Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 27/2023/TT-BCA quy định về công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Chương IV

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Điều 17. Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo

1. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với công tác nghiên cứu chiến lược của lực lượng Công an nhân dân.

2. Đảng ủy, lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với công tác nghiên cứu chiến lược thuộc phạm vi quản lý.

3. Đảng ủy, lãnh đạo Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an để quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ, chủ trì tổ chức công tác nghiên cứu chiến lược trong Công an nhân dân.

Điều 18. Bố trí cán bộ làm công tác nghiên cứu chiến lược

1. Bộ Công an xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu chiến lược tại đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên trách, các đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên ngành Công an nhân dân.

2. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an xây dựng cán bộ nghiên cứu chiến lược chuyên trách tại Viện Chiến lược Công an; tổ chức phân công nhiệm vụ theo lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và vấn đề an ninh toàn cầu, khu vực.

3. Công an đơn vị, địa phương bố trí cán bộ nghiên cứu chiến lược kiêm nhiệm tại phòng tham mưu, phòng chuyên đề nghiên cứu khoa học hoặc viện, ban, trung tâm nghiên cứu trực thuộc. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, cán bộ nghiên cứu chiến lược được huy động tham gia công tác tại các đơn vị nghiệp vụ.

Điều 19. Cơ chế thông tin phục vụ nghiên cứu chiến lược

1. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an được tiếp nhận báo cáo định kỳ gồm: Báo cáo sơ kết 6 tháng, báo cáo tổng kết năm của Công an các đơn vị, địa phương tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5, trừ các đơn vị tình báo; Báo cáo chuyên đề tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 9 Thông tư số 66/2022/TT-BCA ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ báo cáo trong Công an nhân dân.

2. Bộ phận nghiên cứu chiến lược các đơn vị, địa phương được tiếp nhận báo cáo chuyên đề tại điểm c khoản 3 Điều 9 Thông tư số 66/2022/TT-BCA ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ báo cáo trong Công an nhân dân.

3. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, bộ phận nghiên cứu chiến lược Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm hệ thống hóa, lưu trữ và quản lý tài liệu, báo cáo được tiếp cận theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và tổng hợp tình hình theo quý, 6 tháng, năm trên từng lĩnh vực.

4. Các ấn phẩm thông tin khoa học, bản tin nghiệp vụ trong Công an nhân dân được quản lý thống nhất, lưu trữ hệ thống tại Phòng Lưu trữ và Thông tin khoa học Công an thuộc Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an nhằm xây dựng, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong Công an nhân dân, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo, chỉ huy.

5. Cơ chế thông tin phục vụ nghiên cứu chiến lược về tình báo được thực hiện theo các quy định về trao đổi, phối hợp trong công tác tình báo.

Điều 20. Tiêu chuẩn đối với cán bộ nghiên cứu chiến lược

1. Tiêu chuẩn đối với cán bộ nghiên cứu chiến lược thực hiện theo quy định đối với nghiên cứu viên tại Thông tư số 78/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chức danh của sĩ quan, hạ sĩ quan trong Công an nhân dân.

2. Thủ trưởng các đơn vị xác định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ nghiên cứu chiến lược chuyên trách, cán bộ nghiên cứu chiến lược kiêm nhiệm thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm phát huy chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân.

Điều 21. Chế độ đối với cán bộ nghiên cứu chiến lược

1. Chế độ đối với cán bộ nghiên cứu chiến lược thực hiện theo quy định đối với cán bộ làm công tác tham mưu Công an nhân dân tại Thông tư số 05/2023/TT-BCA ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định một số chế độ bảo đảm và khuyến khích đối với công tác tham mưu và cán bộ làm công tác tham mưu Công an nhân dân.

2. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, cán bộ nghiên cứu chiến lược chuyên trách được tham gia sơ kết, tổng kết chuyên đề, xây dựng chiến lược của Bộ Công an về các mặt công tác công an phục vụ tham mưu, hoạch định chiến lược trên các lĩnh vực.

3. Cán bộ nghiên cứu chiến lược chuyên trách được ưu tiên tham gia nghiên cứu chính trong các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ; các hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật với các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề liên quan đến lĩnh vực, địa bàn, đối tượng nghiên cứu; khảo sát, điều tra xã hội học về an ninh, trật tự.

4. Cán bộ nghiên cứu chiến lược kiêm nhiệm được ưu tiên tham gia nghiên cứu chính trong các nhiệm vụ khoa học cấp bộ, giao chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, được ưu tiên đào tạo trình độ sau đại học và bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, lý luận chính trị.

Điều 22. Cơ chế hợp tác phục vụ công tác nghiên cứu chiến lược

1. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chủ trì tổ chức các hoạt động phối hợp huy động lực lượng nghiên cứu chiến lược của Công an đơn vị, địa phương trong Công an nhân dân.

2. Viện Chiến lược Công an phối hợp với các đơn vị chức năng của bộ, ban, ngành; các tổ chức nghiên cứu quốc tế trong và ngoài nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công an về các hoạt động của Viện Chiến lược Công an theo quy định pháp luật.

3. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong nước đăng ký cán bộ tham gia các đoàn khảo sát ở trong và ngoài nước do các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chủ trì để phục vụ công tác nghiên cứu chiến lược.

4. Cơ chế hợp tác phục vụ công tác nghiên cứu chiến lược về tình báo được thực hiện theo các quy định về công tác tình báo.

Điều 23. Cơ chế huy động chuyên gia, cán bộ phục vụ nghiên cứu chiến lược

1. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an được sử dụng cơ chế huy động chuyên gia trong Công an nhân dân. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an thường xuyên rà soát và lập danh sách các chuyên gia phù hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an thực hiện theo quy định pháp luật.

2. Việc huy động chuyên gia tham gia công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được thực hiện theo hình thức ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn.

3. Chuyên gia trong Công an nhân dân khi được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược được tiếp cận thông tin, tài liệu như cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu chiến lược.

4. Trường hợp cần thiết do yêu cầu, nhiệm vụ, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp với Công an đơn vị, địa phương huy động cán bộ nghiên cứu chiến lược chuyên trách đi công tác thực tế, phục vụ nghiên cứu chiến lược và huy động cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp từ các đơn vị tham gia nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược theo chức năng và phân công của lãnh đạo Bộ.

Điều 24. Động viên, khen thưởng

1. Định kỳ hằng năm, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương liên quan tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, sơ kết, tổng kết và quyết định hình thức khen thưởng phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu chiến lược.

2. Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương thường xuyên, kịp thời động viên, khen thưởng hoặc báo cáo, đề xuất lãnh đạo cấp trên có hình thức phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu chiến lược.

Thông tư 27/2023/TT-BCA quy định về công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 27/2023/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/07/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: 01/08/2023
  • Số công báo: Từ số 873 đến số 874
  • Ngày hiệu lực: 20/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH