Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-NV

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 1974

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC CHÔN CẤT, QUẢN LÝ HỒ SƠ, DI SẢN VÀ MỒ MẢ CỦA CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO MIỀN NAM CHẾT Ở TRÊN MIỀN BẮC

Theo chỉ thị số 1000-TTg ngày 09-05-1956 của Thủ tướng Chính phủ thì cán bộ đồng bào miền Nam chết ở trên miền Bắc phải được chôn cất chu đáo, mồ mã phải được xây đắp và bảo quản. Tài sản của người chết còn để lại phải được xử lý đúng chính sách và tổ chức bảo quản tốt để giao trả cho gia đình khi có điều kiện.

Thi hành chỉ thị trên, từ trước đến nay, các cơ quan có trách nhiệm (Uỷ ban Thống nhất, Bộ Nội vụ) đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể.

Để thuận tiện cho việc tra cứu và thi hành, Bộ Nội vụ tổng hợp lại những điều đã được quy định trước đây, đồng thời có hướng dẫn, bổ sung thêm một số điểm cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tế.

I. TRỢ CẤP CHÔN CẤT

Cán bộ, đồng bào miền Nam chết ở trên miền Bắc được trợ cấp như sau:

1. Cán bộ, công nhân, nhân viên là người miền Nam ở trong biên chế Nhà nước, khi chết được cấp chôn cất theo chế độ bảo hiễm xã hội hiện hành (trợ cấp chôn cất là 150 đồng).

2. Đồng bào tập kết ra Bắc, hoặc ra Bắc sau ngày hòa bình lập lại (từ năm 1954 trở đi), quân nhân phục vụ, cán bộ, công nhân , nhân viên là người miền Nam đã ra ngoài biên chế Nhà nước, người miền Nam hưởng chế độ an dưỡng phân tán hoặc tập trung, học sinh miền Nam không có bố mẹ ở miền Bắc kể cả các cháu còn bé, chưa đến tuổi đi học, khi chết được trợ cấp chôn cất để chi phí các khoản cần thiết như : áo quan, vải liệm, hương, nến, hoa, thuê xe tang, chụp ảnh, xây mộ, dựng bia v.v....

Các khoản chi phí trên được thanh toán theo thực chi, nhưng tối đa không quá 150 đồng và do quỹ cứu tế xã hội của địa phương đài thọ.

3. Những người sau đây không thuộc đối tượng trợ cấp chôn cất:

- Đồng bào miền Nam ra Bắc làm ăn trước ngày hoà bình lập lại ( từ tháng 8- 1954 trở về trước);

- Con của cán bộ, đồng bào miền Nam hy sinh đẻ tại miền Bắc;

- Người miền Bắc vào Nam làm ăn, sau khi hoà bình lập lại được trở về miền Bắc.

II. TỔ CHỨC CHÔN CẤT, XÂY ĐẮP, TU SỬA MỒ MẢ QUẢN LÝ HỒ SƠ TỬ VONG

1. Việc chôn cất:

Cán bộ, đồng bào miền Nam thuộc cơ quan, địa phương nào quản lý, khi chết cơ quan, địa phương đó chịu trách nhiệm tổ chức chôn cất và thi hành các chế độ.

Trường hợp người chết ở bệnh viện mà chưa rõ thuộc cơ quan, địa phương nào quản lý thì bệnh viện có trách nhiệm tổ chức chôn cất theo chế độ quy định ở điểm 2, mục I như trên.

Các cơ quan trung ương kể cả các đơn vị trực thuộc, khi có người miền Nam chết, sau khi chôn cất xong phải bàn giao mồ mả lại cho địa phương quản lý.

Ty, Sở thương binh và xã hội là cơ quan quản lý theo dõi có nhiệm vụ giúp Ủy ban Hành chính tỉnh, thành về việc tổ chức bảo quản mồ mả người miền Nam ở tại địa phương.

Trong phạm vi địa phương, tuỳ từng nơi có nhiều người miền Nam ở tập trung, Ủy ban Hành chính tỉnh, thành xét lập nghĩa trang riêng cho người miền Nam. Nếu chưa lập nghĩa trang riêng thì có thể sử dụng nghĩa trang chung của địa phương, nhưng nên dành một khu vực riêng để chôn cất người miền Nam.

Mồ mả ở tản mạn cần được chuyển vào nghĩa trang của người miền Nam hoặc một địa điểm thuận tiện cho việc bảo quản.

Kinh phí xây đắp, tu sửa mồ mả, xây dựng nghĩa trang do quỹ cứu tế của địa phương đài thọ.

2. Hồ sơ tử vong:

Đối với đồng bào, cán bộ miền Nam không có thân nhân ở miền Bắc (thân nhân gần nhất: vợ hoặc chồng, con đẻ, bố mẹ đẻ). Khi chết, cơ quan, địa phương nơi trực tiếp quản lý người ấy phải lập hồ sơ tử vong gồm có:

- 1 giấy báo tử ghi rõ ngày, tháng và lý do chết,

- 1 bản tóm tắt lý lịch,

- 1 bản kiểm kê tài sản,

- 1 biên bản giao tài sản, vật lưu niệm cho cơ quan quản lý hoặc cho thân nhân được thừa hưởng.

- 1 bản sơ đồ mộ hoặc thẻ mộ,

- 1 quyết định trợ cấp tuất ( nếu có)

Trường hợp chết không bình thường như: bị tai nạn, tự sát v.v... ngoài giấy tờ trên, cần phải có thêm hồ sơ liên quan như : biên bản khám nghiệm, ý kiến kết luận của cơ quan chuyên môn (y tế, công an).

Hồ sơ tử vong lập thành 3 bản :

- 1 bản cho Bộ Nội vụ,

- 1 bản cho Sở, Ty thương binh và xã hội nơi bảo quản mộ của người chết,

- 1 bản cho cơ quan quản lý người ấy khi còn sống.

III. TÀI SẢN, VẬT LƯU NIỆM

Tài sản của người miền Nam chết phải được giải quyết chu đáo theo nguyên tắc như sau :

1. Người chết có thân nhân ở miền Bắc thì tài sản còn để lại do thân nhân gần nhất được quyền thừa hưởng như : vợ hoặc chồng, con đẻ, bố mẹ đẻ.

Nếu người được thừa hưởng là con đẻ chưa đến tuổi trưởng thành ( dưới 16 tuổi) hoặc người mất trí thì cơ quan, địa phương lập hồ sơ bàn giao tài sản cho Sở, Ty thương binh và xã hội nơi đó để chuyển cho Bộ Nội vụ quản lý và sẽ giao cho gia đình khi có điều kiện.

Trường hợp người chết chỉ có thân nhân là anh, chị, em ruột ở miền Bắc , nếu có cơ sở xác nhận thân nhân ở miền Nam không còn ai thì cơ quan, địa phương xét cho anh, chị, em ruột hiện có ở miền Bắc được nhận tài sản của người chết còn để lại sau khi được sự đồng ý của Bộ Nội vụ.

2. Đối với người miền Nam không có thân nhân gần nhất ở miền Bắc như:vợ hoặc chồng, con đẻ, bố mẹ đẻ, khi chết, cơ quan, địa phương cần lập ban kiểm kê tài sản gồm có : đại biểu của cơ quan, địa phương trực tiếp quản lý người chết làm trưởng ban. Các uỷ viên là đại biểu của các tổ chức quần chúng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ, tuỳ hoàn cảnh cụ thể) và đại biểu của đồng hương hoặc người có quan hệ bà con với người chết (nếu có).

Thành phần ban kiểm kê tài sản có từ 3 đến 5 người (tuỳ yêu cầu do thủ trưởng cơ quan, địa phương quyết định).

Ban kiểm kê có nhiệm vụ giúp cơ quan, địa phương kiểm kê tài sản của người chết và có kế hoạch bảo quản số tài sản đó cho đến khi được giải quyết xong.

Tài sản của người chết chia thành 2 loại:

a) Tài sản không để lâu dài được như: quần áo, chăn màn, đồng hồ, xe đạp, dụng cụ gia đình v.v..thì bán cho Công ty phế phẩm hoặc bán theo hình thức hóa giá;

b) Tài sản khác như: vàng thật, bạc thật và những vật có tính chất lưu niệm như : bằng khen, huân chương, huy chương, ảnh, sổ nhật ký v.v.... thì giữ lại.

Vàng thật, bạc thật và những vật lưu niệm trên cùng với tiền bán di sản và tiền trợ cấp tuất một lần lúc đầu (nếu có) phải bàn giao cho Ty, Sở thương binh và xã hội trong thời hạn không quá 1 tháng kể từ ngày chết.

Trong vòng một tháng kể từ ngày nhận bàn giao, Ty, Sở thương binh và xã hội phải chuyển số vàng, bạc và lưu niệm đó về Bộ Nội vụ quản lý kèm theo hồ sơ tử vong.

( Trợ cấp tuất một lần áp dụng theo điểm 2, thông tư số 8-NV ngày 03-03-1964 của Bộ Nội vụ. Cụ thể là: đối với công nhân, viên chức chết không có thân nhân ở miền Bắc, nhưng xét thấy có thân nhân hiện đang ở miền Nam thì chỉ trợ cấp một lần lúc đầu bằng hai tháng lương kể cả phụ cấp).

Khi bàn giao tiền và di sản cần có biên bản đầy đủ. Đặc biệt, vàng thật, bạc thật phải có bản kiểm kê riêng ghi rõ chức danh, hình dáng, trọng lượng , phẩm chất của từng hiện vật. Ví dụ:

- 1 vàng lá có trọng lượng 1 lạng 2 đồng cân, loại vàng 10.

- 1 nhẫn vàng chạm nỗi “S” 0 lạng 4 đồng cân, loại vàng 8.

- 1 dây chuyền vàng 0 lạng 5 đồng cân, loại vàng 9.

- 1 vòng bạc chạm hoa 0 lạng 3 đồng cân.

Bản kiểm kê vàng thật, bạc thật phải có đầy đủ chữ ký của những người trong ban kiểm kê tài sản và phải được thủ trưởng cơ quan xác nhận. Nếu có điều kiện, thì nên có sự xác nhận về trọng lượng và phẩm chất số vàng, bạc đó của cơ quan vàng, bạc ở địa phương (Cửa hàng sửa chữa vàng, bạc thuộc Ngân hàng Nhà nước).

Đối với người chết có để lại bản di chúc hoặc lời trối (lời trối phải được bệnh viện, cơ quan xác nhận) thì tài sản còn để lại phải được xử lý đúng theo di chúc hoặc lời trối của người chêt.

Thông tư này được thi hành kể từ ngày ký và thay thế các văn bản trước kia như:

- Công văn số 2098/B1 ngày 22-8-1959 của Ban Thống nhất.

- Thông tư số 7-NV ngày 22-12-1964 của Bộ Nội vụ.

- Công văn số 3398- V8/3 ngày 20-12-1966 của Bộ Nội vụ.

- Công văn số 1931-V8 ngày 27-7-1968 của Bộ Nội vụ.

- Công văn số 4125- V8 ngày 14-12-1969 của Bộ Nội vụ.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thiệp

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01-NV-1974 hướng dẫn việc tổ chức chôn cất, quản lý hồ sơ, di sản và mồ mả của cán bộ, đồng bào miền Nam chết ở trên miền Bắc do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 01-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/01/1974
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Đình Thiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 20/01/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản