Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27-TT/LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ TIỀN THUỐC Ở BỆNH VIỆN

Gần đây có nhiều bệnh viện kêu ca thiếu thuốc vì thiếu kinh phí hoặc vì tiêu chuẩn thuốc thấp quá, nên không bảo đảm được việc chữa bệnh.

Liên bộ có cử cán bộ đi nghiên cứu ở một số cơ sở thì thấy được tình hình cụ thể như sau:

- Thuốc đang cần để chữa bệnh thì có thiếu, nhưng trong lúc đó thì các thứ thuốc khác còn đọng nhiều trong kho. Nhiều thứ có thể thay thế cho nhau, nhưng bệnh viện không tích cực sử dụng mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn. Ý thức muốn dùng những biệt dược còn khá phổ biến. Có những thứ thông thường thì nằm đọng ở kho lâu ngày, nên một số đã bị kém phẩm chất hoặc hư hỏng.

- Quỹ tạm ứng có nơi cấp vượt gấp 2 ,3 lần mức đã quy định trong thông tư Liên bộ số 33-TCYT ngày 11-12-1957, nhưng có bệnh viện chưa tích cực thủ viện phí, nên không đủ tiền để mua thuốc, rồi kê ca Tài chính cấp thiếu.

- Nhưng cũng có nơi cấp kinh phí thiếu hoặc đóng khung cứng nhắc trong tiêu chuẩn (0đ60 hoặc 0đ80 một giường bệnh một ngày) mà không xét đến tình hình thực tế của bệnh viện từ chỗ là một bệnh viện loại thấp đã phát triển lên có nhiều khoa, phòng chuyên môn.

Việc quản lý tiền thuốc nhiều nơi chưa chú ý đúng mức, tình hình sử dụng thuốc ở giường bệnh hoặc ở các khoa, phòng, tình hình thuốc tồn kho, v.v… nói chung không nắm được một cách chính xác.

Tình trạng ấy đã gây trở ngại cho việc phục vụ bệnh nhân và cũng có thể gây lãng phí, tham ô, ảnh hưởng tai hại cho công quỹ.

Để chấm dứt tình trạng trên, Liên bộ đề nghị các tỉnh:

1. VỀ MẶT CẤP PHÁT

Cấp quỹ tạm ứng cho bệnh viện (hoặc bệnh xá) theo đúng quy định của thông tư Liên bộ số 33-TCYT nói trên để mua thuốc sử dụng cho bệnh nhân và thu tiền lại theo thông tư Liên bộ số 49-TTLB ngày 11-11-1957 ban hành chế độ thu viện phí.

- Ngoài quỹ tạm ứng ra, nếu bệnh viện có các khoa như: điện quang, phẩu thuật, nha khoa hoặc các phòng như phòng khám bệnh phát thuốc, phòng xét nghiệm, đỡ đẻ, v.v… thì tiền thuốc cho các khoa, phòng này Tài chính cấp hàng tháng vào kinh phí sự nghiệp (mục nghiệp vụ phí).

Đối với các khoa, phòng này, hiện chưa quy định được tiêu chuẩn tiền thuốc (trừ phòng khám bệnh, phát thuốc), nên khi lập dự toán hay quyết toán, bệnh viện cần phân tích tiền thuốc của từng khoa, phòng, kèm theo các liệu và kế hoạch hoặc kết quả công tác (số người được khám, được chữa, v.v…) và cần so sánh với các tháng trước mà giải thích trường hợp tăng hay giảm. Ngoài ra, Tài chính nên cử cán bộ thẩm kê tại chỗ để có cơ sở cấp phát được sát.

2. VỀ MẶT QUẢN LÝ

Các bệnh viện hoặc bệnh xá phải:

- Tích cực chỉnh đốn tổ chức thu viện phí (nghiên cứu các thông tư của Bộ Y tế số 1328-BYT ngày 28-2-1958 và số 3465-BYT ngày 21-5-1958 phổ biến kinh nghiệm thu viện phí).

- Kiện toàn kế toán dược – Từ kho thuốc của bệnh viện đến các khoa, phòng, các giường bệnh phải có một hệ thống kế toán, thống kê theo dõi như thông tư của Bộ Y tế số 3465-BYT nói trên đã nêu.

- Tích cực sử dụng thuốc tồn kho, dùng những thứ thuốc có thể thay thế cho nhau theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. XÁC ĐỊNH TIÊU CHUẨN

Do một quá trình thống kê theo dõi chi tiêu về thuốc ở từng khoa, phòng, kết hợp với việc tăng cường công tác quản lý, tăng cường ý thức tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, các địa phương (Tài chính, Y tế, và bệnh viện, bệnh xá) cần đi đến chỗ xác định lại các tiêu chuẩn hay định mức chi tiêu về thuốc ở bệnh viện, bệnh xá.

Nếu cần thay đổi, sẽ báo cáo cụ thể về Liên bộ để quyết định, nhưng trong khi chờ đợi ý kiến của Liên bộ, nếu xét thấy cấp thiết, Uỷ ban Hành chính tỉnh, thành phố hay Khu tự trị có thể quyết định biện pháp giải quyết tạm thời.

*

* *

Khoản chi về thuốc là một khoản chi hết sức quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp phí của một cơ sở điều trị.

Liên bộ đề nghị các Uỷ ban Hành chính tỉnh, thành phố, Khu Tự trị nghiên cứu kỹ thông tư này và lãnh đạo thi hành cho có kết quả tốt. Nếu có khó khăn gì, xin phản ảnh ngay về Liên bộ để có ý kiến giải quyết.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




B.S. Tôn Thất Tùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 27-TT/LB năm 1959 quản lý tiền thuốc ở bệnh viện do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 27-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/10/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Tôn Thất Tùng
  • Ngày công báo: 02/12/1959
  • Số công báo: Số 46
  • Ngày hiệu lực: 23/10/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản