Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-TS/TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THỦY SẢN SỐ 3-TS/TT NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ HỢP TÁC XÃ THỦY SẢN

Ngày 17 tháng 3 năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 51-HĐBT về việc ban hành Điều lệ hợp tác xã thủy sản. Bộ Thủy sản ra Thông tư hướng dẫn thực hiện như sau:

Phần 1:

MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH

a) Mục đích, ý nghĩa:

Hiện nay ở miền Bắc (và một số nơi ở miền Trung) quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa nghề thủy sản đã được thiết lập nhưng cần phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện. Ở miền Nam đang tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất nghề thủy sản.

Điều lệ hợp tác thủy sản được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng và đáp ứng yêu cầu cấp thiết, đồng thời là cơ sở pháp chế về tổ chức và kinh tế để các cấp ủy, chính quyền và ngành thủy sản tiến hành cải tạo, xây dựng quan hệ sản xuất, củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất, tổ chức lại và phát triển sản xuất thủy sản, đưa ngành khai thác thủy sản từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Đối với những hợp tác xã thuỷ sản đã xây dựng từ lâu, nay căn cứ vào bản điều lệ này để kiểm tra, đối chiếu lại tổ chức và hoạt động của mình, chổ nào đúng thì tiếp tục giữ vững và phát huy, chỗ nào chưa đúng thì phải kịp thời sửa chữa, phấn đấu đưa hợp tác xã đi vào nền nếp theo đúng quy định của bản điều lệ này.

Đối với những hợp tác xã thủy sản mới thành lập thì phải căn cứ vào những quy định trong điều lệ này để áp dụng bảo đảm cho tổ chức của hợp tác xã đúng với những nguyên tắc và những quy định điều lệ đã quy định.

b) Đối tượng thi hành:

Điều lệ này áp dụng cho tất cả các hợp tác xã, các tổ chức sản xuất thủy sản bậc cao (thực chất là hợp tác xã quy mô nhỏ) trên biển, trên sông. Đối với các tổ hợp tác sản xuất bậc thấp (còn gọi là tập đoàn sản xuất) chủ yếu thực hiện theo bản quy ước tạm thời do Bộ Thủy sản đã ban hành, đồng thời có thể vận dụng một số điều ở các chương I, II, III, V, VIII ở bản điều lệ này.

Các hợp tác xã chuyên nuôi thủy sản cũng áp dụng theo bản điều lệ này và sẽ có Thông tư hướng dẫn bổ sung thêm.

Các tổ, đội làm nghề cá trong các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp. làm muối... áp dụng theo điều lệ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, muối, đồng thời áp dụng những điểm thích hợp trong điều lệ hợp tác xã thủy sản.

Các hợp tác xã chủ yếu làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản từ nay thốg nhất gọi là hợp tác xã thủy sản, việc lấy tên các vị lãnh tụ, các anh hùng liệt sĩ để đặt tên cho hợp tác xã, phải được ủy ban nhân dân tỉnh hoặc huyện đồng ý.

Phần 2:

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ TRONG ĐIỀU LỆ

Toàn văn bản Điều lệ gồm IX chương, 33 điều, nội dung từng điều phần lớn đã nói rõ. Trong thông tư này Bộ hướng dẫn giải thích thêm một số điểm cụ thể nhằm giúp các địa phương và cơ sở nắm vững và thực hiện đúng theo tinh thần và nội dung của bản điều lệ.

1. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã (điều 2) là những nguyên tắc chỉ đạo cần phải vận dụng một các tích cực, triệt để, không những trong khi thành lập hợp tác xã mà cả trong quá trình xây dựng và củng cố hợp tác xã.

Người xin vào hợp tác xã phải tự nguyện làm đơn, tự nguyện đóng cổ phần, góp thuyền, lưới, công cụ (nếu có), tự giác thực hiện điều lệ, nội quy của hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ của người xã viên.

Về lãnh đạo, phải làm cho mọi người thấy rõ được lợi ích trước mắt và lâu dài của hợp tác xã để họ tự nguyện tự giác tham gia xây dựng và củng cố hợp tác xã. Không dùng mệnh lệnh hành chính, hoặc gây khó khăn để ép buộc họ vào hợp tác xã.

Trong quá trình hoạt động nếu có xã viên nào làm đơn xin ra hợp tác xã, thì ban quản lý phải xem xét một cách nghiêm túc và sau khi đã trao đổi lý do xin ra để họ suy nghĩ, song họ vẫn cố tình xin ra thì trong vòng một tháng phải làm thủ tục cho họ ra hợp tác xã, nhưng sau đó họ lại tự nguyện xin trở lại hợp tác xã thì vẫn kết nạp lại nếu có đủ điều kiện.

Hợp tác xã phải luôn luôn chăm lo lợi ích kinh tế , cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho xã viên, nhưng đồng thời phải chăm lo tích lũy vốn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã để mở rộng phát triển sản xuất. Phải làm tròn nghĩa vụ nộp thuế, trả nợ, bán sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều. Mặt khác phải bảo đảm quyền lợi thích đáng cho người có vốn liếng, công cụ đưa vào hợp tác xã để phát triển sản xuất. Đề cao ý thức tự lực, tự cường, bỏ lối quản lý hành chính, bao cấp, trông chở ý lại vào Nhà nước.

Hợp tác xã phải tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ tập thể của xã viên, tạo điều kiện cho mọi xã viên đều được tham gia bạn bạc quyết định về phương hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu nghề nghiệp chỉ tiêu và biện pháp thực hiện kế hoạch của Nhà nước, chỉ tiêu giao khoán của hợp tác xã, phương án ăn chia phân phối, thu chi tài chính của hợp tác xã và của tổ sản xuất.

Mọi hành động vi phạm quyền làm chủ tập thể của xã viên đều là vi phạm điều lệ, cần phải xử lý thích đáng.

Hợp tác xã là một đơn vị kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã phải căn cứ vào quy hoạch và phương hướng kế hoạch của Nhà nước, đồng thời phải có hạch toán kinh tế bảo đảm kinh doanh có lãi. Mỗi hợp tác xã không được rời quy hoạch và phương hướng kế hoạch Nhà nước làm thiệt hại đến lợi ích chung và vi phạm đến pháp luật của Nhà nước.

Về quyền hạn của hợp tác xã (Điều 4):

Mỗi hợp tác xã sau khi được ủy ban nhân dân huyện quyết định công nhận đều có đầy đủ tư cách pháp nhân, được Nhà nước bảo hộ theo pháp luật, được pháp luật thừa nhận quyền sở hữu tài sản, hợp tác xã có quyền tự chủ về sản xuất, kinh doanh, về tài chính trong khuôn khổ chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước. Căn cứ vào quy hoạch và phương hướng trung của ngành, của địa phương, mỗi hợp tác xã đều có quyền tự quyết định lựa chọn phương hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu nghề nghiệp, trang bị kỹ thuật, sao cho phù hợp để có hiệu quả kinh tế cao, các cơ quan quản lý cấp trên không ép buộc hợp tác xã, nếu có sự ép buộc thì mọi hậu quả về thua lỗ của hợp tác xã, người quyết định phải chịu đền bù 1 phần, hoặc toàn bộ tuỳ theo tình hình cụ thể của hợp tác xã.

Mỗi hợp tác xã khi đã làm tròn nghĩa vụ nộp thuế bán sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng, đều có toàn quyền sử dụng, phân phối, tiêu thụ sản phẩm còn lại của mình. Các cơ quan kinh doanh của Nhà nước phải thực hiện quan hệ mua bán bình đẳng, sòng phẳng với hợp tác xã.

Mỗi hợp tác xã sau khi hoàn thành kế hoạch trả nợ cho Nhà nước (nếu có nợ) đều có toàn quyền sử dụng vốn, quỹ của mình vào mục đích vốn kinh doanh, tiêu dùng, đời sống ... Các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh không được chiếm dụng vốn của hợp tác xã, đồng thời phải tôn trọng và giúp đỡ hợp tác xã thực hiện quyền tự chủ về tài chính.

Tất cả mọi tài sản của hợp tác xã đều là tài sản xã hội chủ nghĩa thuộc quyền sở hữu tập thể về quản lý của hợp tác xã, không ai được quyền dùng tài sản, tiền vốn của hợp tác xã vào mục đích không liên quan đến hoạt động của hợp tác xã. Trừ trường hợp theo lệnhhuy động khẩn cấp nhân lực, vật lực ở địa phương thì phải thi hành đúng Nghị định số 232-CP ngày 21-11-1965 của Hội đồng Chính phủ (nay là Hội đồng Bộ trưởng).

3. Về điều kiện gia nhập hợp tác xã (Điều 5):

Những người tự nguyện làm đơn vào hợp tác xã phải có mặt khi đại hội xã viên xét và quyết định kết nạp, hợp tác xã chỉ kết nạp từng lao động không kết nạp cả hộ, việc kết nạp xã viên cần phải cân đối với công cụ sản xuất theo đúng định mức lao động kỹ thuật. Nhất thiết không kết nạp thêm xã viên trong khi hợp tác xã còn thiếu công cụ sản xuất.

Đối với anh em bộ đội hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, nếu trước đây là xã viên thì không phải kết nạp lại, những anh em chưa phải là xã viên, nay trở về muốn xin vào hợp tác xã vẫn phải xét kết nạp theo đúng quy định của điều lệ.

Những xã viên chưa đủ 18 tuổi, có nghĩa vụ và quyền lợi như những xã viên khác, nhưng chưa được quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quản lý hợp tác xã, khi vào hợp tác xã mỗi thành viên phải đóng đủ hai thứ cổ phần:

- Cổ phần tập thể hóa dùng để mua sắm công cụ sản xuất;

- Cổ phần chi phí sản xuất dùng để phục vụ cho quá trình sản xuất ra sản phẩm.

Các xã viên có tư liệu sản xuất cần thiết cho tập thể đều phải đưa vào hợp tác xã và được dùng vốn trị giá tư liệu sản xuất đó để đóng cổ phần. Việc định mức hai thứ cổ phẩn trên chủ yếu phải căn cứ vào yêu cầu sản xuất, đồng thời có chiếu cố đến khả năng đóng góp của số đông xã viên, cụ thể là:

- Định mức cổ phẩn tập thể hóa, lấy tổng giá trị tài sản cố định cần thiết cho sản xuất nghề cá chia cho tổng số xã viên đánh cá lấy đó làm cơ sở để đại hội xã viên xem xét quyết định mức cổ phần hợp lý.

- Định mức cổ phần chi phí sản xuất, lấy yêu cầu chi phí sản xuất của một vụ chính trong năm, chia cho tổng số xã viên đánh cá, lấy đó làm cơ sở để đại hội xã viên xét quyết định mức cổ phẩn hợp lý.

Nếu hợp tác xã kinh doanh nhiều ngành nghề, thì các xã viên làm nghề đánh cá đóng một mức cổ phần thống nhất. Còn các xã viên làm nghề khác như chế biến, nuôi cá, xe dây, đan lưới... thì căn cứ vào yêu cầu sản xuất kinh doanh của các nghề đó mà định cổ phẩn cho sát, không nên đóng một mức cổ phần như xã viên đánh cá.

Những hợp tác xã trước đây định cổ phẩn quá thấp hoặc kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều khó khăn về vốn, đại hội xã viên có thể quyết định đóng thêm cổ phẩn. Những xã viên mới vào hợp tác xã hoặc xã viên cũ nay mới đóng cổ phần thì mức cổ phần phải tương ứng với giá trị tài sản mới.

Những xã viện dây dưa không chịu đóng cổ phẩn thì nay không công nhận là xã viên và đưa ra khỏi hợp tác xã.

4. Về nghĩa vụ và quyền lợi của xã viên (Điều 6 và 7):

Ngoài công việc của hợp tác xã như đi biển sản xuất, tu sửa thuyền lưới khi về bến... tùy theo điều kiện cụ thể xã viên được làm thêm kinh tế gia đình như chăn nuôi , trồng trọt, khai thác lâm sản, dệt chiếu, nuôi tằm v.v... hoặc trong những ngày động biển, thuyền lưới chờ sửa chữa mà hợp tác xã không giao việc, thì xã viên được tranh thủ đi khai thác hải đặc sản ven bờ, bãi triều (những nơi được phép khai thác) hoặc trong khi đi biển đánh các, tranh thủ giờ nghỉ xã viên có thể câu. Thu nhập về cá câu phải nộp một phần vào khấu hao và tích lũy của hợp tác xã (tùy theo năng suất nhiều, ít từng chuyến biển, mà hợp tác xã định mức phải nộp).

Việc phát triển kinh tế gia đình là quyền lợi của mỗi xã viên, được Nhà nước và hợp tác xã khuyến khích, nhưng mỗi xã viên không được chạy theo nghề riêng, hoặc lợi dụng thuyền lưới, thời gian sản xuất của tập thể để kiếm lời thu nhập riêng, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và thu nhập của tập thể.

5. Về xã viên ra khỏi hợp tác xã (Điều 8):

Xã viên ra khỏi hợp tác xã (đúng thủ tục) được hoàn lại cổ phẩn, được thanh toán công nợ (nếu hợp tác xã có nợ) nếu hợp tác xã kinh doanh thua lỗ, thì người xin ra phải gánh chịu một phần thua lỗ.

Cách tính chia lỗ: Lấy số tiền lỗ hành năm chia cho tổng số lao động xã viên trong năm đó, cộng lại thành khoản lỗ qua các năm mà mỗi người phải gánh chịu.

Sau khi trừ phần bù lỗ, nếu còn cổ phần thì được lấy ra, nếu thiếu người xin ra phải nộp đủ hợp tác xã mới chứng nhận việc ra khỏi hợp tác xã, hoặc chuyển đi nơi khác là hợp pháp.

Cổ phần của xã viên đã chết được chuyển cho con họ, khi con họ vào hợp tác xã và sau khi trừ đi phần bù lỗ (nếu có lỗ) nếu thiếu vẫn phải đóng thêm. Trường hợp không có con vào hợp tác xã thì được để lại cho người thừa kế hợp pháp. Nếu hợp tác xã bị thua lỗ thì người thừa kế vẫn phải chịu phần bù lỗ, nhưng nếu phần bù lỗ vượt quá mức cổ phần thì họ không phải trả thêm.

Xã viên vi phạm kỷ luật, đại hội xã viên quyết định đuổi ra hợp tác xã thì việc thanh toán cổ phần và bù lỗ vẫn xử lý như trường hợp ra khỏi hợp tác xã.

Các trường hợp xã viên ra khỏi hợp tác xã đều không đặt vấn đề chia lãi, vì số tiền thực lãi một phần đã chuyển vào quỹ tích lũy và quỹ phúc lợi và chuyển hóa thành tài sản, một phần đã chia cho lao động xã viên đang ở hợp tác xã.

6. Những xã viên tạm thời rời khỏi hợp tác xã (Điều 9):

Các trường hợp xã viên đi làm nghĩa vụ quân sự, đảm nhiệm công tác của Đảng, chính quyền, đoàn thể, xã, phường... vẫn được bảo đảm tư cách xã viên hợp tác xã. Thời gian tạm rời hợp tác xã vẫn được tính là thời gian liên tục tham gia hợp tác xã và vẫn được hưởng các chế độ phúc lợi trong hợp tác xã, nhưng họ không được rút cổ phần và cũng không phải chia lỗ.

Những xã viên già yếu hoặc bị tàng tật... không đi biển được nữa, nhất là những người không có nơi lương tựa, hợp tác xã cần bố trí, giúp đỡ công ăn việc làm thích hợp, hoặc trích quỹ phúc lợi trợ cấp để bảo đảm đời sống cho họ.

Những xã viên cao tuổi không ra khơi được, nếu hợp tác xã không có nghề sản xuất ven bờ thì có thể cho họ làm những nghề truyền thống ven bờ để bảo đảm đời sống và người đó vẫn có tư cách xã viên, được hưởng mọi phúc lợi tập thể của hợp tác xã.

7. Về tập thể hóa tư liệu sản xuất (Điều 19):

Tư liệu sản xuất của xã viên đưa vào hợp tác xã đều được định giá thành tiền và được tập thể hóa (coi như hợp tác xã mua lại để chuyển thành sở hữu tập thể).

Việc định giá tư liệu sản xuất phải được giải quyết thỏa đáng, trên nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi giữa tập thể và cá nhân. Khi định giá tư liệu sản xuất phải căn cứ vào giá chỉ đạo của Nhà nước và chất lượng xấu, tốt, cũ, mới, với giá trị sử dụng còn lại do tập thể bình nghị.

Những tư liệu sản xuất chưa có giá chỉ đạo của Nhà nước thì đối chiếu với mặt hàng tương ứng với giá chỉ đạo của Nhà nước mà cùng nhau bàn bạc thỏa thuận.

Những hợp tác xã đã định giá theo thông tư liên bộ số 3 - TT/LB ngày 21-3-1979 thì trừ tiền định giá đã trả cho người có tư liệu sản xuất, phần còn lại nay tạm thời được nâng lên 3 lần theo văn bản hướng dẫn số 2108 - TS/HTX nggày 17-12-1981 của Bộ Thủy sản.

Những hợp tác xã đã định giá theo giá thỏa thuận thì nói chung không điều chỉnh lại, trừ trường hợp đặc biệt mới nên điều chỉnh phần vốn còn lại xấp xỉ bằng giá chỉ đạo Nhà nước.

Tiền trị giá tư liệu sản xuất được dùng để đóng cổ phần tập thể hóa, nếu thiếu thì phải đóng thêm, thừa được trả dần theo thời hạn khấu hao còn lại. Nếu có xã viên đời sống gặp khó khăn hoặc cần vốn cho người trong gia đình đóng cổ phần vào hợp tác xã khác, thì tùy tình hình tài chính của hợp tác xã, Ban quản lý có thể đề nghị đại hội xã viên quyết định trả trước cho họ một số vốn cao hơn số vốn trả hàng năm.

Những người xin ra hợp tác xã không được rút tư liệu sản xuất góp vào hợp tác xã đã được tập thể hóa, ngoài số cổ phần còn lại, đối với số vốn tư liệu sản xuất đã tập thể hóa hợp tác xã sẽ tiếp tục trả vốn và lãi theo điều lệ đã quy định.

Những người có thuyền, lưới, công cụ nay già yếu, hoặc không có khả năng sản xuất trên biển, nếu tự nguyện đưa công cụ, thuyền, lưới vào hợp tác xã thì hợp tác xã có thể mua lại hoặc làm ăn chia trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Những người làm ngành nghề khác nay muốn đầu tư vốn kinh doanh với hợp tác xã thì hợp tác xã có thể hợp tác kinh doanh và chia lợi nhuận với họ cũng trên nguyên tắc thỏa thuận hai bên cùng có lợi.

8. Về tổ chức lại sản xuất (Điều 20):

Để phát huy hết khả năng và nguồn lợi, sức lao động nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao đời sống gia đình xã viên trên địa bàn huyện hoặc xã, phải tùy theo điều kiện từng vùng, cửa này, bãi ngang, hải đảo... để kết hợp chặt chẽ việc phát triển thủy sản (khai thác, nuôi trồng, chế biến), chú trọng thủy sản xuất khẩu, với phát triển nông, lâm nghiệp, nghề muối, tiểu thủ công nghiệp, bằng các hình thức như:

- Hợp tác xã thủy sản có tổ, đội làm nông nghiệp, lâm nghiệp, muối, tiểu thủ công nghiệp, v.v... hạch toán kinh tế riêng, để quỹ phúc lợi chung;

- Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, muối, thủ công nghiệp v.v... có thể tổ chức các tổ, đội khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản.

- Trên địa bàn xã, bến cá phân bổ lao động nam chủ yếu tham gia vào hợp tác xã khai thác thủy sản, lao động nữ tham gia vào các hợp tác xã nông, lâm, muối, tiểu thủ công nghiệp, v.v...

- Những nơi có điều kiện có thể chia đất giao cho gia đình ngư dân làm kinh tế gia đình;

- Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến làm hàng thủ công... coi kinh tế gia đình xã viên cũng là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa.

9. Về chế độ khoán và chế độ trả công cho lao động gián tiếp (Điều 22 ):

Việc phân phối, trả công cho lao động phải căn cứ vào trình độ kỹ thuật, kết quả lao động, hiệu quả kinh tế của từng đơn vị sản xuất và cá nhân xã viên, trong các hợp tác xã thủy sản đều thực hiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng cho từng đơn vị sản xuất và đơn vị thuyền nghề thể hiện dưới hai hình thức:

1) Khoán tiền công theo thu nhập thực tế

2) Khoán tiền công và các khoản phải nộp (theo Quyết định số 16-CP ngày 15-1-1981 và văn bản hướng dẫn của Bộ thủy sản số 494-TS/HTX ngày 6-9-1981).

Mỗi hợp tác xã có thể tùy theo tình hình cụ thể của mình để lựa chọn một trong hai hình thức khoán trên, nhưng nhất thiết phải dựa vào chỉ tiêu giao khoán và thực hiện khoán để xử lý thưởng, phạt và ăn chia phân phối, không được lấy việc chia cá cho xã viên để thay thế cho chế độ khoán trong hợp tác xã.

Đối với lao động gián tiếp như chủ nhiệm hợp tác xã, ủy viên ban quản lý hợp tác xã, trưởng ban kiểm soát nói chung ít nhất phải có 1/3 thời gian trong năm trực tiếp tham gia sản xuất hoặc chỉ đạo sản xuất trên biển. Đối với cán bộ nghiệp vụ như kế toán, thống kê, thủ kho, thủ quỹ thì tùy tình hình cụ thể từng hợp tác xã do đại hội xã viên quy định, nếu khối lượng công việc nghiệp vụ nhiều thì không nhất thiết phải có thời gian tham gia sản xuất trên biển.

Việc trả công lao động gián tiếp sản xuất, hoặc những ngày không tham gia sản xuất căn cứ theo Văn bản số 494-TS/HTX ngày 6-9-1981 của Bộ Thủy sản đã hướng dẫn.

Đối với những người có kỹ thuật giỏi đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm (nhất là sản phẩm xuất khẩu), ngoài khoán sản phẩm ra có thể trả công ưu đãi như chuyên gia.

10. Về phân phối thu nhập (Điều 25):

Việc xây dựng phương án kế hoạch thu nhập và phân phối phải gắn liền với việc xây dựng phương án khoán của hợp tác xã cho từng đơn vị sản xuất.

Phân phối thu nhập trong hợp tác xã thủy sản phải bảo đảm nguyên tắc chung là tổng doanh thu ( các khoản thu nhập được phân phối) trước hết phải trừ đủ các khoản chi phí sản xuất, khấu hao tài sản cố định, chi phí quản lý, trả lãi và nộp thuế cho Nhà nước, còn lại là thu nhập thực tế mới trích để 3 quỹ tích lũy , công ích, khen thưởng và chia cho lao động xã viên.

- Về quỹ tích lũy có thể tùy theo tình hình sản xuất được mùa hay mất mùa mà điều chỉnh cho sát. Ví dụ: Khi được mùa có thể để từ 15 đến 20% thu nhập thực tế. Trái lại, khi mất mùa, sản xuất không ổn định, thu nhập quá thấp thì có thể giảm tích lũy. Trường hợp đặc biệt có thể không để tích lũy để bảo đảm đời sống xã viên, nhưng phải được ban thủy sản huyện đồng ý.

- Về quỹ công ích và quỹ khen thưởng cũng tùy theo tình hình thu nhập thực tế mà điều chỉnh cho sát.

- Về phần chia cho lao động, phải bảo đảm chia đúng đối tượng, ngày công sản xuất theo nghạch bậc lao động kỹ thuật.

Những người không trực tiếp lao động sản xuất, không trực tiếp phục vụ trong hợp tác xã đều không có quyền tham gia phân phối bất kỳ dưới hình thức nào.

11. Việc giải tán hợp tác xã và tổ chức lại hợp tác xã (Điều 29):

1) Khi có quyết định giải tán hợp tác xã, thì đồng thời phải có biện pháp tổ chức lại hợp tác xã theo hình thức quy mô thích hợp .

Để giữ gìn tài sản của hợp tác xã và của Nhà nước, ủy ban nhân dân huyện cần giao cho ban, ngành có liên quan với ủy ban nhân dân xã, phường, ban quản lý hợp tác xã tổ chức kiểm kê, đánh giá tài sản , bảo vệ tài sản hiện có cho đến khi hoàn thành việc xử lý và thanh toán tài sản.

2) Đối với một số hợp tác xã đã tổ chức theo hình thức bậc cao, nay cần tổ chức lại theo hình thức tổ hợp tác bậc thấp, cũng phải tiến hành đúng thủ tục , phải được đại hội xã viên nhất trí tán thành, được ủy ban nhân dân xã, phường chứng nhận và đề nghị ủy ban nhân dân huyện (thị) quyết định (có sự thỏa thuận với ngành thủy sản cấp tỉnh); đồng thời tiến hành thanh toán công nợ, cổ phần và giải quyết tài sản... theo quy ước tạm thời tổ hợp tác sản xuất bậc thấp.

3) Đối với một số hợp tác xã quá kém nát, cần thiết phải chọn lọc lại xã viên, sắp xếp lại lao động và nghề nghiệp để tổ chức, củng cố lại hợp tác xã thì cũng phải làm đúng nguyên tắc thủ tục như trên .

4) Đối với một số hợp tác xã vì lý do nào đó mà tự tan dã, thì Ủy ban nhân dân huyện (thị) giao cho ngành thủy sản và các ngành có liên quan cùng với chính quyền xã, phường, triệu tập ban quản lý hợp tác xã hoặc những xã viên còn lại đến làm thủ tục kiểm kê tài sản, lập biên bản, báo cáo lên ủy ban nhân dân huyện, thị xét và xử lý về mặt kinh tế, tài chính theo điều lệ, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Phần 3:

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ

Điều lệ hợp tác xã thủy sản được Chính phủ chính thức ban hành, là một sự động viên cổ vũ to lớn đối với ngành thủy sản nói chung và đông đảo quần chúng lao động ngư dân nói riêng. Vì vậy, việc chỉ đạo triển khai thực hiện điều lệ phải được tiến hành chặt chẽ và nghiêm túc, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực về củng cố, xây dựng và phát triển hợp tác xã, đưa phong trào hợp tác hóa và sản xuất nghề thủy sản trong cả nước tiến lên một bước mới, mạnh mẽ và vững chắc.

1. Theo nghị định của Hội đồng Bộ trưởng, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần có chủ trương biện pháp chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện Điều lệ hợp tác xã thủy sản ở địa phương.

Các tỉnh, thành phố miền Bắc và một số tỉnh khác đã xây dựng được nhiều hợp tác xã xây dựng được nhiều hợp tác xã dưới sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, cần có hội nghị ngành thủy sản với các huyện, thị xã, xã, phường hợp tác xã và các ngành liên quan để phổ biến và bàn kế hoạch biện pháp chỉ đạo triển khai thực hiện điều lệ hợp tác xã thủy sản.

Các Sở, Ty thủy sản giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, biện pháp chỉ đạo triển khai thực hiện Điều lệ hợp tác thỷ sản.

2. Việc triển khai Điều lệ hợp tác xã có thể chia làm mấy bước sau đây:

- Bước 1: Tuyên truyền phổ biến học tập quán triệt điều lệ xuống tập hợp tác xã, đơn vị sản xuất, từng xã viên, kể cả những xã viên đi đánh cá xa, dài ngày trên biển.

- Bước 2: Thông qua học tập và liên hệ với điều lệ mới ban hành, xem xét lại việc phân loại hợp tác xã (hợp tác xã trọng điểm, hợp tác xã khá, hợp tác xã trung bình, hợp tác xã kém nát) mà đề ra kế hoạch, biện pháp củng cố sát hợp với từng loại.

- Bước 3: Mỗi hợp tác xã tiến hành xây dựng, hoặc sửa đổi bổ sung lại nội quy quản lý và xây dựng hoàn chỉnh phương án khoán năm 1982, chuẩn bị xây dựng kế hoạch phương án khoán năm 1983.

3. Nhân dịp này tất cả các hợp tác xã cần họp đại hội toàn thể xã viên để phổ biến học tập điều lệ, liên hệ đối chiếu lại tình hình tổ chức hoạt động của hợp tác xã đề ra kế hoạch và biện pháp chấn chỉnh củng cố hợp tác xã, xây dựng lại nội quy quản lý; gắn liền với thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1982 và những năm tới, bầu lại cơ quan quản lý hợp tác xã theo đúng quy định của điều lệ.

Những nơi đang chuẩn bị tiến hành xây dựng hợp tác xã cần tổ chức học tập kỹ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho mọi người thông suốt và thi hành đúng điều lệ ngay từ quá trình vận động xây dựng hợp tác xã.

4. Ngành thủy sản trung ương đến địa phương cần kết hợp với các cơ quan tuyên truyền báo chí, đài phát thanh, tổ chức một đợt tuyên truyền sâu rộng điều lệ hợp tác xã thủy sản, mở các lớp tập huấn cho cán bộ tỉnh, huyện, xã, phường hợp tác xã, v.v... về điều lệ hợp tác xã và thông tư hướng dẫn của Bộ Thủy sản. Bộ Thủy sản sẽ cho in toàn văn điều lệ hợp tác xã thành cuốn sách nhỏ để phát hành và phổ biến xuống tận xã viên, ngư dân. Các địa phương cần phát động một đợt thi đua học tập và làm theo điều lệ hợp tác xã.

5. Các Sở, Ty thủy sản và ban hải sản huyện, thị cần phân công một số đồng chí lãnh đạo và một số đồng chí cán bộ chuyên trách giúp ủy ban nhân dân tỉnh, huyện theo dõi chỉ đạo hướng dẫn cụ thể việc triển khai học tập và thực hiện điều lệ. Mỗi tỉnh cần kết hợp với huyện chỉ đạo triển khai cụ thể ở một số hợp tác xã để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, đồng thời từng quý có báo cáo kết quả cho ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Thủy sản.

6. Các vụ, ban, phòng trực thuộc bộ, báo hải sản, công ty thủy sản trung ương, công ty xuất khẩu thủy sản v.v... trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình có nhiệm vụ hướng dẫn giúp đỡ kiểm tra các hợp tác xã thủy sản thực hiện điều lệ này. Các trường đại học và trung học thủy sản phải đưa điều lệ hợp tác xã thủy sản vào chương trình giảng dạy.

Vụ hợp tác xã có trách nhiệm giúp bộ theo dõi, thường xuyên kiểm tra tình hình chấp hành điều lệ hợp tác xã thủy sản.

Trong quá trình thực hiện điều lệ và thông tư này có điều gì còn vướng mắc, các địa phương cần báo cáo về bộ thủy sản để kịp thời nghiên cứu hướng dẫn bổ sung thêm.

Thông tư này được phổ biến tới ủy ban nhân dân xã, phường và hợp tác xã thủy sản.

Nguyễn Tấn Trịnh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3-TS/TT-1982 thực hiện Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản do Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 3-TS/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/06/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Nguyễn Tấn Trịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 14/07/1982
  • Ngày hết hiệu lực: 11/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản