Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2025/TT-BCT

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2025

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 14/2021/TT-BCT NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 40/2025/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2021/TT-BCT ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2021/TT-BCT ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:

“5. Ngành sản xuất trong nước trong điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ song phương là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Việc xác định tỷ lệ chủ yếu của đại diện ngành sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:

“3. Việc thẩm định hồ sơ yêu cầu, điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ song phương được thực hiện phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Nghị định số 86/2025/NĐ-CP và các quy định tại Chương này.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương

1. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương (trong Chương này gọi là hồ sơ yêu cầu) gồm các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.

2. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP phải đáp ứng bổ sung các nội dung cụ thể sau đây:

a) Thông tin mô tả về hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP là thông tin về hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương. Trong đó, thông tin về mã số hàng hóa phải căn cứ theo Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định;

b) Thông tin về khối lượng, số lượng và trị giá hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước khi nộp hồ sơ yêu cầu;

c) Thông tin, số liệu, chứng cứ về thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 7 Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP là thông tin, số liệu, chứng cứ trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước khi nộp hồ sơ yêu cầu. Trong trường hợp ngành sản xuất trong nước có thời gian hoạt động ít hơn 03 năm, dữ liệu thu thập là toàn bộ thời gian hoạt động của ngành sản xuất trong nước tính đến thời điểm nộp hồ sơ yêu cầu;

d) Yêu cầu cụ thể về việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương, thời hạn áp dụng và mức độ áp dụng.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Bên liên quan trong vụ việc điều tra được tiếp cận thông tin, tài liệu mà các bên liên quan khác đã cung cấp cho Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.”

Điều 2. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của pháp luật mới ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư Pháp);
- Công báo, Cổng TTĐT của Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng TTĐT của Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PVTM (15).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 27/2025/TT-BCT sửa đổi Thông tư 14/2021/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do về phòng vệ thương mại giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 27/2025/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/05/2025
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Sinh Nhật Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản