít nhất hai (02) cột đo gió trong khu vực dự án.

2. Đối với dự án điện gió thuộc danh mục các dự án nguồn điện của quy hoạch phát triển điện lực hoặc quy hoạch phát triển điện gió tỉnh đã được phê duyệt, nhà đầu tư phải có kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng gió trước khi lập và phê duyệt dự án đầu tư. Trường hợp quy hoạch phát triển điện gió các cấp đã có bộ số liệu đo gió đầy đủ tại vị trí dự án, nhà đầu tư có thể sử dụng bộ số liệu này cho công tác lập và phê duyệt dự án đầu tư. Trường hợp quy hoạch phát triển điện gió các cấp chưa có bộ số liệu đo gió đầy đủ, nhà đầu tư phải thực hiện nghiên cứu, đánh giá tiềm năng gió theo quy định.

3. Đối với các dự án điện gió mới được đề xuất chưa có trong Danh mục các dự án của Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh được duyệt, nhà đầu tư thực hiện đo gió theo quy định sau khi được sự cho phép của UBND cấp tỉnh để làm cơ sở lập Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án điện gió và lập dự án đầu tư điện gió.

4. Báo cáo kết quả đo gió bao gồm các nội dung về phương pháp luận thực hiện, thời gian thực hiện đo gió, phương thức thực hiện, mô tả thiết bị, bộ số liệu kết quả đo gió và phân tích kết quả đo gió. Bộ số liệu đo gió đúng tiêu chuẩn và đủ số lượng đại diện, đầy đủ các thông tin về thống kê tốc độ gió, tần suất gió, hoa gió, bản đồ phân bố năng lượng, độ ẩm không khí, bức xạ mặt trời, áp suất khí quyển. Bộ số liệu đo gió phải được thu thập từ các cột đo gió có độ cao tối thiểu là sáu mươi (60) m, tần suất thu thập mười (10) phút/lần, chu kỳ thu thập tối thiểu mười hai (12) tháng tại các điểm đo trong phạm vi diện tích dự án tại vị trí thuộc dự án.

5. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Công Thương và Tổng cục Năng lượng Báo cáo kết quả đo gió (bao gồm bộ số liệu gốc) trong vòng mười tám (18) tháng kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió tại vị trí dự án.

Điều 6. Dự án đầu tư phát triển điện gió

1. Chủ đầu tư chỉ được lập các dự án đầu tư điện gió thuộc Danh mục các dự án điện gió được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Nội dung dự án đầu tư điện gió theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình và theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với các dự án điện gió được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn khác nhau và tổng công suất từng giai đoạn với thời điểm vào vận hành phát điện theo từng năm khác nhau, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự án đầu tư theo từng giai đoạn dự án. Trường hợp thời điểm vào vận hành của dự án dự kiến có sai lệch quá sáu (6) tháng so với tiến độ quy định trong quy hoạch phát triển điện gió, nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Năng lượng xem xét, thông qua.

3. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các dự án điện gió không được thấp hơn hai mươi phần trăm (20 %) tổng mức đầu tư.

4. Nội dung dự án đầu tư điện gió theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, bao gồm những nội dung chính sau:

a) Báo cáo kết quả đo gió theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Thông tư này;

b) Diện tích sử dụng đất cho dự án điện gió;

c) Đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện gió đối với hệ thống điện khu vực;

d) Kế hoạch và phương án chi phí, kỹ thuật phục vụ tháo dỡ và xử lý thiết bị nhà máy điện gió sau khi kết thúc dự án.

5. UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư sau khi có văn bản đồng ý của Bộ Công Thương về sự phù hợp của dự án điện gió đối với quy hoạch phát triển điện gió các cấp và Danh mục các dự án điện gió được duyệt.

Điều 7. Điều kiện khởi công xây dựng công trình dự án điện gió

Dự án điện gió chỉ được khởi công xây dựng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình và đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có Giấy chứng nhận đầu tư.

2.Có Hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện.

3. Có Thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện.

4. Có hợp đồng cung cấp tài chính và cam kết về nguồn vốn để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình đúng với tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư xây dựng công trình.

Điều 8. Chấm dứt thực hiện dự án điện gió

Chấm dứt thực hiện dự án điện gió được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:

1. Trong vòng mười hai (12) tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nếu chủ đầu tư không khởi công xây dựng hạng mục chính của công trình, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và báo cáo Bộ Công Thương. Trường hợp có lý do chính đáng, dự án có thể được chấp thuận kéo dài tiến độ nhưng không quá mười hai (12) tháng so với tiến độ ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Tối đa hai mươi bốn (24) tháng kể từ ngày cam kết vận hành trong Giấy chứng nhận đầu tư, nếu dự án chưa đi vào vận hành phát điện thương mại thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét quyết định chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư mà không chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho chủ đầu tư và báo cáo Bộ Công Thương về quyết định chấm dứt dự án đầu tư.

Điều 9. Chế độ báo cáo và quản lý vận hành

1. Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ khi dự án đầu tư được phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi một bộ Hồ sơ về dự án đầu tư điện gió hoàn chỉnh (bao gồm một (01) bản in và một (01) bản điện tử) về Tổng cục Năng lượng và Sở Công Thương để quản lý, theo dõi thực hiện.

2. Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm gửi một (01) bản sao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng cục Năng lượng để theo dõi quản lý.

3. Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày ký Hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư, Bên bán điện có trách nhiệm gửi một (01) bản sao hợp lệ Hợp đồng mua bán điện cho Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương để theo dõi, quản lý.

4. Trong thời gian xây dựng dự án điện gió, trước ngày 15 của tháng đầu quý, Chủ đầu tư phải có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án của quý trước, kế hoạch thực hiện của quý tiếp theo. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 01, chủ đầu tư phải có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án trong năm trước, kế hoạch triển khai của năm tiếp theo. Các báo cáo này của chủ đầu tư phải gửi đồng thời cho Tổng cục Năng lượng và Sở Công Thương để quản lý, theo dõi thực hiện.

5. Trong giai đoạn vận hành, trước ngày 31 tháng 5 hàng năm, Chủ đầu tư phải báo cáo về sản lượng điện năng sản xuất từ nhà máy điện gió trong năm trước và ước tính sản lượng điện trong năm tiếp theo gửi Tổng cục Năng lượng để tổng hợp đăng ký kinh phí hỗ trợ giá điện gió cho năm tiếp theo từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.

6. Sau khi dự án điện gió được hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý vận hành các công trình điện và bảo vệ môi trường.

Điều 10. Trang thiết bị và hiệu suất của trang trại điện gió

1. Thiết bị đo gió và thiết bị công trình điện gió phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế IEC hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

2. Tuabin gió phải là tuabin chưa qua sử dụng, có thời gian xuất xưởng không quá năm (05) năm, có Giấy chứng nhận xuất xứ và Giấy chứng nhận sản xuất phù hợp. Trường hợp dự án điện gió sử dụng tuabin đã qua sử dụng thì phải báo cáo Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, quyết định.

3. Hiệu suất của trang trại gió (bố trí tuabin gió) không thấp hơn chín mươi phần trăm (90%).

Điều 11. An toàn công trình

1. Phạm vi công trình điện gió bao gồm khu vực các cột tháp gió, đường dây truyền tải điện, trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ khác.

2. Hành lang an toàn công trình điện gió, hành lang an toàn của tuabin gió, hành lang an toàn đường dây và trạm biến áp phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trang thiết bị điện, quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và các quy định pháp luật về an toàn công trình điện.

3. Nghiêm cấm xây dựng các hạng mục công trình (khu vực dân cư, cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình nhà ở, trường học, đường phố, đường sắt, đường dây điện, đường thông tin tín hiệu…) vi phạm hành lang an toàn công trình điện gió.

Điều 12. Diện tích chiếm đất

1. Đất sử dụng trong quá trình phát triển dự án điện gió bao gồm: diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió; diện tích sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió; diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió.

2. Diện tích đất sử dụng đất cho dự án điện gió phải phù hợp với quy mô công suất công trình. Suất sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió không quá không phẩy năm (0,5) ha/MW. Diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió không quá không phẩy bảy (0,7 ha/MW). Trường hợp đường vào dự án có địa hình phức tạp, cần phải được mở rộng để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển tuabin, cột gió trong giai đoạn xây dựng và vận hành, UBND cấp tỉnh xem xét cho phép suất sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió tối đa đến một (01) ha/MW.

Điều 13. Quản lý sử dụng đất trong khu vực công trình điện gió

1. Đất sử dụng trong khu vực công trình điện gió phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và không chồng lấn với các quy hoạch khác đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

2. Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống.

3. Đất sử dụng có thời hạn của công trình điện gió không thuộc các loại sau:

a) Đất ở, đất cơ quan;

b) Khu vực an ninh, quốc phòng;

c) Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;

d) Khu vực hạ tầng giao thông, bao gồm đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và các công trình giao thông khác.

4. Sau khi công trình điện gió đi vào vận hành, chủ đầu tư phải phục hồi nguyên trạng diện tích chiếm dụng tạm thời và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

5. UBND cấp tỉnh có thể cho phép sử dụng đất tại khu vực dự án điện gió cho các mục đích phù hợp (trồng trọt, canh tác nhỏ) và phải đảm bảo an toàn cho việc vận hành các công trình điện gió.

Điều 14. Yêu cầu về bảo vệ môi trường

1. Công trình điện gió không được vi phạm các di tích khảo cổ, lịch sử, các địa điểm văn hóa, tôn giáo, khu vực sinh thái nhạy cảm, khu vực bảo tồn thiên nhiên.

2. Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m.

3. Hoạt động đầu tư phát triển các dự án điện gió phải tuân thủ theo các quy chuẩn môi trường hiện hành.

4. Công trình điện gió không được ảnh hưởng đến giao thông hàng không, các loại sóng vô tuyến, viễn thông điện tử của các khu dân cư và các công trình xung quanh.

5. Tuabin và cột tháp điện gió phải có mầu sáng, không phản quang. Không được thực hiện quảng cáo trên tuabin điện gió.

6. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm phục hồi môi trường sau khi tháo dỡ công trình điện gió.

Chương III

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ

Điều 15. Đăng ký hỗ trợ giá điện hàng năm cho các nhà máy điện gió nối lưới

1. Trước ngày 31 tháng 5 hàng năm, Bên mua điện có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Năng lượng:

a) Tổng hợp thông tin về các nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện cho năm tiếp theo (tên nhà máy, chủ đầu tư, công suất, sản lượng, vị trí, diện tích, số hợp đồng, ngày ký hợp đồng);

b) Sản lượng điện năng đã mua từ các nhà máy điện gió trong năm trước;

c) Dự kiến sản lượng điện năng sẽ mua từ các nhà máy điện gió trong năm hiện tại và năm tiếp theo của từng nhà máy và dự kiến tổng số tiền được hỗ trợ giá điện theo quy định.

2. Tổng cục Năng lượng rà soát, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét gửi Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính để đăng ký kinh phí hỗ trợ giá điện từ ngân sách trung ương.

Điều 16. Hiệu chỉnh mức giá mua điện gió

Trước ngày 30 tháng 10 hàng năm, căn cứ vào chi phí và giá điện chung của hệ thống, Tổng cục Năng lượng đề xuất phương án hiệu chỉnh mức giá mua điện ưu đãi từ các dự án điện gió tại điểm giao nhận điện và mức hỗ trợ giá điện báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 17. Hỗ trợ đối với dự án điện gió không nối lưới

1. Nguyên tắc và điều kiện xem xét hỗ trợ dự án điện gió không nối lưới:

a) Đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường;

b) Dự án hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành;

c) Một số số liệu đầu vào chủ yếu cho tính toán giá điện và đơn giá hỗ trợ cho dự án điện gió được xem xét trên nguyên tắc sau:

- Trường hợp công suất đặt của dự án lớn hơn công suất yêu cầu thực tế của lưới điện khu vực, thì sản lượng điện phát thực tế của năm trước và sản lượng dự kiến phát trong các năm tiếp theo được sử dụng làm cơ sở để xác định đơn giá hỗ trợ. Đối với các dự án khác, sản lượng điện phát lấy theo sản lượng phát thực tế hoặc sản lượng phát dự kiến trong dự án đầu tư đã được duyệt, lấy số lớn hơn;

- Tổng mức đầu tư dự án lấy theo tổng mức đầu tư trong dự án đầu tư được duyệt nhưng không lớn hơn năm mươi mốt (51) triệu đồng/kW (tương đương hai nghìn năm trăm (2.500) USD/kW);

- Chi phí khấu hao theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Trình tự đăng ký hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió không nối lưới:

a) Chủ đầu tư dự án điện gió không nối lưới lập Hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió không nối lưới gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục Năng lượng. Số lượng hồ sơ yêu cầu: mười (10) bộ hồ sơ và một (01) CD/DVD/USB chứa file mềm Hồ sơ đề nghị hỗ trợ và các tài liệu kèm theo.

b) Trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Năng lượng chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định Hồ sơ đề nghị hỗ trợ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục Năng lượng được phép thuê tư vấn thẩm định, tư vấn phản biện phục vụ công tác thẩm định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận Hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió không nối lưới, Tổng cục Năng lượng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc làm lại hồ sơ.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió không nối lưới bao gồm:

a) Dự án đầu tư trong đó có các thuyết minh về phương án giá điện và các nội dung chính về sự cần thiết và đánh giá hiệu quả của phương án hỗ trợ;

b) Báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng gió trong thời gian tối thiểu là 12 tháng liên tục tại vị trí trong phạm vi dự án;

c) Kế hoạch vận hành và Kế hoạch kinh doanh;

d) Kế hoạch và phương án chi phí, kỹ thuật phục vụ tháo dỡ và xử lý thiết bị nhà máy điện gió sau khi kết thúc dự án;

đ) Ý kiến của UBND cấp tỉnh về nội dung Hồ sơ đề nghị hỗ trợ;

e) Ý kiến của Tổng Công ty Điện lực nơi có dự án về nội dung Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư phát triển dự án.

Chương IV

HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MẪU CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ NỐI LƯỚI

Điều 18. Điều kiện áp dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió

1. Việc sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió là bắt buộc trong mua bán điện giữa các dự án điện gió nối lưới và Bên mua.

2. Các dự án điện gió có toàn bộ điện năng được sản xuất từ nguồn năng lượng gió.

Điều 19. Nội dung của Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió

1. Nội dung Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bên bán và Bên chỉ được bổ sung nội dung của Hợp đồng mua bán điện mẫu để làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên mà không được làm thay đổi nội dung cơ bản của Hợp đồng mua bán điện mẫu.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Tổng cục Năng lượng phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xem xét và đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư.

2. UBND cấp tỉnh theo dõi, giám sát, kiểm tra việc hoạt động phát triển các dự án điện gió tại địa phương theo quy hoạch phát triển điện gió được phê duyệt, phù hợp với các quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2012.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website: Bộ Công Thương; Tổng cục Năng lượng;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Các Tổng Công ty Điện lực;
- Lưu VT, TCNL, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32/2012/TT-BCT quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 32/2012/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/11/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Dương Quang
  • Ngày công báo: 27/11/2012
  • Số công báo: Từ số 667 đến số 668
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản