Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/1997/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 25/1997/TT-BGD&ĐỐI TƯỢNG NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 89/CP NGÀY 7-8-1997 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN, THỰC HIỆN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Ngày 7-8-1997 Chính phủ đã ra Nghị định số 89/CP về việc ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân. Để triển khai thực hiện Nghị định trên tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường trực thuộc Bộ, các Sở Giáo dục - Đào tạo, Bộ hướng dẫn một số điểm như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường trực thuộc Bộ, các Sở Giáo dục - Đào tạo, tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên nhằm mục đích:

a. Tiếp nhận các phản ánh, thông tin, kiến nghị những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về giáo dục - đào tạo.

b. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo về những vi phạm trong chấp hành chính sách, pháp luật về giáo dục - đào tạo và những vấn đề trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền.

c. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng chính sách, pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. 2. Việc tiếp công dân của Bộ và các cấp trong ngành Giáo dục - Đào tạo phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 89/CP ngày 7-8-1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân và các quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo của công dân.

II. TỔ CHỨC VIỆC TIẾP CÔNG DÂN TẠI CƠ QUAN BỘ

1. Phòng tiếp công dân của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo được đặt tại trụ sở làm việc của Bộ: 49 - Đại Cồ Việt - Quận Hai Bà Trưng - TP Hà Nội (Có sơ đồ hướng dẫn).

Phòng tiếp công dân được bố trí một phòng riêng nơi thuận tiện, nghiêm trang, có đủ bàn ghế và phương tiện cần thiết, có nội quy phòng tiếp dân, sổ góp ý để công dân phản ánh với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm trang bị, quản lý cơ sơ vật chất và đảm bảo các điều kiện làm việc của phòng tiếp công dân.

2. Việc tiếp công dân ở cơ quan Bộ được thực hiện thường xuyên.

3. Thanh tra Giáo dục có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý về công tác tiếp dân trong ngành giáo dục - đào tạo. Thanh tra Giáo dục chủ trì thực hiện việc điều phối các đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức việc thường trực tiếp công dân.

4. Lịch phân công cán bộ trực tại phòng tiếp dân do Thanh tra Giáo dục bố trí và được ghi tại Phòng tiếp dân.

5. Thanh tra Giáo dục yêu cầu và các đơn vị thuộc Bộ cử cán bộ tiếp dân. Khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân phải thực hiện đúng các quy định của Nghị định 89/CP.

6. Khi tiếp công dân tuỳ theo nội dung vấn đề đặt ra, cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm xử lý như sau:

a. Những vấn đề thuộc về phản ánh thông tin, kiến nghị: thông báo cho các đơn vị có liên quan để cử cán bộ có thẩm quyền, chức trách gặp gỡ, trao đổi và tiếp thu.

b. Những vấn đề thuộc về khiếu nại, tố cáo: nghe và phân loại xử lý:

- Tiếp nhận những vụ việc thuộc thẩm quyền xét giải quyết trực tiếp của Bộ, hoặc những vụ việc mà Bộ có trách nhiệm can thiệp theo thẩm quyền quản lý nhà nước để yêu cầu các cơ quan có liên quan giải quyết.

- Với những vụ việc không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm xem xét giải quyết thì hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Pháp lệnh về khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 7-5-1991.

7. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp, ghi nhận và giải quyết những yêu cầu của công dân có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và phải trả lời kịp thời cho công dân.

8. Việc tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ được quy định như sau:

a. Tiếp công dân theo định kỳ, có sự chuẩn bị trước:

- Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công một đồng chí Thứ trưởng tiếp công dân định kỳ vào ngày 25 hàng tháng (nếu trùng vào ngày Lễ hoặc chủ nhật thì được chuyển sang ngày tiếp sau); không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết;

- Thanh tra Giáo dục hoặc đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm chuẩn bị, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét trước nội dung các vấn đề cần giải quyết trong buổi tiếp; thông báo cho đương sự biết trước nội dung và thời gian Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp; thủ trưởng các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng dự tiếp theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

- Trong buổi tiếp, Lãnh đạo Bộ nghe công dân trình bày, có ý kiến giải quyết tại chỗ hoặc chỉ đạo Thanh tra Giáo dục và đơn vị, tổ chức thuộc Bộ có liên quan tiếp tục nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ xem xét giải quyết theo thời hạn được ấn định;

b. Tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết:

- Trường hợp có những khiếu nại, tố cáo khẩn thiết, phức tạp, có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây mất ổn định tình hình nếu không có những chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời bước đầu, thì Thanh tra Giáo dục báo cáo ngay với Lãnh đạo Bộ để trực tiếp gặp đương sự, nghe trình bày và có ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời.

- Trường hợp cần tiếp công dân theo chỉ thị của cấp trên, thì tuỳ theo nội dung, tính chất của sự việc, Lãnh đạo Bộ trực tiếp hoặc phân công thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp đương sự.

9. Ngày 15 của tháng cuối quý, Thanh tra Giáo dục tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo về công tác tiếp công dân trình Lãnh đạo Bộ xem xét, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Nhà nước.

III. TỔ CHỨC VIỆC TIẾP CÔNG DÂN TẠI CÁC SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, CÁC TRƯỜNG TRỰC THUỘC BỘ

1. Hiệu trưởng các trường trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm căn cứ vào Nghị định 89/CP và các quy định của Thông tư này tổ chức việc tiếp công dân tại trụ sở làm việc của cơ quan mình, cử cán bộ chuyên trách tiếp dân thường xuyên và hướng dẫn các Phòng Giáo dục thực hiện việc tiếp công dân.

2. Hiệu trưởng các trường trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo định kỳ tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết.

3. Định kỳ hàng quý Hiệu trưởng các trường trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân báo cáo Bộ (qua Chánh Thanh tra Giáo dục) trước ngày 10 tháng cuối quý.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị trực thuộc, các trường trực thuộc, các Sở Giáo dục - Đào tạo phản ánh về Bộ nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 25/1997/TT-BGDĐT hướng dẫn Nghị định 89/CP-1997 ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân, thực hiện trong ngành giáo dục đào tạo do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ban hành

  • Số hiệu: 25/1997/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 15/01/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản