Điều 4 Thông tư 25/2020/TT-NHNN về quy định Quy trình luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ kế toán trong hệ thống "Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống" tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Điều 4. Nguyên tắc luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ kế toán
1. Nguyên tắc luân chuyển chứng từ kế toán
a) Tất cả các chứng từ kế toán do đơn vị kế toán NHNN lập hoặc tiếp nhận từ khách hàng chuyển đến phải được kiểm tra, kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ trước khi sử dụng chứng từ đó để ghi sổ kế toán;
b) Đối với chứng từ liên quan đến việc nộp và lĩnh tiền mặt: nếu là chứng từ nộp tiền mặt thì sau khi bộ phận kho quỹ thu đủ tiền, kế toán viên mới ghi sổ kế toán; nếu là chứng từ lĩnh tiền mặt thì kế toán viên phải ghi sổ kế toán trước sau đó mới chuyển sang bộ phận kho quỹ chi trả tiền;
c) Đối với các chứng từ dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản) thì chỉ ghi Có vào tài khoản của bên thụ hưởng khi đã trích nợ tài khoản của bên trả tiền (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác);
d) Chứng từ luân chuyển giữa các bộ phận trong đơn vị kế toán NHNN phải do cán bộ trong đơn vị đó thực hiện, không được chuyển qua tay khách hàng. Chứng từ thanh toán ra ngoài đơn vị kế toán NHNN như chuyển tiền, thanh toán bù trừ… thì luân chuyển qua mạng nội bộ, mạng liên ngân hàng, bưu điện hoặc thực hiện giao nhận chứng từ trực tiếp giữa các đơn vị kế toán NHNN có liên quan.
2. Nguyên tắc kiểm soát, đối chiếu chứng từ kế toán
a) Tất cả các chứng từ kế toán ngân hàng phải được kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ và kiểm soát chặt chẽ trước khi thực hiện các nghiệp vụ (hạch toán, thanh toán, thu, chi…), nội dung của việc kiểm tra, kiểm soát chứng từ kế toán ngân hàng gồm:
- Đối với chứng từ giấy
Kiểm tra tính rõ ràng, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu, số liệu, các yếu tố ghi chép trên chứng từ kế toán;
Kiểm soát nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đã ghi trên chứng từ kế toán đảm bảo đúng quy định tại Luật Kế toán, đối chiếu đảm bảo khớp đúng các nội dung trên chứng từ kế toán với các chứng từ, hồ sơ khác có liên quan;
Kiểm soát ký hiệu mật (KHM) đối với các chứng từ quy định có KHM;
Kiểm soát việc chấp hành quy trình tại Thông tư này của người lập, kiểm tra, xét duyệt đối với từng loại nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
Kiểm tra, đối chiếu dấu (nếu có) và chữ ký trên chứng từ (gồm chữ ký của khách hàng và chữ ký của các cán bộ có liên quan trong đơn vị kế toán NHNN) đảm bảo dấu và chữ ký trên chứng từ đúng với mẫu dấu và chữ ký đã đăng ký tại đơn vị kế toán NHNN.
- Đối với chứng từ điện tử
Việc kiểm soát chứng từ điện tử được chia thành hai bước, phần kỹ thuật thông tin phải được kiểm soát trước, sau đó mới tiến hành kiểm soát phần nội dung nghiệp vụ.
Bước 1: Kiểm soát kỹ thuật thông tin, bao gồm:
Kiểm tra chữ ký số của người lập và người kiểm soát tại khâu trước, KHM và các mã khoá bảo mật (mã nhận biết) trên chứng từ phải đúng với mã định dạng đã quy định; các mật mã trên chứng từ phải đúng với mật mã quy định;
Tên tập tin phải được lập đúng tên, mẫu thông tin quy định;
Bước 2: Kiểm soát phần nội dung nghiệp vụ:
Kiểm tra nội dung chứng từ;
Kiểm tra tên, số hiệu tài khoản, ngày giá trị trên chứng từ và các nội dung khác trên chứng từ;
Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi đảm bảo đủ để chi trả số tiền trên chứng từ;
b) Cán bộ hậu kiểm không được thực hiện kiểm soát lại các giao dịch do chính mình đã kiểm soát hoặc đã thực hiện xử lý trên hệ thống phần mềm kế toán;
c) Việc kiểm tra, đối chiếu chứng từ với các báo cáo kiểm soát (sau đây gọi tắt là báo cáo) của ngày giao dịch phải hoàn thành ngay trong ngày làm việc tiếp theo.
3. Điều kiện tập hợp, lưu trữ các báo cáo bằng phương tiện điện tử
a) Nội dung của thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập, tra cứu và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;
b) Nội dung của thông điệp dữ liệu đó được lưu trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung dữ liệu đó;
c) Thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu.
4. Áp dụng chữ ký số đối với các báo cáo kiểm soát
a) Chữ ký số phải gắn kèm các báo cáo nhằm phục vụ công tác kiểm soát, đối chiếu chứng từ sau khi ký số. Các báo cáo được ký số phải đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn trong suốt quá trình trao đổi qua mạng máy tính, xử lý và lưu trữ các báo cáo được ký số;
b) Thủ trưởng đơn vị kế toán NHNN ký số có trách nhiệm bảo quản an toàn khóa bí mật và thiết bị lưu trữ khóa bí mật của chứng thư số cá nhân;
c) Cán bộ nghiệp vụ, kế toán viên, cán bộ kiểm soát, cán bộ hậu kiểm có trách nhiệm ký trên các báo cáo phải ký bằng chữ ký số lên các báo cáo kiểm soát ngay sau khi hoàn thành phần việc được giao.
5. Quy trình ký số các báo cáo
Khi việc ứng dụng công nghệ thông tin đủ đáp ứng các điều kiện để lưu trữ các báo cáo theo quy định tại Khoản 3 Điều này, cán bộ nghiệp vụ, kế toán viên, kiểm soát viên, cán bộ hậu kiểm không phải in các mẫu báo cáo thành bản giấy, mà thực hiện ký số trên từng báo cáo tuân thủ theo nguyên tắc thứ tự từng khâu trong Quy trình luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu chứng từ như luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu chứng từ giấy.
6. Nguyên tắc tập hợp sắp xếp chứng từ
Chứng từ kế toán trong ngày được tập hợp đầy đủ, sắp xếp đảm bảo khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu, lưu trữ.
a) Các chứng từ của một (01) giao dịch hạch toán phải được sắp xếp theo thứ tự: Chứng từ ghi sổ; Chứng từ gốc và các chứng từ kèm theo khác (Chứng từ kèm theo khác được sắp xếp theo thứ tự phát sinh chứng từ).
Chứng từ của giao dịch điều chỉnh được sắp xếp theo thứ tự: Chứng từ điều chỉnh trong đó ghi rõ điều chỉnh từ giao dịch nào hoặc bản sao chứng từ gốc (trường hợp chứng từ gốc không được lưu cùng tập chứng từ);
b) Trường hợp một (01) chứng từ gốc liên quan đến hai (02) hay nhiều giao dịch hạch toán khác nhau nhưng không được xếp liền nhau tại cùng một (01) tập chứng từ, kế toán viên thực hiện:
- Nếu các giao dịch thuộc cùng một (01) tập chứng từ: Chứng từ gốc được sắp xếp tại tập chứng từ của giao dịch hạch toán nghiệp vụ đầu tiên. Trên chứng từ hạch toán của nghiệp vụ tiếp theo ghi rõ “chứng từ gốc được lưu tại chứng từ số...” hoặc trên chứng từ gốc ghi rõ “chứng từ gốc của chứng từ số...”;
- Nếu các giao dịch thuộc các tập chứng từ khác nhau của cùng một ngày làm việc: chứng từ gốc được sắp xếp tại tập chứng từ của giao dịch hạch toán nghiệp vụ đầu tiên. Tại nghiệp vụ tiếp theo, tuỳ theo yêu cầu sử dụng thông tin của từng giao dịch, có thể thực hiện: Trên chứng từ hạch toán của tập chứng từ ghi rõ “chứng từ gốc lưu tại bộ chứng từ... chứng từ số...”; Hoặc tại giao dịch hạch toán nghiệp vụ tiếp theo lưu liên 2 hoặc bản sao chụp chứng từ gốc (có ghi rõ “chứng từ gốc lưu tại bộ chứng từ... chứng từ số...”);
- Nếu các giao dịch hạch toán tại các ngày giao dịch khác nhau: Chứng từ gốc được sắp xếp tại bộ chứng từ của ngày thực hiện giao dịch đầu tiên, tại bộ chứng từ của các ngày giao dịch tiếp theo thực hiện lưu liên 2 hoặc bản sao chụp chứng từ gốc (có ghi rõ “chứng từ gốc lưu tại ngày... tập chứng từ... chứng từ số...”).
7. Nguyên tắc xử lý khi phát hiện sai sót trong quá trình luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu chứng từ
a) Khi kiểm soát chứng từ kế toán nếu phát hiện có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật liên quan thì cán bộ nghiệp vụ, kế toán viên phải từ chối việc thực hiện (thanh toán, xuất quỹ, xuất kho…), đồng thời báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị kế toán NHNN biết để có biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;
b) Những tài liệu nghiệp vụ, chứng từ kế toán lập không đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp thì phải trả lại khách hàng hoặc báo cho người lập chứng từ biết để lập lại hoặc điều chỉnh cho đúng, sau đó mới dùng làm căn cứ ghi sổ kế toán;
c) Việc thực hiện xử lý sai sót phải tuân thủ theo đúng cơ chế, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn thao tác trên phần mềm kế toán, quy định pháp luật kế toán và các quy định của pháp luật liên quan.
Thông tư 25/2020/TT-NHNN về quy định Quy trình luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ kế toán trong hệ thống "Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống" tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Số hiệu: 25/2020/TT-NHNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 31/12/2020
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đào Minh Tú
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 111 đến số 112
- Ngày hiệu lực: 01/03/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ kế toán
- Điều 5. Trách nhiệm các thành viên tham gia quy trình
- Điều 6. Tại bộ phận nghiệp vụ
- Điều 7. Tại bộ phận kế toán
- Điều 8. Tại bộ phận kiểm soát
- Điều 9. Tại bộ phận hậu kiểm
- Điều 10. Tập hợp, sắp xếp chứng từ, báo cáo của toàn đơn vị kế toán NHNN
- Điều 11. Xử lý sai sót trong quá trình luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu chứng từ
- Điều 12. Luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ tại Sở Giao dịch
- Điều 13. Luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ tại Vụ Tài chính - Kế toán