BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2891/TT-KCM | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1996 |
Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam và đã được Tổ chức Văn hoá - Khoa học - Giáo dục (UNESCO) của Liên hiệp quốc công nhận là di sản tự nhiên thế giới, đang gia tăng mạnh về dân số, phát triển nhanh về công nghiệp, xây dựng đô thị, giao thông, du lịch và khai thác khoáng sản, hải sản.
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993; Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Điều 3, Quyết định số 483/TTg ngày 25 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Cảng Cái Lân;
Căn cứ Quyết định ngày 17 tháng 12 năm 1994 của UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là di sản tự nhiên thế giới.
Sau khi thống nhất với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, các cơ quan liên quan Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng hướng dẫn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long như sau:
1. Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được quy định trong Thông tư này là những hoạt động giữ cho môi trường vùng Vịnh trong lành, sạch đẹp, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, di tích lịch sử văn hoá, ngăn ngừa ô nhiễm, khai thác và sử dụng bền vững các tiềm năng đa dạng của Vịnh Hạ Long.
2. Vịnh Hạ Long trong Thông tư này bao gồm khu bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và phụ cận:
2.1. Khu bảo vệ tuyệt đối là khu vực được UNESCO và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoanh vùng, được xác định bởi ba điểm thuộc Đảo Cống Tây, Đảo Cầu Gỗ và hồ Ba Hàm.
2.2. Vùng đệm là dải bao quanh khu bảo vệ tuyệt đối, theo hướng Tây Tây Bắc được xác định bởi phía bờ vịnh dọc theo Quốc lộ 18A, kể từ kho xăng dầu B12 (Cái Dăm - Bãi Cháy) đến cây số 11 (thị xã Cẩm Phả). Chiều rộng khu đệm từ 5-7 km tính từ đường bảo vệ tuyệt đối ra biển có phạm vi xê dịch từ 1-2 km; Phía Bắc giáp Hòn Buồm, suối nước nóng; Phía Tây là một phần phạm vi Vịnh Hạ Long được xác định 107o11'30'' kinh độ đông; Phía Tây Nam tiếp giáp Hòn Quai Xanh; Phía Nam được xác định bởi 204o vĩ độ bắc; Phía Đông giáp Đảo Phượng Hoàng; Phía Đông Bắc giáp Đảo Vạn Đuối; Phía Đông - Đông Nam giáp Hòn Nất Đất.
2.3. Vùng phụ cận là vùng biển hoặc đất liền bao quanh khu đệm, kể cả vùng biên giáp ranh với Vườn Quốc gia Cát Bà.
3. Môi trường Vịnh Hạ Long được bảo vệ trong Thông tư này bao gồm vùng biển, không gian trên biển, đất liền ven biển, đảo, trầm tích đại dương, các hệ sinh thái, động thực vật trên cạn và dưới biển, di tích lịch sử, kiến trúc, cảnh quan tự nhiên thuộc khu bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và vùng phụ cận.
4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động giao thông, du lịch, xây dựng, khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và những hoạt động khác diễn ra trong phạm vi Vịnh Hạ Long phải tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường được quy định trong Thông tư này.
5. Các cơ quan quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm, tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
A. KHU BẢO VỆ TUYỆT ĐỐI:
6. Cấm các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá cây cối, săn bắt động vật trên các đảo, hang động, làm thay đổi cảnh quan tự nhiên.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối các hang động, không phá đảo, núi, nhũ đá, san hô, viết, khắc, vẽ, xây bậc, xây kè, đặt tượng, bàn thờ, xả rác bừa bãi làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của các hang động; không chôn cất, mai táng trên các đảo.
7. Tổ chức, cá nhân đánh bắt, nuối trồng thuỷ sản phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản và được phép của cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường.
8. Khách du lịch và chủ các tàu thuyền không thải chất thải, nước thải xuống khu di sản tự nhiên thế giới, chất thải phải được thu gom trên tàu thuyền và đưa vào đất liệu để xử lý. Các hoạt động du lịch, dự án khai thác du lịch phải được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
9. Tổ chức, cá nhân không tự ý xây dựng các công trình giao thông: trạm chuyển tiếp, bãi neo đậu thường xuyên..., công trình phục vụ cho sinh hoạt, vui chơi, giải trí... trong khu bảo vệ tuyệt đối. Các công trình không còn giá trị sử dụng, công trình đang hoạt động làm mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường phải được thu dọn, dỡ bỏ, khôi phục lại cảnh quan môi trường.
Việc tôn tạo hang động, cảnh quan, xây dựng các công trình phục vụ cho việc quản lý, kiểm soát các hoạt động trong khu vực bảo vệ tuyệt đối phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các bãi neo đậu tàu thuyền phục vụ du lịch, tham quan hang động và Vịnh Hạ Long phải đảm bảo vệ sinh môi trường, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Bãi neo đậu các thuyền đánh cá của ngư dân phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định, tổ chức quản lý.
Các chủ phương tiện phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác, thải trước khi rời neo đậu.
10. Các phương tiện giao thông trên biển và trên không qua lại khu bảo vệ tuyệt đối phải có các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm môi trường như: két chứa nước thải, thùng chữa rác thải, bình chứa dầu rò rỉ..., đảm bảo các thiết bị, phương tiện khắc phục sự cố môi trường, không xả chất thải, nước thải xuống khu bảo vệ môi trường.
11. Các phương tiện giao thông qua lại khu bảo vệ tuyệt đối phải tuân theo các quy định của pháp luật về hàng hải và được phép của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trong trường hợp đặc biệt như tránh báo... các tàu thuyền được phép neo đậu trong khu bảo vệ tuyệt đối theo đúng nơi quy định, phải đảm bảo an toàn kỹ thuật và các biện pháp phòng tránh bão, tai nạn, ứng cứu khi xảy ra sự cố môi trường.
B. VÙNG ĐỆM VÀ VÙNG PHỤ CẬN:
12. Các hoạt động giao thông trong vùng đệm và phụ cận phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về hàng hải, bảo dảm các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Các tàu thuyền phải neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi neo đậu.
13. Các loại rác thải kim loại, thuỷ tinh, ni lông (plastic) từ hoạt động du lịch, giao thông phải được thu gom, vận chuyển vào đất liền để xử lý. Đối với nước thải từ các tàu thuyền chỉ được phép thải xuống vùng đệm và phụ cận khi đã xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
14. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các dự án mới và mở rộng phải được quy hoạch và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy về bảo vệ môi trường có liên quan.
15. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có công nghệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải ra vùng đệm và phụ cận. Đối với chất thải rắn phải thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
16. Các khu rừng, rừng ngập mặn trong khu đệm và phụ cận phải được quy hoạch và bảo vệ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Việc tái tạo, khai thác rừng phải theo đúng kỹ thuật và phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
17. Các dự án, cơ sở khai thác mỏ, chế biến, vận chuyển, kho bãi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường có liên quan.
Nước thải từ khai thác mỏ và trong quá trình tuyển than phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải ra vùng đệm và vùng phụ cận. Chất thải rắn như đất, đá, bùn... phải được thu gom, đổ thải tại các bãi thải. Bãi thải phải được quy hoạch, xây dựng theo thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; không gây ảnh hưởng đến môi trường không khí, nước ngầm, nước mặt của khu vực.
Việc bắn nổ mìn trong khai thác khoáng sản phải theo đúng các yêu cầu kỹ thuật, không làm ô nhiễm không khí, không gây tiếng ồn có âm lượng quá lớn ảnh hưởng đến môi trường của các hệ sinh thái động thực vật quanh vùng khai thác.
Các cơ sở khai thác khoáng sản có trách nhiệm và phương án để khôi phục lại cảnh quan môi trường do quá trình bóc đất đá, lấp các hầm lò, khai thác khoáng sản làm thay đổi cảnh quan môi trường xung quanh.
18. Việc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không khai thác bừa bãi hoặc dùng các phương tiện, công cụ đánh bắt huỷ diệt hàng loạt.
Vùng đánh bắt, nuôi trồng theo quy hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
19. Các thành phố, thị trấn trong vùng đệm và vùng phụ cận phải xây dựng theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc quy hoạch, mở rộng của các thành phố, thị trấn phải tuân theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan của vùng vịnh.
Rác thải của các thành phố, thị trấn phải được thu gom về các bãi rác thải để xử lý. Các bãi rác thải, bãi chôn lấp rác thải phải được quy hoạch và thiết kế xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; không thải, đổ rác thải xuống biển. Thành phố Hạ Long cần quy hoạch hệ thống nước thải và có biện pháp xử lý trước khi thải ra vùng đệm và vùng phụ cận.
Việc đổ đất đá, đắp, kè ven bờ biển để xây dựng nhà ở, khách sạn, hoặc các công trình khác phải tuân theo quy hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
20. Các công trình xây dựng trong vùng đệm và vùng phụ cận phải tuân theo quy hoạch và thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy về bảo vệ môi trường có liên quan.
21. Các công trình trong vùng đệm và vùng phụ cận phải được thiết kế và xây dựng sao cho giảm đến mức tối đa sự biến đổi cảnh quan môi trường, đặc biệt ở những vùng nhạy cảm môi trường. Sau khi đã hoàn thành việc xây dựng, chủ công trình phải thu dọn vật liệu xây dựng, không thải, đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
22. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long phải có biện pháp xử lý trong một thời gian nhất định theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nếu quá thời hạn quy định mà cơ sở không có biện pháp xử lý đạt yêu cầu thì bị kiến nghị đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc buộc dỡ bỏ.
23. Xây dựng chế độ quản lý, cơ sở dịch vụ thu gom rác thải, xử lý nước lẫn dầu trong quá trình hoạt động của các tàu thuyền ra vào cảng.
Xây dựng phương án và trang thiết bị ứng cứu sự cố môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, quy chế quản lý ở các cảng dầu, cảng than, cảng cá và Cảng Cái Lân.
III. THANH TRA, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐÓNG GÓP TÀI CHÍNH
24. Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường có quyền thanh tra các hoạt động trong khu di sản tự nhiên thế giới, khu đệm và phụ cận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan. 25. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo quy định của Nghị định 26/CP của Chính phủ ngày 26/4/1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác.
26. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát hiện, khắc phục sự cố môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường trong Vịnh Hạ Long thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
27. Tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại, gây tổn hại đến môi trường Vịnh Hạ Long thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
28. Tổ chức, cá nhân gây tổn hại cho môi trường Vịnh Hạ Long phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và phải trả chi phí cho việc khắc phục sự cố môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, chi trả cho việc thu dọn các công trình không còn giá trị sử dụng trong vùng đệm và vùng phụ cận.
29. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí bảo vệ môi trường khi có các hoạt động trong Vịnh Hạ Long. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tạm thời quy định mức thu phí bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long (trong khi chờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành phí bảo vệ môi trường).
30. Tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản... trong Vịnh Hạ Long phải được phép của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
31. Các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai các hoạt động trong khu bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và phụ cận phải duy trì đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, mối liên hệ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương để hạn chế đến mức nhỏ nhất thiệt hại có thể xảy ra do sự cố môi trường.
32. Khi xảy ra sự cố gây tổn hại lớn đến môi trường, các tổ chức, cá nhân có mặt trên hiện trường phải khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng cứu cần thiết, đồng thời báo ngay cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan hữu quan khác.
33. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Ninh kết hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên giám sát, kiểm soát môi trường Vịnh Hạ Long, lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm của Vịnh Hạ Long trình Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị liên quan của thành phố Hạ Long, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, các đơn vị hữu quan của thành phố Hải Phòng, Ban quản lý vườn quốc gia Cát Bà phối hợp tổ chức quản lý và lập các phương án ứng cứu sự cố môi trường. Các phương án này sau khi được phê duyệt phải được tổ chức luyện tập.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Ninh kết hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng kế hoạch bảo vệ, tôn tạo Vịnh Hạ Long, thu thập số liệu đánh giá tiềm năng và giá trị các hệ sinh thái, tài nguyên, giá trị lịch sử văn hoá Vịnh Hạ Long.
Ban quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, quản lý bến bãi neo đậu tàu thuyền, thu gom chất thải, vạch ranh giới, bảo vệ khu di sản tự nhiên thế giới, tuyến giao thông.
34. Cục Môi trường, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị hữu quan của thành phố Hạ Long, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố Hải Phòng, các đơn vị liên quan của thành phố Hải Phòng, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện Thông tư này.
35. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để giải quyết.
36. Thông tư này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Chu Tuấn Nhạ (Đã ký) |
- 1Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 2Nghị định 175-CP năm 1994 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
- 3Nghị định 26-CP năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
- 4Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT về quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT/SĐ 2:2016 về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa
Thông tư 2891/TT-KCM-1996 hướng dẫn bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành
- Số hiệu: 2891/TT-KCM
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 19/12/1996
- Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Người ký: Chu Tuấn Nhạ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/01/1997
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực