Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 27-NV | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1969 |
HƯỚNG DẪN VIỆC BẢO QUẢN MỘ LIỆT SĨ MỚI VÀ XÂY DỰNG NGHĨA TRANG LIỆT SĨ
Chủ trương của Đảng và Chính phủ đối với mộ liệt sĩ là phải giữ gìn chu đáo, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ đẹp đẽ trang nghiêm, xứng đáng là những di tích lịch sử, tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta.
Đối với các liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp trước đây, các địa phương đã tiến hành quy tập phần mộ và xây dựng xong các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng hiện nay còn có một số nghĩa trang xây dựng chưa đạt yêu cầu, chưa trồng cây trồng hoa, cần được sửa sang thêm cho tốt.
Đối với các liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ hiện nay, các đơn vị, các ngành, các địa phương đã tổ chức việc chôn cất chu đáo, nhưng vì mộ liệt sĩ để rải rác nhiều nơi, chưa bàn giao hết cho chính quyền địa phương trông nom, săn sóc, nên việc giữ gìn phần mộ liệt sĩ còn có thiếu sót.
Trong thời gian tới, các Ủy ban hành chính cần làm tốt một số công việc sau đây nhằm thõa mãn nguyện vọng và tình cảm của gia đình liệt sĩ và nhân dân, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân ta đối với các liệt sĩ.
I. CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT
Chủ trương của Bộ đối với mộ liệt sĩ là: Liệt sĩ mới hy sinh tại địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm giữ gìn phần mộ và đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ, không di chuyển về quê quán.
Để thực hiện chủ trương trên, các Ủy ban hành chính cần tiến hành theo hai bước:
1. Phát hiện và nắm cho được hết danh sách và sơ đồ mộ chí của các liệt sĩ (kể cả những người bị tai nạn chiến tranh đang được xét để xác nhận liệt sĩ), đồng thời tổ chức giữ gìn chu đáo, không để mộ bị hư hại, mất mát.
2. Chuẩn bị kế hoạch cất bốc, quy tập và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ ở những nơi có điều kiện.
1. Tiếp nhận, bàn giao và bảo quản phần mộ.
Trách nhiệm của các ngành:
Các đơn vị quân đội, công an nhân dân vũ trang, các ngành, các đoàn thể có người hy sinh được xác nhận là liệt sĩ cần soát lại tất cả các mộ liệt sĩ là người của đơn vị mình, ngành mình và bàn giao sớm cho các Ủy ban hành chính địa phương bảo quản (kể cả những mộ đang tiến hành xác nhận), Cụ thể là:
- Cung cấp đầy đủ danh sách và sơ đồ mộ chí của các khu mộ và các mộ cho Ủy ban hành chính tỉnh thành phố;
- Bàn giao trực tiếp từng mộ cụ thể cho Ủy ban hành chính xã. Đối với những mộ ở xa chỗ ở của dân thì cơ quan, đơn vị cần sửa sang hoặc dời về gần chỗ ở của dân trước khi bàn giao cho Ủy ban hành chính xã.
Ở những nơi có ít mộ thì cơ quan, đơn vị bàn giao trước với Ủy ban hành chính xã rồi báo cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố biết; ở những nơi các nhiều mộ thì bàn giao trước với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố rồi mới bàn giao cụ thể cho Ủy ban hành chính xã.
Sau khi đã bàn giao cho địa phương rồi, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục theo dõi cho đến khi các mộ đó được quy tập và các nghĩa trang liệt sĩ.
Trách nhiệm của các địa phương:
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần huớng dẫn các Ủy ban hành chính huyện, xã làm tốt những việc sau đây:
a) Nắm toàn bộ số mộ liệt sĩ để ở địa phương mình: ngoài số mộ liệt sĩ đã được bàn giao, cần đi sâu phát hiện những mộ của các liệt sĩ khác mà mình biết và lên danh sách liệt sĩ cụ thể, đầy đủ. Trong danh sách cần ghi rõ: họ, tên, quên quán, cơ quan, đơn vị của người hy sinh, ngày, tháng, năm hy sinh, địa điểm mai táng...; nếu là một khu mộ thì trên danh sách phải ghi rõ số thứ tự từng ngôi mộ tương ứng với số thứ tự của ngôi mộ đó ghi trong sơ đồ đã được bàn giao (cố gắng làm xong danh sách này càng sớm càng tốt, chậm lắm vào giữa năm 1970).
b) Giữ gìn chu đáo các mộ liệt sĩ: mộ nào đã có mộ chí thì bảo quản cẩn thận, nếu hỏng thì phải sửa chửa ngay hoặc thay thế bằng mộ chí mới chắc chắn, chữ khắc rõ ràng.
Đối với ngôi mộ nào bị mất mộ chí hoặc chưa có mộ chí thì phải sưu tầm tài liệu để dựng lại mộ chí. Phải hết sức tránh tình trạng do thiếu bảo quản chu đáo để mộ liệt sĩ có tên tuổi trở thành mộ liệt sĩ vô danh.
2. Cất bốc, quy tập và xây dựng nghĩa trang.
- Ở những khu vực có ít mộ liệt sĩ, khi mộ đã đến thời kỳ cất táng: nơi nào có nghĩa trang liệt sĩ cũ còn rộng hoặc có thể mở rộng thì quy tập vào nghĩ trang gần nhất; nơi nào không có nghĩa trang liệt sĩ cũ hoặc nghĩa trang liệt sĩ cũ không có điều kiện mở rộng thì quy tập vào một khu vực đã được chọn trước có diện tích cần thiết để xây dựng nghĩa trang mới (chú ý không chọn khu vực sát đường cái lớn).
- Ở những vùng trước đây địch đánh phá ác liệt, có nhiều mộ liệt sĩ, thì Ủy ban hành chính địa phương cần có hướng quy tập để xây dựng thành nghĩa trang liệt sĩ lớn, tiêu biểu của địa phương. Trước khi quy tập, các địa phương phải nghiên cứu kỹ, có quy hoạch cụ thể và báo cáo về Bộ để Bộ góp ý kiến. Mặt khác, phải chuẩn bị đầy đủ những phương tiện cần thiết để trong vài năm tới tiến hành việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ mới (bảo đảm yêu cầu đẹp đẽ, trang nghiêm, có trồng cây trồng hoa xanh tốt).
- Ở những địa điểm quan trọng (bến phà, trạm giao thông...) có nhiều người bị hy sinh trong một lúc thì ngoài việc xây dựng nghĩa trang, cần nghiên cứu xây dựng các bia kỷ niệm.
- Đối với các mộ của quân nhân từ trần, cán bộ từ trần (chết vì tai nạn chiến tranh hoặc vì đau ốm...) thì không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, mà chỉ quy tập vào khu vực riêng để tiện việc trông nom.
Theo chủ trương của Bộ, liệt sĩ hy sinh ở nơi nào thì Ủy ban hành chính nơi đó có trách nhiệm trông nom, cất bốc và đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.
Vì vậy, nếu có gia đình nào yêu cầu bốc mộ chồng, con mình về quê quán thì các địa phương cần giải thích cho gia đình đó hiểu rõ chủ trương trên. Nếu thân nhân liệt sĩ muốn đi thăm mộ chồng, con ở nơi xa mà xét thấy không có gì trở ngại thì giúp đỡ, tạo điều kiện cho gia đình đi thăm và báo cáo cho địa phương nơi gia đình đến thăm biết trước để việc đón tiếp được tốt và chu đáo (khi cần thiết, vận dụng Nghị định số 14-CP ngày 02/02/1962 để trợ cấp cho những gia đình gặp khó khăn, giúp đỡ gia đình một phần chi phí trong việc đi thăm viếng).
Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần có kế hoạch tổ chức thực hiện Thông tư này cho tốt. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn, Ủy ban cần phản ánh về Bộ để Bộ góp ý kiến giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Nghị định 14-CP năm 1962 về việc trợ cấp cho gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích gặp khó khăn trong đời sống do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 01-NV-1974 hướng dẫn việc tổ chức chôn cất, quản lý hồ sơ, di sản và mồ mả của cán bộ, đồng bào miền Nam chết ở trên miền Bắc do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông Tư 10-TBXH-1976 hướng dẫn thi hành Quyết định 60-CP-1976 về việc xây dựng nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ do Bộ Lao Thương Binh Xã Hội ban hành
- 1Nghị định 14-CP năm 1962 về việc trợ cấp cho gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích gặp khó khăn trong đời sống do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 01-NV-1974 hướng dẫn việc tổ chức chôn cất, quản lý hồ sơ, di sản và mồ mả của cán bộ, đồng bào miền Nam chết ở trên miền Bắc do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông Tư 10-TBXH-1976 hướng dẫn thi hành Quyết định 60-CP-1976 về việc xây dựng nghĩa trang và bia ghi công liệt sĩ do Bộ Lao Thương Binh Xã Hội ban hành
Thông tư 27-NV-1969 hướng dẫn việc bảo quản mộ liệt sĩ mới và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 27-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/10/1969
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Đình Thiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra