Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 26-BYT/TT | Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1957 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VIỆN CHỐNG LAO
Với mục đích điều tra và khám phá tình hình bệnh lao, rút kinh nghiệm về phương pháp phòng lao, chữa lao, gây cơ sở cho công trình chống lao để giúp nhân dân giải quyết dần dần tai nạn về bệnh lao trên toàn miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị định số 273-TTg ngày 24-06-1957 thành lập Viện Chống lao ở trung ương.
Theo tinh thần nghị định đó, Bộ ra thông tư này để quy định cụ thể về tổ chức Viện Chống lao như sau:
Nhiệm vụ của Viện Chống lao là nghiên cứu bệnh lao để giúp Bộ lãnh đạo công tác phòng lao và chữa bệnh lao. Cụ thể:
- Phụ trách về công tác nghiên cứu bệnh lao.
- Cứu chữa bệnh nhân lao tại Viện.
- Cứu chữa bệnh nhân lao ngoại trú.
- Tổ chức thí điểm về an dưỡng cho bệnh nhân lao.
- Khám phá bệnh lao trong các cơ quan, công trường, xí nghiệp, trường học và trong nhân dân.
- Tuyên truyền giáo dục ý thức và phương pháp phòng lao trong nhân dân và cán bộ.
- Tổ chức phòng lây lao cho các gia đình có bệnh nhân lao.
- Theo dõi bệnh nhân lao đã ra viện.
- Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chuyên khoa về bệnh lao.
Viện Chống lao gồm có:
- 1 bộ phận điều trị
- 1 bộ phận nghiên cứu
- 1 bộ phận an dưỡng (thí điểm)
- 1 bộ phận thí nghiệm
- 1 bộ phận huấn luyện
- 1 bộ phận tổ chức và hành chính quản trị
- Các tổ chức về chuyên môn như điện quang, dược chính v.v…
1) Bộ phận điều trị có nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân lao do bộ phận nghiên cứu giới thiệu vào. Sau thời gian điều trị sẽ gửi bệnh nhân trả về cơ quan, địa phương hay đi an dưỡng và chuyển hồ sơ, tài liệu cho bộ phận nghiên cứu theo dõi. Tổ chức của bộ phận điều trị là bệnh viện “A” hiện tại.
2) Bộ phận nghiên cứu lấy tên là Phòng nghiên cứu là cơ quan khám phá và điều trị bệnh lao tại nhà (dispensaire), và có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu bệnh lao và tình hình bệnh lao trong nước.
- Lưu động điều tra phát hiện bệnh lao trong nhân dân.
- Khám bệnh nhân để nhận vào Viện điều trị hoặc hướng dẫn về điều trị tại gia đình.
- Theo dõi hướng dẫn điều trị ngoại trú và cách phòng bệnh cho gia đình bệnh nhân.
- Lập hồ sơ bệnh nhân lao để theo dõi tình hình và thường kỳ kiểm tra giúp đỡ cho bệnh nhân tự vệ khi đã lành bệnh.
Phòng nghiên cứu có hai bộ phận: một bộ phận tĩnh tại và một bộ phận lưu động để phân công nhau làm những nhiệm vụ trên.
3) Bộ phận thí điểm an dưỡng lấy tên là “Thôn an dưỡng” có nhiệm vụ tiếp thu một số bệnh nhân lao, do bộ phận điều trị giới thiệu về, để vừa tiếp tục điều trị, vừa hướng dẫn bệnh nhân lao động từ mức thấp đến mức cao, tạo điều kiện cho bệnh nhân phục hồi dần sức lao động sản xuất.
Thôn an dưỡng sẽ được thiết lập ở một địa điểm do Viện Chống lao lựa chọn sau khi đã được chính quyền địa phương đồng ý và Bộ chuẩn y.
Tại Thôn an dưỡng sẽ tổ chức tăng gia sản xuất, trồng cây và chăn nuôi, để cung cấp cho công tác nghiên cứu đồng thời đảm bảo một phần tự túc sinh hoạt phù hợp với tình hình sức khỏe của bệnh nhân đang an dưỡng.
4) Bộ phận thí nghiệm lấy tên là Phòng thí nghiệm có nhiệm vụ đảm bảo mọi công tác xét nghiệm vi trùng và sinh hóa học để phục vụ cho công tác điều trị và nghiên cứu.
Phòng thí nghiệm chia làm 2 bộ phận: một bộ phận phụ trách những công tác thường xuyên hàng ngày và một bộ phận phụ trách những công tác thuộc loại nghiên cứu có thời gian theo kế hoạch.
5) Bộ phận huấn luyện lấy tên là Phòng huấn luyện giáo dục và tuyên truyền có nhiệm vụ đào đạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa nghiên cứu xây dựng tổ chức phòng lao và chống lao, nghiên cứu phương pháp và hình thức giáo dục tuyên truyền chống bệnh lao, phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của nhân dân từng nơi, từng lúc. Bộ phận này phụ trách thư viện và tài liệu nghiên cứu của Viện.
6) Bộ phận tổ chức và hành chính quản trị phụ trách về công tác chính trị và hành chính quản trị của toàn Viện. Bộ phận này chia làm hai phòng: Phòng tổ chức và Phòng hành chính quản trị.
7) Ngoài các bộ phận chính nói trên, Viện Chống lao còn có các tổ chức về chuyên môn như: điện quang, dược chính, đông y, răng, tai, mũi, họng v.v…
Các tổ chức chuyên môn này sẽ do Viện quy định nhiệm vụ và sắp xếp tổ chức nhằm đảm bảo sự phục vụ cho toàn viện.
“Viện Chống lao” đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Bộ, Thứ trưởng. Các cơ quan kế cận Bộ sẽ tùy theo từng mặt công tác có liên quan, để giúp Bộ chỉ đạo, theo dõi tình hình hoạt động và tham gia ý kiến trong việc xây dựng Viện.
Các cơ quan điều trị và các Viện nghiên cứu khác của Bộ đều có quan hệ phối hợp với Viện Chống lao về mặt chuyên môn.
Các bệnh viện lao trực thuộc Bộ có quan hệ trực tiếp với Viện về các mặt trao đổi hướng dẫn kinh nghiệm chữa bệnh, phòng bệnh và tài liệu nghiên cứu.
Đối với các bệnh viện địa phương và các Viện Điều dưỡng có bệnh nhân lao thì Bộ sẽ phái cán bộ của Viện về kiểm tra công tác, hướng dẫn về chuyên môn, nắm tình hình bệnh tật và thu thập tài liệu kinh nghiệm về bệnh lao.
Bộ phận lưu động của Viện, mỗi khi đến hoạt động nơi nào, thì phải có sự thảo luận trước với nơi ấy để kịp chuẩn bị.
Thôn an dưỡng được thiết lập ở địa phương nào (nếu cách xa Viện) thì Khu và Ty Y tế địa phương có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với chính quyền để giúp đỡ Viện về phương tiện xây dựng cơ sở cũng như về sinh hoạt vật chất và tinh thần.
Về mặt sinh hoạt chính trị của Thôn an dưỡng thì dù ở xa Viện cũng vẫn chịu sự lãnh đạo của Viện.
IV. - CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC TRONG VIỆN
Viện do một Ban Giám đốc điều khiển.
Trong bộ phận điều trị có Ban Y vụ gồm Giám đốc Viện và một số cán bộ kỹ thuật (do Ban Giám đốc lựa chọn) để lãnh đạo về điều trị và nghiên cứu hàng ngày. Viện có thể thành lập một Hội đồng chuyên môn gồm các cán bộ kỹ thuật của Viện để giúp Ban Giám đốc trong công tác nghiên cứu và hoạt động của Viện.
Bệnh nhân lao khi ra Viện (có hồ sơ theo dõi tại Viện) được giới thiệu về chỗ cũ hoặc đến nơi nào thì Viện sẽ đặt quan hệ với nơi ấy để giúp đỡ Viện trong việc theo dõi. Chính quyền nơi ấy có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp do Viện đề ra để bảo vệ người bị lao như chế độ bồi dưỡng, sự phân công hợp lý v.v… Cơ quan Y tế nơi đó có trách nhiệm theo sát bệnh nhân để săn sóc giúp đỡ, nắm tình hình và hướng dẫn bệnh nhân phòng bệnh giữ sức (Viện sẽ lập dự án cụ thể về chế độ này trình Bộ duyệt và ban hành).
Bệnh nhân lao mỗi khi ra Viện sẽ được Viện cung cấp tài liệu hướng dẫn phòng bệnh giữ sức một cách chu đáo.
VI. - VẤN ĐỀ BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO CÁN BỘ
Viện sẽ tổ chức học tập tại chức cho cán bộ, công nhân viên toàn Viện để bồi dưỡng về nghiệp vụ.
Viện Chống lao còn có trách nhiệm hướng dẫn thực tập cho số học sinh chuyên khoa về lao do các trường y tế giới thiệu đến và khi cần sẽ cử cán bộ chuyên khoa đến tham gia giảng dạy ở các lớp các trường đào tạo cán bộ y tế.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Thông tư 26-BYT/TT năm 1957 về việc thành lập viện chống lao do Bộ Y Tế ban hành
- Số hiệu: 26-BYT/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/07/1957
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Hoàng Tích Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 30
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra