Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3070-CB/LTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT BẬC LƯƠNG CHO MỘT SỐ LOẠI CÁN BỘ SAU KHI ĐÃ TỔNG KẾT LƯƠNG NĂM 1958

Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng các Bộ,
- Các ông Thủ trưởng các cơ quan Trung ương
- Các Ủy ban hành chính các Khu Tự trị, thành phố, tỉnh

Ban lương Trung ương đã tổng kết việc thi hành chủ trương cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1958 của Đảng và Chính phủ, đã nhận định những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Đối với việc sắp xếp cấp bậc thì lẻ tẻ ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan vẫn còn một số trường hợp chưa thỏa đáng nhưng không chủ trương điều chỉnh vì chế độ cấp bậc còn phải nghiên cứu thật kỹ mới có những sửa đổi hợp lý hơn.

Tuy vậy trước mắt, phải giải quyết những trường hợp sau đây:

a) Trường hợp khi xếp lương (1958) đã xếp trật thang lương. (ví dụ: làm công tác phiên dịch mà lại xếp vào thang lương hành chính 21 bậc);

b) Trường hợp khi xếp lương mới có quyết nghị tạm xếp. (ví dụ: cán bộ mới điều động đến, mới điều trị ở bệnh viện ra… cơ quan chưa sát năng lực).

c) Trường hợp khi xếp lương đã xếp bậc chính thức nhưng sau đó điều động công tác, chức vụ thay đổi hay từ khu vực hành chính sự nghiệp sang khu vực sản xuất và ngược lại, bậc lương hoặc thang lương ở trên không phù hợp (ví dụ: đang làm hành chính sang bán hàng Mậu dịch; kế toán hành chính sang kế toán xí nghiệp; công nhân lái xe ô tô vận tải sang lái xe ô tô cơ quan).

d) Trường hợp khi xếp lương còn đang ở thời kỳ tập sự, nay được cơ quan quản lý cán bộ công nhận hết thời gian tập sự.

đ) Trường hợp sau khi xếp lương được đề bạt vào các chức vụ điều khiển, lãnh đạo có quy định khung bậc như Ủy ban hành chính các cấp, v.v…

e) Trường hợp chưa xếp lương (cán bộ xã, khu phố, …) nay trúng cử vào Ủy ban hành chính huyện, tỉnh và vào biên chế các cơ quan.

Việc xếp bậc lương và trả lương cho các loại cán bộ nói trên quy định như sau:

1. Các trường hợp a, b được xếp bậc chính thức và hưởng lương mới từ ngày 1-7-1959;

2. Trường hợp c, được xếp lại bậc lương theo thang lương thích hợp nếu làm nghề mới, hoặc chuyển từ bậc lương đã xếp sang bậc tương đương thang lương thích hợp nếu vẫn giữ nghề cũ (kế toán hành chính sang kế toán xí nghiệp) và hưởng lương từ 01-7-1959 đối với trường hợp điều động công tác trước 01-7-1959 và từ ngày nhận công tác mới đối với trường hợp điều động sau 01-7-1959.

Nếu có trường hợp phải tính bảo lưu thì thi hành theo Thông tư số 85-TC/HCP ngày 25-7-1958 của Bộ Tài chính.

3. Trường hợp d, được xếp chính thức vào bậc khởi điểm của khung bậc lương định cho loại cán bộ ấy và hưởng lương từ ngày được cơ quan quản lý cán bộ công nhận hết thời gian tập sự.

4. Đối với trường hợp đ, thì nếu bậc đã xếp bằng hay trên bậc khởi điểm của khung bậc quy định cho loại cán bộ ấy thì tạm giữ nguyên bậc lương đã sắp xếp; đối với Ủy ban hành chính huyện, tỉnh, … nếu được phân công thường trực, chuyên trách công tác của Ủy ban, mà bậc lương đã xếp trước đây thấp hơn bậc khởi điểm của khung bậc Ủy ban thì được xếp vào bậc khởi điểm của Ủy ban hành chính huyện, tỉnh, … trái lại nếu vẫn được phân công như cũ (Ví dụ: Trưởng ty Y tế, Giáo dục, Giao thông trúng cử vào Ủy ban hành chính tỉnh vẫn làm Trưởng ty Y tế, Giáo dục, Giao thông,…) thì vẫn giữ nguyên bậc lương đã xếp.

Riêng đối với trường hợp vào Ủy ban hành chính huyện, tỉnh… được phân công Phó Chủ tịch hay Chủ tịch thì tùy theo tương quan nội bộ của Ủy ban mà xếp vào một bậc lương thích đáng trong khung bậc Ủy ban và do địa phương đề nghị lên cấp trên Quyết định.

5. Trường hợp e, thì giải quyết cụ thể như sau:

- Được phân công trường trực, chuyên trách công tác của Ủy ban Hành chính huyện, tỉnh… thì xếp vào bậc khởi điểm của khung bậc Ủy ban hành chính huyện, tỉnh…

- Sau khi trúng cử Ủy ban hành chính huyện, tỉnh mà được phân công phụ trách các ngành xung quanh huyện, tỉnh… thì tùy theo chức vụ, xét tương quan cán bộ ở nơi đó mà xếp một bật lương thích đáng.

- Sau khi trúng cử Ủy ban hành chính huyện, tỉnh …, mà vẫn công tác ở xã thì không xếp lương, mà mỗi khi đi làm nhiệm vụ của Ủy ban hành chính huyện, tỉnh,… được đài thọ công tác phí (tiền xe tàu, phụ cấp đi đường) và phụ cấp sinh hoạt mỗi ngày 1đ20.

Các trường hợp xếp lại bậc của cán bộ được cử vào Ủy ban hành chính các cấp đều được hưởng lương bậc mới từ ngày chính thức nhận nhiệm vụ.

Trên đây là những quy định để giải quyết các vấn đề trước mắt; trong hoàn cảnh hiện nay, việc xếp bậc lương của cán bộ nhân viên tuy còn những chỗ chưa hợp lý nhưng cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ, nên đề nghị các Bộ, các địa phương, các cơ quan giải thích cho anh chị em rõ. Trong khi thi hành gặp khó khăn gì, các Bộ, các địa phương, các cơ quan cho Bộ chúng tôi biết để kịp thời góp ý kiến giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3070-CB/LTC năm 1959 về việc giải quyết bậc lương cho một số loại cán bộ sau khi đã tổng kết lương năm 1958 do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 3070-CB/LTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/07/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: 07/08/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản