Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 29-TT/BĐ | Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 1957 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN VẬN ĐỘNG DIỆT DỐT Ở CÁC CẤP
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | - Ủy ban Hành chính các khu, |
Từ ngày thành lập Bình dân học vụ đến nay, nhất là trong năm 1956, nhiều địa phương đã thành lập các tổ chức quần chúng giúp đỡ Bình dân học vụ như: ban Bảo trợ Bình dân học vụ, ban Khuyến học, ban Thanh toán nạn mù chữ, ban Vận động Bình dân học vụ, v.v... Các ban này đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa ở các địa phương. Nhưng vì nhiệm vụ và tổ chức cũng như lề lối làm việc chưa được quy định rõ ràng, chính quyền chưa chú ý lãnh đạo, tác dụng nồng cốt của cán bộ Bình dân học vụ còn kém cho nên kết quả hoạt động của các tổ chức ấy cũng bị hạn chế nhiều.
Năm 1957, năm thứ hai của kế hoạch ba năm thanh toán nạn mù chữ, nhiệm vụ của Bình dân học vụ càng nặng nề hơn, việc vận động đông đảo nhân dân tham gia phong trào Bình dân học vụ cần được tăng cường gấp bội, cho nên trong chỉ thị số 114-TTg ngày 27 tháng 03 năm 1957 Phủ Thủ tướng có quy định: "Tùy địa phương có thể tổ chức các ban Vận động diệt dốt có các ngành và các đoàn thể liên quan, các phần tử tri thức ở nông thôn và thành thị và những người có nhiệt tình với công việc Bình dân học vụ tham gia" để giúp Chính phủ cùng tiến hành công tác xóa nạn mù chữ. Thi hành chỉ thị đó, Bộ thấy việc thành lập và củng cố các ban Vận động diệt dốt ở các địa phương hiện nay đã trở nên một vấn đề quan trọng và cần thiết. Kinh nghiệm cho biết các ban Vận động diệt dốt ở địa phương nào hoạt động thực sự thì có tác dụng lớn đến việc phát triển và duy trì phong trào Bình dân học vụ đẩy mạnh được công tác xóa nạn mù chữ trong nhân dân.
Dưới đây Bộ quy định một vài điểm để các khu, tỉnh nghiên cứu thực hiện.
Ban Vận động diệt dốt là một tổ chức quần chúng thành lập để giúp đỡ Ủy ban Hành chính lãnh đạo thực hiện kế hoạch phát triển Bình dân học vụ. Ban này có nhiệm vụ huy động phối hợp mọi khả năng diệt dốt của các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh phong trào Bình dân học vụ.
Cụ thể là:
1. – Tổ chức ban Vận động diệt dốt ở cấp nào?
Bộ thấy chỉ nên tổ chức các ban Vận động diệt dốt ở các cấp: thành phố, khu phố, tỉnh, thị xã và xã.
Ở mỗi xóm (nông thôn) và ở mỗi khối hay tiểu khu (thành thị) nên thành lập một tổ (hay phân ban) vận động diệt dốt gồm có nhiều nhóm: tuyên truyền vận động, dạy học, giữ trẻ, giúp đỡ về vật chất....
Ở cấp huyện, quân, khu và trung ương tuy không thành lập ban Vận động diệt dốt, nhưng từng thời kỳ cần thiết Bộ Giáo dục (trung ương) và Ủy ban Hành chính (ở khu, quận, huyện) sẽ tổ chức các cuộc họp liên tịch với đại biểu các ngành, các giới liên quan để bàn kế hoạch phối hợp lãnh đạo công tác Bình dân học vụ.
a) Nói chung ban Vận động diệt dốt gồm những thành phần như sau:
Đại biểu Ủy ban Hành chính.
Đại biểu cơ quan văn hóa,
Đại biểu các đoàn thể nhân dân (công đoàn, thanh niên, nông hội, phụ nữ).
Đại biểu cơ quan giáo dục (Bình dân học vụ).
Đại biểu các đoàn thể ở trong ban Vận động diệt dốt phải là những người đã được đoàn thể ấy phân công phụ trách công tác văn hóa giáo dục trong đoàn thể mình thì mới có điều kiện hoạt động cho Bình dân học vụ.
b) Ở thành phố, thị xã ngoài các đại biểu đoàn thể cần mời một số nhân sĩ, tri thức, phụ lão (kể cả lão mẫu) có nhiệt tình nhiều với bình dân học vụ tham gia ban Vận động diệt dốt thành hay thị.
c) Ở các cấp càng sát cơ sở như xã, khu phố thì thành phần càng rộng rãi, nhất là ở các đơn vị cơ sở như xóm, khối (hay tiểu khu) là đơn vị trực tiếp đi tuyên truyền vận động tổ chức việc học, việc dạy bình dân học vụ thì thành phần của tổ Vận động diệt dốt phải thật rộng rãi. Nó bao gồm tất cả những người có tinh thần sốt sắng và nhiệt tâm với Bình dân học vụ, có điều kiện hoạt động cho Bình dân học vụ, có tác dụng vận động quần chúng tham gia bình dân học vụ hoặc có khả năng giúp đỡ bình dân học vụ về mặt này hay mặt khác. Ở đây các cụ phụ lão (kể cả lão mẫu) là một lực lượng có nhiều khả năng tuyên truyền vận động, tổ chức. Tùy theo khả năng và điều kiện những thành viên đó sẽ phân công vào các nhóm để thiết thực hoạt động.
3. – Ban Vận động diệt dốt không có hệ thống dọc.
Ủy ban cấp nào quy định tổ chức lãnh đạo và kiểm soát sự hoạt động của ban ở cấp ấy.
Do tính chất quần chúng của nó, ban hay tổ Vận động diệt dốt không nhất thiết phải do đại biểu chính quyền hay đoàn thể phụ trách mà có thể do những người có điều kiện hoạt động nhiều nhất, hăng hái nhất là có tín nhiệm đối với nhân dân địa phương.
Để công việc được chạy và sát với kế hoạch thì cán bộ bình dân học vụ và đại biểu thanh niên đều ở trong bộ phận thường trực và phải đóng vai trò nòng cốt.
a) Cứ ba tháng một lần, ban Vận động diệt dốt tỉnh, thành họp để kiểm điểm, nhận định tình hình và đề ra công tác mới. Có thể có những buổi sinh hoạt bất thường do bộ phận thường trực triệu tập.
b) Hàng tháng, ban vận động diệt dốt thị xã, khu phố họp để kiểm điểm tình hình và công tác trong tháng và bàn kế hoạch thực hiện công tác tháng sau.
c) Ở xóm (khối) các tổ, các nhân viên trong ban hội ý với nhau thường xuyên để giải quyết kịp thời những khó khăn của phong trào.
Các ban Vận động diệt dốt không được thu nguyệt phí của nhân viên trong ban, tổ chức các cuộc quyên góp hoặc xin trợ cấp của Chính phủ.
Nhưng để có tiền cần thiết cho các cuộc hoạt động của mình, ban Vận động diệt dốt có thể tổ chức những ngày lao động tập thể, tổ chức những buổi dạ hội, văn công lấy tiền gây quỹ cho ban.
Ngoài ra ban vận động diệt dốt có thể nhận những tặng phẩm bằng tiền hay bằng hiện vật của các cơ quan, đoàn thể hoặc tư nhân gửi đến ủng hộ.
Tiền quỹ chỉ được sử dụng vào những việc có lợi ích chung như:
Làm phần thưởng ở các đợt thi đua trong năm;
Mua sắm học cụ, học phẩm cho các lớp học;
Giúp cán bộ, giáo viên, học viên thiếu thốn.
Các khoản chi phí đều do bộ phận thường trực quyết định theo sự đề nghị của ngành bình dân học vụ và phải được Ủy ban hành chính địa phương thông qua.
Tùy theo thành tích, các cá nhân trong ban sẽ được biểu dương trong các cuộc họp toàn ban, được Ủy ban Hành chính các cấp và các cấp giáo dục khen thưởng, được tặng huy hiệu bình dân học vụ. Những thành tích xuất sắc sẽ được đề nghị lên Chính phủ tặng thưởng.
Trên đây là một số điểm có tính chất hướng dẫn, các khu, tỉnh tùy theo tình hình cụ thể ở địa phương mà quy định cho các cấp chính quyền tổ chức và lãnh đạo, Bộ chỉ cần lưu ý các địa phương nhận rõ mục đích cho việc thành lập Ban Vận động diệt dốt là để tăng cường việc lãnh đạo, phối hợp tổ chức và động viên rộng rãi các lực lượng xã hội và các đoàn thể nhân dân giúp đỡ Ủy ban hành chính các cấp đẩy mạnh công tác bình dân học vụ, hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ xóa nạn mù chữ ở miền Bắc theo kế hoạch của Nhà nước, cho nên:
1) Xã nào chưa xóa xong nạn mù chữ mà chưa có một tổ chức quần chúng nào để làm nhiệm vụ của Ban Vận động diệt dốt thì cần thành lập ngay ban Vận động diệt dốt và giúp đỡ, tạo điều kiện cho Ban ấy hoạt động thực sự.
2) Xã nào, huyện nào, đã thành lập ban Vận động diệt dốt hoặc đã thành lập một tổ chức khác có nhiệm vụ tương tự thì cứ để nguyên nhưng phải củng cố tổ chức ấy lần theo hướng trên và giúp đỡ hướng dẫn cho tổ chức ấy thực sự hoạt động.
3) Các cấp cần chú ý tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ, động viên khen thưởng kịp thời và rộng rãi để hoạt động của các ban Vận động diệt dốt càng ngày càng vào nề nếp và đem lại kết quả cụ thể.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
Thông tư 29-TT/BĐ năm 1957 về việc thành lập Ban vận động diệt dốt ở các cấp do Bộ Giáo dục ban hành
- Số hiệu: 29-TT/BĐ
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 05/08/1957
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
- Người ký: Nguyễn Văn Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 40
- Ngày hiệu lực: 20/08/1957
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra